Thiếu hụt nhiều lao động, các doanh nghiệp miền Nam phải ra đường tuyển người

Nhàđầutư
Mặc dù các tỉnh phía Nam đã mở cửa hoạt động trở lại sau thời gian dài giãn cách, tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động với số lượng lớn vẫn đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp sản xuất ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, buộc nhân viên tuyển dụng ở các công ty phải xuống đường để tuyển lao động.
LÝ TUẤN
07, Tháng 12, 2021 | 06:26

Nhàđầutư
Mặc dù các tỉnh phía Nam đã mở cửa hoạt động trở lại sau thời gian dài giãn cách, tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động với số lượng lớn vẫn đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp sản xuất ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, buộc nhân viên tuyển dụng ở các công ty phải xuống đường để tuyển lao động.

Xuống đường tuyển lao động

Trong đợt cao điểm bùng phát của dịch COVID-19, trước tâm lý e ngại dịch bệnh, cũng như không thể bám trụ lại làm việc do thời gian dài giãn cách, hàng loạt lao động tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở nhiều khu vực như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... đã bỏ về quê.

Ngay từ đầu tháng 10/2021, các tỉnh thành phía Nam đã cho triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong điều kiện 'bình thường mới'. Các doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất trở lại để thực hiện các đơn hàng đã ký với các đối tác và triển khai tiếp việc sản xuất để cung ứng cho thị trường những tháng cuối năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình huống khó khăn, sản xuất cầm chừng vì số lượng lao động quay trở lại làm việc không đạt như kỳ vọng.

Điển hình mới đây, hàng loạt nhân viên tuyển dụng tại các doanh nghiệp sản xuất ở nhiều lĩnh vực như dệt may chế biến gỗ, da giầy, thủy sản… đã phải ra đường để tuyển lao động.

z2989245115127_7de3e4c07dd97d32c51b99b63de989e2

Việc thiếu hụt lao động tại nhiều doanh nghiệp sản xuất trong thời gian gần đây, buộc nhân viên các công ty phải xuống đường phát tờ rơi, treo bảng thông báo tuyển dụng để tìm kiếm lao động.

Ghi nhận của PV Nhadautu.vn tại một tuyến đường ở Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) cho thấy, hàng loạt bảng thông báo, banner tuyển dụng nhân viên, công nhân lao động được treo đầy hai bên đường, cùng với đó là nhân viên các công ty đứng phát tờ rơi mời gọi người qua đường.

Anh V. T. Đ., nhân viên tuyển dụng của một Công ty Gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang tuyển dụng tại đây cho biết, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty đã phải ngưng sản xuất để phòng dịch, dẫn đến công nhân đều phải nghỉ việc. Mặc dù, công ty hoạt động trở lại nhưng lại không có công nhân quay lại làm việc, buộc lòng phải xuống đường căng banner để tìm lao động.

“Việc thiếu hụt lao động đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của công ty, đặc biệt là trong những tháng cuối năm, thời điểm sản xuất hàng nhiều để phục vụ cho thị trường Tết, nhưng lại không có công nhân. Dù công ty có rất nhiều ưu đãi đặc biệt, nhưng đến nay chỉ tuyển được hơn 50 lao động, trong khi nhu cầu là 500 lao động ”, Anh Đ. chia sẻ.

Cách chỗ anh anh Đ. đứng không xa, một nhân viên của công ty tuyển dụng có tên Human Power cũng đang tất bật phát tờ rơi cho người đi đường, nhân viên này cho biết, nhiều công ty đang có nhu cầu rất lớn về nhân lực lao động tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực sản xuất gỗ, điện tử, may mặc, xây dựng..., do thiếu lao động nên thời gian qua không ít công ty tại Bình Dương đã tìm đủ mọi cách để tìm kiếm lao động, ngoài việc thông qua công ty tuyển dụng, các doanh nghiệp sản xuất này cũng đưa ra những điều kiện tuyển dụng đơn giản, không còn khắt khe như trước.

“Chỉ cần có căn cước công dân và đầy đủ sức khoẻ là được đi làm. Ngoài ra, độ tuổi tuyển dụng cũng được nới rộng hơn từ 18 - 50 tuổi, kèm theo đó là nhiều chế độ đãi ngộ như ứng trước tiền ăn, tăng lương cơ bản, thuê trọ cho công nhân,… tuy có nhiều ưu đãi là thế nhưng số người lao động chúng tôi tuyển được mỗi ngày vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay”, nhân viên tuyển dụng này cho hay.

Trong khi đó theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB & XH) tỉnh Bình Dương, từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp Bình Dương dự kiến sẽ cần khoảng 50.000 lao động để ổn định sản xuất. Và trong quý I/2022, khi 100% doanh nghiệp hoạt động trở lại, doanh nghiệp tại Bình Dương cũng sẽ cần thêm hàng chục ngàn lao động nữa, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông.

Theo LĐ-TB & XH tỉnh Bình Dương, tình trạng các doanh nghiệp trên địa bàn thiếu nhân lực như hiện nay là do trước đó người lao động về quê tránh dịch chưa muốn trở lại làm việc. Ngoài ra, vẫn còn nhiều lao động chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 và nằm trong vùng phong tỏa nên chưa đủ điều kiện để đi tìm việc làm trở lại.

Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, hàng chục nghìn lao động nhập cư cũng đã rời Đồng Nai về các tỉnh Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung để tránh dịch, mặc dù gần 2 tháng qua, Đồng Nai mở cửa trở lại, các doanh nghiệp cũng đã cơ bản ổn định sản xuất. Tuy nhiên, theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, hiện vẫn có hơn 300 doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo về Sở và cho biết nhu cầu tuyển khoảng 48.000 lao động, chủ yếu là công nhân phổ thông, tập trung ở các ngành nghề như giày da, dệt may, đồ gỗ, điện tử.

Đơn cử tại Công ty CP Taekwang Vina với ngành nghề chính là sản xuất giày, dép đóng ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai cũng đang cần tuyển 5.000 công nhân để khôi phục các hoạt động sản xuất. Đặc biệt, trước tình trạng nguồn cung lao động khan hiếm nên công ty này đã đề ra chính sách nếu ai giới thiệu được 1 người lao động vào công ty làm việc sẽ được thưởng 1,2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, đối với lao động mới vào làm việc, ngoài chế độ lương, thưởng (khoảng 7 triệu đồng/người/tháng), công ty Taekwang Vina còn hỗ trợ 2,4 triệu đồng/người, tuy nhiên, đến nay số lượng công nhân đến công ty làm việc vẫn chưa đáp ứng đủ.

z2989245127895_17c229b2b4db0d52b8fbdf4a76b44aad

Mặc dù liên tục đăng thông báo tuyển dụng, nhưng số lượng lao động quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

Trong khi đó, tại TP.HCM một trong những khu vực tập trung đông đúc dân cư nhất khu vực phía Nam cũng diễn ra tình cảnh nhiều doanh nghiệp thiếu lao động sản xuất. Chia sẻ với phóng viên Nhadautu.vn, ông Vũ Hữu Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Tuấn Văn – TUVACO (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, trong thời gian dài giãn cách toàn bộ công nhân của công ty đã phải nghỉ việc để phòng dịch, tuy nhiên, khi thành phố cho phép hoạt động trở lại thì vấn đề đặt nặng lên công ty đầu tiên chính là tìm kiếm nguồn lao động làm việc.

Theo ông Tuấn, mặc dù công ty đã hoạt động trở lại gần 2 tháng nay nhưng số lượng công nhân đến làm việc chỉ được một nửa so với trước đây. Để đảm bảo cho hoạt động sản xuất trong thời gian tới, đặc biệt là dịp cuối năm, công ty đã liên tục đăng tuyển công nhân trên các trang điện tử về tìm kiếm việc làm, cũng như treo bảng thông báo, banner với nhiều đãi ngộ,… nhưng người lao động vẫn không mấy “mặn mà”.

“Việc thiếu lao động đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất của công ty, khi một công nhân phải thực hiện nhiều việc, khiến năng suất sụt giảm, lượng hàng không được đảm bảo”, Tổng giám đốc TUVACO chia sẻ.

Lời giải cho bài toán thiếu hụt lao động?

Tương tự vậy, khi trao đổi với phóng viên Nhadautu.vn, TS. Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) cho rằng, nguồn nhân lực chính là tài sản lớn nhất, là yếu tố quyết định đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Dù vậy, nhìn nhận theo hướng tích cực, đa số các doanh nghiệp lớn tuy có thiếu lao động nhưng không trầm trọng vì họ đã có chiến lược cũng như chính sách và biện pháp an toàn phòng chống dịch nên công nhân yên tâm làm việc và công nhân trong các doanh nghiệp này có trình độ chuyên môn sâu và kỹ năng nghề gắn liền với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp nên việc nghỉ về quê tránh dịch chỉ là tạm thời, khi trở lại bình thường mới thì họ sẽ tiếp tục với công việc chuyên môn như trước đây.

“Đa số lao động về quê là lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ hoặc hộ gia đình nên mặc dù đã mở cửa quay lại hoạt động nhưng do tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp nên người lao động vẫn còn tâm lý e ngại bị lây nhiễm nên vẫn chưa yên tâm quay trở lại làm việc. Mặt khác, sau khi về quê người lao động muốn tìm kiếm cơ hội việc làm tại quê nhà để được gần gia đình, người thân hoặc tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi, trải nghiệm công việc mới”, TS. Đỗ Thanh Vân nói.

f13d0ff5423bae65f72a-1121

 

Nguồn nhân lực chính là yếu tố quyết định sự thành công cho doanh nghiệp.

TS. Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI)

Mặt khác, để giải bài toán thiếu hụt lao động hiện nay ở các doanh nghiệp, Phó Giám đốc FALMI nhấn mạnh việc giữ chân và thu hút lao động quay trở lại làm việc là rất cần thiết và cho rằng, trong điều kiện khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, muốn người lao động quay trở lại làm việc, doanh nghiệp cần đảm bảo an toàn lao động, an toàn trong phòng chống dịch bệnh, doanh nghiệp cần có những chính sách thu hút, hấp dẫn người lao động, doanh nghiệp phải công khai, minh bạch về những chế độ ưu đãi, có cam kết thực hiện đúng.

“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta đều biết rằng, người lao động tại địa phương hay lao động nhập cư thì họ vẫn luôn mong muốn tìm kiếm cho mình một công việc ổn định, có nguồn thu nhập ổn định, đủ trang trải cho cuộc sống. Một khi người lao động an tâm về sức khỏe, về kinh tế cũng như chỗ ở thì họ sẽ sẵn sàng quay trở lại làm việc”, lãnh đạo FALMI nhìn nhận.

Ngoài ra, để thu hút cũng như tìm kiếm thêm nguồn lao động, theo TS. Đỗ Thanh Vân, doanh nghiệp cũng cần linh động trong quá trình tuyển dụng, chủ động liên hệ các Trung tâm dịch vụ việc làm, tham gia các sàn giao dịch việc làm trực tuyến, tuyển dụng và phỏng vấn online, liên kết với các cơ sở đào tạo để tìm kiếm nhân sự phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, nhìn nhận thực tế, cũng như qua khảo sát, TS. Trần Đăng Khoa - Trưởng Bộ môn Quản trị chiến lược, Giám đốc chương trình đào tạo Quản trị - Khoa Quản trị - Trường kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết, kể từ khi đợt dịch COVID-19 bùng phát đã có hơn 300 ngàn người từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam trở về quê, trong đó có rất nhiều lao động trước đó làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Số lao động dự định quay trở lại TP.HCM và các tỉnh phía Nam chỉ khoảng gần 60%. Đây được xem là nguyên nhân chính gây ra sự thiếu hụt lao động trong giai đoạn ngắn hạn hiện nay.

Theo TS. Trần Đăng Khoa, việc kêu gọi lao động ở các tỉnh quay trở lại TP.HCM và các tỉnh phía Nam làm việc sẽ mất một thời gian khá dài từ 2 tuần cho đến 1 tháng. Thậm chí sẽ có nhiều lao động sẽ phải sau Tết Nguyên đán mới  quay lại, có thể chia thành ba nhóm.

Nhóm thứ nhất, với lao động ở các tỉnh lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, các doanh nghiệp có thể kêu gọi họ trở lại làm việc sớm nếu như họ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trước 14 ngày. Đây là lực lượng có thể trở lại làm việc sớm nhất. Trường hợp lao động ở những tỉnh này nhưng chưa được ít nhất 1 mũi tiêm vaccine đủ 14 ngày thì thời gian để họ quay lại làm việc nhanh nhất cũng hết 14 ngày.

Nhóm thứ hai, với lao động ở những tỉnh xa hơn như Đồng Bằng Sông Cửu Long và Nam Trung bộ thì họ quay trở lại sẽ mất khoảng 1 tháng. Vì họ sẽ còn cân nhắc thêm tình hình dịch bệnh, cũng như sắp xếp chỗ ở, chỗ học cho gia đình và các em nhỏ.

z2998433077788_078d29306ec467b4133304b6dc052964

 

Trong ngắn hạn 1-2 tháng tới, chúng ta chỉ kỳ vọng sẽ có tối đa khoảng 60% lao động đã quê quay trở lại TP.HCM và các tỉnh phía Nam để làm việc. Như vậy, các doanh nghiệp TP.HCM và các tỉnh phía Nam có thể sẽ thiếu hụt khoảng 40% số lao động đã quay về quê trong thời gian qua.

TS. Trần Đăng Khoa, Giảng viên khoa Quản trị Chiến lược -  Trường ĐH Kinh tế TP.HCM 

Nhóm cuối cùng, với lao động ở các tỉnh miền Trung trở ra thì khả năng họ quay trở lại trước Tết Nguyên đán sẽ khó hơn vì tâm lý mới đi xa về, họ muốn ở nhà một thời gian, và có thể họ sẽ cân nhắc quay trở lại sau Tết khi tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã ổn định. Đặc biệt là khi các em học sinh được quay lại trường học (vì lúc này không thể ở quê học online được nữa nếu không chuyển cho con về quê học luôn).

Bên cạnh đó, đưa ra giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay, TS. Trần Đăng Khoa cho biết, có 4 giải pháp mà các doanh nghiệp và chính quyền cần phải triển khai làm ngay.

Một là, ngăn xu hướng lao động tiếp tục rời thành phố về quê, đối với ác doanh nghiệp cần nhanh chóng có kế hoạch sản xuất kinh doanh, cũng như lên kế hoạch phòng chống dịch trong quá trình sản xuất. Đồng thời, dự kiến các chế độ, chính sách cụ thể cho người lao động như mức lương, chế độ đi lại, ăn uống, chỗ nghỉ,... Liên lạc với người lao động để thông báo cụ thể kế hoạch của công ty để họ an tâm không rời thành phố về quê.

Đối với chính quyền cần rà soát lại những đối tượng lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh và tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời để người dân an tâm ở lại thành phố chờ quay trở lại làm việc.

Hai là kêu gọi lao động đã về quê quay lại làm việc. Tương tự như nhóm lao động đang ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, các doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch cụ thể về sản xuất kinh doanh, nhu cầu nhân lực, cách thức và chế độ cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Liên lạc để nắm bắt cụ thể từng trường hợp lao động đã về quê của doanh nghiệp mình và có biện pháp cụ thể để kêu gọi họ trở lại công ty làm việc.

Với chính quyền thành phố và các tỉnh cần truyền thông rõ các quy định về kiểm soát dịch khi người dân từ các tỉnh quay lại TP.HCM và các tỉnh phía Nam thì phải đáp ứng các yêu cầu gì? Quy định phòng chống dịch ra sao để người dân biết thông tin và chủ động lập kế hoạch quay trở lại làm việc.

Ba là huy động các lao động ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam hiện tại chưa có việc làm. Dựa vào danh sách lao động đã nhận trợ cấp trong thời gian qua, từ đó rà soát lại những ai chưa có việc làm, họ có những kỹ năng gì rồi giới thiệu cho các doanh nghiệp phù hợp. Bởi đây là lực lượng lao động cần được huy động tối đa vì họ đang ở tại chỗ và có thể tham gia làm việc nhanh nhất.

Bốn là cần lên kế hoạch chuyển sang hình thức làm việc từ xa đối với một số loại công việc kinh doanh, tài chính, văn phòng, công nghệ,... để các lao động mặc dù ở xa vẫn có thể tham gia làm việc.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ