[Gặp gỡ thứ Tư] 'Cần xây dựng sổ tay hướng dẫn áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho các doanh nghiệp'

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng các bộ, ngành cần sớm xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chuẩn, khung hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là xây dựng sổ tay hướng dẫn áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho các doanh nghiệp.
N.THOAN
07, Tháng 09, 2022 | 07:30

Nhàđầutư
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng các bộ, ngành cần sớm xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chuẩn, khung hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là xây dựng sổ tay hướng dẫn áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho các doanh nghiệp.

Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam". Đề án xác định rõ quan điểm: "Chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững" và "cần đảm bảo khẩn trương, thực chất, hiệu quả, khả thi, có kế thừa những thực tiễn tốt ở các nước và trong nước, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước".

Để triển khai Quyết định số 687 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay các bộ, ngành đang triển khai nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong đó, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các bộ ngành và địa phương xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn để trình Chính phủ xem xét vào quý I/2023; Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng ban hành khung hướng dẫn thực hiện kinh tế tuần hoàn và sửa đổi bổ sung các quy định, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh theo hướng tuần hoàn.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương mới đây cũng đã xuất bản cuốn sách "Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam" nhằm đánh giá thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, nghiên cứu kinh nghiệm các nước và đưa ra các khuyến nghị chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Để làm rõ hơn những khái niệm cơ bản về kinh tế tuần hoàn (KTTH), kinh doanh tuần hoàn đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam và những khuyến nghị chính sách với Chính phủ, doanh nghiệp để thúc đẩy mô hình này, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Chủ biên cuốn sách nêu trên về vấn đề này.

nguyen-hoa-cuong1

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh: Trọng Hiếu.

Xin ông cho biết vai trò của phát triển KTTH với Việt Nam ở thời điểm hiên tại và tương lai?

Ông Nguyễn Hoa Cương: Ủy ban Châu Âu (2015), trong kế hoạch hành động của mình về nền KTTH đã định nghĩa: "Trong nền KTTH, giá trị của sản phẩm và nguyên liệu được duy trì càng lâu càng tốt; chất thải và sử dụng tài nguyên được giảm thiểu, và các nguồn tài nguyên được giữ trong nền kinh tế khi một sản phẩm đã hết vòng đời, sẽ được sử dụng để tiếp tục tạo ra giá trị hơn nữa". Điều này có nghĩa là KTTH sẽ giúp làm chậm lại, chấm dứt và thu hẹp chu trình về tài nguyên để thay thế đặc trưng "khai thác - sản xuất - chôn lấp" hiện tại của mô hình tuyến tính.

Bản chất của KTTH là tính khôi phục và tính tái tạo, với 3 nội hàm cơ bản sau: Bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc kiểm soát hợp lý các tài nguyên không thể phục hồi và cân đối với các tài nguyên có thể phục hồi, các nguồn năng lượng tái tạo; tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kỹ thuật và sinh học; và nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách chỉ rõ và thiết kế các ngoại ứng tiêu cực (thiết kế chất thải, thiết kế ô nhiễm).

Tại Việt Nam, khái niệm KTTH được nêu trong Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020 như sau: KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Việt Nam không nằm ngoài xu thế trên của thế giới, cũng phải đối mặt với các vấn đề về rác thải, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, mức độ tiêu thụ chưa bền vững… Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, Việt Nam cần phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình kinh tế truyền thống sang KTTH. Đây được xem là một ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo của phát triển đất nước. KTTH là một xu thế không thể đảo ngược, hướng tới bền vững, đạt được cả 2 mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra.

Có thể thấy, hiện nay trên thế giới cũng còn nhiều cách hiểu khác nhau về KTTH hay kinh doanh tuần hoàn. Xin ông chia sẻ rõ hơn về các mô hình, loại hình kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn?

Ông Nguyễn Hoa Cương: Tính bền vững được đề cập và được coi là một trong những vấn đề cốt lõi cũng như là cơ hội đối với sự tồn tại và phát triển của khu vực kinh doanh. Có nhiều mô hình kinh tế, kinh doanh để hướng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế như: Mô hình tăng trưởng xanh, mô hình kinh tế xanh, mô hình kinh doanh tuần hoàn, mô hình nền kinh tế hiệu suất, mô hình kinh doanh bao trùm,... Mục tiêu chung và quan trọng nhất của các mô hình này là hướng đến một nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững, giảm thiểu tác hại môi trường và sử dụng quá mức tài nguyên.

Mô hình nền KTTH xuất hiện lần đầu tư những năm 1960 nhưng mô hình này chỉ thực sự phổ biến trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21, đặc biệt là những năm gần đây trong các cuộc thảo luận về chính sách và trong cộng đồng doanh nghiệp.

Trên cơ sở nghiên cứu và xây dựng các nội dung về mô hình KTTH, hoạt động của các doanh nghiệp được coi là trọng tâm để nhắm tới mục tiêu do nền KTTH đặt ra. Các mô hình kinh doanh tuần hoàn sẽ là động lực tiềm năng quan trọng cho việc chuyển sang nền KTTH.

Có thể khái quát nội hàm của mô hình kinh doanh tuần hoàn (KDTH) là nhắm tới việc làm chậm, chấm dứt hoặc thu hẹp và khép kín vòng lặp nguyên liệu, duy trì các giá trị kinh tế của sản phẩm, giảm các tác động môi trường (làm chậm lại, tăng cường, giải quyết vấn đề, đóng và thu hẹp các vòng lặp tài nguyên) và mang các giá trị cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và các bên liên quan.

Trên cơ sở hình thái sản xuất có thể phân KDTH dưới 6 dạng mô hình chủ yếu sau:

Một là mô hình sửa chữa và bảo trì là mô hình nhằm kéo dài tuổi thọ của sản phẩm tại thời điểm sử dụng thông qua việc kiểm tra và bảo dưỡng để duy trì hoặc phục hồi các chức năng của sản phẩm. Mô hình KDTH này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, có hậu cần thuận và ngược tương ứng, kiến thức chuyên môn cập nhật về sản phẩm và khả năng học hỏi và giải quyết vấn đề nhanh chóng.

Hai là mô hình Sử dụng lại và phân phối lạicó nghĩa là sử dụng lại một sản phẩm cho mục đích mà nó được thiết kế và sản xuất ban đầu, bao gồm các cải tiến hoặc sửa đổi nhỏ và tạo ra một thị trường mới.

Thứ 3 là mô hình tân trang và sản xuất lại biểu thị một cuộc đại tu toàn diện hơn đối với các sản phẩm bằng cách thay thế các bộ phận bị lỗi hoặc có khả năng sẽ sớm xảy ra như vậy. Mô hình này đem lại lợi ích cho cả hai bên, khách hàng và doanh nghiệp.

Thứ 4 là mô hình tái chế là hình thức được lựa chọn trong trường hợp sản phẩm không thể tân trang hoặc sản xuất lại. Vật liệu của sản phẩm - thường là vật liệu tổng hợp và là khoáng sản - có thể được tách ra, thu thập, xử lý và đưa vào quy trình sản xuất sản phẩm mới.

Thứ 5 là mô hình xếp tầng và định vị lại đề cập đến việc sử dụng nhiều loại vật liệu sinh học, đầu tiên là khai thác các chức năng của các vật liệu này như các thành phần và cuối cùng là thu hồi năng lượng, cùng với quá trình tăng cường đo lường năng lượng.

Thứ 6 là mô hình nguyên liệu hữu cơ. Theo Ludeke-Freund, khi tất cả các sắp xếp khả thi về mặt kinh tế và kỹ thuật đã được áp dụng, phần chất hữu cơ còn lại có thể được xử lý thông qua quá trình chuyển đổi sinh khối (ví dụ: Chuyển thành nhiên liệu sinh học lỏng hoặc các hóa chất khác), ủ phân (bằng vi khuẩn và nấm) hoặc phân hủy yếm khí, là một “quá trình trong đó vi sinh vật phá vỡ các vật chất hữu cơ, chẳng hạn như thức ăn thừa, phân, và bùn thải, trong điều kiện thiếu oxy". Chuyển đổi sinh khối cung cấp đầu vào cho quá trình sản xuất, từ đó khép lại vòng lặp.

Nhận thức rõ vai trò của KTTH, KDTH, vậy theo ông cần làm gì để thúc đẩy mô hình này tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Hoa Cương: Trước tiến, đối với nhà nước cần tăng cường nhận thức về KTTH nói chung và KDTH nói riêng trong toàn xã hội; hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế/KDTH, đặc biệt là các quy định chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh một cách hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của quốc gia và điều kiện của từng ngành nghề, từng doanh nghiệp.

Phát triển khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình KDTH; đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay; đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan trong hoạt động khoa học.

Xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chuẩn, khung hướng dẫn áp dụng KTTH, KDTH, đặc biệt là xây dựng sổ tay hướng dẫn áp dụng mô hình KDTH cho các doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, quy mô.

Đối với doanh nghiệp cần thực hiện phân tích chi phí - lợi ích (CBA) của mô hình KDTH mà doanh nghiệp dự kiến áp dụng trước và sau khi chuyển đổi để thấy rõ được tiềm năng, lợi ích của việc chuyển đổi.

Tham gia có hiệu quả các chuỗi liên kết, mạng sản xuất, từ trong nước đến phạm vi khu vực và toàn cầu để tăng cường sự kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp khác, nhất là đối với các doanh nghiệp có mối liên hệ về sử dụng chất thải đầu ra làm nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình;

Thực hiện các giải pháp 9R theo thứ tự ưu tiên (dự án, cơ sở sản xuất) gắn với tư vấn từ các chuyên gia để giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình KDTH, từ chuyên gia chính sách, thiết kế, công nghệ… tùy thuộc vào mỗi loại hình doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Sáng nay (7/9), tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn sẽ tổ chức Hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn".

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước một chính sách lớn của Chính phủ, đặc biệt là tạo diễn đàn góp ý về chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn và áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn.

Cùng với đó, việc chia sẻ các mô hình kinh tế tuần hoàn đã được các doanh nghiệp áp dụng thành công, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn. Hội thảo sẽ tập trung thảo luận, đề xuất chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn….

Ban tổ chức hội thảo tin tưởng ý kiến chia sẻ, đối thoại của nhà đầu tư, doanh nghiệp tại hội thảo sẽ đóng góp hữu ích cho quá trình xây dựng các dự thảo Nghị định của Chính phủ về khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh doanh tuần hoàn.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ