Nhiều yếu tố hỗ trợ ngành logistics cảng biển

Với bức tranh kinh doanh tươi sáng, cổ phiếu nhóm ngành logistics đang gia tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
LINH TRANG
30, Tháng 05, 2021 | 21:36

Với bức tranh kinh doanh tươi sáng, cổ phiếu nhóm ngành logistics đang gia tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

thumb

Ảnh minh họa.

Hưởng lợi từ giá cước vận chuyển tăng

Trong quý I/2021, việc thiếu hụt container ở khu vực châu Á đã tạo ra lợi thế lớn cho những doanh nghiệp vận tải biển container nhờ việc tăng cước phí và gia tăng lượt vận chuyển hàng. Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) là một trong số đó với mức lãi ghi nhận đạt 85,5 tỷ đồng, tăng 174% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu ghi nhận 359 tỷ đồng, tăng 28,6%.

Lợi thế của HAH là nằm trong số ít các doanh nghiệp vận tải biển hoàn thiện được chuỗi giá trị ngành logistics bao gồm cảng biển - vận tải biển - dịch vụ kho bãi. Công ty này hiện có bảy tàu container, tổng trọng tải hơn 128.000 DWT, trong đó tàu Haian View mới được đầu tư vào tháng 7-2020 để tăng công suất thêm 20%.

Nhờ vậy, tính chung cho cả năm 2020, doanh thu và lãi ròng của HAH lần lượt đạt 1.192 tỷ đồng và 147 tỷ đồng, tăng 7,5% và 10,5% so với năm 2019. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện nhẹ từ 19,7% lên 20,1%. Dự báo năm 2021, HAH có thể đạt doanh thu và lãi ròng lần lượt khoảng 1.400 tỷ đồng và 190 tỷ đồng, tăng 18% và 29% so với năm 2020. Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu HAH hiện đang giao động quanh mức 28.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 50% so với đầu năm.

Về cơ bản, hoạt động sản xuất của Việt Nam có xu hướng phục hồi mạnh kể từ cuối năm 2020 đang là tín hiệu hỗ trợ tích cực đối với ngành cảng biển.

Một công ty vận tải biển khác cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I/2021 là Công ty cổ phần Transimex (TMS) với mức lãi đạt 101 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhờ khoản lãi từ công ty liên kết (lãi từ công ty liên kết đạt 44 tỷ đồng).

Trên cơ sở thận trọng, TMS đặt mục tiêu doanh thu cả năm 2021 là 3.315 tỷ đồng, giảm 3% và lợi nhuận trước thuế 425 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Cổ phiếu TMS gần đây giảm giá (về quanh mức 45.000 đồng/cổ phiếu), nhưng vẫn đang cao hơn 37% so với đầu năm nay và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Trái ngược với HAH và TMS, kết quả kinh doanh quí đầu năm của Công ty cổ phần Container Việt Nam (VSC) có  mức độ cải thiện không ấn tượng và đột biến bằng. Cụ thể, VSC đạt 435 tỉ đồng doanh thu và 76,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quí vừa qua, tăng lần lượt 6% và 7,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Khác với HAH, dư địa tăng trưởng tại các cảng hiện hữu của VSC được nhiều công ty chứng khoán đánh giá là không còn nhiều. Tính đến hết năm 2020, cảng Xanh và Xanh VIP của VSC hoạt động với hiệu suất lần lượt là 76% và 71%.

Mặc dù còn nhiều dư địa tăng hiệu suất nhưng Cảng Xanh có thể cũng chỉ đạt hiệu suất tối đa là 90% do xu hướng dịch chuyển xuống các cảng hạ nguồn của các hãng tàu, còn cảng Xanh VIP dự kiến sẽ nhanh chóng hoạt động hết công suất vào năm 2022. Sau đó, kết quả kinh doanh nhiều khả năng sẽ suy giảm từ năm 2023. Kể từ khi hoạt động, cảng Xanh VIP của VSC giữ vững vị thế dẫn đầu nhờ vị trí địa lý thuận lợi.

Tuy nhiên, kể từ năm 2018, vị thế của cảng này giảm dần do sự xuất hiện của các cảng có vị trí tốt hơn, cụ thể là cảng HICT (2018), cảng Nam Đình Vũ (2018) và cảng MIPEC (2020). Cùng với đó, cạnh tranh gay gắt trên thị trường tạo áp lực giảm giá dịch vụ khi các cảng mới tiếp tục được đầu tư mở rộng, khiến các doanh nghiệp cảng biển phải giảm giá dịch vụ để giữ chân khách hàng.

Trong đó, các cảng thượng nguồn sẽ chịu mức độ giảm giá mạnh nhất do vị trí kém thuận lợi. Cũng có lẽ vì vậy mà trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VSC có diễn biến giảm giá trong ba tháng qua, từ trên 60.000 đồng/cổ phiếu xuống quanh 50.000 đồng/cổ phiếu. So với đầu năm, giá cổ phiếu VSC đã giảm hơn 11%.

Tự tin với kế hoạch kinh doanh

Trên cơ sở nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ mang tính khách quan, nhiều công ty cảng biển được dự báo sẽ tiếp tục có kết quả kinh doanh cải thiện trong các quí tới. Điển hình như Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (DVP) vừa có nghị quyết hội đồng quản trị thông qua kết quả kinh doanh quí 1 và kế hoạch kinh doanh quý II/2021.

Theo đó, trong quí đầu năm 2021, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 145.769 TEU, tăng 19,4%; doanh thu đạt 136,8 tỷ đồng, tăng 23,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 64,81 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong quí 2-2021, DVP đặt kế hoạch sản lượng 145.000 TEU, doanh thu 135 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 60 tỷ đồng.

Với Công ty cổ phần Gemadept (GMD), doanh thu quý I/2021 ghi nhận ở mức 687 tỷ đồng, tăng 14,3%; lợi nhuận 171 tỷ đồng, tăng 40% so với quý I/2020. Việc giảm chi phí tài chính, tiết giảm chi phí quản lý đã giúp GMD có được lợi nhuận tốt. GMD được đánh giá là doanh nghiệp có nhiều lợi thế do hiện diện trong mọi khâu của chuỗi logistics nhờ sở hữu hệ thống cảng biển trải dài ba miền, đội tàu, xe, sà lan và các trung tâm phân phối quy mô lớn.

Giá thuê tàu và dịch vụ logistics đang tăng mạnh sau giai đoạn sụt giảm vì dịch COVID-19 trước đó, giúp GMD hồi phục nhanh về hoạt động kinh doanh. Công ty cũng sẽ được hưởng lợi từ sự hợp tác với CJ Logistics, CMA - CGM thông qua việc mở rộng hệ thống khách hàng, năng lực quản trị cho cả hai phân khúc logistics và cảng.

Năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của GMD được sự báo có thể tăng trên 50% so với năm 2020 nhờ bốn yếu tố: tổng sản lượng hàng container thông qua hệ thống cảng tăng; biên lợi nhuận gộp phục hồi lên mức trên 37%; mảng logistics kỳ vọng tăng trên 10% và chi phí tài chính tiếp tục giảm.

Nhìn chung, trong năm tài chính 2021, đa phần các doanh nghiệp cảng biển đều đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng cao trên nền thấp của năm 2020. Đi kèm với đó là kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng, hoạt động thông quan hàng hóa nhờ đó được hưởng lợi.

Trong quý I/2021, giá trị xuất nhập khẩu của cả nước tăng trưởng 32,6% so với cùng kỳ, trong đó miền Bắc là 33% và miền Nam là 31,8%. Về cơ bản, hoạt động sản xuất của Việt Nam có xu hướng phục hồi mạnh kể từ cuối năm 2020 đang là tín hiệu hỗ trợ tích cực đối với ngành cảng biển.

(Theo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ