Cá ngừ Việt Nam chưa biết sử dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại

Nhàđầutư
Theo ông Trần Văn Hào, đại diện Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, ngành cá ngừ chưa sử dụng hết tiềm năng của những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như EVFTA, CPTPP…
NGUYỄN TRI
28, Tháng 11, 2022 | 19:05

Nhàđầutư
Theo ông Trần Văn Hào, đại diện Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, ngành cá ngừ chưa sử dụng hết tiềm năng của những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như EVFTA, CPTPP…

ca-ngu (1)

Tàu cập cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) để bán cá ngừ đại dương. Ảnh: Nguyễn Tri

Khai thác thủy sản bền vững

Tại Hội nghị thường niên lần thứ 19 Uỷ ban Nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (Hội nghị WCPFC19), ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho hay, từ lâu, ngành thủy sản Việt Nam phát triển với đặc thù nghề cá quy mô nhỏ, khai thác thủy sản đa nghề, đa loài để đảm bảo sinh kế và tham gia phát triển kinh tế.

Đến nay, ngành thủy sản Việt Nam đang từng bước chuyển đổi từ nghề cá quy mô nhỏ (nghề cá nhân dân) sang nghề cá hướng tới phát triển bền vững với định hướng tăng sản lượng nuôi trồng, giảm sản lượng khai thác thủy sản.

Tổng sản lượng thủy sản đến tháng 11/2022 ước đạt 8,2 triệu tấn; trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 3,5 triệu tấn, sản lượng nuôi ước đạt 4,6 triệu tấn. 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 9,4 tỷ USD.

Việt Nam đã tham gia WCPFC với tư cách "Quốc gia không phải thành viên chính thức có hợp tác" (CNM) từ năm 2009. Việc Việt Nam tham gia WCPFC với tư cách CMN thể hiện quyết tâm và mong muốn tham gia vào các nỗ lực chung của khu vực nhằm tăng cường truy xuất nguồn gốc các sản phẩm cá ngừ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi cá di cư xa.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, những năm qua, Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự hợp tác của các quốc gia thành viên của WCPFC về điều tra đánh giá nguồn lợi; kỹ thuật quản lý hạn ngạch khai thác cá ngừ và một số loại cá khác… đồng thời, được chia sẻ những thông tin dữ liệu về nguồn lợi cá ngừ ở khu vực Trung và Tây Thái Bình Dương.

Thông qua hội nghị này, Việt Nam cam kết rất mạnh mẽ việc bảo vệ, bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi cá ngừ, đồng thời, thể hiện trách nhiệm trong việc khai thác thủy sản và bảo vệ đại dương. Từ đó, Việt Nam mong muốn các nước thành viên tiến tới ủng hộ nước ta trở thành thành viên chính thức của WCPFC.

"Việc trở thành thành viên chính thức là cơ hội rất tốt cho các nghề khai thác thủy sản ở Việt Nam hội nhập với thế giới, tăng cường khai thác viễn dương, cùng các nước trong khu vực chia sẻ nguồn lợi cá ngừ", ông Luân thông tin thêm.

Cơ hội trong bất ổn

Theo ông Trần Văn Hào, đại diện Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, việc tham gia WCPFC tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia sâu và rộng với thị trường quốc tế. Sau khi có chiến lược khai thác của ngành cá ngừ toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ tham chiếu và vạch ra chiến lược khai thác ngành cá ngừ trong nước.

ca-ngu (2)

Hội nghị Thường niên lần thứ 19 Ủy ban Nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (Hội nghị WCPFC19) kéo dài đến ngày 3/12. Ảnh: Nguyễn Tri

"Qua đó, sẽ có định hướng cho các doanh nghiệp khai thác thủy sản nói chung và ngành cá ngừ nói riêng", ông Hào nói.

Trước tình hình bất ổn của khu vực và trên thế giới, ngành cá ngừ Việt Nam sẽ chịu những thách thức, tuy nhiên, cơ hội cũng là rất lớn. Tại những khu vực như Trung Đông, Mỹ La Tinh…, khi có bất ổn, cá ngừ đóng hộp của Việt Nam được tiêu thụ rất mạnh.

"Chúng ta cũng chưa sử dụng hết tiềm năng của những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như EVFTA, CPTPP… để tạo lợi thế cạnh tranh với các thị trường khác", ông Hào nói.

Đối với vấn đề gỡ "thẻ vàng" của Liên minh Châu Âu trong khai thác và đánh bắt thủy sản, ông Hào cho hay, hiện Hiệp hội đang phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản và các bên liên quan để triển khai một loạt các giải pháp.

Trong đó, đối với máy giám sát hành trình, tất cả các tàu cá đánh bắt xa bờ của ngành cá ngừ đều đã được lắp đặt thiết bị này. Đồng thời, Hiệp hội đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản thực hiện chiến lược số hóa các thông tin trong nghề cá gồm: thiết kế nhật ký điện tử, hệ thống truy xuất điện tử để sử dụng cho các tàu cá cũng như các doanh nghiệp làm truy xuất nguồn gốc.

"Nhờ vậy, chúng ta có thể minh bạch được các thông tin từ khai thác cho đến chế biến, xuất khẩu. Từ đó, nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của Châu Âu", ông Hào chia sẻ. 

Cũng theo đại diện Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, để nâng cao chất lượng cá ngừ, Hiệp hội cũng áp dụng nhiều công nghệ như: công nghệ bắt lên và xử lý cá của Nhật Bản (hiện đã áp dụng đại trà cho các tàu cá khai thác cá ngừ tại Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa); công nghệ bảo quản sau thu hoạch; sử dụng máy móc để giữ  gìn và kéo dài chất lượng cá.

"Chúng tôi đang cố gắng liên kết tất cả các đơn vị từ ngư dân đến doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để tạo thành 1 chuỗi, bao gồm chuỗi nội địa và các chuỗi đi Châu Âu, Châu Mỹ… Khi đó, hy vọng giá trị cá ngừ sẽ được nâng cao", ông Hào nói thêm.

Sáng 28/11, tại TP. Đà Nẵng diễn ra phiên khai mạc Hội nghị Thường niên lần thứ 19 Ủy ban Nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (Hội nghị WCPFC19). Phiên mạc nằm trong chuỗi sự kiện Hội nghị WCPFC19 do Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Ban Thư ký WCPFC tổ chức trong 7 ngày (từ 27/11 - 3/12).

Đây là hội nghị thường niên quan trọng nhất của WCPFC nhằm đánh giá một số hoạt động quan trọng của trong năm; quyết định sự tham gia; các chính sách, biện pháp quản lý nghề cá ngừ trong khu vực trong năm tiếp theo.

WCPFC được thành lập tháng 6/2004. Tính đến tháng 2/2020, Ủy ban có 26 thành viên chính thức, 11 vùng lãnh thổ có sự tham gia, 8 quốc gia không phải là thành viên nhưng có hợp tác.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ