COVID-19 đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái trầm trọng

Nhàđầutư
Đại dịch COVID-19 sẽ đẩy nền kinh tế thế giới vào một giai đoạn suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử hiện đại, thậm chí còn nặng nề hơn cả thời kỳ đại khủng hoảng. Nhưng một hệ quả của đợt suy thoái này là công nghiệp robot có thể lên ngôi.
TS.HÀN GIA BẢO
01, Tháng 05, 2020 | 13:20

Nhàđầutư
Đại dịch COVID-19 sẽ đẩy nền kinh tế thế giới vào một giai đoạn suy thoái trầm trọng nhất trong lịch sử hiện đại, thậm chí còn nặng nề hơn cả thời kỳ đại khủng hoảng. Nhưng một hệ quả của đợt suy thoái này là công nghiệp robot có thể lên ngôi.

Screen Shot 2020-04-29 at 9.38.02 PM

Khi Trung Quốc "gặp nạn", nhiều cơ sở sản xuất của châu Âu, Mỹ thiếu nguyên liệu để hoạt động.  Ảnh: SCMP

Cho đến giữa tháng 4/2020, toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi một con ác quỷ mà chưa nước nào tìm được cách đối phó hiệu quả. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp sẽ kéo dài bao lâu nữa cũng chưa ai có thế tiên đoán chính xác.

Những tác hại về mặt kinh tế từ trận "đại hồng thuỷ" do COVID-19 gây ra, không nên được hiểu như các vấn đề thông thường mà kinh tế vĩ mô có thể giải quyết hay giảm bớt tác động tiêu cực.

Thay vào đó, thế giới sẽ chứng kiến những thay đổi cơ bản về tính chất của nền kinh tế toàn cầu. Khủng hoảng trước mắt là về chuỗi cung - cầu. Cung đi xuống vì hàng loạt các công ty lớn nhỏ đều phải đóng cửa hay giảm giờ làm để bảo vệ công nhân không bị lây nhiễm virus Corona chủng mới này. Từ đấy, chuỗi cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Cú sốc lớn với mọi nền kinh tế

Ngay trước cuộc họp trực tuyến của nhóm 20 nước có nền kinh tế phát triển nhất (G20), Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s dự báo, những nền kinh tế của nhóm này sẽ bị một cú sốc chưa từng có trong nửa đầu năm nay và có mức tăng trưởng âm trong cả năm, trước khi phục hồi vào năm 2021.

Cũng theo Moody’s, trong năm 2020, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của các quốc gia nhóm G20 sẽ sụt giảm 0,5%, GDP của Hoa Kỳ sẽ giảm 2%, GDP của khu vực đồng Euro giảm 2,2%.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ đạt 3,3%, nền kinh tế đại lục sẽ teo lại trong quý 1/2020, lần đầu tiên kể từ cuối Cách mạng Văn hoá năm 1976. Riêng kinh tế Hoa Kỳ, ngân hàng Goldman Sachs thậm chí dự báo GDP sẽ sụt giảm đến 3,8%.

Ngân hàng Deutsche Bank cũng không loại trừ khả năng kinh tế Mỹ sẽ bị suy thoái trầm trọng nhất, ít ra là kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay. Tại Châu Âu, Bộ trưởng Kinh Tế Đức dự báo kinh tế nước này sẽ bị suy thoái đến 5% trong năm 2020. Còn Tổng thư ký của Tổ Chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angel Gurria thì bi quan hơn nhiều, dự báo kinh tế thế giới sẽ bị suy thoái trong nhiều năm.

Theo nhận định của hãng tin AFP, khủng hoảng virus corona sẽ nặng nề hơn khủng hoảng năm 2008, vì lần này, không chỉ có hệ thống tài chính, mà toàn bộ nền kinh tế thực (real economy) cũng bị ảnh hưởng sâu rộng, bởi vì hàng trăm triệu người phải nghỉ làm, tự cách ly trong nhà để ngừa lây nhiễm, khiến nền sản xuất sụp đổ và mức cầu cũng sụt giảm theo.

Một hậu quả khác của COVID-19 là thất nghiệp sẽ tăng cao, nhất là tại Châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ tăng vọt lên 12%, từ đây đến cuối tháng 6, xóa sạch những thành quả mà các nước Châu Âu đã đạt được trong 7 năm gần đây.

Còn tại Hoa Kỳ, nơi mà ngay cả những người làm việc với hợp đồng dài hạn vẫn có thể bị sa thải, các kinh tế gia dự báo là số người thất nghiệp sẽ tăng với mức độ chóng mặt. Để đối phó với COVID-19, nhiều nước đã đề ra các kế hoạch huy động cả trăm, cả ngàn tỷ USD, chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, Thượng Viện đã và sẽ nhất trí thông qua một gói cứu trợ khoảng 6.000 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế.

Đức là một quốc gia đã thắt lưng buộc bụng suốt nhiều năm qua để kiềm chế thâm thủng ngân sách, nhưng Quốc hội nước này cũng đã không ngần ngại thông qua một kế hoạch cũng lịch sử không kém, sử dụng gần 1.100 tỷ euro để bảo vệ nền kinh tế hàng đầu Châu Âu.

Những nước lắm tiền nhiều của thậm chí còn trợ cấp tiền cho người dân để kích thích tiêu thụ, gọi là tiền "thả dù" hay là tiền "trực thăng" (helicopter money), như ở Mỹ, mỗi gia đình hai con sẽ nhận được ngân phiếu 3.000 USD. Hồng Kông cũng làm tương tự, phát hơn 1.000 USD cho mỗi cư dân ở đặc khu hành chính.

Hiện giờ các nước Châu Âu chưa làm như thế, nhưng một số kinh tế gia đã đề nghị Ngân hàng Trung ương Châu Âu tặng cho mỗi công dân của Liên hiệp Châu Âu 1.000 euro để mua sắm. Những lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất là giao thông, du lịch, phân phối hàng hóa. Chỉ có ngành công nghiệp liên quan đến thiết bị và sản phẩm y tế, kinh doanh thực phẩm và thương mại trực tuyến là được hưởng lợi từ đại dịch COVID-19.

Người thất nghiệp, robot lên ngôi?

Tất cả các cuộc suy thoái kinh tế đều dẫn tới thất nghiệp gia tăng, nhưng tự động hóa có thể lên ngôi. Rõ ràng, COVID-19 không tốt cho thị trường lao động. Những tuần gần đây đã chứng kiến đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục khi các doanh nghiệp và nhiều ngành nghề đóng cửa hoàn toàn để ngăn chặn đại dịch lây lan. Hậu quả là nền kinh tế lao dốc, chỉ số chứng khoán Dow Jones và S&P 500 giảm hơn 20% từ mức cao trong tháng 2.

Mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội có thể là tạm thời nhưng ảnh hưởng của đợt suy thoái kinh tế với thị trường lao động sẽ kéo dài. Ý kiến của các chuyên gia từ Viện Brookings cho rằng, bất kỳ cuộc suy thoái nào liên quan tới virus Corona có thể khiến robot ngày càng thay thế người lao động nhiều hơn. Trong thời điểm khó khăn khi kinh tế bị suy thoái, chi phí lao động con người sẽ đắt hơn so với robot.

Một công ty có thể tính tới tự động hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp bằng công nghệ mới để tăng năng suất. Do đó, họ sẽ thay người lao động ít kỹ năng bằng lao động nhiều kỹ năng hơn hoặc tăng cường sử dụng công nghệ tự động hóa. Phần mềm công nghệ không còn đắt như cách đây chục năm.

Có rất nhiều công nghệ chất lượng cao sẵn có chờ các doanh nghiệp triển khai. Hơn nữa, máy móc hay robot không ốm, không phải ở nhà khi có đại dịch. Đó là lý do mà robot sẽ được sử dụng nhiều hơn con người trong tình hình như hiện nay.

Theo Nir Jaimovich và Henry Siu, trong ba cuộc suy thoái kinh tế trong 30 năm qua, 88% số công việc bị mất diễn ra trong các ngành nghề có thể tự động hóa cao. Nghiên cứu của Brad Hershbein và Lisa Kahn thuộc Đại học Rochester cho thấy doanh nghiệp ở các khu vực bị tác động mạnh nhất thường thay thế người lao động mà công việc là thực hiện nhiệm vụ có thể tự động hóa.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ngành nghề được tự động hóa nhiều nhất là ô tô và sản xuất. Còn với khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, ngành dịch vụ thực phẩm và ăn ở chịu nhiều áp lực. Với tiến bộ công nghệ hiện có, tổng cộng 36 triệu việc làm ở Mỹ trong nhiều ngành nghề có thể bị máy móc 'chiếm'.

Tình trạng đó hiện chưa xẩy ra ồ ạt nhưng con số dự báo cho thấy số lượng công việc có thể bị tác động. Dù đó không chiếm tỉ lệ lớn trong cả nền kinh tế nhưng rõ ràng 36 triệu người không phải là con số nhỏ. Họ làm những công việc lặp đi lặp lại và dễ bị thay thế bằng robot hoặc phần mềm văn phòng.

Trái lại, các ngành nghề như y tế, giáo dục, quản lý sẽ chịu áp lực ít nhất, ít nhất là không bị sa thải ngay lập tức. Tuy nhiên, theo Mark Maru, chúng ta cũng có thể thấy việc học từ xa trong giáo dục cũng đang áp dụng nhiều công nghệ mới. Như vậy, suy thoái do COVID-19 có quy mô tác động rộng hơn các cuộc suy thoái trước đây. Nó sẽ có thể tác động tới mọi loại nghề.

Toàn cầu hoá đến hồi kết?

Một viễn ảnh khác mà kinh tế giới sẽ phải đối phó, đó là sự trở về với kinh tế tự nhiên, nghĩa là kinh tế tự lực cánh sinh. Sự thay đổi này đi ngược lại toàn cầu hóa, hẳn nhiên. Bởi vì, toàn cầu hóa đã kéo theo sự phân bố lao động giữa những nền kinh tế khác nhau.

Nay sự trở về với kinh tế tự nhiên có nghĩa là các quốc gia sẽ hướng tới đường lối tự lực là chủ yếu. Sự chuyển đổi này không nhất thiết là sẽ xẩy ra ngay lập tức. Vấn đề là nếu chính phủ các quốc gia có thể kiểm soát hay vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại trong 6 tháng hay 1 năm thì thế giới vẫn còn có cơ trở về con đường toàn cầu hóa, ngay cả khi người ta phải xét lại một vài điều nền tảng của xu hướng này, thí dụ như chuỗi cung, hệ thống "không kho hàng" hay lắp ráp theo dây chuyền "đúng thời điểm".

Nhưng nếu cuộc khủng hoảng kéo dài, toàn cầu hóa có thể thoái lui. Khủng hoảng càng lâu thì chướng ngại đối với dòng chảy tự nhiên của nhân lực, hàng hóa, tư bản càng nhiều và càng thường xuyên hơn. Những nhóm lợi ích đặc biệt sẽ được tạo ra để giải quyết các vướng mắc và nếu những người này luôn sợ một trận đại dịch khác, họ có thể khuyến khích một nền kinh tế quốc gia tự túc.

Nhìn từ góc độ này, lợi ích kinh tế và sự lo lắng chính đáng đối với sức khỏe con người sẽ đan quyện vào nhau. Ngay cả đòi hỏi có vẻ nhỏ nhặt, khi nhập cảnh một quốc gia nào, người ta phải xuất trình, ngoài hộ chiếu, một giấy chứng nhận sức khỏe không có bệnh truyền nhiễm, cũng là một trở ngại lớn cho mô hình toàn cầu hóa trước đây, khi bao nhiêu triệu người nhập cảnh không cần nó.

Sự chuyển đổi thụt lùi, từ toàn cầu hóa đến kinh tế tự nhiên tự túc, sẽ giống như thời tan vỡ của đế quốc Tây La Mã từ thế kỷ 4 đến 6. Đó là sự chuyển đổi ngược lại, từ vùng đất rộng lớn chia ra thành những tiểu vùng tự lực.

Trong nền kinh tế đi kèm với những vùng đất tự túc này, sự trao đổi chỉ đơn giản là trao đổi những sản phẩm thặng dư của mình lấy những sản phẩm thặng dư từ những vùng đất tự túc khác, hơn là sản xuất vật phẩm để bán cho một người mua mà mình không quen biết. Như F.W. Walbank viết trong cuốn Sự suy tàn của Đế quốc Tây La Mã: "Trong quá trình lụi tàn, đế quốc Tây La Mã chuyển đổi dần dần thành những cộng đồng nghề nghiệp nhỏ, 'tay làm hàm nhai', sản xuất để bán ngoài chợ địa phương và theo đơn đặt hàng của những người sống chung quanh".

Trong cuộc khủng hoảng hiện tại, những người không hoàn toàn chuyên môn hóa có thể sẽ lợi thế hơn. Nếu anh có thể tự sản xuất lương thực để dùng mà không tùy thuộc vào điện hay nước của "cộng đồng" thì không những anh không sợ bị gián đoạn chuỗi cung lương thực người khác mang lại hay gián đoạn sự cung cấp điện nước của "cộng đồng", mà anh còn được an toàn hơn, không sợ lây nhiễm bệnh, vì anh không tùy thuộc vào lương thực mà người làm ra nó có thể bị nhiễm bệnh.

Anh cũng không cần ai tới sửa gì ở nhà anh, biết đâu người tới sửa có thể bị nhiễm bệnh. Anh càng ít tùy thuộc vào người khác, anh càng sống khỏe hơn, an toàn hơn. Mọi thứ chuyên môn hóa thời trước khủng hoảng nay thành bất lợi và ngược lại.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ