FiinGroup: Rủi ro trái phiếu với hệ thống tín dụng ở mức rất thấp

Nhàđầutư
Dữ liệu của FiinGroup cho biết số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 908.800 tỷ đồng, trong đó các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455.000 tỷ đồng – chi chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam
HỮU BẬT
19, Tháng 10, 2022 | 07:00

Nhàđầutư
Dữ liệu của FiinGroup cho biết số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 908.800 tỷ đồng, trong đó các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455.000 tỷ đồng – chi chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam

Tap Chi bai 2

FiinGroup cho rằng rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp chỉ ảnh hưởng đến hệ thống tín dụng ở mức “rất thấp". Ảnh: Trọng Hiếu.

Sau các vụ khởi tố lãnh đạo cấp cao thuộc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, tâm lý thị trường đã bị ảnh hưởng đáng kể. Giới đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư "nhỏ lẻ" đã hiểu ra rằng trái phiếu doanh nghiệp không thể có tính an toàn cao như tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư cá nhân còn lo ngại về rủi ro an toàn hệ thống tín dụng.

Điều này phần nào khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp càng trở nên trầm lắng. Tháng 9/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận tổng giá trị phát hành đạt 16.100 tỷ đồng, giảm 18,27% so với tháng trước và giảm 76,44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục dẫn đầu với 22 đợt phát hành, tương ứng giá trị phát hành đạt 10.200 tỷ đồng, giảm 40,2% so với tháng trước và chiếm 63% tỷ trọng phát hành.

Đứng thứ hai về giá trị phát hành là ngành bất động sản với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 55,6% so với tháng trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận giá trị phát hành đạt 246.320 tỷ đồng, tương đương 35,87% giá trị phát hành trong năm 2021.

Trong đó, có 58% giá trị phát hành đến từ các tổ chức tín dụng và 21% đến từ ngành bất động sản. Tỷ lệ phát hành ra công chúng chỉ chiếm 3,87%.

Rủi ro ở mức “rất thấp”

Nhìn nhận từ báo cáo mới đây của FiinGroup, rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp chỉ ảnh hưởng đến hệ thống tín dụng ở mức "rất thấp".

Tại ngày 30/9/2022, dư nợ trái phiếu thị trường Việt Nam đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương với hơn 13% GDP năm 2021. Nếu loại bỏ các trái phiếu ngân hàng, số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 908.800 tỷ đồng, trong đó các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455.000 tỷ đồng – chi chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong khi chất lượng tín dụng của ngành bất động sản có sự phân hóa cao, nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt và đủ khả năng trả nợ.

Nhìn sang Trung Quốc, dư nợ trái phiếu 8 ngàn tỷ USD, chiếm đến 44% GDP nhưng tỷ lệ vỡ nợ chỉ chiếm 1,35% và nước này vẫn xử lý được sau thời gian bất ổn 2 năm qua. Do đó, báo cáo đánh giá "rủi ro vỡ nợ tại thị trường Việt Nam có tồn tại nhưng rất thấp".

Ngoài ra, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn trong 9 tháng đầu năm 2022 của khối doanh nghiệp phi ngân hàng cũng tăng 2,34 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 75.500 tỷ đồng. Điều này đã góp phần làm giảm áp lực nợ trái phiếu đến hạn.

Bên cạnh đó, các ngân hàng hiện nay cũng đang nắm giữ danh mục trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng với quy mô khoảng 284.000 tỷ đồng, chiếm 2,37% tổng tài sản sinh lời tại thời điểm 30/6/2022.

FiinGroup cho rằng, đây không phải là vấn đề lớn đối với chất lượng tín dụng ngân hàng bởi quy mô còn nhỏ và chất lượng trái phiếu có tính phân hóa và cũng được các ngân hàng đánh giá kỹ lưỡng.

"Mức độ ảnh hưởng chỉ có thể lớn hơn đối với một số ngân hàng có phân bổ tín dụng trái phiếu doanh nghiệp lớn hơn 10% tổng dư nợ tín dụng của họ", báo cáo nêu.

Trong trường hợp vỡ nợ trái phiếu, trái chủ nên làm gì?

Theo ý kiến của ông Vũ Quang Thuân – Tổng giám đốc FiinRatings: "Điều đầu tiên có lẽ là cần xem lại hợp đồng mua trái phiếu xem có điều khoản xem có được phép bán lại cho tổ chức phát hành hoặc cho đơn vị trung gian phân phối là công ty chứng khoán hay không".

Tuy nhiên, ông cho rằng việc muốn tất toán hoặc đáo hạn sớm có thể không khả thi tùy theo tình hình tài chính và khả năng của từng doanh nghiệp. Công ty chứng khoán thì không phải lúc nào cũng muốn và có thể giúp khách hàng mua lại bởi nguồn lực vốn của các đơn vị này có hạn trong khi hầu hết hợp đồng phổ biến hiện nay là họ không có trách nhiệm mua lại. Họ thường chỉ có thể mua lại khi họ có khách hàng khác sẵn sàng tiếp quản hoặc mua lại lô trái phiếu đó.  

Hơn nữa, vốn điều lệ công ty chứng khoán có thể lớn, hàng nghìn tỷ VND nhưng thanh khoản hay nói cách khác là số dư tiền mặt không phải lúc nào cũng có thể đủ để mua lại của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thắt chặt tín dụng và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán hiện nay. Vốn tự có của công ty chứng khoán hiện nay chủ yếu để phục vụ hoạt động cho vay margin cổ phiếu và đầu tư/ tự doanh của chính họ. 

Do đó, ông đánh giá phương thức này có thể không khả thi kể cả nhà đầu tư muốn lấy lại không phải toàn bộ gốc và lãi trái phiếu, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Tài sản đảm bảo cũng là một "cứu cánh", nhưng thực tế khi đã xảy ra tình huống vỡ nợ thì tài sản đảm bảo không còn nhiều giá trị, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức phi ngân hàng.  

Ông Thuân cho biết cách mà thị trường Trung Quốc đã áp dụng khá nhiều đó là "hàng đổi hàng" - trái chủ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm hoặc dich vụ của họ.

Ở Việt Nam, đã có một số doanh nghiệp bất động sản thực hiện theo cách này. Theo đó, thay vì mua lại trái phiếu đã phát hành, doanh nghiệp cho phép trái chủ chuyển đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản, bao gồm căn hộ, đất phân lô, thậm chí biệt thự. Nếu giá trị lô đất cao hơn số dư đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư có thể tìm một nhóm trái chủ để gom lại và có thể chuyển đổi sang việc cùng chung sở hữu lô đất đó.

Tuy nhiên, ông Thuân lưu ý: "Yếu tố pháp lý dự án hoặc bất động sản đó có thể là một yếu tố rủi ro mới mà nhà đầu tư nên đánh giá kỹ tình trạng pháp lý để có thể có một sự chuyển đổi an toàn thay vì chuyển sang một tài sản khác rủi ro hơn".

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ