Cần có sự trợ lực về tài chính để doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi sau đại dịch COVID-19

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV – thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh một số khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.
CHU THANH VÂN
15, Tháng 08, 2022 | 06:32

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV – thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh một số khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.

xuat-khau-tai-tien-giang

Cần có sự trợ lực về tài chính để doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi sau đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: TTXVN

Qua trao đổi, thảo luận, nắm bắt nhanh tình hình từ 16 tổ chức, hiệp hội trong nửa đầu tháng 8 vừa qua, Ban IV cho biết, các hiệp hội và doanh nghiệp đồng loạt bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào sự điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô thời gian qua của Chính phủ, đặc biệt là tinh thần Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành "nắm chắc tình hình, dự báo sát diễn biến" để "phản ứng chính sách phải nhanh"; trong đó, điều hành chính sách tiền tệ phải bám sát "hàng ngày, hàng giờ".

Nhờ đó, đến thời điểm này, Việt Nam cơ bản bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.

Tuy nhiên, theo Ban IV, trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp vừa quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm, cũng như các doanh nghiệp đã kiên trì chống chọi, nỗ lực duy trì hoạt động suốt thời gian qua, vẫn rất cần có sự trợ lực về tài chính để có thể duy trì hoạt động và phục hồi.Phản ánh từ các tổ chức, hiệp hội cho thấy, hầu hết doanh nghiệp vẫn đứng trước khó khăn lớn về tài chính bởi nhiều lý do.

Điển hình là doanh nghiệp thiếu vốn lưu động do hậu quả của hơn hai năm đại dịch không có hoặc ít doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền nợ, lãi vay ngân hàng, cùng các khoản khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ở mức độ tối thiểu.

Bên cạnh đó là chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, trong khi số lượng và lợi nhuận đơn hàng đầu ra sụt giảm. Sự thắt chặt của điều kiện tài chính toàn cầu cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp đi rất nhiều ở hầu hết các thị trường.

Ngoài ra, việc đồng Việt Nam mạnh hơn tương đối so với những đồng tiền khác như Yên Nhật hay đồng tiền chung châu Âu (Euro) khiến cho các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu tại Liên minh châu Âu hay Nhật Bản chịu nhiều bất lợi do thu về những đồng tiền đang mất giá mạnh.

Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp tình trạng này. Một số hiệp hội phản ánh, do quy mô doanh nghiệp hầu hết là vừa và nhỏ nên tài sản đảm bảo của doanh nghiệp thấp, dẫn đến việc các ngân hàng thường không ưu tiên cho các doanh nghiệp này vay.

Dòng tiền "tự thân" của các doanh nghiệp cũng nhỏ và không ổn định khiến các doanh nghiệp cơ bản không thỏa mãn được các điều kiện khi muốn tiếp cận những nguồn vay hỗ trợ, vay ưu đãi, vay vốn trung và dài hạn.

Ngay cả đối với các doanh nghiệp không gặp vướng mắc bởi hai yếu tố trên thì trong bối cảnh hiện nay, khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng không còn room tín dụng để cho doanh nghiệp vay.

"Thực tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam. Nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì các doanh nghiệp và hộ kinh doanh này sẽ có nguy cơ phá sản", Ban IV nhận định.

Lý giải nguyên nhân, Ban IV cho rằng, doanh nghiệp không có tiền trả lương cho người lao động và theo đó sẽ mất nguồn nhân lực. Doanh nghiệp cũng không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới, không thể khắc phục được các hậu quả sau những năm COVID vừa qua.

Nêu quan điểm các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò như những doanh nghiệp vệ tinh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong quá trình triển khai những dự án trọng điểm của đất nước, theo Ban IV, việc cần thiết lúc này là phải có các biện pháp kiểm soát mức tăng lạm phát một cách hợp lý để nới room tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh nói trên. Nếu không sẽ xảy ra kịch bản trong năm tới là các doanh nghiệp này bị phá sản, không thể tồn tại được, kéo theo suy thoái kinh tế. Như vậy còn nguy hiểm hơn lạm phát.

Từ thực trạng khó khăn đã được nhận diện, để giải quyết khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp, Ban IV và các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, tín dụng, giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, mở rộng hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi.

Đẩy nhanh các gói hỗ trợ kinh tế bao gồm gói bù lãi suất bổ sung 40 nghìn tỷ đồng, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho phục hồi nền kinh tế.

Ngoài ra, Ban IV và các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phương án nâng "trần" tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại để ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như du lịch, công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản; bên cạnh mục tiêu kiểm soát kỹ lưỡng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán.

(Theo TTXVN)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24605.00 24925.00
EUR 26271.00 26377.00 27542.00
GBP 30600.00 30785.00 31733.00
HKD 3104.00 3116.00 3217.00
CHF 26884.00 26992.00 27832.00
JPY 159.53 160.17 167.59
AUD 15865.00 15929.00 16416.00
SGD 18063.00 18136.00 18675.00
THB 664.00 667.00 694.00
CAD 17891.00 17963.00 18494.00
NZD 0000000 14617.00 15106.00
KRW 0000000 17.67 19.28
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ