Thị trường du lịch 'đứng yên' chờ đỉnh dịch COVID-19

Thông thường thị trường du lịch hè sẽ sôi động ngay khi học sinh hoàn thành kỳ thi các cấp. Nhưng hiện nay, các công ty lữ hành đang "nín thở" chờ đỉnh dịch đi qua. Bởi dù du khách muốn đi tour thì cũng khó thực hiện do dịch vụ bị đứt gãy.
N.BÌNH
14, Tháng 08, 2020 | 06:46

Thông thường thị trường du lịch hè sẽ sôi động ngay khi học sinh hoàn thành kỳ thi các cấp. Nhưng hiện nay, các công ty lữ hành đang "nín thở" chờ đỉnh dịch đi qua. Bởi dù du khách muốn đi tour thì cũng khó thực hiện do dịch vụ bị đứt gãy.

du-lich

Nhiều điểm tham quan du lịch chưa đóng cửa nhưng không còn khách du lịch - Ảnh: N.BÌNH

Theo thống kê, hiện các tour có lịch khởi hành trong tháng 8 đã gần như hủy, hoãn 100%. Các tour trong tháng 9 đang được du khách cân nhắc, tỉ lệ hủy, hoãn cũng đến 70%.

Ngày 13-8, giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM cho biết các tour phải ngưng hết vì dù khách có muốn thì công ty cũng không thể triển khai tour lúc này, do hầu hết các dịch vụ cung ứng trong chuỗi ở các địa phương đều tạm ngưng hoạt động.

"Chúng tôi đang sắp xếp tổ chức tour gần cuối tháng 8 thì một khách sạn 4 sao ở địa phương thông báo sẽ tạm ngưng dịch vụ thời gian này. Chủ khách sạn cũng hứa sẽ "đền bù" bằng những ưu đãi khác sau khi mở cửa hoạt động trở lại. Chúng tôi muốn vớt vát gì cũng không được", ông nói.

Nhiều công ty du lịch, lữ hành trên địa bàn TP.HCM cho biết dù số địa phương thông báo đóng cửa các điểm tham quan kể từ khi dịch bùng phát không nhiều, chủ yếu các tỉnh miền trung nhưng những tour tuyến đến địa phương khác vẫn không thể triển khai được do các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch như nhà hàng, điểm vui chơi ở nhiều nơi đã chủ động đóng cửa vì ngại dịch.

Theo đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, nhiều resort, nhà hàng, cửa tiệm phục vụ du lịch đã đóng cửa từ đợt dịch lần trước nay vẫn chưa thể mở cửa trở lại. Trong khi đó, tình hình ở Nha Trang, Khánh Hòa cũng không sáng sủa hơn.

Khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng và có xu hướng diễn biến khó lường, các công ty du lịch đã chủ động hủy tour, còn khoảng 15% khách vẫn muốn đi du lịch nhưng các đối tác lại không hoạt động nên công ty du lịch cũng phải dừng.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, giám đốc marketing Công ty du lịch TST, nói:" Tất cả hoạt động lữ hành đã dừng lại một cách có trật tự mà cốt lõi là khách không còn hào hứng đi du lịch".

Tâm lý chung của các doanh nghiệp là chờ "qua đỉnh dịch" thì sẽ đến cơ hội cho doanh nghiệp sống lại. Các bộ phận được giao cập nhật thông tin chống dịch một cách kịp thời, sẵn sàng khi cơ quan quản lý tuyên bố "dịch được kiểm soát".

Thực tế, ngay khi đợt dịch lần thứ nhất kết thúc, nhiều công ty du lịch đã bắt tay thiết kế, khảo sát tour tuyến mới, trong đó tập trung tour đi trong ngày. Những dạng tour này gần TP.HCM hoặc trong lòng TP, xét về tiêu chí an toàn thì hoàn toàn đáp ứng nhưng du khách vẫn không mặn mà khám phá lúc này.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Vietravel, cho rằng điều quan trọng phải giải quyết được tâm lý khách hàng. Nhiều hoạt động giải trí, ăn uống vẫn đang diễn ra bình thường nhưng người tiêu dùng đang lo lắng, nói không với du lịch dù đi theo quy mô gia đình hay du lịch cá nhân. Tâm lý không dám đi du lịch mang tính "dây chuyền" đang ảnh hưởng tiêu cực lên toàn thị trường.

Ngay cả những công ty du lịch đang "vét" chương trình tour cuối cùng cũng bị "áp lực" vì đưa khách đến đâu người dân địa phương cũng không muốn đón tiếp.

Trong khi đó, cho đến nay Tổng cục Du lịch vẫn chưa có khuyến cáo người dân dừng đi du lịch mà chỉ có văn bản khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp du lịch bật lại chế độ an toàn, thực hiện các quy định bảo đảm an toàn cho du khách trong mùa dịch.

"Ngành du lịch cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy hoạt động kinh doanh, không để đứt gãy hoạt động kinh tế do dịch bệnh. Hiện nay, ngành du lịch vẫn tiếp tục nghiên cứu các chương trình kích cầu du lịch hợp lý, giới thiệu những mô hình, cách thức du lịch đảm bảo an toàn cho du khách", ông Nguyễn Trùng Khánh, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nói với các doanh nghiệp trong cuộc họp cuối tuần trước.

(Theo Tuổi trẻ)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24550.00 24560.00 24880.00
EUR 26323.00 26429.00 27594.00
GBP 30788.00 30974.00 31925.00
HKD 3099.00 3111.00 3212.00
CHF 27288.00 27398.00 28260.00
JPY 161.63 162.28 169.90
AUD 15895.00 15959.00 16446.00
SGD 18115.00 18188.00 18730.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 17917.00 17989.00 18522.00
NZD   14768.00 15259.00
KRW   17.70 19.32
DKK   3538.00 3670.00
SEK   2323.00 2415.00
NOK   2274.00 2365.00
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ