Khai mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII: Tập trung thảo luận 3 Đề án quan trọng

Sáng nay (7/5), tại Hà Nội, Hội nghị Trung ương 7 khoá XII khai mạc. Hội nghị sẽ thảo luận 3 Đề án quan trọng liên quan đến công tác cán bộ, cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội.
PV
07, Tháng 05, 2018 | 08:25

Sáng nay (7/5), tại Hà Nội, Hội nghị Trung ương 7 khoá XII khai mạc. Hội nghị sẽ thảo luận 3 Đề án quan trọng liên quan đến công tác cán bộ, cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội.

tong-bi-thu

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Theo chương trình nghị sự, trong thời gian từ ngày 7 đến 12/5, Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về các đề án, báo cáo, trong đó có Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp...

Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến công tác lãnh đạo của Đảng, như công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng, thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp; các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ Hội nghị lần thứ 6.

Đề án Trung ương 7 về công tác cán bộ là đề án lớn, rất khó và rất quan trọng. Việc xây dựng Đề án lần này giống như việc chuẩn bị cho một Chiến lược cán bộ thời kỳ mới, thay thế Chiến lược cũ ra đời cách đây 20 năm. Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN. 

Trong Đề án Trung ương 7 về công tác cán bộ, hàng loạt giải pháp đột phá nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới đã được Ban soạn thảo đưa ra, từ đánh giá cán bộ, sử dụng cán bộ, thi tuyển cán bộ đến việc ngăn chặn chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ...

Đáng chú ý, Đề án đưa ra giải pháp nhằm thực hiện nhất quán việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch UBND. Đề án cũng xác định việc kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ là khâu đột phá. Cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra dấu hiệu vi phạm của cấp dưới và kịp thời xử lý. 

hoi nghi trung uong 7

  Toàn cảnh khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Sở dĩ vấn đề công tác cán bộ được Trung ương dành sự quan tâm rất lớn tại Hội nghị lần này là bởi đội ngũ cán bộ luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả quan trọng về ban hành các văn bản chỉ đạo, đổi mới công tác đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, thi tuyển…, thời gian qua, công tác cán bộ đã bộc lộ những hạn chế, thiếu sót và bất cập không nhỏ. Đó là tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, năng lực, không đúng quy trình. Đó là nạn chạy chức, chạy quyền, biểu hiện chủ nghĩa thân hữu, bè phái; chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ giỏi còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả. Đó là nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn suy thoái, vi phạm pháp luật, phải kỷ luật, xử lý…, gây mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào hệ thống chính trị.

Trước thực trạng đó, Trung ương đã dành nhiều công sức, tâm huyết để xây dựng Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, do một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo.

Với hàng chục hội nghị, hội thảo được tổ chức trên cả nước gần 2 năm qua; với hàng loạt cuộc gặp gỡ, lấy ý kiến các cấp ủy đảng ở Trung ương, tỉnh, thành, ngành, các đồng chí lãnh đạo Đảng và nguyên lãnh đạo Đảng, các cuộc điều tra xã hội học, tham vấn kinh nghiệm quốc tế…, có thể nói, đây là Đề án được chuẩn bị công phu, thân trọng, bài bản và tâm huyết.

Sự thận trọng, bài bản và công phu trong việc xây dựng Đề án này là dễ hiểu, bởi công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng lớn trong mọi lĩnh vực, là cái gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”, nhưng cũng là công tác rất khó, rất nhạy cảm.

Hơn nữa, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước trong 20 năm qua có nhiều thay đổi, kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động trực tiếp tới nhiều nền kinh tế… thì yêu cầu có một đề án về công tác cán bộ thay thế Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" từ 20 năm trước là rất cấp thiết.

Đối với Đề án cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ dẫn lời Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và chính sách ưu đãi người có công cho biết, trước đây việc xây dựng chính sách và quản lý lĩnh vực tiền lương, BHXH, ưu đãi người có công không phản ánh đúng bản chất của các lĩnh vực này.

Cụ thể, quan hệ tiền lương theo nguyên tắc giá cả thù lao của sức lao động, BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ rủi ro và chính sách ưu đãi người có công là chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan tới vấn đề an sinh xã hội.

Do đó, Ban Cán sự Đảng Chính phủ tập trung xây dựng 2 đề án riêng, gồm Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Đề án cải cách chính sách BHXH, nhưng có tính tương quan lẫn nhau.

Về cải cách chính sách BHXH, Đề án thiết kế chính sách đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ rủi ro.

Đề án cũng đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của Quỹ BHXH, tập trung theo phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ 1/1/2021 theo lộ trình với người lao động bình thường trong điều kiện lao động bình thường, tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Ngoài việc thảo luận 3 Đề án trên, dự kiến tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng, thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp năm 2017; công tác cán bộ.

Dự kiến, Hội nghị Trung ương 7 sẽ làm việc một tuần, bế mạc vào ngày 12/5.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ