Tình cảnh bấp bênh của lao động trung niên trong dịch

Đại dịch COVID-19 đẩy nhiều người lao động trung niên vào cảnh thất nghiệp. Quá trình tìm công việc mới không hề dễ dàng với họ.
THIÊN NHI
10, Tháng 12, 2021 | 13:28

Đại dịch COVID-19 đẩy nhiều người lao động trung niên vào cảnh thất nghiệp. Quá trình tìm công việc mới không hề dễ dàng với họ.

Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2005, anh Nguyễn Văn Khánh (41 tuổi, Nghệ An) lên Sa Pa, Lào Cai làm du lịch và bám trụ đến giờ.

Trước COVID-19, anh làm hướng dẫn viên cho các tour, chủ yếu phục vụ khách nước ngoài, với thu nhập trung bình 20 triệu đồng/tháng.

Đầu năm ngoái, đại dịch ập đến khiến du lịch đóng cửa, anh Khánh thất nghiệp. Rải rác mấy tháng ngành mở lại, anh trở lại, tiếp tục làm công việc yêu thích.

“Tuy nhiên, sau đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, du lịch chết hẳn, tôi phải làm nhiều công việc để trang trải cuộc sống, thu nhập giảm đến 70-80%”, anh nói với Zing.

z3005109391862_be23b4d826cb5fc229c7ec5f93662cb0

Công việc của anh Khánh biến động vì dịch trong gần 2 năm qua. Ảnh: NVCC.

Theo anh Khánh, Sa Pa có cơ cấu ngành, nghề nhất định. Du lịch đóng cửa khiến phần lớn đồng nghiệp của anh phải về quê hoặc tìm công việc khác.

Bản thân anh Khánh từng đi phụ hồ, chạy xe. Không ít bạn bè ở Hà Nội của anh cũng chạy xe công nghệ để túc tắc qua ngày.

“Tôi cũng có tuổi rồi nên chuyển ngành chậm và ít cơ hội”, anh lý giải.

16 năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch, thành thạo tiếng Anh, Pháp nhưng anh Khánh cho biết những điều này không giúp ích nhiều cho anh.

“Kinh nghiệm có thể hỗ trợ phần nào khi đi xin việc nhưng ngược lại tuổi tác lại là rào cản. Số lượng người thất nghiệp trong dịch nhiều nên cơ hội để những lao động trung niên như tôi bắt đầu công việc mới là rất khó. Hy vọng du lịch quay trở lại nhưng cũng không biết khi nào”, anh nói.

Tương tự anh Khánh, nhiều lao động ở độ tuổi trung niên gặp không ít khó khăn sau khi đại dịch lấy đi sự nghiệp của họ. Một số có thể không trở lại công việc cũ.

Xoay xở

Năm 2012-2014, anh Nguyễn Văn Khánh từng dạy tiếng Pháp trong một dự án du lịch ở Sa Pa. Dịch kéo dài, anh được họ kết nối lại và mời làm việc bán thời gian.

Hiện tại, anh Khánh dạy thêm 2 buổi/tuần với chuyên gia tiếng Pháp tại Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lào Cai. Bên cạnh đó, anh thử sức trong lĩnh vực bảo hiểm ở vị trí tư vấn viên.

“Tôi đã quá tuổi thi tuyển viên chức, khi đi tìm việc mới phải cạnh tranh với các bạn trẻ hơn là điều không tránh khỏi. Tôi cũng có lợi thế riêng nhưng nhìn chung gặp bất lợi nhiều hơn”, anh nói.

Theo anh Khánh, đơn vị tuyển dụng từng đề cập vấn đề tuổi tác và hỏi anh có thể trụ được không khi lương bổng ở cấp độ 1. Bên cạnh đó, nhiều nơi không muốn nhận người làm tạm thời, không gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

“Đơn vị tuyển dụng cũng có lý của họ. Ở tuổi trung niên, sức khỏe không được như trước, các bạn 25-30 tuổi sẽ sung sức hơn. Hướng phấn đấu của chúng tôi cũng bị hạn chế do tuổi tác”, anh nói.

Anh Khánh chia sẻ thêm: “Dịch không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn tác động đến sức khỏe tinh thần. Nhưng giờ tôi chỉ biết chờ đợi và hy vọng tình hình cải thiện trong tương lai gần để anh em, đồng nghiệp sớm được trở lại với công việc ổn định”.

Trước dịch, chị Nguyễn Thị Thu Thảo (38 tuổi) làm trưởng phòng nhân sự cho công ty du lịch kiêm quản lý khách sạn 4 sao ở Sa Pa.

Công việc của chị “về 0” từ tháng 5, khi ngành du lịch đóng băng khiến doanh nghiệp và khách sạn đóng cửa vì không có khách.

“Nhân viên của tôi phải nghỉ ở nhà chờ hết dịch. Nhiều người chuyển sang bán hàng online hay về quê phụ bố mẹ làm nông để trang trải cuộc sống”, chị nói với Zing.

z3008835793764_c0d23077496a21a8227abcae1829c7a8

Chị Thu Thảo cho hay tuổi tác là tiêu chí đánh giá đầu tiên trong tuyển dụng lao động nhưng không quyết định tất cả. Ảnh: NVCC.

Trước đây, chị Thảo từng hợp tác với công ty bảo hiểm. Khi không còn thu nhập vì dịch, chị Thảo chuyển sang lĩnh vực này và xác định lâu dài, không quay lại ngành du lịch.

Vì có kinh nghiệm làm quản lý nhân sự lâu năm, chị đảm nhận vị trí tương đương ở nơi làm việc mới.

Trao đổi về vấn đề tuyển dụng lao động, chị Thảo cho hay trong ngành du lịch, tùy từng cấp sẽ có yêu cầu, điều kiện riêng.

“Với nhân viên, độ tuổi yêu cầu là 20-35, còn quản lý thì ít nhất 30 trở lên đến 45 tuổi. Tuổi tác là tiêu chí đánh giá đầu tiên nhưng không quyết định tất cả. Lao động phổ thông tất nhiên ưu tiên trẻ, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có ngoại hình, kỹ năng, trình độ. Vì lớn tuổi quá thì khả năng nhận thức, độ nhanh nhạy không còn. Còn cấp quản lý thì cần chuyên môn, rồi mới đến tuổi tác, ngoại hình sau. Bởi vậy, 40-45 tuổi công việc quản lý cũng còn rất phù hợp”, chị nói.

Theo chị Thảo, không phải người lao động cứ vì lớn tuổi là bị từ chối vì còn tùy họ xin vào ngành gì, cấp độ nào.

“Ví dụ, bảo vệ thì chỉ cần là nam. Nhân viên phục vụ thì tuyển cả nam lẫn nữ, rồi yêu cầu đến trình độ lớp mấy trở lên, ưu tiên người địa phương, có gia đình hay chưa... để lựa chọn. Người chưa có kinh nghiệm, lớn tuổi không được ưu tiên, nhất là ở lĩnh vực phổ thông. Còn tuyển cấp quản lý có nhận trung niên vì họ có kinh nghiệm”, chị cho hay.

Ảnh hưởng nặng nề

Theo Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động (nam từ 15 đến 60 tuổi 3 tháng, nữ từ 15 đến 55 tuổi 4 tháng theo Bộ luật Lao động 2019) quý 3 năm 2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532.200 người so với quý trước và tăng 449.600 người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3 năm 2021 là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần thứ 4 và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp quý 3 năm 2021 vượt xa con số 2% như thường thấy.

Một cuộc khảo sát vào tháng 8 của công ty tuyển dụng Navigos với 400 doanh nghiệp cho thấy 50% sẽ tuyển dụng nhân viên mới sau thời gian ngừng hoạt động nhưng chủ yếu dưới 35 tuổi.

Đại dịch COVID-19 cũng gây thiệt hại nặng nề cho sinh kế của người lao động lớn tuổi.

Tính đến hết tháng 10 năm nay, cả nước có hơn 700.000 người rút bảo hiểm xã hội 1 lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020, theo công bố từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

z2820355427714_d6c99c3caa925d4df18268d917c1bf2d_zing_

Nhiều lao động trung niên gặp khó khi trở lại với công việc sau dịch. Họ chấp nhận làm công việc tạm thời để trang trải. Ảnh: Danh Phạm.

Trong 9 tháng đầu năm ngoái, số lượng lao động thất nghiệp nộp hồ sơ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hải Dương (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) để đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 64% so với cùng kỳ năm 2019. Đến ngày 25/9 cùng năm, hơn 13.600 người đăng ký tìm việc làm tại trung tâm, trong đó có 45% lao động trung niên, tỷ lệ có việc làm chỉ dưới 5%.

Năm ngoái, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 19.100 người, 22% trong đó là phụ nữ trên 35 tuổi từng làm việc trong các ngành công nghiệp may mặc, dệt, chế biến thủy sản và da.

Theo Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật Việc làm năm 2015, việc từ chối tuyển dụng người lao động tuổi trung niên là hành vi phân biệt đối xử, vi phạm pháp luật trong tuyển dụng lao động.

Tuy nhiên, nhiều người lao động trung niên vẫn gặp khó và cho biết sẽ nắm bắt mọi cơ hội mà họ có được.

Dịch COVID-19 bùng phát lấy đi công việc hướng dẫn viên du lịch, anh Đ.H. (37 tuổi, TP.HCM) cố gắng thích ứng bằng cách chuyển sang bán hải sản, rau củ, trái cây sạch. Dù không kiếm được nhiều tiền như trước, công việc tạm thời này vẫn giúp anh trụ vững trong bối cảnh kinh tế liên tục gặp khó khăn.

“Tôi thấy mình đã quá tuổi để khởi nghiệp hay bắt đầu công việc ở một công ty mới. Hơn nữa, tôi sẽ tốn thời gian học hỏi những kỹ năng mới và cạnh tranh với đồng nghiệp trẻ tuổi hơn. Đó sẽ là thử thách không hề nhỏ khi cố gắng quay trở lại lực lượng lao động”, anh nói.

Anh H.A. (39 tuổi) từng làm bảo vệ của shop thời trang ở Hà Nội nhưng thất nghiệp nửa năm nay do nơi làm việc đóng cửa. Nhờ người quen giúp đỡ, anh đăng ký làm shipper công nghệ và cho rằng đây là lựa chọn tốt nhất hiện tại.

“Tôi là trụ cột trong gia đình nên không muốn thất nghiệp dù chỉ một ngày. Tôi sẽ cố gắng nắm lấy mọi cơ hội nào có được”, anh nói.

(Theo Zing)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ