Đại án Oceanbank: Chuyện bên lề phiên xử

Nhàđầutư
Hôm nay 28/8, Hà Văn Thắm và các đồng phạm hầu toà lần thứ 2 tại Hà Nội. Trước phiên xử, những giám đốc chi nhánh Oceanbank - bị cáo buộc đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã ngồi lại với nhau...
NGUYỄN THOAN
28, Tháng 08, 2017 | 07:53

Nhàđầutư
Hôm nay 28/8, Hà Văn Thắm và các đồng phạm hầu toà lần thứ 2 tại Hà Nội. Trước phiên xử, những giám đốc chi nhánh Oceanbank - bị cáo buộc đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã ngồi lại với nhau...

dai-an-oceanbank

 Bị cáo Hà Văn Thắm - Nguyễn Minh Thu - Nguyễn Xuân Sơn

Một buổi chiều cuối hạ, trước phiên hầu toà lần 2 của đại án Oceanbank diễn ra, những gương mặt quen thuộc, ít ra thân quen suốt 3 năm nay lại gặp nhau tại một khách sạn trên đường Hai Bà Trưng. Mỗi người một vẻ, một tướng mạo, tuổi tác nhưng họ cùng chung một nỗi niềm, cùng chung một “cái án” trong phiên toà diễn ra vào ngày 28/8.

Họ là những giám đốc chi nhánh của 34 chi nhánh ngân hàng Oceanbank trước khi ngân hàng này bị Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng. Với tinh thần “người nhà”, trước mỗi phiên xử họ đều hẹn nhau ở cùng một địa điểm, để tiện dìu dắt, đỡ đần nhau những ngày ở toà.

Câu chuyện thường bắt đầu bằng những hỏi han vui vẻ, bỗ bã như đang sống bằng nghề gì? Có liên lạc với người này người khác không? Hay cả việc đã bỏ chồng, bỏ vợ chưa?

Có người đang đi trồng rau sạch kiếm sống qua ngày. Có người lại lên chùa mai danh ẩn tích. Có người vì vợ chồng gia đình, người thân không chịu nổi mà đành li tán, tha hương. Quanh quẩn câu chuyện rồi lại trở về những nỗi lo, nỗi buồn, nỗi ám ảnh thường nhật mà suốt 3 năm qua ngày nào họ cũng phải đối mặt. Ấy là “cái án” cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ở đây, có những người đã gắn bó với Oceanbank cả 5, 7 năm, nhưng có những người mới chỉ gắn bó với ngân hàng một, hai năm. Họ đa phần là những người đã có kinh nghiệm làm ngân hàng có hàng chục năm, 20 năm, thậm chí có những người tưởng rằng cả cuộc đời là gắn với ngành này. Họ là những “nhân tài” của đất nước, bởi trong những năm tháng làm giám đốc chi nhánh, họ cống hiến tài năng cho các ngân hàng, nuôi sống biết bao con người, gia đình dưới hệ thống của mình.

Họ có kinh nghiệm, có kỹ năng làm ngân hàng, nhưng chưa bao giờ họ nghĩ vì nghề ấy mà mình sẽ lâm vòng lao lý cho tới ngày nhận được tống đạt của Toà án.

Khi biết mình bị truy tố, đa số họ đều ngã ngửa vì bất ngờ, có những người đã gào khóc vì bất lực, có những người không tin vào mắt mình và phải đợi ngày hầu toà mới chắc chắn đó là sự thật.

Có vị giám đốc tóc đã lốm đốm bạc, ông ở cái tuổi đã gần như đi hết con dốc của cuộc đời, đã có cháu nội cháu ngoại. Ở tuổi ấy, ông đã từng kinh qua hết khôn, hết dại, là con của một gia đình liệt sĩ, ông tâm niệm phải giữ mình cho trọn đạo nghĩa với người đã khuất, cả cuộc đời là không để dính một vết nhơ, cũng là để giữ cho con cháu về sau.

Ấy vậy trước bao nhiêu sóng gió ông đã vượt qua, cho tới gần cuối đời ông lại phải đối mặt án tù với khung hình phạt có thể lên tới 5-10 năm. Ấy thế mà, đến hôm nay nói chuyện với mọi người ông vẫn tếu táo, vẫn là người hay đùa nhất. Nỗi buồn chỉ chực trào trong mắt ông mỗi khi nhìn đồng đội, nhìn xa xăm nghĩ chuyện tương lai. Dù vậy, ông tin mình vô tội và tin vào sự sáng suốt của minh quyền.

Kể lại những công việc thường ngày trước khi ngân hàng đổi chủ, các giám đốc chi nhánh cho biết, công việc của họ là quản lý chung đội ngũ nhân viên chi nhánh để nắm được tình hình hoạt động của nhân viên khối hành chính. Cùng với đó các giám đốc chi nhánh cũng hoạt động giống như mọi nhân viên khác tại chi nhánh. Họ nhận chỉ tiêu, doanh số, nhận chỉ thị từ hội sở về các hoạt động đang triển khai tại ngân hàng để thực hiện.

Oceanbank có môi trường làm việc rất chuyên nghiệp, mọi thông tin đều được công khai khi truyền từ hội sở xuống dưới chi nhánh bằng các nhóm chung trên mạng xã hội. Đó cũng là lý do tại sao mà giám đốc các chi nhánh Oceanbank thường không vất vả nhiều với công việc quản lý mà chủ yếu tập trung làm chuyên môn như lôi kéo khách hàng gửi tiền bằng các chương trình khuyến mại, quà tặng đã được cấp trên đưa xuống.

cac-bi-can-trong-vu-ha-van-tham

 51 bị can trong vụ án. Nguồn: Zing.vn

Có vị còn tâm sự, nói là giám đốc cho oai chứ có khi không biết cả việc có bao nhiêu tiền chuyển về hội sở để phục vụ chăm sóc khách hàng hàng tháng vì thông tin đó là được trao đổi trực tiếp từ trên hội sở với kế toán chi nhánh. Cùng với đó giám đốc cũng không có quyền hoặc không nhất thiết phải biết những khoản thu chi trên, bởi chương trình là định sẵn và mỗi nhân viên ở hội sở đều có những mối ruột, khách riêng của mình để chăm sóc. Vì thế họ cũng có quyền dùng khoản tiền từ hội sở xuống để chăm sóc khách hàng mà không cần thông qua giám đốc.

Bản thân các giám đốc chi nhánh cũng không có quyền ký hợp đồng lao động hay điều chuyển các nhân viên dưới cấp nên cơ chế làm việc của họ với các nhân viên cũng khá độc lập. Các giám đốc thường chỉ có thể giám sát hành chính với nhân viên và yêu cầu họ làm đúng chức năng nhiệm vụ được giao chứ không thể đưa ra các quyết định ảnh hưởng tới trách nhiệm và quyền lợi của nhân viên trong quá trình làm việc.

Nhưng cũng vì thế mà các giám đốc chi nhánh Oceanbank đã hết sức bất ngờ khi trở thành bị cáo bổ sung trong vụ án Oceanbank với tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Họ không hiểu mình đã làm gì để trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Và vì thế, họ cũng cho rằng chưa bao giờ gây thiệt hại cho Oceanbank trong thời gian làm việc cho tới ngày Oceanbank bị mua lại 0 đồng và họ cũng bị miễn nhiệm các chức vụ đương chức ở thời điểm đó.

Một vị giám đốc chi nhánh tâm sự: “Ở thời điểm tôi làm việc ngân hàng, mọi thông tin, các chương trình tri ân khách hàng, chăm sóc khách hàng đều được nhận thông tin từ hội sở như các nhân viên khác dưới chi nhánh. Khi tiền được chuyển từ tài khoản của một cá nhân trên hội sở xuống dưới một tài khoản cá nhân dưới chi nhánh thì tôi nghĩ đó là tiền của ông chủ cho hội sở để chăm sóc khách hàng chứ không phải tiền được hạch toán trong sổ sách”.

Và thực tế ở thời điểm đó, việc chăm sóc khách hàng là việc đương nhiên các ngân hàng phải làm. Hội sở sẽ chủ động đưa xuống danh sách những khách hàng cần chăm sóc và số tiền cụ thể là bao nhiêu để chúng tôi chuyển khoản hoặc đưa tận tay khách hàng.

Kết quả điều tra, xác minh của Cơ quan điều tra tại Hội sở Ngân hàng Đại dương xác định: Trong thời gian từ 2010 đến ngày 31/11/2014, tổng số tiền Ngân hàng Đại Dương đã sử dụng để chi lãi ngoài là 1.576 tỷ đồng, được lấy từ các nguồn tạm ưng thực hiện nghiệp vụ, chi thẳng, hạch toán và tài khoản chi trả lãi tiền gửi và chi từ tài khoản của Vũ Thị Thuỳ Dương – Giám đốc Khối Kế toán ngân hàng.

Đó là kết luận của Cơ quan điều tra, tuy nhiên, theo như trình bày của các giám đốc chi nhánh thì họ không biết về các khoản tiền được gửi trực tiếp vào tài khoản cá nhân tại các chi nhánh là tiền lấy từ đâu mà chỉ được biết đó là tiền dùng để chăm sóc khách hàng, nhằm lôi kéo khách hàng gửi tiền tại ngân hàng. “Và về bản chất, Oceanbank là một ngân hàng nhỏ nếu không chăm sóc khách hàng tốt thì sẽ không có các khoản tiền gửi vào ngân hàng. Nếu khách hàng không gửi tiền thì ngân hàng sẽ không có nguồn tiền để hoạt động, dẫn tới mất thanh khoản, sụp đổ”, một vị giám đốc chi nhánh chia sẻ.

“Bằng chứng là ở thời điểm Ngân hàng Nhà nước ra Chỉ thị 02 về cấm không chi lãi ngoài, Oceanbank đã thực hiện nghiêm túc, nhưng sau 3 tháng ngân hàng mất thanh khoản nghiêm trọng, số tiền gửi từ 12.000 tỷ đồng, giảm xuống còn 5.000 tỷ đồng. Vì vậy ngân hàng lại phải trở lại tiếp tục chăm sóc khách hàng để khách hàng quay trở lại”, một vị giám đốc chi nhánh cho biết.

Về tội danh “gây hậu quả nghiêm trọng”, theo các giám đốc chi nhánh thì tất cả các chi nhánh của họ đều hoạt động tốt, làm ăn có lãi, mang lại hiệu qua kinh tế tích cực cho Oceanbank cho đến thời điểm bị mua lại 0 đồng. Cụ thể, một giám đốc chi nhánh miền Trung cho biết trong thời gian bà làm tại đây đã mang về lợi nhuận của chi nhánh là 14 tỷ đồng. Cùng với đó, các chi nhánh cũng đều báo lãi, để đến thời điểm 2014 Hội sở Oceanbank vẫn báo lãi và chia cổ tức cho cổ đông đầy đủ.

3 năm theo toà án là 3 năm không thể làm ra kinh tế và cũng không còn tâm trí dành cho mọi người, mọi việc xung quanh của các giám đốc chi nhánh Oceanbank. Họ thấp thỏm lo lắng mỗi khi bị triệu tập. Có những người vẫn được ở lại Oceanbank nhưng chỉ làm một nhân viên quèn, họ không còn muốn cống hiến. Có những người không còn dám bén mảng tới ngành ngân hàng mà đi trồng rau, lên chùa hoặc ở nhà chăm sóc gia đình.

Cuộc sống riêng tư của họ cũng khó có thể yên ổn vì những đàm tiếu của xóm làng, ngờ vực của người thân và sự trách móc vì mang án kinh tế. Có những người mùa tựu trường của con tới mà không dám đưa con tới trường, không biết con đã vào lớp mấy bởi tâm trí của họ, gương mặt của họ đang hiện hữu ở các phiên toà.

Có người tâm sự, cha họ, mẹ họ là những người có tới 60 năm tuổi Đảng, cha mẹ đã không chết vì chiến tranh, vì hòn tên mũi đạn, nhưng lại đang chết vì những cái nhìn, liếc xéo của hàng xóm vì những tội con mình bị quy kết. Họ lo sợ rằng rồi mai đây con cái, cháu chắt họ sẽ làm sao để ngẩng mặt lên với đời, với xã hội?

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ