Chính phủ toàn quyền quyết nhà đầu tư làm sân bay Long Thành

Nhàđầutư
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay Chính phủ, Thủ tướng xem xét, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm quản lý, vận hành cảng hàng không thực hiện dự án sân bay Long Thành theo luật.
BẢO LÂM
26, Tháng 11, 2019 | 13:57

Nhàđầutư
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay Chính phủ, Thủ tướng xem xét, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm quản lý, vận hành cảng hàng không thực hiện dự án sân bay Long Thành theo luật.

Chiều nay (26/11), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1.

Không ghi cụ thể số liệu tổng mức đầu tư

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay có ý kiến băn khoăn về tính chính xác của tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án vì nhiều hạng mục mới dừng ở mức tính toán sơ bộ, do vậy, đề nghị không nên đưa số liệu cụ thể của tổng mức đầu tư vào Nghị quyết của Quốc hội.

Có ý kiến đề nghị cần xác định rõ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 không vượt quá tổng mức đầu tư đã xác định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 94. Có ý kiến đề nghị tổng mức đầu tư phải bao gồm cả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Xây dựng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tổng mức đầu tư Dự án Cảng HKQT Long Thành được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 94, khái toán là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá năm 2014) trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng khu vực 5.000 ha dự kiến là 14.139 tỷ đồng, tương đương 0,673 tỷ USD).

bieu-quyet

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Ảnh: Bảo Lâm.

Tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội (gọi tắt là Nghị quyết 53), Quốc hội đã thông qua một số chỉ tiêu của báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, trong đó tổng mức đầu tư được xác định là 22.938 tỷ đồng, diện tích đất thu hồi là 5.399,35 ha (tăng thêm 379,35 ha cho 2 khu tái định cư và 20 ha cho khu nghĩa trang).

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã có quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 06/11/2018 phê duyệt đầu tư Dự án giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng (tương đương 0,978 tỷ USD).

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 4,779 tỷ USD (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53), đối chiếu với mức đầu tư giai đoạn 1 theo Nghị quyết 94 thì chi phí đầu tư xây dựng giai đoạn 1 chưa vượt mức đầu tư cho phần xây lắp, nhưng nếu tính cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 thì đã vượt.

Tuy nhiên, tổng mức đầu tư theo Nghị quyết 94 chỉ là mức khái toán dựa trên Báo cáo tiền khả thi được xác định sơ bộ, chưa dựa trên tính toán của thiết kế cơ sở và giá thực tế tại thời điểm xác định của Báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngoài ra, theo báo cáo nghiên cứu khả thi, Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 phải đầu tư một số hạng mục sử dụng chung cho các giai đoạn.

Theo quy định của Luật Xây dựng (Điều 134), tổng mức đầu tư dự án bao gồm cả chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin chỉnh lý theo hướng không ghi cụ thể số liệu tổng mức đầu tư trong dự thảo Nghị quyết mà giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án (bao gồm cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) nhưng phải bảo đảm tổng mức đầu tư toàn Dự án cả 3 giai đoạn không vượt quá tổng mức đầu tư quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 94.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ việc điều chỉnh diện tích đất quốc phòng có bảo đảm nhu cầu quốc phòng hay không? Cơ chế phối hợp trong quản lý, sử dụng đối với diện tích 480 ha đất để xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung; có ý kiến đề nghị nêu rõ khi cần thiết phải ưu tiên cho quốc phòng khi phục vụ tác chiến và huấn luyện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay việc điều chỉnh diện tích đất quốc phòng đã được Bộ Quốc phòng thống nhất bằng văn bản với Bộ Giao thông vận tải. Việc dùng chung diện tích đất này vừa bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, vừa bảo đảm thực hiện kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng. Trong tình huống cần thiết, Nhà nước có thể trưng dụng để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của pháp luật.

Về cơ chế quản lý, sử dụng đối với diện tích đất dùng chung, theo quy định của pháp luật hiện hành, đất thuộc khu vực sử dụng chung cho hoạt động dân dụng và quân sự do dân dụng quản lý. Do đó, dự thảo Nghị quyết nêu nguyên tắc quản lý, sử dụng diện tích đất dùng chung này phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam; ưu tiên cho hoạt động quân sự khi có yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Chính phủ được tự quyết nhà đầu tư

Thường vụ Quốc hội cũng cho biết có ý kiến đề nghị làm rõ thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ trong việc lựa chọn nhà đầu tư dự án; có ý kiến đề nghị giao doanh nghiệp nhà nước có năng lực, uy tín, kinh nghiệm là nhà đầu tư do yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia và đặc thù của công trình cảng HKQT; có ý kiến đề nghị đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.

long-thanh

Chính phủ, Thủ tướng xem xét lựa chọn nhà đầu tư làm sân bay Long Thành.

Có ý kiến đề nghị không quy định nguyên tắc "Sử dụng vốn của nhà đầu tư; không sử dụng bảo lãnh Chính phủ; không làm tác động đến nợ công" trong dự thảo Nghị quyết. Có ý kiến cho rằng Quốc hội nên xem xét đưa ra một số tiêu chí mang tính định hướng như quốc phòng, an ninh, tính đồng bộ trong khai thác, lợi ích quốc gia và năng lực nhà đầu tư để Chính phủ thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Dự án Cảng HKQT Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, liên quan mật thiết đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý. Luật Đấu thầu đã quy định rõ các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng. 

Bên cạnh đó, với đặc thù là dự án quan trọng quốc gia có quy mô lớn, phức tạp, phải bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội đồng thời với bảo đảm quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia. Do đó, dự thảo Nghị quyết quy định các nguyên tắc về quốc phòng, an ninh, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của quốc gia, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước về hàng không dân dụng, sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ làm tác động đến an toàn nợ công, bảo đảm tiến độ Quốc hội đã đề ra.

Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm quản lý, vận hành cảng hàng không thực hiện dự án.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ