Cổ phiếu ngân hàng: Thị giá ngược chiều với kết quả kinh doanh

Mặc dù tình hình kinh doanh vẫn duy trì khá tích cực nhưng thống kê 17 ngân hàng đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay cho thấy trong sáu tháng đầu năm, số mã giảm lấn át số mã tăng.
ĐĂNG LINH
19, Tháng 07, 2019 | 17:12

Mặc dù tình hình kinh doanh vẫn duy trì khá tích cực nhưng thống kê 17 ngân hàng đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) hiện nay cho thấy trong sáu tháng đầu năm, số mã giảm lấn át số mã tăng.

Lợi nhuận tiếp tục tăng mạnh, nợ xấu giảm

Trong tuần vừa qua, nhiều ngân hàng đã tổ chức tổng kết hoạt động sáu tháng đầu năm 2019. Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng đã mở đầu cho mùa báo cáo tài chính quí 2 với lợi nhuận tiếp tục xu hướng tăng trưởng. Cụ thể, với Vietcombank (VCB), tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm, VCB cho biết lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 11.280 tỉ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ, hoàn thành 55% kế hoạch năm.

Trong đó, riêng ngân hàng mẹ có lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 11.045 tỉ đồng, tăng 43,1%. Chỉ số ROAA (bình quân lợi nhuận trên tài sản), ROAE (bình quân lợi nhuận so với vốn chủ sở hữu) đạt tương ứng là 1,62% và 25,19%.

52838_bank

Cổ phiếu ngân hàng: Thị giá ngược chiều với kết quả kinh doanh

Bên cạnh VCB, một số ngân hàng lớn khác cũng đã công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận cao kỷ lục. Tại cuộc gặp gỡ với nhà đầu tư, đại diện ngân hàng ACB cho biết, trong sáu tháng đầu năm nay ngân hàng này đạt 49% kế hoạch LNTT cả năm, với 3.620 tỉ đồng.

Tính đến cuối tháng 6-2019, tổng tài sản của ACB đạt 352.000 tỉ đồng, tiền gửi khách hàng tăng thêm 21.000 tỉ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,7%. ACB cũng vừa đón tin vui khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận nâng room tín dụng từ 13% lên 17%. Trong nửa đầu năm, tín dụng của ngân hàng đã tăng 9%, tương đương tăng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng.

Không chỉ lãi lớn mà tình hình xử lý nợ xấu cũng có những bước tiến tích cực. Điển hình là ở Sacombank, LNTT đạt gần 1.500 tỉ đồng sau sáu tháng đầu năm 2019, hoàn thành 55% kế hoạch năm; tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,11% xuống còn 1,96%. Sacombank cho biết đã thu hồi nợ xấu và tài sản tồn đọng hơn 11.000 tỉ đồng trong nửa đầu năm. Theo đó, lũy kế Sacombank đã thu hồi được gần 35.700 tỉ đồng nợ xấu kể từ khi triển khai đề án tái cơ cấu.

Ở nhóm ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, mức lợi nhuận cũng khá ấn tượng. TPBank cho biết trong sáu tháng đầu năm ngân hàng đạt lợi nhuận 1.620 tỉ đồng, tăng 596 tỉ đồng, tương đương hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 50,6% kế hoạch đại hội đồng cổ đông đề ra cho cả năm. Còn Ngân hàng Quốc tế (VIB) thì ghi nhận LNTT đạt 1.820 tỉ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ và hoàn thành 54% kế hoạch năm.

Đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay của VIB tăng tới 19% so với đầu năm. Mặc dù tín dụng tăng khá nhanh, tỷ lệ nợ xấu lại có xu hướng giảm, xuống còn 1,8%. Không được ấn tượng bằng các ngân hàng lớn nói trên, Kienlongbank báo lãi sáu tháng đầu năm 2019 đạt 148,5 tỉ đồng trước thuế, chỉ nhỉnh hơn 1 tỉ so với cùng kỳ.

Nhưng giá cổ phiếu “ì ạch”

Chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam được nhận định đã đạt đỉnh trong giai đoạn 2017-2018 và ngành ngân hàng đang chuyển sang giai đoạn tăng trưởng ổn định. Do đó, nhà đầu tư nên mua cổ phiếu của các ngân hàng có vị thế tốt trong việc mở rộng mảng cho vay bán lẻ trong khi định giá vẫn còn hấp dẫn tương đối.

Mặc dù kết quả kinh doanh khá tích cực, nhưng thống kê 17 ngân hàng đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK hiện nay cho thấy trong sáu tháng đầu năm số mã giảm lấn át số mã tăng.

Cụ thể, tính theo giá chốt phiên cuối tháng 6-2019, có 11/17 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong sáu tháng đầu năm. Tính riêng trong quí 2, có tới 14 ngân hàng chứng kiến sự sụt giảm thị giá. Mức sụt giảm lớn nhất đến từ cổ phiếu TCB của Techcombank (giảm 20% so với đầu năm nay). Giảm mạnh không kém là cổ phiếu LPB của LienVietPostBank với mức giảm 11% trong sáu tháng.

Tuy lượng cổ phiếu giảm chiếm đa số, song ngoại trừ 2 mã chứng khoán trên, mức sụt giảm của hầu hết các cổ phiếu còn lại khá thấp, chủ yếu dưới 5%.

Ở chiều tăng, nếu trong quí 1 VCB đứng đầu cả về thị giá lẫn mức tăng thì vào thời điểm cuối tháng 6, cổ phiếu EIB của Eximbank đã vượt qua VCB để trở thành mã ngân hàng có mức tăng cao nhất (tăng 6,8% riêng trong quí 2 và tăng tới 34,3% trong nửa đầu năm).

Đây là một bất ngờ trong nhóm ngân hàng khi xét về các yếu tố cơ bản, ngân hàng này vướng phải khá nhiều “lùm xùm” về vấn đề nhân sự cấp cao. Tuy vậy, bất chấp những yếu tố bất lợi đến từ nội tại, EIB vẫn liên tục tăng, thậm chí mức giá hiện tại của EIB đang nằm ở vùng đỉnh lịch sử của cổ phiếu này.

Chỉ tăng 4,8% trong quí 2 song những thành quả đạt được trong quí 1 đã giúp cổ phiếu VCB tăng 31,5% trong sáu tháng đầu năm. Ngân hàng này vẫn đang đứng hạng nhất về thị giá trong nhóm cổ phiếu ngân hàng với mức giá 73.700 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, với quy mô lớn nhất trong nhóm ngân hàng, sự tăng giảm của cổ phiếu trụ này có ảnh hưởng mạnh nhất tới chỉ số VN-Index. Một số mã chứng khoán khác mặc dù đã có mức tăng tốt trong quí 1 như CTG (VietinBank) tăng 14,7%, VIB (tăng 7,7%) nhưng lại vướng phải mức giảm mạnh trong quí 2 (lần lượt giảm 13,1% và 12%).

Xét về thị giá, hầu hết các cổ phiếu của các ngân hàng vẫn đang rập rình quanh ngưỡng 20.000-30.000 đồng/cổ phiếu. Hiện vẫn còn ba ngân hàng có cổ phiếu nằm dưới mệnh giá gồm NVB (Ngân hàng TMCP Quốc Dân), LPB và SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội).

Tuy thị giá nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm trong thời gian qua nhưng vẫn có những cơ hội đầu tư đối với một số cố phiếu nhất định. Đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ phù hợp với trường phái đầu tư giá trị, với những kế hoạch và kỳ vọng trung, dài hạn thay vì đầu cơ, lướt sóng kiếm lời trong ngắn hạn. Chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam được nhận định đã đạt đỉnh trong giai đoạn 2017-2018 và ngành ngân hàng đang chuyển sang giai đoạn tăng trưởng ổn định.

Do đó, nhà đầu tư nên mua cổ phiếu của các ngân hàng có vị thế tốt trong việc mở rộng mảng cho vay bán lẻ trong khi định giá vẫn còn hấp dẫn tương đối.

(Theo Kinh Tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ