44% doanh nghiệp FDI cho biết phải "chi các khoản phí ngầm"

Nhàđầutư
Tại hội thảo về cải cách thủ tục hải quan và thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế cho biết, có 41% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế; trong đó, doanh nghiệp FDI có tỷ lệ cao nhất là 53%. Có 44% doanh nghiệp FDI cho biết phải chi "các khoản phí ngầm".
NGUYỄN THOAN
16, Tháng 05, 2017 | 15:37

Nhàđầutư
Tại hội thảo về cải cách thủ tục hải quan và thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế cho biết, có 41% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế; trong đó, doanh nghiệp FDI có tỷ lệ cao nhất là 53%. Có 44% doanh nghiệp FDI cho biết phải chi "các khoản phí ngầm".

dn chau au

Có tới 44% doanh nghiệp FDI cho biết phải chi trả các khoản phí ngầm trong năm 2016

Ngày 16/5, EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam) đã tổ chức hội thảo "Những thay đổi trong chính sách về thương mại, hải quan và thuế tại Việt Nam", nhằm trao đổi về các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua các quy định hải quan và cơ chế thuế quan thuận lợi cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế chia sẻ những vướng mắc khó khăn về chính sách thuế mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Cụ thể, bà Cúc cho biết, theo khảo sát năm 2016, có 55% doanh nghiệp nói từng gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin về chính sách pháp luật thuế trong năm.

Cùng với đó, có 41% doanh nghiệp cho rằng gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) thuế. Trong đó, đáng quan ngại là doanh nghiệp FDI - khối doanh nghiệp rất quan trọng đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam nhưng lại là nhóm có tỷ lệ gặp phiền hà nhiều nhất trong quá trình thực hiện TTHC thuế, với con số lên tới 53%. 

Có 31% doanh nghiệp cho biết phải chi trả cho các chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện TTHC hải quan. Tỉ lệ này đã tăng 3% so với năm 2015. Riêng các doanh nghiệp FDI, có tới 44% doanh nghiệp cho biết phải chi trả các khoản phí ngầm trong năm 2016.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây, hiện có tới trên 20% doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục như: hoàn thuế, không thu thuế; kiểm tra sau thông quan; thủ tục xét miễn thuế; giải quyết khiếu nại.

Đặc biệt, ngày càng có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong thủ tục kiểm tra sau thông quan, tỉ lệ này tăng lên từ 19% năm 2015, lên 26% năm 2016. Cụ thể, 38% doanh nghiệp cho biết thủ tục kiểm tra sau thông quan nội dung bị chồng chéo, trùng lặp; 36% doanh nghiệp cho rằng thời gian kiểm tra bị kéo dài hơn so với kế hoạch đã thống báo; 35% doanh nghiệp cho biết buộc phải chi trả chi phí không chính thức trong mỗi lần kiểm tra.

Cùng với những khó khăn trên, doanh nghiệp cho biết lâu nay vẫn gặp những khó khăn, tồn tại như kiểm tra chuyên ngành quá nhiều quy định, không phù hợp với thực tế, thời gian kiểm tra quá dài và các cơ quan phối hợp chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp cho rằng chính sách thuế thay đổi quá nhiều lần trong một năm, doanh nghiệp chưa kịp thông suốt Thông tư, Nghị định này đã có Thông tư, Nghị định khác xuất hiện. Bên cạnh đó, còn quá nhiều công văn hướng dẫn đi kèm, bản thân doanh nghiệp không biết, dẫn tới sai sót.

Doanh nghiệp châu Âu sợ "bất bình đẳng"

Tại hội thảo, các doanh nghiệp nước ngoài cho biết khá lúng túng với chính sách thuế. Bà Jana Herceg, Phó ban Kinh tế và Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: Việt Nam đã thực sự nỗ lực để cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm hướng tới thị trường thế giới, thực hiện các cam kết FTA. Tuy nhiên, sự nỗ lực đó là chưa đủ. Việt Nam cần cố gắng hơn nữa để cải cách các vấn đề về thuế, luật pháp, chính sách tài khoá trung và dài hạn để đạt tới mục tiêu môi trường kinh doanh trong sạch, bình đẳng, giảm bớt thủ tục, tăng cường hiệu quả, tăng cường sáng kiến thương mại.

Ông Shivam Misra, đồng Chủ tịch Tiểu ban rượu vang - rượu mạnh thuộc EuroCham cho biết: "Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu rất quan ngại đến khung pháp lý và cách thức thực thi quy định hải quan. Đặc biệt, khi sai sót hành chính được sử dụng là cơ sở đánh giá hoặc áp đặt mức phạt nặng mà không cần dựa trên những quy tắc công bằng. Điều này làm suy yếu lòng tin của các doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam".

Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu bày tỏ quan ngại đối với kiểm toán hải quan và những quy định xử phạt sai sót hành chính trong kê khai thuế. Theo họ, việc đặt ra các điều luật để tận thu thuế và phạt nặng các lỗi hành chính sẽ làm xấu đi môi trường đầu tư vốn đã nhiều thách thức tại Việt Nam, làm xói mòn niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài. Đây cũng được coi là một trong những rào cản lớn với quá trình ký kết, thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) của Việt Nam hiện tại và trong thời gian sắp tới.

Hiện nay, chúng ta có quy định về việc phạt đối với doanh nghiệp chậm nộp thuế. Cụ thể, doanh nghiệp chậm nộp thuế so với thời hạn quy định, thì doanh nghiệp phải nộp đủ số tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Tuy nhiên, có một số quy định được cho là "thiên vị", ví dụ như doanh nghiệp nhà nước chậm nộp thuế do nguyên nhân ngân sách chưa đổ về cũng được miễn phạt; hoặc nếu cơ quan thuế làm sai gây chậm thì cơ quan thuế chỉ phải chịu số tiền lãi phát sinh.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ