Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: 'Cần tăng cường xuất khẩu theo con đường chính ngạch thay vì tiểu ngạch'

Nhàđầutư
"Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn phải chỉ đạo các lực lượng nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu ngay từ biên giới", Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn nhấn mạnh.
HẢI ĐĂNG
24, Tháng 01, 2020 | 06:00

Nhàđầutư
"Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn phải chỉ đạo các lực lượng nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu ngay từ biên giới", Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn nhấn mạnh.

82888854_220045919015283_3735290391126081536_n

Bộ trưởng thăm và làm việc tại cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn

Ngày 23/1 (tức 29 Tết), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã tới thăm và làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, đồng thời trực tiếp kiểm tra thực tế tình hình thương mại biên giới và cung ứng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán tại tỉnh Lạng Sơn, nhằm theo dõi sát diễn biến thị trường một trong những tỉnh biên giới trọng điểm.

Khảo sát thực tế tại cửa khẩu Hữu Nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, Lạng Sơn là một trong những tỉnh biên giới có địa hình phức tạp, dễ xảy ra các vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bộ trưởng Công Thương biểu dương các nỗ lực của Ban chỉ đạo 389 của tỉnh, đặc biệt trong việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh cần tiếp tục nhìn nhận lại các vấn đề còn tồn tại như kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giảm là do đâu, vận chuyển, buôn bán hàng lậu sẽ phải giải quyết thế nào để ngăn chặn dứt điểm

Lợi dụng kẽ hở thủ tục hải quan để gian lận thương mại

Tại buổi làm việc, ông Đặng Văn Ngọc - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Lạng Sơn cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2019 nhìn chung giảm so với năm 2018. Nguyên nhân do các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, đồng loạt ra quân, tăng cường kiểm tra, kiểm soát.

Theo ông Đặng Văn Ngọc, tình hình gian lận thương mại tại khu vực biên giới vẫn chủ yếu là hành vi lợi dụng các kẽ hở liên quan đến thủ tục hải quan, khai báo sai về số lượng, chủng loại, lợi dụng chính sách hàng chuyển cảng, chuyển khẩu để thực hiện các hành vi nhập lậu, gian lận thương mại hàng hóa...

Trong khu vực nội địa, các đối tượng thường thực hiện các hành vi gian lận về số lượng, chất lượng, giá hàng hóa ghi trên hóa đơn, gian lận trong kinh doanh đa cấp, giới thiệu sản phẩm bán hàng qua ứng dụng thương mại điện tử, sau đó lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để vận chuyển hàng lậu, hàng giả qua đường chuyển phát nhanh.

Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn, từ năm 2017 trở lại đây, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động. Song sang năm 2019, hoạt động xuất nhập khẩu bắt đầu có những khó khăn. Năm 2019 Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2018.

Chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu, ông Phùng Quang Hội - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, hai năm gần đây, tỉnh cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản do tác động từ chính sách quản lý ngày càng chặt chẽ của Trung Quốc, đặc biệt giai đoạn từ giữa năm 2018 đến nay, phía Trung Quốc chính thức áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc hàng hóa là nông sản nhập khẩu từ Việt Nam.

Cũng theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn năm 2019, với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chống buôn lậu, nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn giảm so với năm 2018. 

Hàng hóa nhập lậu chủ yếu là đồ điện, hàng may mặc sẵn, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, thực phẩm tươi sống. Cụ thể, trong năm, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 6.322 vụ (bằng 99,65% so với năm 2018).

Riêng trong tháng 1/2020, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 626 vụ (bằng 131,51% so với tháng 12/2019, bằng 100,81% so với cùng kỳ); hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới trên địa bàn Lạng Sơn diễn ra khá ổn định.

Về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngay từ tháng 11/2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương triển khai chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.

Theo đó, toàn bộ hệ thống doanh nghiệp cung ứng và phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, phục vụ, đảm bảo về chất lượng và giá cả, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu được đưa về phục vụ rộng khắp tới các xã, thôn, bản.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất, kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các đoàn làm việc trao đổi, đàm phán với Trung Quốc bổ sung thêm một số mặt hàng nông sản, thủy sản thế mạnh của Việt Nam nói chung và một số mặt hàng nông sản, hoa quả của tỉnh Lạng Sơn nói riêng được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Ngoài ra, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức hội đàm, thống nhất với Trung Quốc cho phép nhập khẩu các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu khác của tỉnh Lạng Sơn như: Chi Ma, Na Hình, Bình Nghi,... để góp phần tăng khả năng thông quan xuất khẩu nông sản của cả nước.

82865322_110455360375767_6692987463096336384_n

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc. 

Ngăn chặn hàng hóa nhập lậu ngay từ biên giới

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Lạng Sơn trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, năm 2020, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ có những diễn biến khó lường, do vậy, để đạt được chỉ tiêu tổng kim ngạch cả nước 300 tỷ USD, cũng như đạt mục tiêu mà tỉnh đề ra, thời gian tới tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục cùng với các bộ, ngành trung ương nâng cao năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nông sản, hoa quả tươi sang Trung Quốc.

Cùng với đó, Lạng Sơn tiếp tục quan tâm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, từ đó phát huy vị lợi thế và tiềm năng kinh tế cửa khẩu; tiếp tục quan tâm nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu.

Riêng với chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của nhân dân vẫn tiếp tục tăng cao nên hoạt động buôn lậu sẽ có những diễn biến phức tạp.

"Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn phải chỉ đạo các lực lượng nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu ngay từ biên giới", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đồng thời, các lực lượng chống buôn lậu đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, xuất nhập cảnh trái phép; tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, chiến sỹ trực tiếp làm nhiệm vụ chống buôn lậu, quyết tâm không để xảy ra tình trạng cán bộ tham nhũng, tiếp tay cho buôn lậu, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Về những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng để có thể ban hành chính sách hợp tác kinh tế quốc tế hợp lý, để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, cần tăng cường xuất khẩu theo con đường chính ngạch thay vì tiểu ngạch. Đối với các yêu cầu về nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc phải chấp nhận luật chung, khi đã xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc các điều kiện tiêu chí của nước bạn, chúng ta phải đáp ứng.

“Nếu chúng ta không vượt qua hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc thì đừng nói đến việc tiếp cận với thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Kế hoạch… căn cứ tình hình địa phương, trên cơ sở bám sát thực tiễn, sớm có ý kiến góp ý cho Tỉnh.

Đối với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ trưởng yêu cầu xây dựng kế hoạch, nghiên cứu thị trường, nêu các kiến nghị, đề xuất… để báo cáo tổng thể về thị trường Trung Quốc, từ đó khai thác những lợi thế và có hướng xuất khẩu bền vững vào thị trường tiềm năng này. 

"Phải bắt tay từ những thực tiễn như thế này mới hướng tới con số xuất khẩu 300 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Công Thương năm 2020", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, trong năm 2020 và những năm tới, Bộ Công Thương sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lạng Sơn để có những phương án cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Cùng ngày, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã đi kiểm tra tình hình kinh doanh của các hộ tại chợ Đông Kinh- TP.Lạng Sơn. Bộ trưởng đã thăm hỏi tình hình kinh doanh của các hộ trong những ngày cận Tết, động viên bà con tuân thủ các quy định của pháp luật.

84332166_187930189068850_8500903729589911552_n

 

82761256_173261060590620_5696557429836218368_n

 

Ông Phùng Quang Hội - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện nay, Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương, 9 cửa khẩu phụ, trong đó, cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh có lưu lượng hàng qua lại mạnh nhất.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24600.00 24920.00
EUR 26295.00 26401.00 27567.00
GBP 30644.00 30829.00 31778.00
HKD 3103.00 3115.00 3217.00
CHF 27002.00 27110.00 27956.00
JPY 159.74 160.38 167.82
AUD 15898.00 15962.00 16448.00
SGD 18065.00 18138.00 18676.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17897.00 17969.00 18500.00
NZD   14628.00 15118.00
KRW   17.74 19.37
DKK   3535.00 3666.00
SEK   2297.00 2387.00
NOK   2269.00 2359.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ