Nữ đại gia chiếm đoạt hai nền đất biệt thự dự án 'Đồi 79 mùa xuân'

Bà Mai tự chuyển hai nền đất hàng chục nghìn mét vuông của công ty với giá rẻ cho chính cá nhân mình rồi đem cầm cố ngân hàng.
VIỆT DŨNG
09, Tháng 11, 2017 | 16:44

Bà Mai tự chuyển hai nền đất hàng chục nghìn mét vuông của công ty với giá rẻ cho chính cá nhân mình rồi đem cầm cố ngân hàng.

Theo bản án sơ thẩm ngày 8/11 của TAND Hà Nội, dự án Đồi 79 Mùa xuân được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép khai thác từ năm 2003, bà Phan Thúy Mai, giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng đã xúc tiến xin phê duyệt đầu tư 93 ha tại đây.

Do công ty có trụ sở tại TP.HCM, UBND tỉnh Vĩnh Phúc thấy không thuận tiện cho doanh nghiệp, và khó khăn trong công tác quản lý nên yêu cầu chủ đầu tư phải đóng tại địa phương.

Nắm bắt được tinh thần đó, tháng 4/2004, bà Mai thành lập Công ty An Phát, giữ chức giám đốc, với 4 cổ đông sáng lập. Sau một tháng, Công ty An Phát được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định thay thế chủ đầu tư ban đầu (Công ty Toàn Thắng). 

mai-2746-1510142312

Bà Mai tại phiên tòa sơ thẩm. 

Năm 2007, Công ty An Phát được giao gần một triệu mét vuông đất của Dự án Đồi 79 Mùa xuân, trong đó có hơn 160.000 m2 dùng để xây biệt thự, nhà vườn. Một năm sau, công ty được tỉnh cấp 194 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong số hàng trăm “sổ đỏ” nêu trên, Công ty An Phát có hai nền đất biệt thự, tổng diện tích hơn 6.500 m2 thuộc địa bàn xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh. Có giấy chứng nhận này, bà Mai “hô biến” hai nền đất biệt thự thành tài sản cá nhân.

Theo cáo buộc, tài sản là của công ty, song bà Mai không thông qua các cổ đông và Hội đồng quản trị mà tạo dựng chứng từ khống, đồng thời tự ý ký hai hợp đồng chuyển nhượng cho chính bị cáo chỉ với giá hơn 9,8 tỷ đồng.

Không chỉ tự ý chuyển nhượng hai nền đất giá rẻ, bà Mai còn không trả tiền cho Công ty An Phát. Năm 2010, khi bị các cổ đông phát hiện việc làm này, bà mới chịu nộp tiền vào công ty.

Để gian lận được việc mua rẻ hai lô đất biệt thự, bị cáo nhờ chính quyền của xã khác không liên quan tới lô đất chứng nhận rồi móc ngoặc với cán bộ Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau khi hợp thức hóa chủ quyền cá nhân đối với hai nền đất biệt thự của Công ty An Phát, bà Mai liên tục thế chấp vay hàng chục tỷ đồng từ ngân hàng để phục vụ mục đích của bản thân.

Hành vi của nữ giám đốc này được xác định là trái với Điều lệ công ty cũng như Luật Doanh nghiệp và phạm vào tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tại tòa, bà Mai phủ nhận: "Bị cáo không bao giờ chiếm đoạt tài sản của chính mình". Song, nữ giám đốc này thừa nhận "có một cái sai khi chỉ dựa trên quyết định giao đất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc để tự ý chuyển hai nền đất biệt thự cho bản thân".

Trước tòa, bà Mai giải thích, việc chuyển hai nền đất trên nhằm mục đích "chèo lái" công ty trong giai đoạn khó khăn. Bị cáo đã mang cầm cố cho Ngân hàng Đông Á, vay 28 tỷ đồng để trả lương, hoạt động của công ty.

"Bản thân bị cáo đã cầm cố hai căn nhà ở Đà Lạt để lấy tiền trả lãi cả tỷ đồng cho ngân hàng", bà Mai trình bày. "Việc bị cáo rót tiền vào An Phát thì công ty có trách nhiệm. Nhưng việc tự ý chuyển cho cá nhân bị cáo hai nền đất biệt thự gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các cổ đông", chủ tọa cho hay.

Trên thực tế, khi không trả được tiền cho Ngân hàng Đông Á, nền đất biệt thự đã bị nhà băng này bán lại để thu hồi vốn. Tuy nhiên, phía đối tác của Đông Á đã trả lại mảnh đất này, chấm dứt giao dịch.

Sau một ngày xét xử, tòa đã tuyên phạt bị cáo Mai 16 năm tù tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, buộc ngân hàng phải trả lại hai nền đất cho Công ty An Phát; phía công ty này có trách nhiệm trả lại 9,8 tỷ đồng cho bị cáo.

Với phán quyết trên, phía Đông Á cho hay sẽ khởi kiện bà Mai để đòi khoản tiền đã cho vay.

Theo Vnexpress

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ