Thương hiệu Việt vang bóng một thời: Giày Thượng Đình - Thay đổi hay là ‘chết’?

Nhàđầutư
Từng là một thương hiệu lớn trong và ngoài nước, song Giày Thượng Đình đang ngày càng gặp khó khăn do chậm thích nghi trước sự thay đổi quá nhanh của thị trường.
HÓA KHOA
29, Tháng 08, 2019 | 06:15

Nhàđầutư
Từng là một thương hiệu lớn trong và ngoài nước, song Giày Thượng Đình đang ngày càng gặp khó khăn do chậm thích nghi trước sự thay đổi quá nhanh của thị trường.

nhadautu - thuong hieu giay thuong dinh lui tan

Giày Thượng Đình, thương hiệu 'đình đám' một thời

Đôi giày quốc dân một thời

Tiền thân Giày Thượng Đình là xí nghiệp X30 thành lập tháng 1/1957, chịu sự quản lý của Cục quân nhu – Tổng cục hậu cần (Quân đội nhân dân Việt Nam), chuyên sản xuất mũ cứng và dép cao su phục vụ quân đội.

Trong giai đoạn 1973 – 1989, một số phân xưởng của X30 tách ra thành lập xí nghiệp mới theo yêu cầu phát triển của ngành giày Việt. Đến tháng 8/1978, Xí nghiệp giày vải Thượng Đình được thành lập trên cơ sở sáp nhập Xí nghiệp giày vải Hà Nội và Xí nghiệp giày vải Thượng Đình cũ. Năm 1993, cái tên Giày Thượng Đình chính thức được áp dụng.

Với cách thức thiết kế đơn giản, đế cao su dẻo dai, bền chắc, giày Thượng Đình được nhiều đối tượng, lứa tuổi ưa chuộng. Trong thời hoàng kim của mình, đôi giày vải Thượng Đình trở thành thương hiệu quốc dân, xuất hiện trong mọi gia đình Việt cùng các sân chơi thể thao.

Không chỉ thành công trong nước, Giày Thượng Đình còn có những lô hàng xuất khẩu lớn ra thị trường quốc tế. Ít ai biết, trong giai đoạn 1960 – 1972, khi cả nước đang trong cuộc chiến giải phóng miền Nam, Giày Thượng Đình vẫn xuất khẩu gần 40 vạn đôi giày basket sang Liên Xô và Đông Âu cũ. Đặc biệt, vào tháng 9/1992, lô hàng đầu tiên của xí nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế và xuất sang thị trường Pháp và Đức.

Thậm chí, khi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định mậu dịch tự do giữa các nước ASEAN (AFTA) vào năm 2003, sản phẩm Giày Thượng Đình vẫn có chỗ đứng vững vàng trên thị trường nội địa. Liên tục những năm 2000 – 2006, các sản phẩm giày của Thượng Đình luôn đứng đầu các cuộc bình chọn hàng Việt từ phía khách hàng.

Hụt hơi vì sự bảo thủ

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập, dĩ nhiên mặt hàng giày dép Việt Nam cũng liên tục đón nhận cuộc đổ bộ mạnh mẽ từ những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như Adidas, Nike, Puma, Asics… với nhiều mẫu mã thời thượng và hoạt động quảng cáo rầm rộ. Ấy vậy mà, Giày Thượng Đình vẫn tiếp tục “trung thành” với những đôi giày vải mềm, mẫu mã cũ giá dưới 100.000 đồng. 

Thêm vào đó, xu hướng tiêu dùng giầy dép đã chuyển từ dòng giầy vải lưu hóa sang dòng thể thao gò dán. Việc không cập nhật, thay đổi đã khiến những đôi giày Thượng Đình ngày càng vắng bóng trong các tiệm bán giày. Cùng với đó, các đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu của công ty giảm mạnh.

Ngoài ra, giá thành sản phầm còn cao, khó cạnh tranh với các nhà cung cấp ở Việt Nam cũng như Trung Quốc. Giầy Thượng Đình cho biết, các chi phí thực tế chung công ty cũng chỉ tính toán một phần vào giá thành, vì nếu đưa hết vào thì giá quá cao, không thể chào hàng được. Thực tế sau khi cổ phần hóa, chi phí khấu hao của công ty tăng đột biến, tiền thuê đất cũng tăng và quá cao đối với công ty sản xuất giầy đơn thuần cùng ngành.

Từ khi cổ phần hóa (2016), Giày Thượng Đình liên tục báo lỗ 17,08 tỷ đồng trong năm 2017 và 17 tỷ năm 2018. Trong năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu gần như không đổi so với 2018, ở mức 175 tỷ đồng, và mức lãi chỉ là 50 triệu đồng.

Giày Thượng Đình cho biết, để đạt mục tiêu trên, công ty có kế hoạch di dời cơ sở sản xuất tại 277 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội, nguyên nhân là do sản xuất tại địa điểm này rất bất lợi do chi phí quá cao, sản xuất kinh doanh không thể bù đắp được chi phí thực tế, đặc biệt là chi phí thuê đất, chi phí khấu hao. Hội đồng quản trị công ty sẽ lập kế hoạch di dời, xin UBND thành phố Hà Nội chấp thuận kế hoạch di dời càng sớm càng tốt.

Ngoài mảnh đất tại 277 Nguyễn Trãi – Thanh Xuân, Giày Thượng Đình đang nắm nhiều mảnh đất lớn như: Khu đất 18.403 m2 và 17.587 m2 tại KCN Đồng Văn, huyện Duy Tiên; Khu đất 1.475 m2 tại Sầm Sơn, Thanh Hóa…

Tỷ lệ vốn nhà nước, thông qua UBND TP. Hà Nội chiếm tới 68,67% không thể phủ nhận, là một trong những tác nhân chính khiến Giày Thượng Đình chậm thay đổi. Trong năm 2019, Giày Thượng Đình dự kiến thực hiện thoái vốn nhà nước, đồng thời tái cơ cấu bộ máy, đầu tư đổi mới công nghệ.

Bỏ qua lợi thế về đất đai, thì bản thân Giày Thượng Đình cùng lịch sử 70 năm hoạt động vẫn có những giá trị không nhỏ, đó là đội ngũ công nhân lành nghề, sự am hiểu thị trường trong nước và tập khách hàng rộng khắp.

Điều còn thiếu là một động lực đủ lớn để doanh nghiệp này xé bỏ chiếc áo quốc doanh, tăng cường, cải thiện khả năng đổi mới, thích nghi, cạnh tranh. Và động lực này sẽ không thể đến từ ai khác ngoài dòng vốn tư nhân đầy năng động.

Ngoài chủ sở hữu UBND TP. Hà Nội, Giày Thượng Đình còn 2 cổ đông lớn đã gắn bó nhiều năm nay là CTCP Đầu tư Thương mại Thái Bình (10%) và ông Nguyễn Văn Nam (11,07%).

(Bài tiếp: Lối thoát nào cho bộ đôi Kem Tràng Tiền - Kem Thuỷ Tạ?)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24560.00 24580.00 24900.00
EUR 26330.00 26436.00 27602.00
GBP 30806.00 30992.00 31943.00
HKD 3100.00 3112.00 3214.00
CHF 27305.00 27415.00 28276.00
JPY 159.75 160.39 167.85
AUD 15863.00 15927.00 16413.00
SGD 18093.00 18166.00 18706.00
THB 668.00 671.00 699.00
CAD 17891.00 17963.00 18494.00
NZD   14721.00 15211.00
KRW   17.71 19.34
DKK   3539.00 3670.00
SEK   2326.00 2418.00
NOK   2279.00 2371.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ