Chủ tịch Vietcombank giải thích lý do 'tăng trưởng tín dụng cao nhưng lợi nhuận giảm'

Nhàđầutư
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, năm 2020 dù tăng trưởng tín dụng của Vietcombank dẫn đầu khối NHTM nhà nước với 14%, nhưng lợi nhuận lại giảm nhẹ là do ngân hàng đã tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức kỷ lục ở Việt Nam.
N.THOAN
23, Tháng 04, 2021 | 13:11

Nhàđầutư
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, năm 2020 dù tăng trưởng tín dụng của Vietcombank dẫn đầu khối NHTM nhà nước với 14%, nhưng lợi nhuận lại giảm nhẹ là do ngân hàng đã tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức kỷ lục ở Việt Nam.

vcb

ĐHĐCĐ thường niên Vietcombank năm 2021.

Ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 nhằm thông qua kết quả kinh doanh năm 2020, kế hoạch kinh doanh năm 2021; bầu bổ sung thành viên HĐQT và thông qua phương án phân phối lợi nhuận, tăng vốn điều lệ năm 2021.

Tín dụng tăng 14% nhưng lợi nhuận giảm

Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan tới mục tiêu lợi nhuận năm 2021 thấp và kết quả kinh doanh năm 2020, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết:

Năm 2021, Vietcombank được giao chỉ tiêu tín dụng là 10,5%, huy động vốn tăng 7%, như vậy mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 11% đã là cao hơn tăng trưởng tín dụng và huy động.

Riêng năm 2020, ông Thành giải thích, dù tăng trưởng quy mô tín dụng là 14% nhưng lợi nhuận không tăng vì Vietcombank đã chủ động trích lập dự phòng, khiến tỷ lệ bao nợ xấu của ngân hàng đã tăng mạnh lên mức hơn 300% - nghĩa là với 1 đồng nợ xấu ngân hàng đã bỏ ra 3 đồng để trích lập dự phòng. 

Quý 1/2021, lợi nhuận VCB đạt 8.000 tỷ đồng, tăng trên 70% so với năm 2020. "Khẳng định ngân hàng hoàn toàn có thể đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra là tăng 11% so với năm 2020", ông Thành nói.

Cùng với đó, về Thông tư 03, ông Thành cho biết, năm 2021, Vietcombank sẽ là ngân hàng tiên phong trích lập 100% nợ xấu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo thông tư 03.

Vietcombank sẽ có của để dành là từ các khoản lãi dự thu đang được hạch toán ngoại bảng, chưa được tính vào doanh thu. Theo Chủ tịch Vietcombank đánh giá, số dư nợ này cơ bản sẽ được trả đúng hạn cơ cấu. Khi đó lãi dự thu sẽ là của để dành được đem ra tính vào lợi nhuận.

Chia sẻ thêm về dư nợ bất động sản, ông Thành cho biết, tỷ lệ không lớn, khoảng 3,89%/tổng dư nợ và gần như 100% đều có tài sản bảo đảm. 

Theo đó, năm 2020 và 2021 việc đặt mục tiêu lợi nhuận thận trọng được cho là cách để ban lãnh đạo Vietcombank tích tụ năng lượng bứt phá trong thời gian tới.

"Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 2 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó riêng mảng bán lẻ sẽ đóng góp 1 tỷ USD. Dự báo sau khi kinh tế trong nước và thế giới hồi phục, tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank sẽ bứt phá", ông Thành khẳng định.

Thoả thuận với FWD mang lại cho Vietcombank 2.800 tỷ đồng năm 2021

Chia sẻ thêm về kết quả từ các hợp đồng bán chéo bảo hiểm trong năm 2020 và 2021, ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, giá trị hợp đồng với FWD vẫn là thương vụ hợp tác bảo hiểm nhân thọ có giá trị cao nhất trong trong lịch sử Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại. Thương vụ này đã mang lại khoản thu khá lớn cho Vietcombank trong năm qua. Tính riêng năm 2021, nếu đúng như dự kiến Vietcombank sẽ thu được khoảng 2.800 tỷ đồng từ thương vụ hợp này.

Thông qua tăng vốn điều lệ lên hơn 50.400 tỷ đồng

Về phương án phân phối lợi nhuận. Lợi nhuận sau trích lập các quỹ của Vietcombank là 13.016 tỷ đồng và đơn vị này dự định dùng toàn bộ số lợi nhuận này bằng chia cổ tức bằng tiền mặt 8% và chia cổ tức bằng cổ phiếu.

ĐHĐCĐ ngân hàng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 theo 2 phần:

Thứ nhất, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,024 tỷ cổ phiếu (tương đương 27,6%) để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019. Sau phát hành, vốn điều lệ thêm 10.236,5 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng.

Thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank sau khi phát hành cổ phiếu chia cổ tức. Khối lượng phát là 307.614.295 cổ phiếu. Trong đó, phát hành cho đối tác chiến lược Ngân hàng Mizuho để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến hơn 46,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) trên cơ sở quyết định đầu tư của Ngân hàng Mizuho; phát hành cho các nhà đầu tư khác có thể gồm cả Mizuho dự kiến gần 261,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành. 

Sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm 3.076 tỷ đồng lên hơn 50.401 tỷ đồng.

Năm 2021, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 5%, tín dụng tăng 10,5% - cao hơn so với 3 NHTM nhà nước còn lại; huy động vốn dự kiến tăng 7%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 11%; lợi nhuận trước thuế riêng lẻ là 25.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 1%; tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 8%.

Năm 2020, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế 23.045 tỷ đồng, giảm 0,3% so với năm 2019.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,32 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng 845.128 tỷ đồng, tăng 14%; huy động từ nền kinh tế đạt 1.053.354 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2019.

Cũng tại cuộc họp lần này, Vietcombank bầu bổ sung ông Shojiro Mizguchi, Tổng giám đốc khối kinh doanh khu vực châu Á của Mizuho thay thế ông Eiji Sasaki đảm nhận vị trí thành viên HĐQT.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24810.00 24830.00 25150.00
EUR 26278.00 26384.00 27554.00
GBP 30717.00 30902.00 31854.00
HKD 3125.00 3138.00 3240.00
CHF 26952.00 27060.00 27895.00
JPY 159.41 160.05 167.39
AUD 16033.00 16097.00 16586.00
SGD 18119.00 18192.00 18729.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17923.00 17995.00 18523.00
NZD   14756.00 15248.00
KRW   17.51 19.08
DKK   3529.00 3658.00
SEK   2286.00 2374.00
NOK   2265.00 2354.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ