FinTech, miếng ngon không dễ ăn!

Với tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng còn chưa nhiều và thanh toán tiền mặt còn lớn, Việt Nam được coi là thị trường có nhiều cơ hội và tiềm năng cho các công ty công nghệ tài chính, ngân hàng (FinTech).
VÂN OANH
29, Tháng 07, 2018 | 08:20

Với tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng còn chưa nhiều và thanh toán tiền mặt còn lớn, Việt Nam được coi là thị trường có nhiều cơ hội và tiềm năng cho các công ty công nghệ tài chính, ngân hàng (FinTech).

Tuy nhiên, các FinTech trong nước lại đang rất khó khăn trong việc khai phá thị trường cũng như cạnh tranh với các FinTech nước ngoài.

b1cf1_dsvn_3

Nhiều công ty FinTech Việt Nam hoạt động trong mảng thanh toán di động.Ảnh: Ngọc Dung

Giới chuyên gia nhận định, số lượng các FinTech Việt Nam vốn ít hơn so với các nước trong khu vực rất có thể sẽ còn giảm xuống trong thời gian tới do nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động vì không vượt qua được khó khăn.

Khó tìm sự hợp tác của ngân hàng

Theo Công ty Kiểm toán và Tư vấn quốc tế Ernst & Young, thị trường Việt Nam có khoảng 80 công ty FinTech hoạt động trong mảng ví điện tử, thanh toán di động, chuyển tiền, cho vay trực tuyến...

Vài năm trước, khi các FinTech mới xuất hiện, không ít ngân hàng tại Việt Nam đã lo ngại họ sẽ trở thành đối thủ. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, FinTech đã được nhìn nhận là cánh tay nối dài của các ngân hàng. Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần M_Service (đơn vị đầu tư ví điện tử MoMo), cho biết gần đây các ngân hàng đã có cái nhìn tích cực hơn, không coi FinTech như một kẻ phá bĩnh, mà là một đối tác trong việc mang dịch vụ tài chính đến cho người dân với chi phí thấp nhờ công nghệ.

Ông Diệp cho hay khi hợp tác với ngân hàng, tổ chức tài chính MoMo xác định mình là con rạch nhỏ và ngân hàng là những dòng sông lớn. MoMo sẽ giúp mang nước của sông lớn đến khách hàng thông qua hệ thống của mình.

Mặc dù được coi là cánh tay nối dài của ngân hàng, nhưng nhiều công ty FinTech cho biết, việc đặt vấn đề hợp tác với các ngân hàng vẫn còn khá khó khăn. Một số ngân hàng chưa mở rộng cửa hợp tác với FinTech. Các quy trình, thủ tục, đặc biệt là quy trình đấu thầu, cũng hạn chế sự tham gia của FinTech. Bên cạnh đó, một doanh nghiệp FinTech cho hay, các ngân hàng hiện đang áp mức phí giao dịch phổ biến là 0,5-1%. Đây là mức phí khá cao so với mức được khuyến nghị là 0,1-0,2% giá trị giao dịch. Các FinTech muốn hợp tác với ngân hàng buộc phải chấp nhận yêu cầu này vì không còn cách nào khác.

Theo các chuyên gia, các công ty FinTech chỉ mới ra đời được vài năm, cho nên dù có công nghệ và thuật toán tốt thì ngân hàng vẫn còn e dè về khả năng duy trì hoạt động. Mặt khác, việc chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động hợp tác của FinTech cũng làm cho một số ngân hàng ngần ngại.

Trong khi đó, lãnh đạo của một doanh nghiệp FinTech cho rằng, nếu các FinTech bị chèn ép quá có thể họ lại quay ra cạnh tranh với ngân hàng. Đây cũng là điều đã diễn ra trên thế giới khi có hai mô hình hoạt động của FinTech: một mô hình hợp tác với các ngân hàng, và mô hình thứ hai là cạnh tranh, phá bĩnh các ngân hàng.

Thông tin trên cũng trùng hợp với thông tin được cung cấp tại hội thảo về cách mạng công nghiệp 4.0 và những đổi mới trong tài chính - ngân hàng diễn ra vào giữa tháng 6 vừa qua. Cụ thể, theo nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước mới đây, có 72% công ty FinTech đang lựa chọn việc hợp tác với các ngân hàng; trong khi 14% chọn cạnh tranh với ngân hàng, và 14% còn lại chọn phát triển sản phẩm hoàn toàn mới.

Để tránh tình trạng FinTech quay ra phá bĩnh ngân hàng, các doanh nghiệp FinTech khuyến nghị các ngân hàng cần cởi mở, thích ứng và sát với nhu cầu thị trường hơn nữa.

Lo ngại mất sân chơi

Thị trường FinTech Việt Nam không chỉ hấp dẫn với nhà đầu tư trong nước mà còn hấp dẫn cả các doanh nghiệp nước ngoài. Ví điện tử Wechat pay (Trung Quốc) đã hợp tác với NextTech (chủ đầu tư ví điện tử Vimo) để du khách Trung Quốc sang du lịch Việt Nam có thể thanh toán bằng ví điện tử này của Trung Quốc tại các điểm chấp nhận thanh toán bằng Vimo.

Ngoài ra, ngay sau khi Jack Ma, ông chủ của tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc là Alibaba đến Việt Nam tham dự diễn đàn thanh toán điện tử vào cuối năm 2017, tập đoàn này đã ký kết một chiến lược với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) về việc đưa ví điện tử Alipay vào Việt Nam. Thông qua hợp tác giữa NAPAS, các ngân hàng và Alipay, các đơn vị bán hàng tại Việt Nam sẽ chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử Alipay cho khách du lịch Trung Quốc khi họ mua sản phẩm, dịch vụ tại Việt Nam. Mặc dù thời điểm nhận thanh toán thông qua Alipay tại Việt Nam chưa được công bố, nhưng rất có thể các đơn vị liên quan sẽ sớm triển khai cung cấp dịch vụ thanh toán qua ví điện tử này trong thời gian tới.

Tại một cuộc họp báo công bố nghiên cứu về FinTech mới đây tại Việt Nam, ông Varun Mital, lãnh đạo khối FinTech khu vực ASEAN của Ernst & Young, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm và có ý định mua lại một số FinTech tốt của Việt Nam bởi tiềm năng thị trường rất lớn.

Một số nguồn tin đáng tin cậy cho biết, hiện Alipay đang xúc tiến thương lượng muốn mua cổ phần của Mpay để tích hợp công cụ thanh toán này vào trang web thương mại điện tử Lazada.vn, Grab thương lượng mua Moca... Khi các thương vụ mua bán thành công thì các FinTech nước ngoài sẽ tung tiền vào để “nuốt” thị trường, cạnh tranh và “giết” các FinTech trong nước vốn có quy mô nhỏ và tiềm lực tài chính yếu. Theo lãnh đạo một công ty FinTech trong nước không muốn nêu tên, Nhà nước cần theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán này, đồng thời có những chính sách hỗ trợ cho hoạt động của các công ty FinTech Việt Nam, nếu không thị trường có thể sẽ rơi vào tay doanh nghiệp FinTech nước ngoài.

Được biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đã thành lập ban chỉ đạo về lĩnh vực FinTech do một phó thống đốc làm trưởng ban và đang làm việc với các tổ chức ngân hàng và phi ngân hàng với mục tiêu xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các công ty FinTech tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp nói rằng họ hy vọng các chính sách mới sẽ có tác dụng thúc đẩy thị trường FinTech phát triển lành mạnh, và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoạt động thuận lợi hơn.

Theo TBKTSG

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ