Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nộp đủ 3 triệu USD khắc phục hậu quả, vẫn có thể bị tuyên án tử hình

Nhàđầutư
Gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã nộp 66 tỷ đồng tiền mặt để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối nhận định ông Son vẫn có thể bị HĐXX tuyên án tử hình.
QUANG DÂN
27, Tháng 12, 2019 | 15:18

Nhàđầutư
Gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã nộp 66 tỷ đồng tiền mặt để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối nhận định ông Son vẫn có thể bị HĐXX tuyên án tử hình.

Chiều 27/12, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết tính đến nay, gia đình đã nộp 66 tỷ đồng tiền mặt nhằm giúp ông khắc phục hoàn toàn hậu quả của hành vi nhận hối lộ.

Ngoài số tiền này, ông Nguyễn Bắc Son đang bị kê biên phong tỏa tài khoản tiền mặt hơn 500 triệu đồng và một căn nhà ở phố Lý Nam Đế, quận Ba Đình, Hà Nội.

Theo dự kiến, 9h sáng mai, 28/12, Hội đồng xét xử TAND TP. Hà Nội sẽ ra phán quyết đối với các bị cáo trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG. 

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, trong phần luận tội tại TAND TP. Hà Nội ngày 20/12, VKSND Hà Nội đề nghị phạt cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son 16-18 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", án tử hình do "Nhận hối lộ"; hình phạt chung là tử hình.

Cơ quan công tố nhận định, bị cáo Nguyễn Bắc Son, với chức vụ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, là người có quyền hạn cao nhất ở cơ quan này. Bị cáo có vai trò quyết định trong việc triển khai dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

Xuất phát từ động cơ tư lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, bị cáo đã định hướng, chỉ đạo quyết liệt cấp dưới tại MobiFone và các thành viên chủ chốt tại MobiFone thực hiện dự án dẫn đến sai phạm đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi thương vụ hoàn tất, bị cáo đã nhận số tiền 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ.

Trong vụ án này, bị cáo giữ vai trò đứng đầu. Xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án, chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son mang tính quyết liệt, buộc cấp dưới phải thực hiện. Do đó, ông Son phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả đã xảy ra.

Bị cáo cũng là người được hưởng cao nhất so với các bị cáo khác từ thương vụ AVG, với số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn. Từ các căn cứ nêu trên, VKS quy kết ông Nguyễn Bắc Son phải chịu trách nhiệm cao nhất trong số 14 bị cáo ở vụ án này.

Ông Son được tặng nhiều huân, huy chương và có nhiều thành tích trong công tác. Với những thành tích đó, đáng lẽ bị cáo phải là tấm gương đạo đức về sự trung thực, tận tâm phục vụ đất nước và nhân dân. 

Nhưng vì hám lợi vật chất, bị cáo đã tha hóa bản thân và phạm tội đặc biệt nghiêm trọng gây tổn hại uy tín của các cán bộ chân chính. Dù trong quá trình điều tra, bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội nhưng khi ra tòa, bị cáo tự mình phủ nhận rồi lại thừa nhận một phần. Điều đó cho thấy bị cáo chưa thực sự ăn năn, hối lỗi.

Tại phiên tòa ngày 21/12, thẩm phán Trương Việt Toàn cho hay, HĐXX có nhận được thư của bị cáo Nguyễn Bắc Son, trong thư cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, gia đình ông đã khắc phục được 12,5 tỷ đồng, còn 55 tỷ đồng. Số tiền còn lại, bị cáo Son cam kết sẽ tiếp tục động viên gia đình khắc phục trước ngày 26/12. Trước mắt là đưa căn nhà của bị cáo tại số 14 ngõ 36 C1 Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào làm tài sản đảm bảo thi hành án.

photo-1-1576671897973574690054-crop-1576890047856934164965-1241-0914

Ông Nguyễn Bắc Son tại tòa.

Tiếp đó, tại phiên tòa ngày 23/12, thẩm phán Trương Việt Toàn thông tin, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã khắc phục được 21 tỷ đồng.

Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết thêm, gia đình bị cáo Son có nộp một số chứng từ chuyển tiền. Trong đó, ông Trần Quang Hưng (con rể ông Son) cho hay, lý do nộp tiền là theo ý nguyện của bị cáo Nguyễn Bắc Son trong vụ MobiFone mua AVG. Ngoài gia đình ông Son còn có một số người khác đã giúp nộp tổng số 21 tỷ đồng.

Cũng trong phiên tòa này, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đã tiến hành đối đáp lại với phần bào chữa của các bị cáo, luật sư.

Đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son, theo đại diện VKS, tại phiên tòa bị cáo đã khai nhận hành vi bị VKS truy tố theo tội danh "Nhận hối lộ" ở điều 220 và "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" điều 324 là đúng, thừa nhận vai trò chỉ đạo xuyên suốt dự án, định hướng, chỉ đạo quyết liệt dự án.

Tuy nhiên, đại diện VKS đã phản hồi lại ý kiến của các luật sư cho rằng VKS đánh giá vai trò của bị cáo Son chưa đúng, bị cáo không phải là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo quyết liệt và quá trình điều tra vi phạm tố tụng hình sự.

"Cáo trạng, luận tội chưa bao giờ quy kết bị cáo Nguyễn Bắc Son giữ vai trò chủ mưu cầm đầu mà chỉ đánh giá vai trò của bị cáo Son là người định hướng, chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt trong quá trình thực hiện dự án. 

Tuy nhiên, sáng nay, VKS nhận được đơn thỉnh cầu của bị cáo Son, trong đó, có nội dung, bị cáo đã nhận là người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo từ đầu đến cuối dự án. Bị cáo xin nhận trách nhiệm chính về việc đã xảy ra sai phạm này. Do đó, VKS không tranh luận thêm về vấn đề này", đại diện VKS nói.

Về việc luật sư cho rằng, quá trình điều tra, cơ quan điều tra có hiện tượng bưng bít thông tin, không thông báo bức thư bị cáo Nguyễn Bắc Son gửi vợ mà đưa vào hồ sơ vụ án dẫn đến khó khăn cho bị cáo khắc phục hậu quả, đại diện VKS cho biết, bức thư bị cáo Nguyễn Bắc Son gửi vợ là tài liệu chứng cứ của vụ án chứ không phải là thư tình của ông Son gửi cho vợ mình, do đó, cần phải được thu tập đưa vào hồ sơ vụ án theo quy định của pháp luật.

Hơn nữa, ông Son có ý thức khắc phục hậu quả nhưng gia đình không hợp tác. Cụ thể, ngày 14/3/2019, ông Son khai nhận 3 triệu USD của cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ và sau đó viết thư gửi gia đình mong muốn được nộp lại tiền. Cơ quan điều tra sau đó mời vợ ông Son đến nhận thư song bà không tới mà uỷ quyền cho con gái. Sau cuộc gặp này, gia đình ông Son chưa nộp tiền khắc phục hậu quả.

Quá trình điều tra tiếp theo, ông Son vẫn muốn khắc phục hậu quả, có đơn xin tự nguyện khắc phục. Một lần nữa, ông Son đề nghị gặp vợ và con trai để trao đổi về số tiền đã nhận. Ngày 12/8, điều tra viên đã cho ông Son gặp vợ và con trai. Tại buổi gặp này, ông Son đề nghị gia đình giúp ông nộp tiền khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, vợ ông Son nói chỉ có cuốn sổ tiết kiệm 2 tỷ đồng, đây là tiền của cá nhân bà nên sẽ dùng để thuê luật sư bào chữa cho chồng.

Ông Son sau đó còn đề nghị cơ quan điều tra kê biên mảnh đất đứng tên ông ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Tuy nhiên cơ quan điều tra thấy đây là đất hương hoả của tổ tiên để lại nên không kê biên. Đại diện VKS khẳng định: "Ông Son muốn nộp tiền nhưng gia đình không hợp tác là chính xác".

Liên quan đến ý kiến của luật sư Phạm Công Hùng bào chữa cho bị cáo Son cho rằng, biên bản hỏi cung bị can ngày 17/5/2019, điều tra viên không thực hiện việc hỏi và đáp mà có dấu hiệu tẩy xóa chữ viết của luật sư, đại diện VKS nêu, qua kiểm tra thấy, biên bản ghi lời khai nêu trên được đánh số bút lục từ 87 đến 900 có trong hồ sơ vụ án và VKS đã photo bản cung này. 

Đánh giá bản này, VKS thấy rằng, điều tra viên đều thực hiện lấy lời khai, có hỏi đáp đối với bị cáo và sự tham gia của kiểm sát viên, luật sư. Bị can Nguyễn Bắc Son đã tự ghi đã đọc lại biên bản và ghi đúng lời khai. 

“Việc luật sư cho rằng, có sự tẩy xóa nhưng không có căn cứ để chứng minh. Bên cạnh, đó nội dung biên bản không ảnh hưởng đến nội dung bị cáo Son khai trong phần hỏi cung. Vì vậy, ý kiến của luật sư không có căn cứ”, đại diện VKS nêu và đề nghị luật sư, nếu thấy điều tra viên vi phạm cần có ý kiến ngay hoặc thực hiện quyền theo đúng bộ luật Tố tụng hình sự.

Trong phiên tòa sơ thẩm sáng 24/12, bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng TT&TT đã đứng lên bục nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án.

Bị cáo Son nêu, với sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo đã nhận những hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất. Bị cáo gừi lời xin lỗi đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đảng, Nhà nước, nhân dân và tập thể ngành Thông tin và Truyền thông.

Ông Son cũng gửi lời xin lỗi đến toàn thể cán bộ, nhân viên MobiFone và gia đình, cá nhân các bị cáo có mặt hôm nay tại phòng xét xử này vì đã làm ảnh hưởng đến truyền thống của ngành, làm tăng lên hậu quả nặng nề cho các gia đình, các bị cáo.

Cựu Bộ trưởng cảm ơn cơ quan điều tra, VKS trong giai đoạn điều tra, truy tố đã giúp cho bị cáo nhận rõ sai phạm, trách nhiệm của mình và ghi nhận sự thành khẩn của bị cáo khi vi phạm tội danh "Nhận hối lộ" ở điều 220 và "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" điều 324 Bộ luật Hình sự.

Qua đây, ông Son có lời cảm ơn Cơ quan CSĐT vì trong quá trình điều tra hai lần bị ngất đi tại bàn làm việc và một lần bị ngất đi sau 3 ngày mới tỉnh lại bởi cơn nhồi máu cơ tim. Cơ quan CSĐT đã đưa bị cáo đi cấp cứu kịp thời giúp cho bị cáo vượt qua cơn hiểm nghèo, ảnh hưởng đến tính mạng bị cáo.

Tại phiên tòa này, bị cáo xin gửi lời cảm ơn trại giam T16 đã tận tình giúp đỡ, chăm sóc cho bị cáo, đặc biệt, thời kỳ đầu, tháng đầu, bị suy giảm sức khỏe suy sụp tinh thần để bị cáo có sức khỏe như hôm nay.

Nói trong lúc nhất thời "không vượt qua được chính mình mà thay đổi lời khai về tội nhận hối lộ trong phiên xử ngày 17/12", ông Son xin HĐXX và đại diện VKS lượng thứ. 

Sau đó, bị cáo Son nói rằng MobiFone là doanh nghiệp góp phần rất lớn vào ngân sách nhà nước. Đáng tiếc rằng đội ngũ cán bộ chủ chốt lại có mặt ở phiên toà này nên bị cáo Son đề nghị HĐXX xem xét ý kiến của các bị cáo, luật sư mà giảm án cho các bị cáo.

Trong 20 phút trình bày, ông đã dành những lời khen với cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ, xin khoan hồng cho bị cáo này do có "đóng góp cho ngoại giao" và Phật giáo.

Đặc biệt, giảm án tối đa cho các bị cáo Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng Lê Nam Trà, Cao Duy Hải. Có hình phạt nhẹ nhất có thể đối với các bị cáo Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Mạnh Hùng… để các bị cáo này, có thể được về ngay, sớm trở về với MobiFone. 

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Nhadautu.vn, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối cho biết, giai đoạn xét xử, việc ông Son nộp lại 66 tỷ đồng sẽ được xem là tình tiết giảm nhẹ, khắc phục hậu quả.

"Tòa án khi đánh giá vẫn xem xét đánh giá hành vi, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, và hậu quả về xã hội để tuyên hình phạt. Trong trường hợp này, bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn có thể bị HĐXX tuyên án tử hình. Tuy nhiên, đến khâu thi hành án, bên bị cáo đã khắc phục 3/4 số tiền trở lên, bị cáo sẽ bị miễn tử hình", luật sư Hùng nói.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ