Miền Bắc vẫn là "trận địa" chính của SHB

Nhàđầutư
Được chuyển đổi từ một ngân hàng nông thôn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, tuy nhiên hiện nay SHB duy trì hoạt động chủ yếu ở phía Bắc - thị trường tập trung phần lớn nguồn lực và mang lại 60% lợi nhuận trong năm 2019.
XUÂN TIÊN
01, Tháng 02, 2020 | 12:28

Nhàđầutư
Được chuyển đổi từ một ngân hàng nông thôn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, tuy nhiên hiện nay SHB duy trì hoạt động chủ yếu ở phía Bắc - thị trường tập trung phần lớn nguồn lực và mang lại 60% lợi nhuận trong năm 2019.

shb-nhadautu.vn

SHB vừa vặn cán đích lợi nhuận năm 2019

Báo cáo tài chính hợp nhất (chưa kiểm toán) năm 2019 vừa công bố của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội hé lộ nhiều diễn biến tài chính quan trọng của nhà băng này trong năm vừa qua.

Tín dụng - chỉ tiêu được chú ý hàng đầu có tốc độ tăng trưởng khá cao, lên tới 22%, đạt số dư 262.075 tỷ đồng vào cuối năm. Biên độ tăng tín dụng của SHB cao gấp rưỡi mặt bằng chung của hệ thống (13,5%) theo dữ liệu sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước vào cuối năm ngoái.

Để có thêm hơn 48.000 tỷ đồng cho vay khách hàng, các bộ phận cấu thành nguồn vốn của SHB đều phải tăng trưởng tương ứng. Cụ thể, huy động tăng 15%, tương đương 34.000 tỷ đồng, phát hành giấy tờ có giá tăng 60%, tương đương 10.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ - thước đo sức mạnh nội tại của ngân hàng cũng được SHB tăng cường trong năm, sau đợt phát hành 251,4 triệu cổ phiếu trả cổ tức, điều chỉnh vốn lên 14.550 tỷ đồng.

Kết quả là sự đồng pha trong hiệu quả kinh doanh. Thu nhập lãi đạt 27.792 tỷ đồng, lãi trước thuế ở mức 3.077 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2018 và vừa khít kế hoạch lợi nhuận đã được ĐHĐCĐ thường niên tháng 4/2019 thông qua (3.068 tỷ đồng).

Dù tăng trưởng có phần "nóng", chất lượng tín dụng của SHB vẫn được kiểm soát khá tốt, với tỷ lệ nợ xấu (các nhóm 3,4,5) trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm từ 2,4% đầu năm về còn 1,8%. Cơ cấu kỳ hạn tín dụng cũng duy trì ổn định với tỷ lệ 38%:30%:32%, tương ứng với nợ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Về cơ cấu ngành, dư nợ nhóm "xây dựng - bất động sản" có xu hướng tăng cao, cả về tỷ lệ tương đối lẫn số lượng tuyệt đối, tăng từ 20,99% lên 22,28%, tăng thêm 13.524 tỷ đồng lên hơn 59.000 tỷ đồng. Một số ngành có tỷ lệ dư nợ cao là "bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy" chiếm 17,03%; "nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản" chiếm 16,1%; "công nghiệp chế biến, chế tạo" chiếm 14,82%.

Báo cáo tài chính thể hiện Miền Bắc vẫn là thị trường chính của SHB, tập trung 77% tài sản, 78% nợ phải trả, mang về 67% thu nhập lãi thuần và 60% lãi trước thuế trong năm 2019.

Dù không ngừng mở rộng hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch trên phạm vi cả nước, song không khó để nhìn nhận SHB xác định Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc vẫn là cuộc chơi chính, kể từ khi tiền thân của nhà băng này là Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái được ông "bầu" Đỗ Quang Hiển mua lại vào giữa thập niên trước và chuyển trụ sở từ Cần Thơ ra Hà Nội năm 2008.

Đối với những ngân hàng vừa và nhỏ, việc tập trung phát triển một thị trường là chiến lược thường được sử dụng thay vì phân mảnh nguồn lực một cách rủi ro. Trong bối cảnh thị trường Miền Trung có dung lượng phát triển không lớn, thì Miền Bắc với Hà Nội và Miền Nam với TP.HCM là hai cực phát triển chính yếu của các nhà băng Việt. Việc lựa chọn thị trường thường dựa vào lịch sử phát triển cũng như ý chí của các ông chủ nhà băng. Có thể chia nhóm ngân hàng ưu tiên hoạt động ở thị trường phía Nam như ACB, VietCapitalBank, KienlongBank, VietBank, NamABank, Sacombank, Eximbank, Saigonbank, SCB... trong khi một số cái tên lựa chọn thị trường Miền Bắc làm "cứ điểm" như LienVietPostBank, BaovietBank, TPBank, SeaBank, ABBank...

Cẩn trọng với "tài sản có khác"

Trở lại với báo cáo tài chính SHB, một dữ liệu đáng chú ý là số dư "tài sản có khác" tăng rất nhanh, từ 20.701 tỷ đồng đầu năm 2019 lên 31.194 tỷ đồng vào cuối năm, tương đương tỷ lệ trên tổng tài sản từ 6,4% lên 8,5%. "Tài sản có khác" gồm các khoản phải thu, lãi phí phải thu và các tài sản có khác, khác với tín dụng và các tài sản khác, là tài sản không sinh lời trên bảng cân đối kế toán, trong khi ngân hàng vẫn phải trả lãi huy động cho nguồn vốn cấu thành nên hàng chục nghìn tỷ đồng "tài sản có khác" này. Giới tài chính gọi đây là tài sản chết, và tỷ lệ trên tổng tài sản càng thấp thì chất lượng ngân hàng càng được đánh giá cao.

Tỷ lệ "tài sản có khác" 8,5% của SHB, theo ghi nhận của Nhadautu.vn, dù vẫn thấp hơn đáng kể so với các nhà băng còn nhiều tồn tại như SCB, PVCombank hay NCB, song cũng thuộc hàng cao nhất hệ thống, nếu đặt cạnh chuẩn trên dưới 2% của những Vietcombank, ACB hay Eximbank.

Trong hơn 31.000 tỷ đồng "tài sản có khác" của SHB, 8.293 tỷ đồng là lãi phí phải thu, 12.773 tỷ đồng các khoản phải thu, trong đó 8.943 tỷ đồng là phải thu bên ngoài liên quan đến thư tín dụng trả chậm.

Lưu ý rằng đây mới là số liệu do SHB tự lập. Sẽ cần tham khảo thêm báo cáo tài chính kiểm toán để nắm rõ hơn thực trạng tài chính của nhà băng này. Dù sao thì số dư "tài sản có khác" đang tăng nhanh, cả về số tương đối và tuyệt đối rõ ràng là một diễn biến mà Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cùng đội ngũ quản trị, điều hành SHB cần lưu tâm.

Screen Shot 2020-02-01 at 12.38.35 PM

(*) Số liệu của SCB và PVCombank lấy tới 30/9/2019

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ