Hàng Việt có nhiều cơ hội tại thị trường 1,6 tỷ dân

Trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang nhiều thị trường truyền thống gặp khó khăn, Bộ Công Thương cho rằng, việc mở rộng và phát triển hợp tác thương mại với các thị trường mới giàu tiềm năng tại Trung Đông - châu Phi là một trong những giải pháp mà Việt Nam cần hướng đến trong thời gian tới.
UYỂN NHƯ
04, Tháng 10, 2020 | 09:26

Trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang nhiều thị trường truyền thống gặp khó khăn, Bộ Công Thương cho rằng, việc mở rộng và phát triển hợp tác thương mại với các thị trường mới giàu tiềm năng tại Trung Đông - châu Phi là một trong những giải pháp mà Việt Nam cần hướng đến trong thời gian tới.

0654_8-IMG_0235

Dệt may là một trong những ngành hàng ngày càng được thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Đông-châu Phi. Ảnh: H.NỤ

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với tất cả 70 quốc gia ở Trung Đông – châu Phi. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với hai khu vực này đã tăng hơn 9 lần trong vòng 15 năm trở lại đây.Nông nghiệp, năng lượng, giao thông, lao động và chuyên gia đang là những lĩnh vực có nhiều chuyển biến trong hợp tác giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông - châu Phi.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Trung Đông – châu Phi ngày càng phát triển đa dạng.

Ngoài các mặt hàng như nông sản, dệt may, da giày... đã có thêm những mặt hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động, máy móc, thiết bị phụ tùng...

“Bên cạnh khai thác các thị trường truyền thống thì việc mở rộng và phát triển hợp tác thương mại với các thị trường mới giàu tiềm năng tại Trung Đông - châu Phi là một trong những giải pháp mà Việt Nam cần hướng đến trong thời gian tới”, ông Tài nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) phân tích thêm, các nước Trung Đông và châu Phi có nguồn tài nguyên chủ yếu là dầu mỏ, khí đốt và các loại quặng. Đối với hàng lương thực, thực phẩm họ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Các kênh phân phối hàng hóa như chuỗi siêu thị, chuỗi bán lẻ được trải dài khắp các quốc gia trong khu vực nên nếu sản phẩm của Việt Nam vào được một nước thuộc Trung Đông – châu Phi cũng sẽ có cơ hội vào được quốc gia khác trong khu vực.

Cũng phải nói thêm rằng, khối thị trường này khá “dễ tính”, không đòi hỏi cao về yêu cầu kỹ thuật như thị trường EU hay những thị trường “khó tính” khác.

Bên cạnh những thuận lợi trên, theo Thương vụ Việt Nam tại Angieri, khi thúc đẩy giao thương với thị trường Trung Đông-châu Phi, các doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn nhất định.

Cụ thể, dịch Covid-19 làm cho giá dầu (nguồn thu chủ yếu) ở các nước này giảm kéo theo ngoại tệ của họ giảm đã khiến cho một số nước có chính sách giảm nhập khẩu. Trong đó, Angieri đã cấm nhập khẩu một số loại trái cây như cam, quýt… khi nước này vào mùa thu hoạch.

Ngoài ra, tại Trung Đông – châu Phi, hàng Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa của nhiều quốc gia khác như: Gạo, ngũ cốc (Ấn Độ); chè, cà phê, gia vị (Trung Quốc, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất); nông sản (Thái Lan, Ấn Độ)…

Để hàng Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường Trung Đông – châu Phi, các Tham tán thương mại Việt Nam tại khu vực này cho rằng, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, sản phẩm khi xuất khẩu sang thị trường này không chỉ “đánh” vào người tiêu dùng nước sở tại mà còn hướng tới những người nước ngoài sinh sống ở đây như người Ấn Độ và các nước châu Á khác.

Các doanh nghiệp cũng cần ứng dụng công nghệ sản xuất để sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giảm giá thành để tăng năng lực cạnh tranh với sản phẩm của những nước khác…

Với lợi thế địa lý có diện tích rộng trên 36 triệu km2 dân số trên 1,6 tỷ người, chiếm khoảng 7% GDP toàn cầu và có nhu cầu nhập khẩu cao nhiều loại mặt hàng phù hợp với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, khối thị trường Trung Đông – châu Phi thực sự là những thị trường đa dạng cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh của Trung Đông – châu Phi ngày càng được cải thiện nhờ xu thế hòa bình và tăng cường liên kết khu vực nên dư địa mở rộng hợp tác thương mại giữa Việt Nam với khu vực này là rất lớn.

(Theo Hải quan) 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ