Nửa năm về tay tư nhân, Vinaconex hoạt động ra sao?

Nhàđầutư
Định hướng chuyển từ nhà thầu xây lắp sang ông lớn bất động sản của Vinaconex đang gặp không ít trắc trở.
AN DƯƠNG
13, Tháng 08, 2019 | 13:06

Nhàđầutư
Định hướng chuyển từ nhà thầu xây lắp sang ông lớn bất động sản của Vinaconex đang gặp không ít trắc trở.

vbeovb_QSAE

 

Lần cổ phần hoá thứ hai

Ngày 22/11/2018, sự kiện Công ty TNHH An Quý Hưng - một doanh nghiệp chưa nhiều tên tuổi chi đậm 7.400 tỷ đồng thâu tóm 57,71% cổ phần và trở thành công ty mẹ của Tổng công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) đã khuấy động giới đầu tư. Cùng thời điểm đó, Công ty Bất động sản Cường Vũ cũng bỏ ra hơn 2.000 tỷ đồng mua 21,28% cổ phần Vinaconex.

Sự thoái lui của hai ông lớn quốc doanh SCIC và Viettel, cùng sự xuất hiện của An Quý Hưng và nhóm Cường Vũ (sau này thêm Star Invest mua gom 6% từ quỹ ngoại) khiến đợt thoái vốn nhà nước cuối năm ngoái về bản chất, có thể coi như lần cổ phần hoá thứ hai của Vinaconex. Bởi vậy, thông tin thu hút sự quan tâm lớn là cựu thành viên Bộ Xây dựng sau khi cởi bỏ tấm áo nhà nước sẽ khoác lên mình bộ cánh tư nhân như thế nào và liệu có tươi mới hơn?

Báo cáo tài chính quý II/2019 vừa công bố, dù chưa phải là bản được soát xét, song cũng đã giúp mang tới một số hình dung về thực trạng hiện nay của Vinaconex, ít nhất là trên sổ sách kế toán.

Cụ thể, lãi trước thuế hợp nhất nửa đầu năm đạt 376 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Vinaconex với sự tham gia của luồng gió tư nhân đã bắt đầu ghi nhận những đổi thay đáng chú ý so với "phiên bản" nhà nước: Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ở mức dương 337 tỷ đồng, so với âm 478 tỷ đồng nửa đầu năm 2018. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 186 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức âm 716 tỷ đồng.

Những tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện, nhưng hãy còn quá sớm để kết luận về một Vinaconex hiệu quả hơn, nhất là đối với những cổ đông khó tính. Nửa đầu năm, doanh thu hợp nhất của Vinaconex đạt 3.961 tỷ đồng, giảm 5% vo với cùng kỳ và mới chỉ đạt 40% kế hoạch năm. Kể cả chỉ tiêu lợi nhuận dù tăng khá song cũng mới hoàn thành 41% kế hoạch. Ngoài ra, lãi sau thuế công ty mẹ cũng suy giảm 4% về 323 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Ban lãnh đạo Vinaconex bởi vậy sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong nửa sau năm nay nếu muốn hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua.

Đi sâu hơn vào cơ cấu doanh thu, đáng chú ý là doanh thu xây lắp giảm mạnh 21% so với cùng kỳ về còn 2.143 tỷ đồng. Tỷ trọng trong tổng doanh thu cũng theo đó từ 65,5% xuống 54%. Ở chiều ngược lại, doanh thu bất động sản, sản xuất công nghiệp và hoạt động khác đều tăng mạnh với biên độ trên 20%.

Chuyển biến này phù hợp với quan điểm phát triển của Vinaconex, đã được Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh chia sẻ trong ĐHĐCĐ thường niên cuối tháng 6 vừa qua. Theo đó, tổng công ty này sẽ chuyển mạnh từ mảng xây lắp sang bất động sản. Cựu CEO Ecopark nhấn mạnh dự án trọng điểm trước mắt sẽ là Khu nghỉ dưỡng rộng 172ha tại Cái Giá, Cát Bà, Hải Phòng có tổng mức đầu tư lên tới 1 tỷ USD. "Mỗi năm trong 6 năm tới, dự án sẽ mang về cho Vinaconex khoản lợi nhuận ròng 1.000 tỷ đồng", Chủ tịch Đào Ngọc Thanh khẳng định với cổ đông trong phiên họp sáng 28/6.

Điểm nghẽn Bắc An Khánh

Dự án Cái Giá do Vinaconex sở hữu 53% thông qua công ty con CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR), trước đó gần như không được đề cập trong các báo cáo, nay bất ngờ trở thành con "át" chủ bài của Vinaconex, dù quy mô đầu tư rất lớn trong khi tính khả thi và hiệu quả vẫn còn bỏ ngỏ, nếu đặt cạnh những địa điểm có tiềm năng gấp bội cách không xa như Hạ Long hay Vân Đồn, thậm chí cả Móng Cái.

Đánh cược lớn vào "canh bạc" Cái Giá là dấu hiệu cho thấy Vinaconex có chăng đang rất cần một dự án "khủng" để tạo ra dòng tiền lớn, có thể là huy động từ khách hàng, nhưng quan trọng hơn cả là tín dụng ngân hàng. Lưu ý rằng công ty mẹ An Quý Hưng hay nói đúng hơn là nhóm nhà đầu tư đứng sau đã bỏ 7.400 tỷ cho 255 triệu cổ phiếu VCG, tương đương đơn giá 28.900 đồng/CP, cao hơn 36% mức khởi điểm trong phiên đấu giá đình đám. Tuy nhiên hiện thị giá VCG chỉ còn khoảng 26.400 đồng/CP, tương đương mức "lỗ" khoảng 640 tỷ đồng, đấy là chưa kể các chi phí cơ hội và chi phí lãi cho một phần đáng kể trong số tiền khổng lồ này.

Đồng thời với dự án Cái Giá, Vinaconex đang tích cực tìm kiếm cơ hội khác, như vừa trúng đấu giá Dự án nghỉ dưỡng 4 sao quy mô 19.725 m2 bên bờ biển Tam Kỳ, Quảng Nam, hay thúc đẩy mời gọi đầu tư vào Khu Công nghiệp công nghệ cao 2 (tại Hoà Lạc). Dù vậy, khi mà dự án ở Quảng Nam vẫn còn ở "thì" tương lai, thì Khu Công nghiệp công nghệ cao 2 cùng nhiều dự án khác trong tổ hợp Khu công nghệ cao Hoà Lạc đến nay chưa phát triển được như kỳ vọng.

Trong bối cảnh như vậy, không ít cổ đông lại nhớ về tài sản có giá trị và tính thanh khoản lớn nhất của Vinaconex - Dự án Splendora Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội. Dự án quy mô 264ha nằm dọc Đại lộ Thăng Long được đánh giá có vị trí đắc địa bậc nhất khu Tây Hà Nội, song mới chỉ phát triển được một phần nhỏ và "đắp chiếu" suốt nhiều năm nay. "Thế cục" ở dự án có slogan "nơi ước đến, chốn mong về" có liên quan chặt chẽ tới hình hình hiện nay ở Vinaconex, và giải thích tại sao Vinaconex với ý chí của công ty mẹ An Quý Hưng lại muốn dồn lực vào "canh bạc" Cái Giá.

Trong liên doanh Công ty TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (chủ đầu tư dự án), Vinaconex chỉ chiếm 50% vốn, một nửa còn lại được CTCP Địa ốc Phú Long (cùng nhóm Cường Vũ - Star Invest) mua lại từ Posco của Hàn Quốc cuối năm 2017. Mỗi một trong hai nhóm đã đổ nhiều nghìn tỷ đồng vào đây, và Splendora, sẽ không bất ngờ nếu là mục tiêu lớn nhất của các nhà đầu tư này. Tỷ lệ 50:50 khiến dự án bất động suốt thời gian qua, mặc cho khu vực xung quanh đang rất sôi động với loạt dự án của Vingroup, Geleximco hay Sông Đà Sudico...

Bởi vậy, dù chỉ chiếm cổ phần thiểu số (khoảng 28%), song nhóm Cường Vũ - Star Invest chưa hẳn đã là bên yếu thế trong cuộc "nội chiến" được cho là đang diễn ra trong nội bộ Vinaconex. Nên nhớ rằng giá mua của Cường Vũ trong phiên đấu giá của Viettel chỉ là 21.300 đồng, tương đương khoản "lãi" gần nửa nghìn tỷ đồng so với thị giá hiện nay. Áp lực về tài chính, bởi vậy cũng nhẹ nhàng hơn khá nhiều so với đối thủ An Quý Hưng. Nếu cả hai bên không tìm được tiếng nói chung, thì nên nhớ rằng, bên nào trường vốn hơn trong cuộc "thi gan" này sẽ là người chiến thắng cuối cùng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24620.00 24635.00 24955.00
EUR 26213.00 26318.00 27483.00
GBP 30653.00 30838.00 31788.00
HKD 3106.00 3118.00 3219.00
CHF 26966.00 27074.00 27917.00
JPY 159.88 160.52 167.96
AUD 15849.00 15913.00 16399.00
SGD 18033.00 18105.00 18641.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17979.00 18051.00 18585.00
NZD   14568.00 15057.00
KRW   17.62 19.22
DKK   3520.00 3650.00
SEK   2273.00 2361.00
NOK   2239.00 2327.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ