[Gặp gỡ thứ Tư] Làm gì để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công?

Nhàđầutư
Đầu tư công có thể trở thành một gánh nặng cho quốc gia, thậm chí góp phần tạo ra hiệu ứng nợ công nếu nó bị sử dụng dàn trải, kém hiệu quả và lãng phí.
HOÀNG VĂN
23, Tháng 09, 2020 | 06:44

Nhàđầutư
Đầu tư công có thể trở thành một gánh nặng cho quốc gia, thậm chí góp phần tạo ra hiệu ứng nợ công nếu nó bị sử dụng dàn trải, kém hiệu quả và lãng phí.

Ở hầu hết các quốc gia đang trong quá trình tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đầu tư công là một công cụ kinh tế của Nhà nước, được sử dụng đem lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế. Nhưng ngược lại, đầu tư công cũng có thể trở thành gánh nặng cho quốc gia, nếu nó được sử dụng một cách thái quá, gây nên sự dàn trải, kém hiệu quả.

Để làm rõ vấn đề này, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Phú Thọ, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành IV.

Ông có thể chia sẻ về vai trò của đầu tư công với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam?

TS Hoàng Phú Thọ: Đầu tư công có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và là động lực thúc đẩy phát triển đối với một số ngành và vùng kinh tế trọng điểm.

Những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2020 và một số năm tiếp theo do tình hình bất ổn khó lường về dịch bệnh COVID-19 và việc điều chỉnh chính sách của một số quốc gia đã làm các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn. Do đó, hoạt động đầu tư công của Nhà nước có vai trò rất lớn.

Đầu tư từ Nhà nước không chỉ nhằm thực hiện chính sách công mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nên không chỉ bao gồm các dự án đầu tư nhằm thực hiện các mục tiêu của chính sách công, không có khả năng thu hồi vốn, không vì mục tiêu kinh doanh mà còn bao gồm cả các dự án đầu tư vì mục tiêu kinh doanh.

tho

TS. Hoàng Phú Thọ. Ảnh: Kiểm toán.

Giai đoạn hiện nay có thể nhận định tác động và vai trò của hoạt động đầu tư công đối với nền kinh tế Việt Nam như sau.

Đầu tiên, đầu tư nhà nước đã phát huy vai trò trong những giai đoạn kinh tế khó khăn và là động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, có tác động lan tỏa lớn, nhất là đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng...

Thứ hai, cơ cấu đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực, hoạt động này đã tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xử lý bất hợp lý vùng miền; chú trọng đầu tư cho các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế. Ngân sách nhà nước đã tập trung nhiều hơn cho đầu tư phát triển con người, nâng cao trình độ của người lao động.

Thứ ba, đã hình thành được bộ khung pháp luật tương đối đồng bộ để điều chỉnh các hoạt động đầu tư nói chung và đầu tư nhà nước nói riêng. Trong đó, phải kể đến Luật Đầu tư công năm 2014 và Luật Đầu tư công sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Thực tế tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 26/2016/ QH14 ngày 10/11/2016 có mức tối đa là 2.000.000 tỷ đồng. Hàng năm, Chính phủ đã thực hiện chi khoảng 15% đến 20% dự toán ngân sách quốc gia cho hoạt động đầu tư công, ngoài ra còn có các nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp. Trong đó có hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước và của người dân.

Có thể nói hoạt động đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn và bao trùm giữ vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nó là một trong những ngành sản xuất tạo cơ sở vật chất lớn nhất trong nền kinh tế, góp phần giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong nền sản xuất xã hội như mối quan hệ giữa các ngành công nghiệp, thương mại, giao thông vận tải, nông nghiệp, dịch vụ... Nó có ảnh hưởng lâu dài, trực tiếp và toàn diện tới các mặt hoạt động của xã hội như: chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, quốc phòng, an ninh.

Vậy những hạn chế trong hoạt động đầu tư công ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư được phát hiện qua kết quả kiểm toán của KTNN là gì?

TS Hoàng Phú Thọ: Theo báo cáo từ Kho bạc nhà nước, số liệu giải ngân năm 2019 tính đến ngày 15/12/2019 đạt 61,8% kế hoạch, tương ứng khoảng 255.088 tỷ đồng. Còn lũy kế giải ngân từ đầu năm 2020 đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao –không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang - theo báo cáo của Bộ Tài chính. Ước giải ngân đến 31/8/2020 là 221.768 tỷ đồng đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn NSTW đạt 37,8% kế hoạch và vốn ngân sách địa phương đạt 55,1% kế hoạch.

Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đến hiệu quả kinh tế, hiệu quả về an sinh xã hội nhưng thực tế việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt so với kế hoạch vốn được giao, đặc biệt tại một số dự án tỷ lệ giải ngân đạt thấp là do tồn tại, hạn chế trong quản lý đầu tư công. Nó xảy ra ở tất cả các khâu, các giai đoạn của quá trình đầu tư, từ chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư; từ khâu cấp phát vốn đầu tư đến khâu thực hiện thủ tục giải ngân, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư.

Qua kết quả kiểm toán của KTNN từ năm 2018 đến nay đã chỉ ra tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công tại một số dự án đầu tư, chương trình mục tiêu của một số bộ, ngành và địa phương như sau.

Thứ nhất, tồn tại trong công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công gồm: Phê duyệt chủ trương đầu tư khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, xác định cơ cấu nguồn vốn không đúng quy định; Phê duyệt chủ trương đầu tư chưa phù hợp với quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Lập và phê duyệt TMĐT nhiều dự án chưa chính xác, thiếu cơ sở, chưa phù hợp điều kiện thực tế, phải điều chỉnh quy mô, bổ sung hạng mục công trình, điều chỉnh TMĐT nhiều lần; Xác định giá trị khoản vay ban đầu chưa chính xác; Điều chỉnh dự án có tiêu chí dự án quan trọng quốc gia khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo và báo cáo Quốc hội; điều chỉnh dự án chưa chính xác.

Thứ hai, tồn tại, hạn chế trong công tác phân bổ kế hoạch vốn làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công gồm: Giao kế hoạch vốn không sát khả năng thực hiện, dẫn đến nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí không có khả năng giải ngân nhưng các bộ, ngành, địa phương không báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh; giao vốn khi chưa ký Hiệp định điều chỉnh phù hợp với tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ, dẫn đến không giải ngân được; giao vượt Kế hoạch vốn trung hạn; giao bổ sung cho dự án không thực hiện hết kế hoạch vốn giao đầu năm; Bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho một số dự án không đúng đối tượng, chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên, chưa bố trí đủ vốn đối ứng hoặc vượt mức quy định; điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; Chưa xây dựng, phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, việc phân bổ vốn cho một số dự án còn bất cập như: Phân bổ cho dự án phê duyệt sau ngày 31/10, không thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc kế hoạch đầu tư hàng năm; Không đúng tính chất nguồn vốn; Bố trí vốn dàn trải (Dự án nhóm B quá 05 năm, dự án nhóm C quá 03 năm), chưa đúng thứ tự ưu tiên; Phân bổ nguồn XSKT chưa đảm bảo bố trí tối thiểu để sử dụng đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề và y tế, CTMTQG xây dựng nông thôn mới; Phân bổ vượt mức quy định, vượt khả năng thực hiện; Điều chỉnh, ứng trước kế hoạch vốn không đúng quy định, chưa thu hồi vốn ứng trước sai quy định. Bên cạnh đó, tình trạng phân bổ chưa phù hợp thực tế phải điều chỉnh, bổ sung còn xảy ra tại nhiều bộ, ngành, địa phương được kiểm toán.

Tại một số Bộ ngành, địa phương xây dựng kế hoạch vốn vượt kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 và đăng ký nhu cầu vốn vượt khả năng thực hiện, hoặc giao kế hoạch vốn thấp hơn số kế hoạch được Quốc hội thông qua, xây dựng phương án phân bổ chưa chính xác, thấp hơn hoặc vượt nhu cầu.

Về tồn tại, hạn chế trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Hiện có nhiều vướng mắc phát sinh trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, từ công tác kiểm đếm, thống kê đến xác định đối tượng, khối lượng, giá trị đền bù; công tác GPMB, tái định cư vẫn còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường.

Còn công tác tổ chức thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng tại địa phương xuất hiện tình trạng bù không thoả đáng, không đúng đối tượng, không bình đẳng. Ngoài ra, chi trả tiền đền bù không theo định mức, khung giá Nhà nước và địa phương ban hành. Thậm chí, có tình trạng khai khống diện tích, khối lượng tài sản được đền bù... làm cho công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, khó đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng thời hạn quy định dẫn đến chậm tiến độ gây lãng phí, làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân các nguồn vốn đầu tư.

Thứ tư, tồn tại, hạn chế trong công tác lựa chọn nhà thầu dẫn đến chậm tiến độ thực hiện làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Hiện một số Chủ đầu tư, Ban QLDA và các đơn vị liên quan không thực hiện đúng trình tự đấu thầu; phân chia gói thầu không hợp lý, sai quy định; chọn hình thức lựa chọn nhà thầu không phù hợp.

Việc xét thầu, đánh giá để lựa chọn nhà thầu không chính xác; có hiện tượng thông đồng giữa các nhà thầu khi tham gia đấu thầu đã khống chế giá trúng thầu cho đơn vị được thoả thuận để thắng thầu, làm giảm hiệu quả trong công tác đấu thầu, không lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực thực sự để thực hiện dự án.

Thứ năm, tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện dự án đầu tư làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Thiết kế BVTC chưa tuân thủ thiết kế cơ sở hoặc chưa điều chỉnh thiết kế cơ sở kịp thời, thiết kế chưa hợp lý, chưa tiết kiệm vốn đầu tư, chưa tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Việc chỉ dẫn kỹ thuật viện dẫn một số quy chuẩn, tiêu chuẩn đã hết hiệu lực.

Ngoài ra, dự toán duyệt còn sai sót, điều chỉnh dự toán vượt TMĐT được duyệt. Tình trạng hồ sơ thiết kế chưa chi tiết, đầy đủ, tính toán sai khối lượng, dự toán áp dụng sai đơn giá, thiết kế chưa sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh, kéo dài thời gian thi công còn xảy ra tại hầu hết dự án được kiểm toán.

Thêm vào đó, tiến độ thực hiện nhiều dự án chậm so với kế hoạch ban đầu, tuy nhiên chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan chưa làm rõ nguyên nhân để xử lý theo quy định dẫn đến làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp so với kế hoạch vốn được giao tại một số bộ, ngành, địa phương.

Theo ông, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực trạng này?

TS Hoàng Phú Thọ: Trên cơ sở kết quả kiểm toán tại các dự án đầu tư và tổng hợp, cập nhật báo cáo của các bộ, ngành và địa phương về thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, theo đó, việc giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều bộ, ngành địa phương đạt tỷ lệ thấp do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nguyên nhân khách quan là một số vướng mắc về thể chế, pháp luật về đầu tư công, như: Thủ tục điều chỉnh dự án chưa được đơn giản hóa, phải được xét duyệt qua nhiều cấp, mất nhiều thời gian, chưa chủ động, linh hoạt; thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu kéo dài; Một số quy định sau một thời gian thực hiện bộc lộ nhiều hạn chế cần được tháo gỡ như: Quyết định đầu tư phải trước 31/10 năm trước; Tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư, cho phép giải ngân vốn 02 năm; Việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường... còn nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng, còn một số vướng mắc về khiếu kiện đất đai; việc thực hiện phân cấp chưa triệt để; sự khác biệt về thủ tục giải ngân, rút vốn giữa Việt Nam và các nhà tài trợ đối với các dự án ODA.

Về các nguyên nhân chủ quan, gồm: Công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập, chưa kỹ, chưa tốt dẫn đến dự án và kế hoạch phải điều chỉnh nhiều lần; Lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân, tiên lượng khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư chưa chính xác, kịp thời nên không giao được kế hoạch...

Đây là trách nhiệm của cả cơ quan tổng hợp và của các bộ, ngành, địa phương, rà soát không kỹ, nể nang, giữ nguyên đề xuất của bộ, ngành, địa phương mà không tham mưu, kiến nghị điều chỉnh phù hợp; giao kế hoạch vốn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án, bao gồm cả giao kế hoạch vốn từ trung ương cho các bộ, ngành, địa phương và giao kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể, dẫn tới các chủ đầu tư khó chủ động trong triển khai, thực hiện dự án;

Chưa quyết liệt trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, đề xuất phương án phân bổ chưa bám sát nguyên tắc, thứ tự ưu tiên; việc tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, chưa phối hợp tốt và quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng;

Một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa tích cực, thậm chí sợ trách nhiệm khi triển khai, ký duyệt các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế; chủ đầu tư chưa chủ động xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện phù hợp với thời gian dự án được phê duyệt... gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai thực hiện dự án.

Với các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA có nhiều đặc thù, nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay mặc dù dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân; công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án sử dụng vốn ODA còn tồn tại bất cập, dẫn tới tính sẵn sàng của dự án thấp. Bên cạnh đó, một số dự án sử dụng vốn ODA không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài; dự án sử dụng vốn hỗn hợp gặp vướng mắc về thủ tục cho vay lại, chậm ký hợp đồng cho vay lại.

dau-tu-cong

Chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Ảnh: PV.

Các dự án sử dụng vốn vay ODA,vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài hiện cũng chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA.

Ông có thể chia sẻ một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong đầu tư công?

TS Hoàng Phú Thọ: Qua phân tích thực trạng trên cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công có đạt được so với kế hoạch hay kém hiệu quả không chỉ do những nguyên nhân khách quan như: Cơ chế chính sách về quản lý đầu tư; Quy hoạch đầu tư; Năng lực lập, thẩm định, phê duyệt dự án; Phương thức huy động, bố trí, phân bổ vốn; tổ chức thi công xây dựng lắp đặt.

Để giải quyết cơ bản tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công cần thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp dưới đây.

Nhóm giải pháp liên quan đến sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, đó là tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Nhóm giải pháp đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp thực hiện đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư công.

Nhóm giải pháp tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ