Nhà máy Dung Quất 'gồng mình' trả nợ hàng nghìn tỷ đồng

Lãnh đạo nhà máy đóng tàu Dung Quất cho biết 3 kịch bản xử lý với đơn vị này đang được xem xét trong bối cảnh doanh nghiệp đang "gồng mình" với khó khăn.
MINH HOÀNG
25, Tháng 05, 2017 | 17:43

Lãnh đạo nhà máy đóng tàu Dung Quất cho biết 3 kịch bản xử lý với đơn vị này đang được xem xét trong bối cảnh doanh nghiệp đang "gồng mình" với khó khăn.

Sau 7 năm nhận chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam- Vinashin (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC), Tập đoàn Dầu khí quốc gia từng kiến nghị Bộ Công Thương xin trả lại nhà máy đóng tàu cho SBIC. 

3 kịch bản cho nhà máy đóng tàu Dung Quất

Báo cáo của PVN cho biết từ tháng 7/2010, tập đoàn "rót" cho Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) gần 2.000 tỷ đồng góp vốn điều lệ và trên 3.100 tỷ đồng để thanh toán nợ cũ cho Vinashin.

Sau 7 năm tiếp quản nhà máy đóng tàu Dung Quất, PVN  áp dụng nhiều cơ chế hỗ trợ cho DQS sửa chữa, đóng mới tàu cho các công ty con thuộc tập đoàn này.

Được đầu tư với công suất đóng mới khoảng 600.000 tấn tàu mỗi năm nhưng chỉ 30% giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp là phục vụ sản xuất, còn lại 70% không được sử dụng. Trong khi đó, DQS cho biết phải chịu áp lực về tài chính do có nhiều khoản lỗ, nợ phải trả.

Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên DQS, cho biết Chính phủ đang xem xét 3 kịch bản cho nhà máy đóng tàu Dung Quất. Các phương án gồm có mua bán sáp nhập, tìm đối tác để cùng nhau đầu tư; tái cơ cấu với những giải pháp khoanh nợ, giãn nợ để khôi phục sản xuất hoặc chuyển giao cho SBIC và phương án cuối cùng là phá sản.

a 1 dung quat

 Ụ tàu số 2, nhà máy đóng tàu Dung Quất rơi vào tình cảnh bỏ hoang - hệ lụy đầu tư dàn trải của Vinashin. (Ảnh: Minh Hoàng)

"Nhà máy đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn hoạt động bình thường, đóng mới tàu chở khí hóa lỏng, tàu dịch vụ cho các đơn vị trong nước duy trì việc làm cho khoảng 1.200 lao động", ông Ngọc nói.

Ông Ngọc cho hay thời điểm tiếp quản nhà máy, Vinashin còn khoản nợ vay rất lớn để đầu tư nhiều dự án đóng tàu ở Dung Quất. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường hàng hải ảm đạm khiến Vinashin lâm cảnh khó khăn. Mặt khác, trước năm 2010, chủ đầu tư đã đầu tư dàn trải nhiều lĩnh vực, nhiều công trình xây dang dở không trọng tâm, trọng điểm... gây nợ nần chồng chất. 

Trước tình hình này, PVN lần lượt "rót" về Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất hơn 5.000 tỷ đồng để trả nợ cũ của Vinashin để lại. Trong số này, DQS trả hơn 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ (Vinashin đi vay khi thực hiện dự án) và 3.000 tỷ đồng trả nợ đến hạn mà Vinashin vay của các tổ chức tín dụng quốc tế và trong nước đầu tư xây dựng nhà máy chưa trả.

"Chúng tôi dùng hơn 5.000 tỷ này trả nợ cũ cho Vinashin chứ hoàn toàn không được sử dụng một xu", vị Chủ tịch Hội đồng thành viên DQS khẳng định. 

anh 2 dung quat

 Công nhân làm việc tại nhà máy đóng tàu Dung Quất.(Ảnh: Minh Hoàng)

Phương án trả lại nhà máy Dung Quất cho SBIC đang chờ 

Sau khi tiếp quản nhà máy đóng tàu Dung Quất, PVN thực hiện tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy DQS từ 2.500 người xuống còn 1.200 lao động.

"Trước tình hình khó khăn của nhà máy, chúng tôi đang đàm phán với 3 đối tác Mỹ, Nhật và Hàn Quốc có tiềm lực, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực đóng tàu để mua hoặc hợp tác tiếp tục đầu tư nhà máy đóng tàu Dung Quất", ông Lương Minh Hải, Phó tổng giám đốc DQS, chia sẻ. 

Theo ông Hải, Chính phủ có quyết định mua bán, tái cơ cấu sáp nhập hay phá sản thì bộ khung nhà máy cũng cần được giữ nguyên tạo việc làm cho 1.200 lao động lành nghề, tâm huyết với ngành đóng tàu.

Riêng khối tài sản là ụ tàu của nhà máy vốn đầu tư cũng đã hơn 1.000 tỷ đồng. Phương án đề xuất trả lại nhà máy đóng tàu cho SBIC và ghi nợ số tiền mà PVN chi hơn 5.000 tỷ đồng trả nợ cho Vinashin còn chờ Chính phủ quyết định.

Báo cáo tài chính của DQS đến cuối năm 2016 cho thấy kể từ khi tiếp nhận nhà máy đóng tàu Dung Quất về, PVN không những không giảm lỗ mà lỗ phát sinh kể từ tiếp nhận lên tới gần 2.500 tỷ đồng (chủ yếu do các khoản nợ cũ Vinashin với các tổ chức tín dụng phát sinh lãi chồng chất). Không chỉ vốn chủ sở hữu ở DQS bị âm tới 1.152 tỷ đồng, tổng các khoản nợ phải trả của DQS cũng lên tới trên 6.900 tỷ đồng.

Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) được thành lập ngày 20/02/2006, là thành viên của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Thực hiện chiến lược tái cơ cấu Tập đoàn SBIC của Chính phủ, năm 2010, nhà máy được chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) quản lý, khai thác.

 Do những khó khăn tồn tại từ thời Vinashin, nhiều năm qua, nhà máy chìm trong thua lỗ, nợ lương. Mặc dù gần đây tình hình kinh doanh có cải thiện nhưng vẫn chưa thể xóa bỏ được khoản lỗ lũy kế lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

 Theo báo cáo tài chính của Petro Vietnam, tính đến cuối năm 2015, tập đoàn vẫn nắm 100% vốn tại công ty này, tương ứng 1.990 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà máy liên tục thua lỗ khiến Petro Vietnam đã phải trích lập dự phòng rủi ro đầu tư 100%.

(Theo Zing.vn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ