Nhà máy đường duy nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long hoạt động muộn hơn cam kết

Nhàđầutư
Trao đổi với Nhadautu.vn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Lê Như Lê cho biết theo thông tin từ Ban giám đốc nhà máy đường Phụng Hiệp thì đến khoảng 25/11 nhà máy mới có thể đi vào hoạt động, tức trễ hơn 10 ngày so với cam kết trước đó.
AN HÒA
17, Tháng 11, 2021 | 16:53

Nhàđầutư
Trao đổi với Nhadautu.vn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Lê Như Lê cho biết theo thông tin từ Ban giám đốc nhà máy đường Phụng Hiệp thì đến khoảng 25/11 nhà máy mới có thể đi vào hoạt động, tức trễ hơn 10 ngày so với cam kết trước đó.

NMD- An Hoa

Nhà máy đường Phụng Hiệp vào vụ sản xuất muộn hơn so với cam kết do công tác bảo dưỡng nhà máy chậm tiến độ. Ảnh An Hòa

Nhà máy vào vụ muộn do ảnh hưởng COVID-19

Theo ông Lê, nguyên nhân nhà máy đi vào hoạt động muộn là do ảnh hưởng dịch COVID-19, công tác duy tu, bảo dưỡng nhà máy chậm tiến độ. Qua buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh và huyện với đơn vị này, Ban giám đốc nhà máy cho biết đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ bảo dưỡng nhà máy, cố gắng đến 25/11 sẽ đi vào hoạt động, góp phần tiêu thụ mía cho bà con nông dân tỉnh Hậu Giang.

Được biết, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) vừa có thông báo chính thức về mức giá thu mua mía cho nông dân trong vụ ép mía 2021-2022.

Cụ thể, Casuco sẽ mua mía với giá 1.180 đồng/kg đối với mía đạt 10 chữ đường (CCS) tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp, thuộc Casuco. Trường hợp CCS tăng hoặc giảm thì cộng hoặc trừ tương ứng 10 đồng/1CCS/kg. Riêng trường hợp mía dưới 7 CCS thì Casuco sẽ không thu mua; tuy nhiên, nếu mía đã qua cân đưa vào ép thì Casuco sẽ thanh toán với giá 500 đồng/kg.

Theo ông Lê, kết quả kiểm tra CCS mía tại ruộng mới đây cho thấy hầu hết diện tích mía đã đạt trên 10 CCS, nên với giá thu mua mía như trên thì nông dân trồng mía sẽ có được mức lợi nhuận tương đối. Tuy nhiên, lo lắng nhất của địa phương là nếu nhà máy đường đi vào hoạt động muộn hơn nữa thì có thể sẽ có một phần diện tích mía ngoài đê bao bị nước chụp, giảm năng suất và chữ đường.

mia PH

Do khó khăn của ngành đường, diện tích trồng mía tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chỉ bằng 1/3 so với thời điểm cách nay khoảng 3 năm. Ảnh An Hòa

Nỗ lực “cứu” ngành mía đường

Bên cạnh việc nâng giá thu mua, Casuco cũng vừa đưa ra chính sách ứng vốn đầu tư và bao tiêu toàn bộ mía nguyên liệu cho nông dân trong vụ mía tới, động thái này được xem là nỗ lực cuối cùng để “cứu” ngành mía đường tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Casuco cho biết trong niên vụ niên vụ mía 2022-2023, công ty sẽ liên kết với nông dân trồng mía tại Phụng Hiệp, Ngã Bảy, Vị Thanh- tỉnh Hậu Giang và Gò Quao, Giồng Riềng- Kiên Giang phát triển vùng nguyên liệu khoảng 2.000ha để có được sản lượng 200.000 tấn đáp ứng cho nhà máy hoạt động được từ 3 tháng trở lên.

Casuco đưa ra hai hình thức đầu tư, thứ nhất, sẽ đầu tư ứng trước vốn cho sản xuất mía bằng vật tư đầu vào theo định mức quy định của công ty; thứ hai, nếu nông dân tự cải tạo đất, tự mua mía giống, thì công ty sẽ thanh toán tiền mặt theo định mức nói trên, sau khi kiểm tra diện tích mía đã lên mầm đạt yêu cầu.

Giá trị quy đổi bằng tiền cho mía trồng mới là không quá 58,2 triệu đồng/ha; trồng lại không quá 38,2 triệu đồng/ha và mía lưu gốc không vượt quá 26,2 triệu đồng/ha.

Trường hợp theo nhu cầu thực tế cần đầu tư vượt định mức nêu trên, thì chủ hộ phải có văn bản đề nghị, có xác nhận của phòng nguyên liệu và được Tổng giám đốc Casuco phê duyệt.

“Toàn bộ sản lượng mía trồng theo diện liên kết sẽ được Casuco mua vào với mức giá sàn là 1.000 đồng/kg mía 10 CCS tại ruộng sau khi mía được chất lên phương tiện vận chuyển của bên mua. Trọng lượng và tạp chất sẽ được xác định thực tế tại nhà máy để làm cơ sở thanh toán”, ông Hiếu cam kết.

Tỉnh Hậu Giang được xem là “thủ phủ” của cây mía với diện tích trồng mía có năm lên đến 16.000ha. Trên địa bàn tỉnh có tới 3 nhà máy đường, gồm 2 nhà máy của Casuco và 1 nhà máy của Công ty cổ phần đường cồn Long Mỹ Phát. Tuy nhiên, do khó khăn của ngành đường, diện tích trồng mía tại tỉnh Hậu Giang hiện nay chỉ còn khoảng 5.000ha, và đang tiếp tục giảm. Về nhà máy ép đường trong vụ trước và vụ này chỉ có duy nhất nhà máy đường Phụng Hiệp còn hoạt động.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Mía đường Việt Nam trong niên vụ mía 2021 – 2022, cả nước chỉ có 24 nhà máy đường hoạt động, 17 nhà máy còn lại ngừng sản xuất hoặc phá sản; diện tích trồng mía cũng giảm mạnh gần 200.000ha trong niên vụ trước xuống chỉ còn hơn 120.000ha trong niên vụ này. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ chỗ có gần chục nhà máy đường thì nay chỉ còn duy nhất nhà máy đường Phụng Hiệp đi vào hoạt động.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ