Điểm danh các công ty thủy sản xuất khẩu vào EU

Với EVFTA, nhóm thủy sản được cho là hưởng lợi ngay từ quyết định này. Các công ty có xuất khẩu cá tra lớn vào châu Âu như ABT, Nam Việt, Vĩnh Hoàn…
HUY LÊ
13, Tháng 02, 2020 | 17:48

Với EVFTA, nhóm thủy sản được cho là hưởng lợi ngay từ quyết định này. Các công ty có xuất khẩu cá tra lớn vào châu Âu như ABT, Nam Việt, Vĩnh Hoàn…

Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Trong khi giao thương với Trung Quốc gặp bất lợi vì dịch nCoV thì EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu thủy sản được cho là hưởng lợi ngay từ quyết định này.

Nhóm thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) dự kiến được xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.

EVFTA mở ra thị trường xuất khẩu lớn hơn cho hàng Việt nhờ khả năng cạnh tranh về giá tốt hơn. Dù được dự báo sẽ hưởng lợi thì vẫn có một số thách thức cần đối mặt như rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ, tạo ra sức ép để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình…

Nhóm cổ phiếu thủy sản đang có tín hiệu tăng giá tích cực trong các phiên gần đây. Kết phiên sáng 13/2, cổ phiếu FMC tăng 2,2% lên 25.300 đồng/cp, VHC tăng 3,3% lên 35.900 đồng/cp, ANV tăng 1,9% lên 19.250 đồng/cp, IDI tăng 3,2% lên 4.500 đồng/cp...

Sao Ta và Minh Phú xuất khẩu tôm vào EU

Châu Âu là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tỷ trọng hơn 20%. Xuất khẩu tôm Việt sang EU năm 2019 đạt gần 690 triệu USD, giảm 17,7% nhưng với EVFTA có thể kỳ vọng tăng trưởng trở lại cho ngành.

Công ty Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HoSE: FMC) – một đơn vị thành viên của PAN Group – luôn đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu tôm, trong đó duy trì tỷ trọng cân bằng với 3 thị trường lớn nhất là EU, Nhật Bản và Mỹ.

Chủ tịch Fimex ông Hồ Quốc Lực cho biết EU là một trong các thị trường chủ lực với tỷ trọng khoảng 30%. Hiện Fimex có định hướng hạn chế các hợp đồng giá rẻ tại Mỹ, tập trung hơn vào Nhật Bản. Ngoài ra, công ty còn phát triển các thị trường tiềm năng khác như Hàn Quốc, Australia…

ts-1-6828-1581571604

Thị trường EU chiếm khoảng 30% doanh số xuất khẩu của Fimex. Ảnh: FMC

Fimex chủ yếu xuất khẩu sản phẩm tôm tinh chế sang EU ở phân khúc cao cấp. Với EVFTA, sản phẩm của công ty nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ càng gia tăng lợi thế so với đối thủ chính là Thái Lan.

“Với lợi thế EVFTA, thay vì tập trung vào biên lợi nhuận, chúng tôi sẽ chia sẻ lợi nhuận với người nuôi để có thêm nguồn nguyên liệu và qua đó lợi nhuận sẽ đến từ sản lượng xuất khẩu gia tăng”, ông Lực chia sẻ.

Do Anh vừa rút khỏi EU nên các chính sách của nước này hiện vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, ông Lực cho rằng nước Anh có thể tạm thời vẫn áp dụng theo cách của châu Âu. Trước Brexit, Anh là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Sao Ta ở EU.

Công ty Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) cũng là đơn vị có xuất khẩu sang EU. Theo cáo báo năm 2019, sản lượng xuất khẩu sang châu Âu của công ty là 73,6 triệu USD, tăng 10,4%. Theo đó tỷ trọng xuất khẩu của Minh Phú vào EU là hơn 11%. Thị trường lớn nhất vẫn là Mỹ với khoảng 40%

Hồi giữa năm 2019, Chủ tịch Minh Phú ông Lê Văn Quang từng cho biết do những khác biệt về cách đóng gói sản phẩm và các vấn đề kỹ thuật khác mà Minh Phú chưa muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU.

Các công ty cá tra xuất khẩu sang EU

EU là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Trung Quốc. Tổng giá trị xuất khẩu năm 2019 sang thị trường này đạt hơn 235 triệu USD, giảm 3,5% so với năm trước.

Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HoSE: ABT) - một đơn vị thành viên của PAN Group – có tỷ trọng xuất khẩu cá tra sang châu Âu  chiếm hơn 50%. Ngoài ra công ty còn xuất vào thị trường khó tính Nhật Bản với hơn 30% và nhiều nước khác.

Với ưu thế của chuỗi sản xuất khép kín từ con giống, công ty thuận lợi trong việc chốt hợp đồng với các khách hàng khó tính, chấp nhận mức giá cao. Nhờ sản lượng cá ổn định, ABT đang nâng cao sản lượng cho khách hàng truyền thống và mở rộng thêm nhiều khách hàng mới.

ABT cũng tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị ngành cá tra khi quyết định thành lập Công ty TNHH Thủy sản công nghệ cao ABT có trụ sở tại Bến Tre để sản xuất giống cá tra để nuôi thương phẩm; sản xuất và nuôi cá tra thương phẩm.

ts-2-2914-1581571604

Nhà máy chế biến cá tra của công ty ABT

Thủy sản Nam Việt (HoSE: ANV) cũng đang xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu. Theo báo cáo năm 2019, công ty xuất được 20,8 triệu USD vào thị trường này, tăng nhẹ 0,3% và chiếm tỷ trọng 13,9% trong cơ cấu xuất khẩu. Trung Quốc, Hong Kong vẫn là thị trường chủ lực chiếm hơn 30% và ASEAN chiếm 20% trong cơ cấu xuất khẩu của Nam Việt.

Với Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), Mỹ vẫn là thị trường chủ lực khi chiếm trên 60% doanh thu mỗi năm. Khu vực châu Âu chiếm khoảng 10-15% doạnh số và đang được Vĩnh Hoàn chú trọng phát triển, đặt mục tiêu trở thành 1 trong 3 khối thị trường trụ cột của công ty bên cạnh Mỹ và Trung Quốc.

Công ty Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (HoSE: IDI) chủ yếu bán hàng tại các thị trường châu Á và châu Mỹ như Trung Quốc (30%), Mexico (14%), Colombia (12%), Brazil (10%). Khu vực châu Âu chiếm khoảng hơn 5% tổng doanh số xuất khẩu của công ty.

(Theo NDH)

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ