Việt Nam là điểm đầu tư du lịch hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản

Nhàđầutư
"Việt Nam là điểm đầu tư du lịch hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản. Tôi tin tưởng nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục tăng trong thời gian tới", ông Takemura Tomofuri, Giám đốc Thường trực Hiệp hội Các nghiệp đoàn ngành dịch vụ lưu trú Ryoukan và khách sạn toàn Nhật Bản nhận định.
NHÓM PHÓNG VIÊN
25, Tháng 10, 2022 | 08:00

Nhàđầutư
"Việt Nam là điểm đầu tư du lịch hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản. Tôi tin tưởng nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục tăng trong thời gian tới", ông Takemura Tomofuri, Giám đốc Thường trực Hiệp hội Các nghiệp đoàn ngành dịch vụ lưu trú Ryoukan và khách sạn toàn Nhật Bản nhận định.

Empty

Hội thảo góp phần nâng cao nhận thức xã hội về một xu hướng đầu tư mới. Ảnh: Trọng Hiếu

8h sáng nay (25/10), tại trụ sở 65 Văn Miếu (Hà Nội), Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn tổ chức hội thảo "Đón đầu xu hướng bất động sản chăm sóc sức khỏe'.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, các chuyên gia kinh tế cùng đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn cho biết: Đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đã tác động mạnh đến lối sống, nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng, kéo theo sự thay đổi xu hướng bất động sản (BĐS) và du lịch, trong đó dòng sản phẩm BĐS chăm sóc sức khỏe đang được chú ý nhiều hơn, dòng vốn đầu tư có xu hướng chảy mạnh về các dự án du lịch chăm sóc sức khỏe - nghỉ dưỡng. 

Empty

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn. Ảnh Trọng Hiếu

Theo số liệu của tổ chức Global Wellness Institute (GWI) tổng kinh tế Wellness toàn cầu năm 2020 đạt khoảng 4.400 tỷ USD và dự kiến đạt đến 7.000 tỷ USD vào năm 2025.

Cũng theo báo cáo trên, riêng lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khoẻ - (Wellness Tourism) toàn cầu đạt 617 tỷ USD năm 2017 và 720 tỷ USD năm 2019, dự kiến tăng lên 816,5 tỷ USD năm 2022 và lên đến 1.127,6 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng trung bình có thể lên đến 20,9%/năm.

Thị trường BĐS, du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển của thế giới khi được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài, nhiều thắng cảnh và di tích văn hóa, lịch sử, cùng với nền y học cổ truyền đặc sắc, nhiều hệ thống suối khoáng nóng,… thích hợp với nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe của khách du lịch.

Luật Du lịch (2017) của Việt Nam đã quy định dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho khách du lịch là những loại hình dịch vụ do các tổ chức, cá nhân trên cơ sở khai thác giá trị y học cổ truyền, y học hiện đại cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhằm phục vụ nhu cầu về nâng cao sức khỏe, thể chất tinh thần của khách du lịch. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp trên cơ sở khai thác giá trị y học cổ truyền, y học hiện đại.

Trong những năm qua, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch có các cơ sở chăm sóc sức khoẻ đạt tiêu chuẩn đã được quan tâm đầu tư, có thể kể đến các điểm đến như: Kim Bôi (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), các khu du lịch, nghỉ dưỡng của Sun Group ở Quảng Ninh, Phú Quốc,… các khu đô thị như Novaworld Phan Thiết (Bình Thuận), Ecopark (Hà Nội)… cũng đã tạo sức hút đối với khách hàng và du khách quan tâm đến chăm sóc sức khoẻ.

OnsenQH

Một góc khu du lịch Onsen Quang Hanh ở Quảng Ninh. Ảnh iVIVU

Tuy nhiên, loại hình này của Việt Nam còn chưa được khẳng định trên bản đồ du lịch chăm sóc sức khoẻ của thế giới. Các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam nhìn chung còn ít, chưa đa dạng, chưa tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm phổ biến nhất là spa và tắm nước khoáng nước nóng với nhiều cơ sở hoạt động phục vụ khách du lịch, các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe khác hiện nay còn rất ít.

Một số chuyên gia nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng nói trên. Trước hết, do BĐS, du lịch chăm sóc sức khỏe còn là khái niệm mới tại Việt Nam, chưa được định nghĩa, định hướng rõ ràng, chưa có các tiêu chí - tiêu chuẩn cụ thể. Đa số chỉ hiểu đơn giản về "du lịch chăm sóc sức khoẻ" như spa, tắm khoáng - tắm bùn - Yoga - Thiền. Những dịch vụ đó hiện nay chỉ đơn giản là những tiện ích của một khu du lịch nghỉ dưỡng chứ chưa thành một hệ thống tổng thể.

Thứ hai là chưa có định hướng chính sách phát triển tổng thể từ quy hoạch đất đai, cơ chế ưu đãi hỗ trợ đầu tư, hệ thống tiêu chí tiêu chuẩn xác nhận, cho đến cơ chế liên kết - phối hợp giữa ngành du lịch và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ - y tế - thể thao…  

Thứ ba là nút thắt về nguồn vốn cho đầu tư phát triển BĐS, du lịch chăm sóc sức khỏe. BĐS, du lịch chăm sóc sức khoẻ, hiện đang là đối tượng không được ưu tiên hỗ trợ vốn trong bối cảnh kiểm soát chặt tín dụng bất động sản. Do thiếu vốn, nhiều dự án dở dang hoặc hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng đến quá trình nâng cấp cơ sở vật chất - hạ tầng của ngành du lịch chăm sóc sức khỏe.

Thứ tư, chất lượng đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, cả về nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ phục vụ.

Thứ năm là công tác quảng bá tiếp thị chung cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch chăm sóc sức khỏe nói riêng đối với khách hàng trong nước và quốc tế còn rất hạn chế nghèo nàn.

"Xuất phát từ thực trạng nói trên, nhằm đánh giá xu hướng, tiềm năng và cơ hội đối với BĐS chăm sóc sức khỏe, nhận diện các thách thức, rào cản và đề xuất các giải pháp khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước đầu tư phát triển dòng sản phẩm này, qua đó nâng cao giá trị ngành du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức hội thảo "Đón đầu xu hướng bất động sản chăm sóc sức khỏe"", Ban tổ chức cho hay.

Ban tổ chức cũng tin tưởng rằng, hội thảo góp phần nâng cao nhận thức xã hội về một xu hướng đầu tư mới, nhận diện cơ hội, thách thức và qua thảo luận sẽ đề xuất được các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển BĐS, du lịch chăm sóc sức khỏe, biến cơ hội thành hiện thực, sớm ghi tên Việt Nam vào bản đồ du lịch chăm sóc sức khỏe của thế giới.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức vừa trực tiếp và trực tuyến. Thông tin về cuộc hội thảo được tường thuật trực tiếp trên Nhadautu.vn.

Phiên I: THAM LUẬN

Du lịch Wellness: Thị trường ngàn tỉ USD

Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam cho biết: Khu vực Châu Á dẫn đầu với tỉ lệ lớn nhất với khoảng 1.500 tỷ USD của kinh tế Wellness và tốc độ tăng trưởng từ 2017 đến 2019 khoảng 8.1% (trung bình thế giới khoảng 6.6%).

Empty

Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản. Ảnh Trọng Hiếu

Khu vực Châu Á có Trung Quốc – Nhật Bản - Ấn Độ - Thái Lan – Hàn Quốc – Mã Lai là những nước lọt vào top 20 thị trường du lịch Wellness hàng đầu thế giới năm 2020 với doanh số lần lượt tương ứng là 19,5 tỷ USD – 19,1 tỷ USD – 7,2 tỷ USD – 4,7 tỷ USD – 4,3 tỷ USD – 3.5 tỷ USD.

Du lịch chăm sóc sức khoẻ gồm nhiều các hoạt động từ cảnh quan thiên nhiên môi trường, dưỡng lão, chữa bệnh – phục hồi sức khoẻ, thẩm mỹ, văn hoá tín ngưỡng, ẩm thực và giao lưu cộng đồng địa phương.

Các quốc gia đi đầu về mô hình này phải kể đến Nhật Bản với hình thức tắm Onsen tạo nên thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng của Nhật Bản, tắm đá muối tại Hàn Quốc, các tour du lịch kết hợp thiền định và Yoga tại Ấn Độ, Thái Lan với các khu nghỉ dưỡng cho người về hưu…

Một điều đáng chú ý là mức chi tiêu cho du lịch Wellness này luôn cao hơn so với du lịch thông thường, cụ thể là đối với khách du lịch quốc tế chi tiêu nhiều hơn 35% và khách du lịch nội địa chi nhiều hơn 77%. Điển hình là chi phí cho phòng của các khu du lịch nghỉ dưỡng này luôn ở mức cao từ vài trăm USD đến hàng ngàn USD một đêm, ngay cả tại Việt Nam.

Những con số và báo cáo của tổ chức trên cho thấy lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khoẻ rất hấp dẫn và sẽ tiếp tục phát triển, nó đóng góp đáng kể không chỉ cho kinh tế quốc gia mà còn cho đời sống xã hội phát triển chất lượng tốt hơn.

Ở khu vực Châu Á, cùng với sự phát triển mạnh về du lịch gần đây (trước dịch Covid-19), Việt Nam được đánh giá là nước có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khoẻ.

Việt Nam được dự báo sẽ là điểm đến hàng đầu với những lợi thế như cảnh quan thiên nhiên đa dạng phong phú, đặc biệt có những bãi biển được xếp trong top đẹp nhất thế giới, khí hậu cận nhiệt đới, có nhiều nguồn suối nước khoáng nóng, có nền y học cổ truyền với hệ thống nguồn thảo dược rất phù hợp cho việc chăm sóc sức khoẻ bằng những nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản thế giới, di tích lịch sử - tín ngưỡng và sự đa dạng văn hoá các dân tộc.

Đặc biệt là ẩm thực hấp dẫn và các chi phí du lịch rẻ hơn so với nhiều nước Châu Á khác. Tại Việt Nam, trong những năm qua loại hình du lịch chăm sóc sức khoẻ này cũng đã hình thành như chúng ta thấy các điểm du lịch suối khoáng cả ở 3 miền Bắc – Trung – Nam, các hoạt động du lịch sinh thái và văn hoá.

Ví dụ như những khu nghỉ dưỡng cao cấp thiên về chăm sóc sức khỏe với suối khoáng nóng ở Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Hồ Tràm - Bình Châu, Nha Trang - Khánh Hoà, hoặc tắm thảo dược người Dao ở một số tỉnh phía Bắc…

Ngoài tiềm năng về nền tảng tài nguyên thiên nhiên hoặc cơ sở vật chất, một tiềm năng quan trọng nữa của Việt Nam là sức tiêu thụ và mức chi tiêu cho loại hình dịch vụ này.

Việt Nam là nước đang phát triển, mức tăng trưởng tần lớp trung lưu và người giàu thuộc hàng top đầu trên thế giới. các hoạt động du lịch cũng phát triển mạnh mẽ.

Năm 2019, trước khi dịch Covid bùng phát, khách du lịch nội địa đạt gần 85 triệu lượt với doanh thu 334.000 tỷ đồng (14,5 tỷ USD). Khi tầng lớp trung lưu và người giàu ngày một nhiều lên thì nhu cầu về dịch vụ du lịch chăm sóc sức khoẻ này cũng ngày càng mở rộng hơn.

Bên cạnh đó, hàng năm rất nhiều Việt kiều về nước để chăm sóc nha khoa, thẩm mỹ, chữa bệnh theo y học cổ truyển. Ở chiều ngược lại, mỗi năm có khoảng hàng ngàn đến chục ngàn người Việt ra nước ngoài để chữa bệnh – du lịch, chi tiêu xấp xỉ hàng tỉ USD mỗi năm.

Theo ông Hoàng, tiềm năng là vậy, song, thị trường bất động sản Wellness ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.

Quy mô và tính chất của du lịch chăm sóc sức khoẻ ở Việt Nam còn khá rời rạc, manh mún, chủ yếu dựa trên sự tự phát của riêng mỗi doanh nghiệp, cùng với rất nhiều những khó khăn thách thức và yếu kém.

Do là khái niệm mới tại Việt Nam, nên Wellness Tourism còn chưa được định nghĩa, định hướng rõ ràng, chưa có các tiêu chí – tiêu chuẩn cụ thể.

Một điều rất đáng tiếc là sự quảng bá tiếp thị chung cho du lịch Việt Nam ra quốc tế còn nghèo nàn. Cũng nằm trong vấn đề về cơ chế - chính sách, vấn đề chuyên môn nghiệp vụ và sự quản lý liên quan còn nhiều những thiếu chặt chẽ (ví dụ như thỉnh thoảng vẫn thấy các thông tin về tai nạn hoặc thiệt hại cả đến tính mạng cho người sử dụng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ).

Thách thức thứ ba hiện nay là vấn đề cả thế giới quan tâm. Đó là thiên nhiên môi trường. Hàng ngày chúng ta thấy báo chí truyển thông nhắc đến dù ở Việt Nam hay trên thế giới, đó là sự biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết cực đoan, nhiệt độ trái đất ấm dần lên, nước biển dâng, cháy rừng, lũ lụt …

Cùng với sự khai thác chưa phù hợp, thậm chí huỷ hoại tài nguyên thiên nhiên như: xây dựng thuỷ điện tràn lan khắp nơi, đánh bắt thuỷ sản như tận diệt, sửu dụng hoá chất nông nghiệp không kiểm soát… tất cả những vấn đề này mà tác động của nó có thể ở đâu đó hoặc chưa liên quan trực tiếp đến mỗi cá nhân chúng ta hoặc không thể hiện rõ ràng thường xuyên.

Thách thức thứ tư và trực tiếp sát sườn cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng, nó đang là như một nút thắt cho sự phát triển của lĩnh vực này, đó là nguồn vốn phát triển.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, yếu tố quan trọng rất lớn trong du lịch nghỉ dưỡng – chăm sóc sức khoẻ, hiện đang là đối tượng hàng đầu không được ưu tiên hỗ trợ vốn trong bối cảnh kiểm soát chặt tín dụng bất động sản và hoạt động kinh doanh của phân khúc bất động sản nghĩ dưỡng gần như trầm lắng từ 2019 đến nay.

Không có sự hỗ trợ cho nguồn vốn mới, hàng bán trì trệ dẫn đến nhiều dự án dở dang hoặc hoạt động không hiệu quả làm ảnh hưởng không chỉ hiệu quả kinh tế mà còn là cơ sở vật chất – hạ tầng của ngành du lịch nghỉ dưỡng.

Chính những khó khăn thách thức cơ bản và quan trọng này như là những rào cản cho sự phát triển của du lịch chăm sóc sức khoẻ.

Để biến những tiềm năng thành hiện thực thì cần phải giải quyết được những thách thức khó khăn nêu trên là những bước đầu của các giải pháp. Trong nhiều hội thảo, báo cáo, nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia đều có chung những quan điểm về đề xuất các giải pháp.

Cụ thể, cần phải xây dựng chính sách phát triển tổng thể du lịch chăm sóc sức khoẻ đi cùng với chiến lược phát triển du lịch chung quốc gia đến 2025 và định hướng 2030.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp mạnh và tiềm lực to lớn nhưng vẫn cần phải có một chiến lược chung của quốc gia về lĩnh vực/ngành du lịch này để không gặp phải mạnh ai nấy làm.

Thứ hai, trong tổng thể quy hoạch phát triển du lịch hoặc quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia cần phải có quy hoạch đất đai cho du lịch gắn liền với việc bảo tồn tài nguyên– môi trường thiên nhiên, đặc biệt trong bối cảnh nhiều cảnh báo về rủi ro biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết cực đoan, nhiệt độ trái đất ấm dần lên, nước biển dâng, lũ lụt …

Thứ ba xây dựng mạng lưới kết nối và phối hợp nhiều lĩnh vực ngành nghề chuyên môn như y tế - thể thao - văn hoá – nghệ thuật – tín ngưỡng trong tổng thể du lịch để bổ sung và gia tăng chất lượng cũng như cũng như giá trị kinh tế của du lịch chăm sóc sức khoẻ.

Thứ tư là tạo một cơ chế để có thêm một kênh dẫn nguồn vốn – tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư loại hình này trong tổng thể các kênh dẫn vốn của các loại hình đầu tư kinh doanh như BĐS, du lịch, y tế, thể thao văn hoá…

Vấn đề người nước ngoài được phép mua Condotel không chỉ giải quyết 1 phần về vốn cho chủ đầu tư, giải quyết các khó khăn tắc nghẽn của BĐS nghỉ dưỡng hiện nay mà còn là để hấp dẫn thêm khách nước ngoài đến du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khoẻ.

Thứ năm là tăng cường năng lực quản lý từ việc tiêu chuẩn tiêu chí dịch vụ, giám sát chất lượng, sự an toàn và đặc biệt vấn đề chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến sức khoẻ của khách sử dụng dịch vụ.

Thứ sáu là tăng cường xúc tiến quảng bá tiếp thị du lịch chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua việc gia tăng ngân sách quảng cáo, tổ chức sự kiện qua nhiều kênh truyền thông cũng như nhiều hình thức ngoại giao – văn hoá – thể thao – kinh tế.

Khi những giải pháp trên được đồng bộ và kết hợp thì trong khoảng 5 năm tới, cùng với sự phát triển của GDP kinh tế quốc gia nói chung, du lịch chăm sóc sức khoẻ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp lớn hơn trong tỉ trọng cơ cấu kinh tế quốc gia hoặc mỗi địa phương và từ đó sự xuất hiện của Việt Nam trên bản đồ Wellness Toursim thế giới có một vị thế quan trọng tích cực hơn.

Tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, với nhiều bãi tắm biển đẹp và thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng.

Empty

TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch. Ảnh: Trọng Hiếu.

Các bãi tắm nổi tiếng từ Bắc đến Nam có thể kể đến như Trà Cổ, Hạ Long, Ðồ Sơn, Cát Bà, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Lăng Cô, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Phú Quốc…

Ngoài ra, vùng ven biển có 2.773 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có nhiều bãi biển nhỏ, tĩnh lặng, an bình, rất phù hợp cho du lịch nghỉ ngơi, chữa bệnh.Từ cuối thế kỷ thứ XIX đầu thế kỷ XX, người Pháp đã xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng kết hợp và chữa bệnh ở các khu vực như: Sa Pa, Mẫu Sơn, Tam Ðảo, Bạch Mã, Bà Nà, Ðà Lạt...

Các khu nghỉ dưỡng này thường ở độ cao trên 1000m so với mặt biển và được khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến. Việt Nam có nguồn tài nguyên nước khoáng phong phú, đa dạng, có giá trị sử dụng chữa bệnh, điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe.

Ngành địa chất nước ta đã phát hiện khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng trên cả nước, trong đó đã điều tra, nghiên cứu và phân tích 287 nguồn và phân thành 11 loại khác nhau, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai phục vụ đời sống con người.

Việt Nam là nơi hội tụ của hầu hết các loại nước khoáng chính được biết trên thế giới, nước khoáng của Việt Nam được mở rộng chữa trị với nhiều loại bệnh khác nhau.

Những địa điểm có nguồn nước khoáng nóng này đã trở thành những nơi nghỉ ngơi và phục hồi sức khoẻ được nhiều khách du lịch ưa chuộng.Việt Nam có hệ thống cây dược liệu vô cùng phong phú với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng làm thuốc.

Hiện nay, Bộ Y tế đã cấp số đăng ký cho trên 2.000 chế phẩm thuốc y học cổ truyền do trên 450 cơ sở y dược cổ truyền sản xuất. Việt Nam có nền y học dân tộc cổ truyền nổi tiếng với đông đảo đội ngũ thầy thuốc y dược học cổ truyền, 5 Viện Nghiên cứu có khoa nghiên cứu về y dược học cổ truyển, 46 bệnh viện y học cổ truyền cấp tỉnh, 80% các bệnh viện lớn có khoa hoặc tổ y học cổ truyền.

Ngoài ra, ở Việt Nam, bên cạnh hệ thống di tích lịch sử phong phú; có nhiều chùa, tịnh xá, với hệ thống thiền viện rất đặc sắc với cảnh quan hấp dẫn có thể khai thác để phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch gắn với Thiền, Yoga nói riêng.

Tất cả những vấn đề nêu trên đã khẳng định, tiềm năng về phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe thông qua các tài nguyên và y dược học cổ truyền ở Việt Nam là rất lớn. Để phát triển loại hình du lịch này đòi hỏi phải có sự tổ chức phối hợp khoa học và chặt chẽ giữa các bên liên quan để phát triển loại hình du lịch CSSK.

Hiện trạng du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam

Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam đã có bước phát triển nhất định với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Du lịch chăm sóc sức khỏe trên cơ sở khai thác nước khoáng, nước nóng, khoáng bùn tự nhiên: Hiện nhiều nguồn suối nước khoảng nóng ở Việt Nam được các nhà đầu tư lớn đầu tư khai thác như:, khu suối khoáng nóng Quang Hanh - Quảng Ninh, Thanh Thủy (Phú Thọ) được tập đoàn YoKo của Nhật đầu tư khai thác theo mô hình Onsen của Nhật Bản, khu du lịch suối khoáng nóng Mỹ Lâm - Tuyên Quang đang được đầu tư …

Empty

Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Trọng Hiếu.

Một số khu du lịch cung cấp dịch vụ tắm bùn, spa, xông hơi, mát-xa như khu du lịch Trăm Trứng (Khánh Hòa), khu du lịch V- resort (Hòa Bình), khu du lịch khoáng nóng Sài Gòn – Bình Châu (Vũng Tàu)…

Du lịch spa và nghỉ dưỡng: Loại hình spa với quy trình trị liệu tổng hợp cả giáo dục chăm sóc sức khỏe, tập thể dục, ăn uống, điều trị mới xuất hiện ở Việt Nam. Spa nằm trong các khách sạn nghỉ dưỡng đóng góp thị phần lớn vào sự phát triển của toàn ngành.

Việt Nam hiện có 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với trên 780.000 phòng, trong đó 90% cơ sở lưu trú du lịch đã đi vào hoạt động bình thường sau thời gian tạm ngừng do đại dịch Covid-19. Tổng số 561 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4-5 sao, trong đó 180 khách sạn nghỉ dưỡng đã triển khai các hoạt động spa và các chương trình chăm sóc sức khỏe cho khách lưu trú, được nhiều khách đánh giá cao.

Khu vực thu hút sự quan tâm đầu tư và yêu thích của các thương hiệu spa và resort nước ngoài là vùng duyên hải Miền Trung và miền Nam, nơi có những bãi biển đẹp và các điểm đến du lịch nổi tiếng.

Giải thưởng World Luxury Spa & Restaurant Awards năm 2015, 2017 vinh danh các spa và nhà hàng sang trọng nhất thế giới đã trao giải Spa của năm thuộc về Harnn Heritage Spa của InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Đà Nẵng, giải spa chăm sóc sức khỏe của ASEAN năm 2019 đã trao cho 5 đại diện của Việt Nam trong và ngoài khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao sao.

Du lịch chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền: Việc khai thác y học cổ truyền bắt đầu được quan tâm. Sản phẩm đầu tiên là Chương trình du lịch châm cứu nâng cao sức khỏe và chữa bệnh của GS. Nguyễn Tài Thu vào năm 2006.

Khu du lịch chữa bệnh Bảo Long thuộc Tập đoàn Y Dược Bảo Long (Sơn Tây, Hà Nội) kết cấu theo mô hình du lịch kết hợp khám chữa bệnh, du khách được trực tiếp tham quan vườn trồng cây thuốc quý hiếm, nơi bào chế thuốc, siêu thị thuốc chứa hàng ngàn sản phẩm Đông dược.

Công ty du lịch Hoàn Mỹ, TP.HCM đã tổ chức chương trình du lịch nghỉ dưỡng "Sức khỏe là vàng", mô hình nghỉ dưỡng được thiết kế, tổ chức phù hợp đa số người có nhu cầu. Du lịch Thiền, Yoga: Bên cạnh các tour du lịch nghỉ dưỡng, khám phá, các công ty du lịch bắt đầu giới thiệu sản phẩm du lịch Thiền – Yoga tới du khách trong và ngoài nước, có huấn luyện viên hướng dẫn. Theo các đơn vị tổ chức tour, đây là những nơi thiên nhiên còn hoang sơ, yên tĩnh, không khí trong lành thích hợp cho du khách tập yoga, ngồi thiền, tận hưởng các liệu pháp spa giải tỏa căng thẳng.

Du lịch giảm cân: Du lịch giảm cân cũng là một loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, phù hợp với địa hình thiên nhiên vừa có núi, vừa có biển. Du khách tham gia được thực hiện chế độ ăn kiêng ở một khu nghỉ dưỡng, được huấn luyện viên hướng dẫn các bài tập vận động: chạy bộ trên bãi biển, bơi lội, leo núi… Sau mỗi buổi tập, du khách thư giãn với các hoạt động mát xa, ngâm bùn khoáng, tắm thuốc thảo dược hay đi cắm trại trên đảo, bãi biển, thảo nguyên....

Nhìn chung, ở Việt Nam việc khai thác tài nguyên để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe đã đạt những thành công nhất định, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú cũng như tăng chi tiêu của khách du lịch ở Việt Nam.

Tuy nhiên, những thành công này chưa tương xứng với tiềm năng đặc sắc đang có. Các sản phẩm du lịch CSSK còn ít, chưa đa dạng, chưa có nhiều cơ sở dịch vụ CSSK đủ tầm cỡ về quy mô, chất lượng để đón khách, nhất là khách du lịch có khả năng chi trả cao.

Phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch CSSK như spa và tắm nước khoáng, nước nóng tắm bùn, Thiền, Yoga, làm đẹp... vẫn hạn chế về quy mô, nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật; dịch vụ chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch.

Bên cạnh đó, chưa khai thác tốt hệ thống cây dược liệu phong phú và nền y học cổ truyền nổi tiếng để phát triển loại hình du lịch CSSK.

Đề xuất các tiêu chí cần lưu ý đối với dự án du lịch chăm sóc sức khỏe:

Một là, vị trí đẹp, yên tĩnh và không gian trong lành: Đây là điều kiện tiên quyết trong việc đầu tư và phát triển dự án nhằm đem lại sự thư giãn cả về thể chất lẫn tinh thần cho du khách, cần được bố trí ở những nơi có không gian trong lành, yên tĩnh, cảnh sắc thiên nhiên đẹp, hài hòa.

Hầu hết, du khách lựa chọn loại hình du lịch này đều hướng tới mục đích cải thiện lối sống lành mạnh. Chính vì thế, vị trí yên tĩnh, không gian trong lành biệt lập và mức độ tiện nghi luôn là mối lưu tâm hàng đầu. Hiện nay, nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn 5 sao dành nhiều công sức nhằm tạo nên một kỳ nghỉ lành mạnh cho khách hàng của họ.

Tận dụng vị trí giữa thiên nhiên xanh, nhiều cơ sở lưu trú đã phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ, xây dựng khu spa trị liệu rộng và thuận tiện để khách trải nghiệm những dịch vụ tái tạo cơ thể hoàn hảo.

Hai là, loại hình xây dựng hài hòa với môi trường xung quanh: Những sản phẩm được xây dựng cho dù là biệt thự hay nhà có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) đều phải hạn chế sự xuất hiện của các thiết bị hiện đại, tối tân làm mất đi sự cân bằng của không gian nghỉ ngơi. Cần tận dụng các nguồn vật liệu từ thiên nhiên như tre, nứa, trúc, lá cây, gỗ… tạo sự mộc mạc, giản dị, nguyên sơ, giúp du khách dễ dàng hòa mình với thiên nhiên.

Ba là, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đi kèm mang lại cho du khách một cuộc sống lành mạnh. Tổ chức những trải nghiệm cho du khách thông qua các hoạt động như: Yoga, leo núi, tắm suối nước nóng, massage, thư giãn, trồng trọt, đạp xe, lướt ván… Dịch vụ ăn uống cũng cần được chú trọng. Các bữa ăn chuẩn bị cho khách nên là những món hoàn toàn từ thiên nhiên, đem lại không khí ấm cúng.

Bốn là, điểm đến tham quan gắn với thiên nhiên nguyên sơ: Không chỉ nơi có cảnh sắc thơ mộng, mà còn cần sự nguyên sơ như hang động hùng vĩ, bãi biển hoang sơ, thác nước tự nhiên, vườn thảo dược, rừng nguyên sinh…

Nhiều người còn tìm đến du lịch chăm sóc sức khỏe để giúp bản thân nhận ra những giá trị sống quý báu đang bị nhịp đời xô bồ vùi lấp. Loại hình này sẽ giúp con người dần hạn chế tối đa tác động xấu tới môi trường, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, hỗ trợ hệ sinh thái bản địa, cung cấp thực phẩm có nguồn gốc địa phương đồng thời quảng bá và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Hiện nay, Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn dưới luật đã quy định thủ tục công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe nếu được cơ quan nhà nước công nhận đã đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch sẽ là một điểm cộng trong kinh doanh và được nhiều khách du lịch tin tưởng hơn trong việc lựa chọn cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Để được công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, cần đáp ứng các điều kiện sau: Có đăng ký kinh doanh và bảo đảm các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo quy định của pháp luật; có nơi đón tiếp, gửi đồ dùng cá nhân; có nội quy, quy trình bằng tiếng Việt, tiếng Anh và ngôn ngữ khác (nếu cần); có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với từng loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe;

Có nhân viên y tế, kỹ thuật viên, nhân viên phục vụ phù hợp với từng dịch vụ chăm sóc sức khỏe; nhân viên có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự; mặc đồng phục và đeo biển tên trên áo; niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và nhận thanh toán bằng thẻ do ngân hàng phát hành; có nhà vệ sinh sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng.Năm 2022, Tổng cục Du lịch đang xây dựng tiêu chuẩn quốc gia “Du lịch và các dịch vụ có liên quan - Spa chăm sóc sức khỏe - Yêu cầu đối với dịch vụ” (chấp nhận tương đương ISO 17679:2016), dự kiến công bố năm 2023, sẽ là tài liệu hướng dẫn các đơn vị cung cấp dịch vụ spa chăm sóc sức khỏe cho du khách.

Thời gian tới cần đưa du lịch chăm sóc sức khỏe thành một loại hình trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Từ đó có chính sách và quy hoạch phát triển loại hình du lịch này nhằm phục vụ cho việc nâng cao sức khỏe cho cộng đồng dân cư Việt Nam và thu hút người nước ngoài, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Để triển khai hiệu quả, cần tập trung hướng dẫn cho các cơ sở CSSK cũng như doanh nghiệp du lịch về cách thức, giải pháp mở rộng loại hình du lịch này, trong đó chú ý sự phối hợp các công ty du lịch và cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Ngành y tế phối hợp với ngành du lịch tăng cường đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và cả ngoại ngữ cho đội ngũ những người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch.

Nhà nước và các ngành liên quan, trước hết là ngành du lịch cần tăng cường tuyên truyền, xúc tiến quảng bá loại hình du lịch CSSK trên thị trường trong nước và thế giới để thu hút khách.

Các nhà hoạch định chính sách cần đẩy mạnh các biện pháp chăm sóc sức khỏe thông qua việc tạo môi trường sống trong lành, khuyến khích các hoạt động thể chất và ăn uống giữ gìn, phát triển lực lượng nhân sự và sản phẩm dịch vụ phục vụ việc chăm sóc sức khỏe.

Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, các nhà đầu tư cần xem xét, nhận diện các xu hướng và sớm đưa ra những sản phẩm phù hợp, thay đổi hướng kinh doanh để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của thị trường trong giai đoạn tiếp theo.

Bất động sản kết hợp nghỉ dưỡng là xu hướng tất yếu của thời đại

Theo PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trên thế giới, ở các nước phát triển luôn coi trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng đối kết hợp với chăm sóc sức khỏe để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của đại bộ phận người dân, là xu hướng phát triển được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Empty

PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh. Ảnh Trọng Hiếu

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân có nhu cầu chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng và phục hồi chức năng lớn do hậu quả thương tích, tai nạn giao thông, mô hình bệnh tật thay đổi: trên 7% dân số từ 2 tuổi trở lên là người khuyết tật (theo Điều tra Quốc gia về Người khuyết tật 1 được tiến hành năm 2016); khoảng 4 triệu người bị ảnh hưởng hậu quả sau chiến tranh; mô hình bệnh tật thay đổi cần phải được chăm sóc, phục hồi chức năng (PHCN) như: hậu quả bệnh COVID-19, gia tăng bệnh không lây nhiễm (Cao huyết áp, đột quy, đái tháo đường, bệnh rối loạn tâm thần, ung thư…,); Tốc độ già hóa dân số tăng nhanh (theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, dân số trên 60 tuổi dự kiến đạt 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và tăng lên gấp 3 lần vào năm 2050).

"Theo tôi phát triển hệ thống bất động sản kết hợp nghỉ dưỡng là xu hướng tất yếu của thời đại. Hệ thống này đang trên đà phát triển nhưng chủ yếu vẫn chỉ quan tâm đến nghỉ ngơi, an dưỡng, chưa thực sự quan tâm đến kết hợp chăm sóc sức khỏe và PHCN có sự tham gia của nhân viên y tế", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Theo ông Khuê, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người đã lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe.

Đây là mô hình du lịch với mục đích nghỉ ngơi, thư giãn, tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần.

Để phát triển loại hình này, cần có chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút đầu tư trong xây dựng các khu du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, chiến lược phát triển các khu du lịch cần quan tâm đến phát triển du lịch gắn với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, PHCN.

Các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng các khu du lịch nên quan tâm đầu tư bố trí xây dựng nơi cung cấp dịch vụ y tế để chăm sóc sức khỏe cho du khách.

Tìm hiểu mô hình cung cấp dịch vụ du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe ở các nước trên thế giới phù hợp với Việt Nam để nghiên cứu, áp dụng cho hiệu quả.

Quan tâm đào tạo, tập huấn trang bị cho cán bộ làm du lịch có kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe; Tích cực quảng bá loại hình du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe để thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Lưu ý trong lập quy hoạch xây dựng khu du lịch chăm sóc sức khỏe

Theo TS-KTS. Hồ Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Bộ Xây dựng, với nền y tế Việt Nam hiện nay thì đầu tư dự án du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ phù hợp tình hình phát triển kinh tế giai đoạn trước mắt 2022-2030, sau đó cần chọn lọc, hoàn thiện nâng cấp một số trong đó thành du lịch y tế 2030-2045.

Empty

TS. KTS Hồ Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc. Ảnh Trọng Hiếu

Thực tiễn tại Việt Nam còn tồn tại khá nhiều khu du lịch thường được ưu tiên chọn tại những vị trí đắc địa về cảnh quan biển rừng và sử dụng khá nhiều tài nguyên đất đai, rừng, bờ biển nhưng việc khai thác chưa có hiệu quả cao hoặc kiến trúc can thiệp khá mạnh mẽ vào thiên nhiên, quy hoạch thiếu bền vững dẫn đến sự xung đột môi trường; đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân địa phương sinh sống; một số các dự án vi phạm quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch xây dựng và đầu tư đã bị cơ quan chức năng xử lý.

Một số vấn đề cần lưu ý trong việc tổ chức lập quy hoạch xây dựng Khu du lịch chăm sóc sức khỏe.

Trong đó, về quy định pháp luật, căn cứ theo Khoản 25 Điều 3 Luật Xây dựng, Khu chức năng bao gồm khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao.

Do đó quy hoạch Khu Du lịch chăm sóc sức khỏe là quy hoạch xây dựng khu chức năng, vì vậy việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu chức năng phải tuân thủ các quy định tại Luật Xây dựng và pháp luật liên quan. Đất sử dụng chủ yếu là đất du lịch dịch vụ và hầu như không có đất ở thương mại mới.

Việc khai thác bền vững và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, di tích lịch sử, di sản văn hóa và nguồn lực phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, bảo đảm sự kết nối, thống nhất công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực, vùng; Bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động bất lợi đến cộng đồng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Một lưu ý khác, tại Luật Du lịch 2017 hình thức du lịch “chăm sóc sức khỏe” chưa được đề cập đến tại Điều 3 (Giải thích từ ngữ). Tương tự trong luật chưa gắn du lịch với y tế và chăm sóc sức khỏe tại các Điều 5 (Chính sách phát triển du lịch); điều 15 (Các loại tài nguyên du lịch); Điều 23 (Điều kiện công nhận điểm du lịch) và Mục 3 (Lưu trú du lịch). Đây sẽ là điểm tồn tại khó khăn pháp lý, cần chỉnh lý. Do là căn cứ cơ sở để xác định, lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch chăm sóc sức khỏe cho các nhà đầu tư cũng như với chính quyền các cấp để quy hoạch sử dụng đất hình thức bất động sản này.

Về tổ chức quy hoạch, không gian kiến trúc, cảnh quan: Việc xác định mục tiêu, động lực phát triển khu du lịch chăm sóc sức khỏe cần xác định chính xác tính chất, dự báo quy mô dân số của khu chức năng, yêu cầu cụ thể về định hướng phát triển không gian, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho từng giai đoạn quy hoạch xây dựng chung, quy hoạch phân khu 1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500.

Trên thực tiễn không ít dự án đã không thành công trong khai thác, vận hành hoặc thậm chí cấp có thẩm quyền không được phê duyệt quy hoạch do quy hoạch thiếu luận cứ, cơ sở khoa học hoặc không phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.

Nên gắn lý thuyết "điểm đến du lịch thông minh" vào nội dung đồ án quy hoạch với các cách tiếp cận hợp lý - toàn diện.

Với việc phát triển điểm đến du lịch sức khỏe và khám phá văn hóa bản địa, mỗi điểm đến phải lựa chọn nhiều hình thức khác nhau và giải quyết nhiều vấn đề góp phần tạo nên đề xuất dịch vụ độc đáo của thương hiệu điểm đến du lịch.

Lợi ích kinh tế cho cộng đồng nói chung phải định lượng được. Lợi ích phải được đưa vào quy hoạch, chiến lược, chiến thuật, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm và tiếp thị của điểm đến như một trung tâm thương mại du lịch dịch vụ sức khỏe với nội dung đặc sắc.

Lưu ý về quy mô, dây chuyền, không gian kiến trúc cảnh quan: cần được xác định phù hợp theo tính các chất cấu trúc dây chuyền khác nhau. Ví dụ, khu nghỉ dưỡng khép kín (Destination Resort) là khu nghỉ dưỡng đáp ứng đầy đủ các dịch vụ đáp ứng cho nhu cầu ăn uống, giải trí, mua sắm, spa,... để du khách có thể thoải mái nghỉ dưỡng mà không cần di chuyển đi bất cứ nơi nào khác.

Khu nghỉ dưỡng phức hợp (Integrated Resort) là khu nghỉ dưỡng tích hợp đầy đủ các tiện ích, đa dạng các loại hình dịch vụ giải trí, khu mua sắm và nhà hàng cao cấp.

Bên cạnh đó khu nghỉ dưỡng thường gắn với các đô thị. Khu nghỉ dưỡng tiện lợi (Property Resort) là những khu du lịch hiện hữu, truyền thống được cải tiến, thêm các tiện ích - dịch vụ mới chăm sóc sức khỏe.

Khu nghỉ dưỡng tiện lợi thường có diện tích nhỏ và không có tính khép kín, gắn với dạng nhỏ lẻ, home stay. Các khu du lịch cần gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, qua đó du khách sẽ được sống trong một môi trường văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và bảo vệ mối quan hệ truyền thống sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên và xã hội.

Tuy nhiên cũng không nên duy ý chí áp đặt, khiên cưỡng trong kiến trúc và có lộ trình dần loại bỏ những yếu tố lạc hậu, những tập quán đã không còn phù hợp với đời sống hiện đại.

Trong đồ án quy hoạch cần thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai, trên cơ sở bản đồ Phân vùng rủi ro thiên tai (thuộc thẩm quyển Bộ TN&MT cấp).

Do Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa nhiều vùng khá khác biệt, nên kiến trúc công trình sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn của điều kiện thiên nhiên và khí hậu: nắng, mưa, gió và bão.

Tùy thuộc vào điều kiện đặc thù thiên nhiên, địa hình, khí hậu của từng nơi, từng vùng mà để thiết kế các giải pháp kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật khu du lịch phù hợp đinh hướng từ mặt bằng, bố cục không gian, xử lý vật liệu bao che.

Cần cơ sở pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản chăm sóc sức khoẻ

Theo ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, hiện nay các cơ sở pháp lý còn thiếu và đó chính là rào cản để phát triển các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ.

Empty

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường. Ảnh: Trọng Hiếu.

Muốn phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cần khơi thông về mặt chính sách. Ví dụ hiện nay Luật Xây dựng cho sở hữu nhà với người nước ngoài nhưng Luật Đất đai chưa cho phép điều nay. Đây cũng là rào cản để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng hay du lịch nghỉ dưỡng.

Tương tự, hình thức du lịch nghỉ dưỡng đang phát triển rất nhanh, đặc biệt là các loại hình như Condotel, sở hữu kỳ nghỉ. Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện chỉ công nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, còn dạng sở hữu dưới dạng kỳ nghỉ hay condotel chủ yếu dưới dạng hợp đồng dân sự.

Do đó, ông Thọ cho rằng rất cần hành lang pháp lý rõ ràng để người mua/ sở hữu được yên tâm, đồng thời cho biết trong sửa đổi Luật Đất đai tới đây, quan điểm của Bộ TN&MT là cân bằng lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và nhà đầu tư; cân bằng giữa lợi ích các địa phương, nơi nào có thể phát triển du lịch chăm sóc sức khoẻ, nơi cần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; cân bằng thế hệ hiện tại và tương lai để nơi thải khí cacbon phải trả phí cho nơi hấp thụ cacbon. Thông qua cuộc hội thảo này, các bộ ban ngành sẽ nhận được các góp ý bổ ích để phối hợp, làm cơ sở để thiết kế luật pháp, cơ sở pháp lý phát triển hình thức du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản chăm sóc sức khoẻ.

Bất động sản nghỉ dưỡng có những yêu cầu riêng về nhân sự

Theo bà Lương Tú Anh, Tổng giám đốc công ty Nodex Asia, bất động sản nghỉ dưỡng là một ngành dịch vụ có những yêu cầu riêng về nhân sự khi tuyển dụng.

Empty

Bà Lương Tú Anh, Tổng giám đốc công ty Nodex Asia. Ảnh: Trọng Hiếu.

Nhân sự làm việc trong lĩnh vực này sẽ cần đặc biệt chú trọng tới việc phục vụ khách hàng và chăm sóc khách hàng ở tất cả các khâu, các bộ phận. Họ cần đặt khách hàng ở vị trí trung tâm, phục vụ khách hàng bằng cả trái tim.

Để đạt được điều này, kỹ năng mềm của đội ngũ nhân sự sẽ được yêu cầu cao hơn, đặc biệt những kỹ năng phục vụ khách hàng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chăm sóc khách hàng, kỹ năng quản lý công việc, kỹ năng làm việc nhóm hay kỹ năng về ngoại ngữ cũng rất quan trọng trong lúc khách nước ngoài sang nghỉ dưỡng tại Việt Nam ngày càng tăng.

Về nghiệp vụ với nhân sự trong ngành bất động sản nghỉ dưỡng đòi hỏi độ chính xác, chuyên nghiệp, đảm bảo thực thi theo quy trình.

Để phát triển nguồn nhân lực, đón đầu xu hướng bất động sản nghỉ dưỡng tiềm năng, cần có giải pháp: Phát triển chương trình đào tạo cho các cấp bậc quản lý, kỹ năng huấn luyện, tạo động lực cho nhân viên…. Hoặc các doanh nghiệp có chương trình phát triển nhân tài, các kỹ năng mềm…

Giải pháp thứ 2 là tìm các phòng đào tạo thuê ngoài. Các đơn vị này sẽ triển khai các quy trình bài bản từ khảo sát nhu cầu doanh nghiệp, xây dựng lộ trình phát triển nhân sự, áp dụng phần mềm quản lý lộ trình học tập cho nhân viên…

Từ đó, có thể đánh giá kết quả đào tạo, gắn với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Như vậy, doanh nghiệp nhận được nhiều lợi ích, có thể tiết kiệm 54% chi phí, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, có các đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo, quy trình và kế hoạch bài bản, thời gian có thể triển khai nhanh chóng và hiệu quả…

Phiên II: THẢO LUẬN MỞ

Người điều phối - TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư: Trong phiên I, chúng ta đã được nghe 6 tham luận của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp. Qua các tham luận, đã khẳng định tiềm năng của bất động sản chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Trong phiên II, chúng ta sẽ cùng thảo luận nhằm nhận diện các rào cản, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để khơi thông nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này để có thể biến tiềm năng thành hiện thực.

Mở đầu phiên thảo luận xin kính mời ông Takemura Tomofuri, Giám đốc Thường trực Hiệp hội các nghiệp đoàn ngành dịch vụ lưu trú Ryoukan và khách sạn toàn Nhật Bản. Ông có thể chia sẻ về việc kiến tạo cho sự hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản và chia sẻ kinh nghiệm phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam.

Chất lượng các khu nghỉ dưỡng sẽ thu hút người nước ngoài

Ông Takemura Tomofuri: Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Ngành du lịch sẽ trở thành ngành công nghiệp chủ chốt của Việt Nam trong tương lai. Với số liệu tự tìm hiểu GDP của Việt Nam, số lượng khách du lịch đến Việt Nam, du lịch của Việt Nam sẽ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

takemura

Ông Takemura Tomofuri, Giám đốc Thường trực Hiệp hội Các nghiệp đoàn ngành dịch vụ lưu trú Ryoukan và khách sạn toàn Nhật Bản thảo luận trực tuyến từ Nhật Bản: Ảnh chụp màn hình.

Khi Việt Nam có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, người nước ngoài đến Việt Nam để làm việc. Khi số lượng nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam tăng lên các kỳ nghỉ ngắn hạn sẽ tăng theo. Với đối tượng là nhà đầu tư, người nước ngoài sang Việt Nam làm việc có nhu cầu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khoẻ nhưng phải phụ thuộc vào chất lượng các khu này có phù hợp với mong muốn của họ.

Khi sang Việt Nam công tác sẽ thấy có cảm xúc đặc biệt với Việt Nam rất đẹp, muốn đưa gia đình, con cái sang Việt Nam du lịch, nghỉ dưỡng trong các khách sạn có mô hình chăm sóc sức khoẻ, resort cần liên tục nâng cao dịch vụ, nâng cao chất lượng với khách hàng. Ở đất nước nào khi có nhu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ cần đầu tiên là thu hút nguồn vốn đầu tư. Không chỉ là nguồn vốn đầu tư, song song với đó là học hỏi kinh nghiệm để chăm sóc sức khoẻ.

Tôi nghĩ có thể học hỏi từ đất nước Nhật Bản. Tại sao nên học hỏi từ Nhật Bản? Đặc thù của thực hiện dịch vụ của lữ quán, khách sạn Nhật Bản đều xuất phát từ cái tâm của người làm dịch vụ trước. Nét văn hoá nhiều người Việt Nam đã nghe về trà đạo của Nhật Bản, văn hoá truyền thống đều xuất phát từ chữ "TÂM" của người Nhật. Có tinh thần hướng tới khách hàng một cách tận tâm nhất. Ghi chép lại trong lịch sử Nhật Bản, cơ sở lưu trú của Nhật Bản xuất hiện từ năm 1.300.

Với đặc thù địa lý Nhật Bản, cơ sở lưu trú xuất phát từ những khu vực suối nước nóng và người Nhật Bản có văn hoá thích ngâm mình trong nước nóng - Onsen, mô hình này ngày càng phát triển, là mô hình lưu trú truyền thống của người Nhật. Người Nhật Bản có quan niệm ngâm mình trong suối nước nóng tốt cho sức khoẻ, còn được ngắm cảnh đẹp.

Mỗi nước có thế mạnh riêng, đưa tư vấn với đơn vị Việt Nam là tận dụng thế mạnh tự nhiên để phát triển thành mô hình có dịch vụ lưu trú chuyên nghiệp và có dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nghỉ dưỡng tốt cho khách hàng. Onsen cũng đang trở thành một từ phổ biến trên thế giới và sắp tới có thể phát triển tại Việt Nam.

Châu Á nói chung sẽ bước vào giai đoạn già hoá dân số, trong đó có Trung Quốc. Trên số liệu đó, tôi đồng tình với nhận định, thời gian tới du lịch chăm sóc sức khoẻ hay bất động sản chăm sóc sức khoẻ sẽ trở thành mũi nhọn trong ngành du lịch thời gian tới. Ở Nhật Bản ngoài còn mô hình lữ quán (khách sạn truyền thống) và khách sạn như trên thế giới.

Việt Nam nên cân nhắc hợp tác với các đơn vị trên thế giới để vận hành, điều hành bất động sản chăm sóc sức khoẻ như Nhật Bản. Đặc biệt khi hợp tác chung về kinh doanh, cùng chia sẻ, có thêm người bạn đồng hành về nguồn vốn và kinh doanh, cũng như lợi ích.

Về quy trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho cơ sở bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam, đầu tiên để nâng cao chất lượng cơ bản cần có những cơ sở đào tạo nhân lực, ở Việt Nam cũng có những cơ sở rất uy tín và tốt. Tuy nhiên, với lĩnh vực với như thế này, những nhân lực phải học hỏi rất nhiều. Chúng ta có thể đi làm nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm. Tất nhiên, đối với yêu cầu cao như Nhật Bản, bất cứ nhân lực nào cần trải qua một đào tạo cơ bản đã có thể làm được.

Chúng tôi có cơ chế kiểm tra trình độ, cấp chứng chỉ liên quan tới ngành dịch vụ này. Những nhân lực ưu tú này đã có chứng chỉ, kỳ vọng sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao khi trở về nước.

Việt Nam là điểm đầu tư du lịch hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông Takamura. Tôi có câu hỏi ngắn muốn dành cho ông, dựa trên kinh nghiệm và các mối quan hệ của ông, ông đánh giá thế nào về dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào lĩnh vực bất động sản chăm sóc sức khỏe, các nhà đầu tư có quan tâm tới thị trường tại Việt Nam hay không, và làm sao có thể thúc đẩy dòng vốn này?

Ông Takemura Tomofuri: Thị trường du lịch nội địa Nhật Bản hiện đang có phần sụt giảm và rất cạnh tranh. Nhiều chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp còn trẻ đang rất muốn đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia có thiên nhiên ưu đãi.

Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn, là điểm đầu tư du lịch hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản. Tôi tin tưởng nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Hiệp hội chúng tôi hiện nay có phân hội là đoàn thanh niên tập hợp các giám đốc trẻ của lữ quán, tư tưởng đầu tư của họ rất khác. Nếu Việt Nam tiếp cận được các phân hội này thì cơ hội hợp tác đầu tư là rất lớn.

BĐS nghỉ dưỡng không nên dựa vào vốn ngân hàng quá nhiều

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Các tham luận và thảo luận đều nêu chung một vấn đề và coi như một rào cản, đó là vấn đề vốn đầu tư. Trong bối cảnh tín dụng ngân hàng không còn ưu đãi cho bất động sản nói chung và bất động sản Wellness nói riêng, trái phiếu doanh nghiệp thì gặp nhiều khó khăn, có cách gì để doanh nghiệp vượt qua thách thức này không. TS. Cấn Văn Lực có thế góp ý gì vấn đề này?

TS. Cấn Văn Lực: Trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mới, về cơ bản chưa cho phép nước ngoài sở hữu quyền sử dụng đất của chúng ta, đây là vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, trên góc độ BĐS nhà ở, BĐS nghỉ dưỡng, condotel chúng ta nên tiếp cận như thế nào đối với nhà đầu tư nước ngoài?

Quan điểm của tôi là cần tiếp tục nghiên cứu để cho phép người nước ngoài được mua, được sở hữu nhà ở, các loại hình BĐS tại Việt nam trong đó có BĐS nghỉ dưỡng, được nhận tài sản thế chấp, để để có thể cung ứng vốn cho nền kinh tế. Điều này phải nhất quán và hoàn toàn khả thi, đảm bảo có lợi cho các bên và đặc biệt là an toàn.

Empty

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. Ảnh: Trọng Hiếu.

Về vốn cho bất động sản nói chung và BĐS chăm sóc sức khỏe nói riêng, không nên dựa vào vốn ngân hàng nhiều. Vì hiện nay, mỗi một năm lĩnh vực BĐS cần 700.000-1.000.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân hàng chiếm 24%, với 2/3 chủ yếu là cho vay để sửa nhà, còn 1/3 là cho vay đầu tư kinh doanh BĐS.

Do vậy, nguồn tiền kinh doanh BĐS từ từ trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư, bản thân nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng bỏ vốn vào dưới dạng quỹ tín thác BĐS. Ngoài ra, về câu chuyện quy hoạch, vai trò chính quyền địa phương rất quan trọng, quyết định của nhà đầu tư vẫn quyết định là chính, song cần tham khảo kinh nghiệm nước ngoài.

Cần có cơ chế mở với các nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua BĐS

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Liên quan đến vấn đề vốn, tôi có câu hỏi dành cho ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông đánh giá thế nào về FDI vào Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản nói chung và bất động sản Wellness nói riêng?

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT): Đối với BĐS, đặc biệt BĐS chăm sóc sức khỏe nghỉ dưỡng thì tiềm năng lớn. Có thể thấy sau thời kỳ COVID-19, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. 90% nhà đầu tư ở Việt Nam phục hồi tốt, thậm chí phục hồi 100% sau dịch, nhiều nhà đầu tư tỏ ra tự tin về tiềm năng Việt Nam sau dịch.

9 tháng đầu năm 2022, Cục Đầu tư nước ngoài tiếp xúc nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để kết nối, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Thời gian qua, thu hút thị trường BĐS đứng thứ 2 và chiếm tỷ lệ 18,5% trong tổng số vốn đầu tư. Có 43 quốc gia đầu tư lĩnh vực BĐS, trong đó có BĐS nghỉ dưỡng, BĐS chăm sóc sức khỏe ở khái niệm rộng hơn và mới ở Việt Nam.

Empty

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT). Ảnh: Trọng Hiếu.

Việt Nam có tiềm năng, BĐS Việt Nam phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với nhiều lợi thế. Giá đất cũng ở mức cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực. Nếu biết kết hợp, ta vừa có thể thu hút nhà đầu tư, vừa phát triển du lịch. Số liệu cho thấy Việt Nam rất thiệt thòi do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Xu hướng đầu tư BĐS của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt kỷ lục. 9 tháng đầu năm 2022 lại ghi nhận sự phục hồi mức cao nhất trước dịch thể hiện qua quy mô bình quân dự án là 64 triệu USD, cao hơn năm 2018 (là 54 triệu USD).

Để thu hút dòng vốn này, Việt Nam phải giải quyết nhiều khó khăn: Tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài qua các cam kết của chính quyền bảo vệ các dự án đầu tư; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; và tiếp tục đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết. Thay vì bắt kịp các quốc gia khác, chúng ta phải định hướng đi đầu. Để như vậy, ta cần tạo sự độc đáo và mang các đặc thù của Việt Nam.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Thêm 1 ý nhỏ, ông có đồng tình với ý kiến chuyên gia Cấn Văn Lực để tham mưu cho lãnh đạo Bộ KH&ĐT về việc cho người nước ngoài được mua, sở hữu, được thế chấp BĐS, quan điểm cá nhân ông thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT): Đây là điều không thể không làm, cần có cơ chế mở với các nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua và sở hữu bất động sản. Vấn đề này hiện vướng với Luật Đất đai và Xây dựng. Quan điểm của tôi là ủng hộ, chúng ta cứ làm và mở ra dần dần.

Chưa có chính sách tín dụng cho BĐS xanh

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Liên quan đến vấn đề vốn, xin được hỏi bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), với chính sách điều hành hiện nay, chúng ta có nhiều mục tiêu ưu tiên như chống lạm phát, kiềm chế rủi ro… liệu có nguồn vốn nào đấy cho việc phát triển các dự án bất động sản xanh nói chung và bất động sản Wellness nói riêng không?

Bà Hà Thu Giang: Tôi là hoàn toàn đồng tình với ý kiến của ông TS. Cấn Văn Lực, TS. Nguyễn Anh Tuấn đã nói về nguồn vốn đầu tư vào bất động sản nói chung, và bất động sản sức khỏe nói riêng đến từ nhiều nguồn như: FDI, vốn tự có, phát hành trái phiếu...

Empty

Bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước). Ảnh: Trọng Hiếu.

Do đó, chúng ta không nên quá phụ thuộc nguồn vốn vay ngân hàng. Về cơ chế chính sách, NHNN đã ban hành đầy đủ và cơ chế cho vay hiện nay dựa trên cơ sở thỏa thuận cơ chế tự thỏa thuận đối với, nhà đầu tư khách hàng. Tính đến cuối tháng 8, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản là 15,68%, cao hơn tín dụng chung (11%) với quy mô 2,4 triệu tỷ đồng. Nhưng trong quy mô này, phần lớn đến từ tự tiêu dùng, tự sử dụng, kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 1/3.

Về bất động sản xanh chưa có chính sách, quy định cụ thể nào liên quan đến tín dụng của lĩnh vực này. NHNN cũng có theo dõi tín dụng trong các lĩnh vực xanh, trong đó có lĩnh vực đầu tư đô thị xanh, nhưng tỷ trọng chiếm rất nhỏ, khoảng 0,18% trên tổng dư nợ 474 nghìn tỷ đồng.

Còn về định hướng, quản lý bất động sản trong thời gian tới, NHNN thường xuyên theo dõi sát trong lĩnh vực bất động sản và luôn dành định hướng cho các tổ chức tín dụng vào phân khúc đáp ứng nhu cầu của người dân như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có lượng hấp thụ tốt... Đối với lĩnh vực bất động sản sức khỏe như hội thảo ngày hôm nay đề cập, chúng ta cần tập trung và có giải pháp cho nguồn vốn thu hút đầu tư.

Câu chuyện thị trường hay hỗ trợ từ Nhà nước?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn ý kiến bà Hà Thu Giang, các ý kiến tại hội thảo chắc chắn sẽ gợi mở một số chính sách mới cho phát triển thị trường vốn dành cho bất động sản. Tiếp theo mạch này, xin mời ý kiến từ TS. Võ Trí Thành, ông có hiến kế gì để khơi thông dòng vốn cho lĩnh vực này?

TS Võ Trí Thành: Tôi xin phép nói rộng hơn. Trong đó có câu chuyện vốn. Thứ nhất, đây là câu chuyện thị trường hay hỗ trợ Nhà nước. Nếu nói càng nhiều tiềm năng thì nhu cầu thị trường càng cao. Nếu tiềm năng lớn nhưng rủi ro chưa xác định thì là Nhà nước. Nhu cầu thị trường thì cuộc chơi là của thị trường.

Thứ hai, đây là kinh doanh có điều kiện hay không, dù có định nghĩa thế nào. Tôi nghĩ, từ nội hàm có một số yếu tố có điều kiện như là y tế, sức khỏe, sống, chết… vấn đề là điều kiện như thế nào. Đây là vấn đề phối hợp từ Bộ Y tế.

Empty

TS. Võ Trí Thành. Ảnh: Trọng Hiếu.

Theo tôi biết, có một số tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực này, có năng lực cạnh tranh và hỗ trợ của Nhà nước. Họ đặt tiêu chuẩn cao nhất của Hoa Kỳ vào, nên vấn đề ở đây là hài hòa, quy chuẩn của Việt Nam chấp nhận và cho phép. Đây là câu chuyện điều kiện kinh doanh, can thiệp Nhà nước hay không, gắn với năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.

Vấn đề tiếp theo là Nhà nước đã có rồi thì có đặc thù cho cái này để hỗ trợ không. Ví dụ như đào tạo thì Nhà nước vẫn hỗ trợ. Hoặc như truyền thông và marketing, Nhà nước có hỗ trợ về marketing và truyền thông không? Đào tạo, hỗ trợ ngoài cái chung, đặc thù, bất động sản, vốn.

Bây giờ đến câu chuyện bất động sản xanh, vốn. Chúng ta biết trong 5, 10 năm trở lại đây nguồn tốc độ vốn xanh, tín dụng xanh tăng gấp hàng chục lần. Thêm nữa, BĐS này có sự chuyên biệt không? Nếu BĐS này chỉ tập trung chăm sóc sức khỏe cho người già thì nhà nước có hỗ trợ không? Trong cái chung chúng ta đã bàn, ta nên bàn tới những cái chuyên biệt như thế, liên quan đến marketing, truyền thông, vốn liếng có hay không? Từ điều kiện kinh doanh đó có không? Ngoài trò chơi thị trường?

Một ý nữa là quy hoạch và nhà đầu tư, đang có vấn đề. Cả ở tích cực lẫn tiêu cực. Như các anh nói đất đai để trống nhiều. Nghĩa là có quy hoạch mà không có nhà đầu tư. Nhà đầu tư không đủ điều kiện. Gắn quy hoạch với quan tâm và lựa chọn nhà đầu tư ngay từ đầu. Chơi với các nhà đầu tư lớn không chỉ chúng ta đặt điều kiện mà họ đặt điều kiện. Cả hai đều có điều kiện, phải linh hoạt, gắn bó với nhau.

Vấn đề tiếp theo là các anh đồng hành thường là cánh hẩu, có vấn đề. Né cái này thế nào, minh bạch ra sao? Mời chào 10 năm không ai làm nhưng nếu chơi từ đầu thì nhà đầu tư đó là cánh hẩu thì sao? Cái cuối cùng, phân khúc này là nghỉ dài ngày.

Liên quan đến visa, quan trọng là dám cho người ta vào 3 tháng không? Như chuyên gia người Nhật nói, chúng ta đã chậm 3 tháng. Hãy nhìn sang các quốc gia láng giềng, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Singapore, những ưu đãi chưa từng có để thu hút người tài và người giàu. Tôi đã gặp rất nhiều tập đoàn lớn, họ yêu cầu 2 yếu tố, ngoài mặt bằng, kinh doanh, nhân công… họ yêu cầu môi trường xanh, môi trường số tốt và cái quan trọng nhất là môi trường sống cho chuyên gia.

Việt Nam chưa đảm bảo được những điều nay như các nước khác. Chúng ta muốn đón đại bàng thì phải làm tốt điều này. Chúng ta phải sâu hơn nữa nếu muốn thực sự thu hút dòng vốn đầu tư, kinh doanh. Vấn đề là ai đang chiếm được lợi thế thị trường và khách từ nước nào là chính? Việt Nam muốn hợp tác với Nhật cho dù có chất lượng cao vẫn vứt. Quan trọng là khách hàng ở đâu? Toàn bộ thông tin ai chơi, người chơi, ai trả tiền, giá trị gia tăng… như thế nào?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Sáng nay, các chuyên gia đã đề xuất khá nhiều cơ chế chính sách, ngoài chuyện tiền đâu để phát triển dự án, thì một vấn đề khác là khách ở đâu vào để sử dụng sản phẩm, rồi những vấn đề liên quan đến việc sở hữu bất động sản đối với người nước ngoài… Xin hỏi bà Nguyễn Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Khách sạn Tổng cục Du lịch, bà có thể cho biết Tổng cục hay Bộ VH,TT&DL có phương án gì để giải quyết các vướng mắc trên? Quan điểm của bà đối với các ý kiến được nêu ra thế nào?

Bà Nguyễn Thanh Bình: Đại dịch COVID-19 thay đổi hành vi, quan niệm đi du lịch của khách du lịch thời gian qua. Khi chúng ta mở cửa du lịch trở lại bình thường, khách tăng đột biến, trong đó số khách nội địa đã vượt con số năm 2019.

Empty

Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Khách sạn Tổng cục Du lịch. Ảnh: Trọng Hiếu.

Nhóm khách nội địa xu hướng tìm đến thiên nhiên nhiều hơn. Kể cả trong đại dịch, các khu vùng cao đông khách như Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng. Con người đang hướng tới thiên nhiên. Chăm sóc sức khoẻ cũng dựa vào thiên nhiên để xây dựng du lịch. Khách quốc tế chưa vào, khách nội địa đã phủ kín các khu vực nhà đầu tư làm tốt về du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ.

Thị trường khách nội địa rất lớn. Đại dịch COVID-19 cho thấy đi nội vùng nhiều hơn. Sản phẩm phù hợp với nhu cầu thế giới, khách hàng sẽ tới. Sản phẩm cho người già hay giới trẻ đều rất nhiều. Chỉ nơi nào làm chất lượng tốt mới đông khách.

Chúng tôi đang xây dựng tiêu chuẩn spa, sức khoẻ, những cơ sở người dân tộc đang làm rất tốt và đông khách. Hiện nay mô hình chăm sóc sức khoẻ là thuật ngữ mới, từ 2017 mới đưa vào 1 dòng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ là một trong những dịch vụ phục vụ khách du lịch. Hiện đang xây dựng tiêu chuẩn spa, chăm sóc sức khoẻ trong 2022 và công bố 2023.

Đây là tiêu chuẩn đầu tiên liên quan tới lĩnh vực này; sắp tới sẽ tiếp tục làm các bộ tiêu chuẩn khác. Năm 2023 du lịch nội địa vẫn có tiềm năng tăng trưởng nhưng sẽ không cao như năm 2022. Khách hàng vẫn có nhu cầu và dao động trong quãng 100-105 triệu khách hàng nội địa.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi muốn nghe ý kiến đại diện của nhà đầu tư trong nhóm lớn nhất Việt Nam về dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe nghỉ dưỡng, xin mời bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh, Tổng Giám đốc Sun Property. Từ thực tiễn của mình, bà có ý kiến gì hay quan điểm thế nào về ý kiến của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia đã phát biểu?

Bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh: Đối với lĩnh vực BĐS chăm sóc sức khỏe nói chung và lĩnh vực liên quan đến nâng cao sức khỏe của khách du lịch nói riêng, bản thân Sun Group là tập đoàn đã nghiên cứu mô hình này và phát triển từ năm 2021.

Empty

Bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh, Tổng Giám đốc Sun Property. Ảnh: Trọng Hiếu.

Với Sun Group đây là hành trình trải nghiệm của khách hàng, bao gồm liệu trình dành cho khách hàng khi tới ở đây, hướng đến câu chuyện lưu trú dài hạn, nâng cao sức khỏe, mô hình BĐS chăm sóc sức khỏe Sungroup hướng đến câu chuyện phòng bệnh. Sungroup hướng đến dòng du lịch nội địa, mang tới giá trị dành cho người dân Việt Nam, chúng ta có tài nguyên như khoáng nóng, có bác sĩ hàng đầu, vậy tại sao không đầu tư lĩnh vực này cho người dân nội địa?.

Về bản chất dự án Onsen Quang Hanh là sử dụng khoáng nóng, bản thân khóng nóng Việt Nam rất dồi dào, đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng. Đứng trên vai người khổng lồ kết hợp yếu tố văn hóa người Việt Nam, chúng tôi đưa công nghệ về, nhưng vẫn mang yếu tố bản sắc văn hóa Việt để đảm bảo không xa lạ đối với khách nội địa.

Về ý tưởng, tôi tin rằng các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam như Vingroup, Novaland hay Sun Group, chúng tôi đau đáu hướng đến quy hoạch bài bản và cùng nâng tầm du lịch Việt Nam. Chúng tôi cần chính sách thông thoáng, cần trợ giúp từ nhà đầu tư quốc tế, từ nguồn vốn FDI, thủ tục của Nhà nước để phát triển loại hình này.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tiếp mạch này xin mời bà Nguyễn Quỳnh Mai, Tổng Giám đốc Khối thương mại miền Bắc NovaGroup, đại diện cho một nhà đầu tư cũng rất lớn trong lĩnh vực này.

Bà Nguyễn Quỳnh Mai: Tập đoàn Nova nhận thấy giá trị mang lại cho cộng đồng là rất quan trọng. Ngay từ khi triển khai dự án Nova World Phan Thiết, chúng tôi chọn vùng đất với thiên nhiên ưu đãi, khí hậu trong lành, ngày nắng quanh năm…

Empty

Bà Nguyễn Quỳnh Mai, Tổng Giám đốc Khối thương mại miền Bắc Nova Group. Ảnh: Trọng Hiếu.

Vì thế, Tập đoàn Nova lựa chọn đây là nơi đặt chân cho dự án 1.000 ha, sử dụng 7 km đường biển. Tất cả các tiện ích tập trung vào nâng cao sức khỏe cộng đồng, tạo ra lợi thế cho các cư dân xung quanh, điểm đến thu hút khách du lịch. Với địa thế thuận lợi, Phan Thiết đóng vai trò không chỉ cung cấp, nâng cao sức khỏe của người địa phương, mà còn hướng đến đại bộ phận người dân Việt Nam.

Năm 2022, đón sự cất cánh của du lịch Việt Nam, Nova World Phan Thiết trở thành điểm đến bùng nổ với các du khách. Những bước đầu phát triển dự án đã mang lại giá trị cho cộng đồng. Đây cũng là hướng đi trong thời gian tới của Tập đoàn Nova.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Ý kiến của bà Nguyễn Quỳnh Mai khép lại phần thảo luận chúng ta ngày hôm nay. Xin cảm ơn các vị đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia đã đóng góp các tham luận, các ý kiến phát biểu. Ý kiến có thể còn khác nhau khi đánh giá về tiềm năng, nhưng nhìn chung các ý kiến đã khẳng định đây là lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.

Qua hội thảo các chuyên gia cũng đã đề xuất rất nhiều giải pháp liên quan đến vấn đề vốn, nhân sự, du khách, bản sắc sản phẩm…, chúng ta cũng có sự kết nối với các nhà đầu tư Nhật Bản thông qua Hiệp hội lữ quán khách sạn toàn Nhật Bản. Một lần nữa xin thay mặt Ban tổ chức trân trọng cảm ơn đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đến với cuộc hội thảo ngày hôm nay.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ