Cần có lộ trình rõ để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chuyển thành cơ quan độc lập thuộc Chính phủ trong tương lai

Nhàđầutư
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc nâng cao vai trò, vị thế của UBCKNN là yêu cầu khách quan và cần thiết trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới.
HUY NGỌC
17, Tháng 04, 2019 | 08:12

Nhàđầutư
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc nâng cao vai trò, vị thế của UBCKNN là yêu cầu khách quan và cần thiết trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới.

nhadautu - uy ban chung khoan nha nuoc can la co quan doc lap thuoc chinh phu

 

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được trình bày trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận.

Theo đó, bố cục của dự thảo Luật gồm 10 chương, 135 Điều (sửa đổi 98 Điều, bổ sung 29 Điều, bãi bỏ 30 Điều và giữ nguyên 08 Điều so với Luật Chứng khoán hiện hành), trong đó tập trung giải quyết những vấn đề đang vướng mắc hiện nay như chất lượng hàng hóa đầu vào của thị trường, hành vi thao túng giá, chống giao dịch nội gián, cải cách hành chính nâng cao hiệu quả công tác tổ chức vận hành, quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm...

Cần có lộ trình rõ để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chuyển thành cơ quan độc lập thuộc Chính phủ trong tương lai

Thường trực Ủy ban Kinh tế đưa ra ý kiến là vị trí và vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Đa số ý kiến cho rằng UBCKNN cần được xác lập đủ thẩm quyền trực tiếp tổ chức, quản lý và giám sát toàn diện hoạt động đối với TTCK (là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; bổ nhiệm nhân sự của SGDCK, tổ chức lưu ký và bù trừ chứng khoán). Tuy nhiên, về mô hình tổ chức của UBCKNN có 02 loại ý kiến như sau:

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng: UBCKNN cần độc lập, trực thuộc Chính phủ để khắc phục những bất cập hiện tại, giảm bớt các khâu trung gian, đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý của UBCKNN, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng: UBCKNN trước mắt có thể trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên cần có lộ trình rõ ràng để UBCKNN chuyển thành cơ quan độc lập thuộc Chính phủ trong tương lai.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc xác lập UBCKNN là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết. Trong giai đoạn trước đây, việc UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính là nhằm có sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực và các yếu tố để thúc đẩy thị trường. Qua đó, TTCK có bước phát triển nhanh, trở thành nguồn cung ứng vốn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đến nay quy mô thị trường đã được mở rộng, với tốc độ tăng trưởng nhanh, cùng với những yêu cầu đổi mới và cấu trúc lại thị trường tài chính bảo đảm bền vững (bao gồm cả thị trường vốn và thị trường tiền tệ) theo hướng giảm áp lực đối với nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng, đòi hỏi phải lành mạnh hóa, nâng cao vai trò của thị trường vốn để thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn trung - dài hạn, phục vụ cho phát triển kinh tế. Do vậy, việc nâng cao vai trò, vị thế của UBCKNN là yêu cầu khách quan và cần thiết trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, UBCKNN độc lập sẽ đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO). Việc tiệm cận với thông lệ quốc tế sẽ giúp tăng sự minh bạch và góp phần nâng hạng thị trường, tạo niềm tin và thu hút nhiều hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy phần lớn các nước quy định UBCKNN có vị trí độc lập (121/128 quốc gia) và có đủ thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thị trường vốn.

Ngoài ra, UBCKNN trực thuộc Chính phủ sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập hiện nay, giảm bớt các khâu trung gian trong xử lý các tình huống biến động bảo đảm tính chủ động, kịp thời cũng như trong quy trình ban hành văn bản pháp quy liên quan lĩnh vực chứng khoán. Việc quản lý thống nhất từ ban hành quy chế, cấp và thu hồi giấy phép, bổ nhiệm nhân sự, chủ động ngân sách và nguồn lực cũng sẽ tăng cường hiệu quả quản lý, tăng trách nhiệm của UBCKNN. Điều này cũng phù hợp với các kiến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ Chính phủ Việt Nam.

Với những lý do nêu trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, làm rõ vị trí, vai trò, mô hình tổ chức của UBCKNN và thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trong quản lý nhà nước đối với hoạt động chứng khoán và TTCK, bảo đảm thống nhất với tinh thần của Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 19/3/2019 của Chính phủ, theo đó “Thể chế, pháp luật cần thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, xử lý kịp thời, hiệu quả, có tính bền vững cao đối với các vấn đề thực tiễn phát triển của đất nước”.  

Ý kiến về mô hình Sở Giao dịch Chứng khoán

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đưa ra ý kiến về mô hình Sở Giao dịch Chứng khoán. Được biết, Đề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) Việt Nam ban hành theo Quyết định số 32 ngày 07/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, SGDCK Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Nhiều ý kiến đánh giá, việc duy trì hai công ty con (là SGDCK Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh) hoạt động cùng một ngành nghề, với chức năng, nhiệm vụ tương tự nhau là chưa phù hợp, đi ngược với xu thế của thế giới, nhất là trong bối cảnh cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0 đang triển khai mạnh mẽ trong lĩnh vực chứng khoán. Mặt khác, thời gian qua mô hình công ty mẹ - công ty con cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại hạn chế.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc tổ chức SGDCK Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - công ty con vừa phát sinh thêm đầu mối trung gian là SGDCK Việt Nam, vừa gây bất cập đối với công tác quản lý, giám sát 02 SGDCK Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh của cơ quan nhà nước do phải chỉ đạo thông qua công ty mẹ là SGDCK Việt Nam. Điều này không bảo đảm việc chỉ đạo giám sát kịp thời đối với hoạt động của TTCK, đặc biệt trong các trường hợp xảy ra các biến động cần có sự can thiệp ngay để bảo đảm an toàn của thị trường.

Ngoài ra, việc luật hóa quy định về mô hình tổ chức bộ máy giao dịch chứng khoán trên cơ sở thành lập thống nhất một đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán (chỉ có duy nhất SGDCK Việt Nam) là cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm chi phí quản lý, tăng hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ