Ngành ô tô Đức lâm nguy khi nhu cầu xe cá nhân chạm đỉnh

Xu thế giảm sở hữu xe cá nhân và chuyển sang sử dụng xe điện và dịch vụ gọi xe ở nhiều nơi trên thế giới đang đặt ra thách thức sống còn cho những đại gia của ngành công nghiệp ô tô nước Đức gồm BMW, Daimler và Volkswagen, vốn xây dựng sự thịnh vượng của họ dựa vào xe truyền thống.
LÊ LINH
03, Tháng 03, 2019 | 11:45

Xu thế giảm sở hữu xe cá nhân và chuyển sang sử dụng xe điện và dịch vụ gọi xe ở nhiều nơi trên thế giới đang đặt ra thách thức sống còn cho những đại gia của ngành công nghiệp ô tô nước Đức gồm BMW, Daimler và Volkswagen, vốn xây dựng sự thịnh vượng của họ dựa vào xe truyền thống.

cfc36_anh_1

 

Cách đây một thập kỷ, ngành công nghiệp ô tô dự báo doanh số ô tô toàn cầu sẽ đạt trên 100 triệu chiếc vào năm 2018 nhưng thực tế năm ngoái, con số này chỉ là 94,2 triệu chiếc, giảm 1 triệu chiếc so với năm 2017. Thị trường ô tô lớn nhất thế giới Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu hụt hơi.

Năm 2018, doanh số ô tô ở Trung Quốc bất ngờ suy giảm 3%, lần suy giảm đầu tiên trong hai thập kỷ qua. Năm ngoái, 550 triệu người Trung Quốc thực hiện 10 tỉ lượt di chuyển bằng dịch vụ gọi xe Didi Chuxing, cao gấp đôi số lượt di chuyển mà Uber cung cấp trên toàn cầu.

“Ngày càng có nhiều người Trung Quốc chuyển sang sử dụng dịch vụ đi lại thay vì mua xe”, Michael Dunne, Giám đốc điều hàng công ty tư vấn thị trường ô tô ZoZo Go, nói.

Sau nhiều năm tăng trưởng, doanh số ô tô ở Mỹ trong năm 2019 được dự báo giảm về mức dưới 17 triệu chiếc lần đầu tiên kể từ năm 2014.

Nhà phân tích thị trường ô tô Mike Ramsey ở hãng nghiên cứu thị trường Gartner cho rằng khi mà giá xe mới ngày càng đắt nhưng nhu cầu sử dụng chúng chỉ vài tiếng mỗi ngày, nhiều người đang cân nhắc các sự lựa chọn di chuyển tiết kiệm khác bao gồm dịch vụ gọi xe đang ngày càng thịnh hành.

“Khi bạn xem xét các xu hướng này, bạn sẽ chứng kiến mức đỉnh nhu cầu sở hữu xe cá nhân sắp xuất hiện”, ông Ramsey nói.

Nhu cầu sở hữu xe cá nhân có dấu hiệu suy giảm ở nhiều nơi trên thế giới là một hiện thực ảm đạm cho triển vọng của ngành công nghiệp ô tô nước Đức.

0b10c_anh_2

Trung tâm thành phố Oslo (Na Uy) không còn bóng dáng xe cá nhân sau khi 700 bãi đỗ xe bị dẹp bỏ

Nước Đức, nơi sinh của Karl Benz, nhà phát minh của ô tô hiện đại, là bệ phóng cho sự trỗi dậy của hãng xe Volkswagen trở thành hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Nước Đức cũng là quê hương của bốn thương hiệu BMW, Mercedes, Audi và Porsche, đóng góp đến 80% doanh số xe sang toàn cầu. Với 835.000 lao động, ngành công nghiệp ô tô nước Đức là ngành sử dụng lao động lớn nhất ở Đức và đóng góp 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức hàng năm.

Song việc làm trong ngành ô tô Đức sẽ bắt đầu suy giảm trong năm nay, theo dự báo của IG Metall, tổ chức công đoàn quyền lực nhất nước Đức.

Rüdiger Schneidewind, thị trưởng TP. Homburg ở phía tây nước Đức, nơi có bốn nhà máy sản xuất ô tô đang sử dụng 30.000 lao động, nói: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho thời kỳ mà lượng công nhân làm việc trong ngành ô tô ở khu vực của chúng tôi suy giảm. Hơn 50% sự thịnh vượng ở khu vực này nhờ vào hoạt động sản xuất ô tô”.

Nước Đức nổi tiếng với các hệ thống đường cao tốc không giới hạn tốc độ (autobahn) và những chiếc xe chạy trên các tuyến đường đó là những tuyệt tác công nghệ hỗ trợ cho hệ sinh thái rộng lớn của các nhà cung cấp linh kiện và sản xuất ô tô ở Đức. Nhưng khi mọi người chuyển sang sử dụng dịch vụ gọi xe, dùng chung xe và thậm chí là xe điện không người lái trong tương lai, nhiều thế mạnh của ngành công nghiệp ô tô truyền thống của Đức sẽ biến mất.

Stephan Rammler, nhà tư vấn ngành công nghiệp ô tô và là giáo sự thiết kế giao thông ở Đại học Nghệ thuật Braunschweig (Đức) nói: “Có ba đặc điểm cốt lõi của hoạt động di chuyển trong thế kỷ 20 sẽ suy yếu: Xe sở hữu cá nhân, xe chạy bằng động cơ đốt trong (sử dụng nhiên liệu xăng hoặc diesel) và xe cần tài xế. Các hãng xe Đức đang có nguy cơ tụt lại đằng sau các đại gia ô tô mới ở Trung Quốc và Mỹ”.

Mối lo lắng đối với người Đức là lợi nhuận của ngành công nghiệp ô tô sẽ dần chảy sang túi của những kẻ đến sau như hãng xe tự lái Waymo của Alphabet, hãng xe điện Tesla, hãng gọi xe Uber.

Xe điện không cần nhiều linh kiện kỹ thuật chính xác như các dòng xe truyền thống, khiến nhu cầu công nhân giảm xuống. Công đoàn IG Metall dự báo hơn 1/3 trong số 210.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất động cơ và hộp truyền động ở Đức sẽ biến mất vào năm 2030.

Horst Lischka, người đứng đầu chi nhánh của công đoàn IG Metall ở TP. Munich kiêm thành viên ban giám sát của hãng xe BMW, cảnh báo: “Các hãng xe chỉ có thể tồn tại với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ đi lại, chứ không phải là nhà sản xuất ô tô”.

Hai hãng xe ở Đức Daimler và BMW đang cung cấp dịch vụ dùng chung xe ở các thành phố ở Đức và châu Âu để chống lại sức ép cạnh tranh của hãng gọi xe Uber. Trong năm nay, hãng xe Volkswagen cũng triển khai dịch vụ dùng chung xe điện ở nhiều thành phố ở Đức để phục vụ nhu cầu của những người không muốn sở hữu xe cá nhân.

Dù các hãng ô tô Đức đặt ra các kế hoạch tham vọng cho chương trình xe điện để đón đầu nhu cầu chuyển sang sử dụng xe điện, sự chuyển đối này không diễn ra suôn sẻ. Volkswagen thông báo sẽ chi 1,2 tỉ euro trang bị lại nhà máy ở TP. Zwickau để sản xuất sáu dòng xe điện vào năm 2021 nhưng hãng xe này cảnh báo số lượng công nhân ở đây có thể bị cắt giảm.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Volkswagen thông báo sẽ gạch sổ khoản đầu tư 300 triệu đô la ở hãng gọi xe Gett sau khi hãng này thất thế trong cuộc cạnh tranh nới với Uber, Didi Chuxing và Lyft. Do kinh doanh chật vật, hai dịch vụ dùng chung xe của BMW và Daimler đã phải sáp nhập hồi năm ngoái.

Cứ đến mùa bão tuyết, Larry Kim, Giám đốc điều hành công ty công nghệ MobileMonkey ở Boston, lại khổ sở với công việc cào tuyết khỏi xe và tìm chỗ đỗ xe. Vì thế, năm 2014, ông quyết định bán chiếc sedan thương hiệu Infiniti của Nissan và chuyển sang sử dụng dịch vụ gọi xe của Uber và Lyft để đi làm với chi phí hàng năm khoảng 20.000 đô la.

Ông cho biết ông tiết kiệm được một tiếng một ngày nhờ không lái xe nữa, do vậy, bỏ ra một năm 20.000 đô la mỗi năm để dùng dịch vụ gọi xe là xứng đáng.

Thanh niên ở Mỹ cũng đang thờ ơ với xe cộ, chỉ có 26% người Mỹ 16 tuổi có bằng lái trong năm 2017, giảm so với con số hơn 50% cách đây 36 năm, theo công ty tư vấn Sivak Applied Research. Tương tự, tỉ lệ thanh niên 17 tuổi ở Anh thi lấy bằng lái hàng năm đã giảm 28% so với cách đây một thập kỷ.

Trong khi đó, các dịch vụ đi lại khác như dùng chung xe, gọi xe đang thiết lập sự hiện diện vững chắc ở nhiều thị trường. Nhiều trung tâm đô thị lớn như London (Anh), Madrid (Tây Ban Nha), Oslo (Na Uy), Paris (Pháp), Copenhagen (Đan Mạch) đang hoặc có kế hoạch hạn chế lưu thông tất cả các xe cá nhân hoặc xe động cơ đốt trong. Chẳng hạn, trong năm 2018, TP. Oslo đã xóa sổ 700 bãi đỗ xe ở khu vực trung tâm để thiết lập “khu vực không ô tô”.

Các hạn chế đó cộng với sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ cũng như kỷ nguyên sắp đến của xe tự lái báo hiệu nhu cầu sở hữu xe cá nhân có thể đang đạt đỉnh.

(Theo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ