Chính quyền địa phương cần chung tay cùng doanh nghiệp 'kích cầu du lịch'

Nhàđầutư
Việc các địa phương tại phía Nam rục rịch mở cửa, đón khách trở lại được xem là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch sau thời gian dài gần như “đóng băng” do dịch COVID-19.
LÝ TUẤN
20, Tháng 10, 2021 | 18:28

Nhàđầutư
Việc các địa phương tại phía Nam rục rịch mở cửa, đón khách trở lại được xem là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch sau thời gian dài gần như “đóng băng” do dịch COVID-19.

Chuẩn bị cho giai đoạn 'bình thường mới'

Trao đổi với phóng viên Nhadautu.vn, ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng Giám đốc công ty Viettourist, cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm qua, đặc biệt là đợt bùng phát thứ 4 đã khiến thị trường du lịch gần như 'đóng băng', do đó mọi hoạt động du lịch đã trở về điểm xuất phát và phải làm lại từ đầu.

“Việc đầu tiên công ty sẽ triển khai trong thời gian tới là đánh giá lại lượng khách hàng đang ở mức nào, sản phẩm du lịch sẽ tập trung vào khu vực nào. Mặt khác, hiện nay ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế việc đi lại, trong khi phía chính quyền các địa phương vẫn chưa có thông báo hay hoạch định cụ thể nên rất khó để thực hiện, bởi đặc tính của ngành du lịch là tính liên tuyến, liên vùng, liên miền mới tạo ra được sản phẩm phong phú”, ông Hiệp nói.

Theo Tổng Giám đốc công ty Viettourist, thời gian qua, công ty cũng đã đẩy mạnh các hoạt động du lịch nội địa, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 thì vẫn còn rất nhiều hạn chế, dù mới đây có thông tin các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh đã mở cửa để đón khách trở lại nhưng đây chỉ mới là phương án tối thiểu cho một số doanh nghiệp hoạt động khép kín, còn để áp dụng thương mại cho toàn bộ doanh nghiệp thì vẫn chưa được.

z2861870321986_a7ea697a96a27ea2872a1b6f6d63c2c9 (1)

Doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM đang nỗ lực để khôi phục hoạt động trong giai đoạn "bình thường mới".

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch thì các doanh nghiệp cũng phải triển khai việc xét nghiệm COVID-19 cho khách hàng khi tham gia các tour du lịch, tuy nhiên, chi phí xét nghiệm lại rất lớn trong khi khách hàng, kể cả là doanh nghiệp cũng không đủ khả năng chi trả.

Do đó, để thu hút khách du lịch trở lại, lãnh đạo Viettourist cho rằng, chính quyền từng địa phương cần chung tay cùng doanh nghiệp kích cầu lại thị trường, tạo ra các sản phẩm chất lượng với hình thức phong phú, đa dạng giá cả phù hợp nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu phòng chống dịch.

“Để thực hiện tốt việc kích cầu du lịch, từng địa phương cần có những kế hoạch, phương án cụ thể thông báo đến từng doanh nghiệp du lịch, chỉ ra vùng nào phù hợp làm điểm đến, tiếp nhận khách du lịch và có những cơ chế, hướng xử lý phù hợp để giúp doanh nghiệp nắm rõ tình hình rồi tiến hành thực hiện các tour du lịch, như vậy vừa đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh vừa có thể khôi phục ngành du lịch”, Tổng Giám đốc công ty Viettourist kiến nghị.

Mặt khác, thông tin thêm với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Đức Hiệp cho hay, hiện nay, lượng khách hàng cũ tồn đọng ở công ty rất lớn, tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch đã khiến các doanh nghiệp du lịch, lữ hành không thể triển khai, tổ chức được các tour du lịch. Đặc biệt, điều bất cập thời gian qua là nhiều doanh nghiệp không thể hoàn trả tiền cho khách hàng vì phần lớn số tiền đều nằm ở các hãng hàng không, trong khi phía hàng không lại không chấp nhận hoàn trả tiền mặt mà thay vào đó là hoàn trả thông qua hệ thống đặt tour du lịch.

“Đây là một hành động không fair play (chơi đẹp) từ phía hàng không bởi khách hàng và doanh nghiệp du lịch khi đặt tour đều trao tiền mặt, nếu không thực hiện được phải hoàn trả lại tiền, nhưng vấn đề này hiện chính quyền vẫn chưa vào cuộc, chưa có cơ chế chính sách phù hợp để giải quyết”, ông Hiệp nhìn nhận.

 
Vấn đề quan trọng nhất khi mở cửa khôi phục lại ngành du lịch là chính quyền nhà nước cần quan tâm hơn đến các doanh nghiệp du lịch, lữ hành thời gian qua đang tồn tại và hoạt động ra sao, gặp phải những khó khăn gì, để từ đó đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ, giúp các doanh nghiệp vượt qua.

Ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng Giám đốc công ty Viettourist

Trong khi đó, chia sẻ với Nhadautu.vn về kế hoạch hoạt động của công ty trong thời gian tới, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, cho biết, để tái khởi động sau đợt dịch lần thứ 4 này, với điểm nhấn an toàn và mang đến những sản phẩm du lịch với chất lượng tốt nhất, bình ổn giá với mức ưu đãi cao, Vietravel mong muốn truyền tải thông điệp “Sôi động và An toàn - Hành trình xanh, an tâm trải nghiệm” đến với khách hàng.

Các sản phẩm du lịch đều đã được Công ty làm mới, đồng thời, đáp ứng đầy đủ tiêu chí an toàn do Bộ Y Tế và Sở Du Lịch tại các địa phương khuyến nghị nhằm thích ứng với 'bình thường mới'.

Theo bà Khanh, ở giai đoạn đầu mở cửa trong tháng 10/2021, Vietravel sẽ tập trung vào nhóm sản phẩm tại TP.HCM đến các vùng xanh như tour Cần Giờ (1 - 2 ngày), Staycation, Vũng Tàu, Tây Ninh, tour hồi hương đón người Việt về nước hay các chuyên gia đến Việt Nam làm việc …

Giai đoạn kế tiếp từ tháng 11/2021, công ty sẽ mở rộng ra sản phẩm liên vùng. Theo đó, các sản phẩm bằng đường bộ từ TP.HCM đến Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt và miền Tây. Sản phẩm bằng đường bay sẽ tập trung vào các địa phương Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Hạ Long và Hà Giang.

“Đối với các sản phẩm này, dự kiến công ty sẽ tổ chức các chuyến charter (bay thuê), cụ thể là bay cùng Vietravel Airlines để tạo thành một quy trình khép kín từ phương tiện vận chuyển đến địa điểm tham quan … với chi phí tiết kiệm. Tại Hà Nội, Vietravel sẽ triển khai các tour từ Hà Nội đến Ninh Bình, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh…”, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel thông tin.

Cần chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp du lịch

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel đánh giá, trước đại dịch COVID-19, ngành du lịch luôn có sự tăng trưởng ấn tượng ở mức 2 con số và đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế Việt Nam ở mức 10%, đóng góp lan toả ở mức 18%, tạo ra hàng triệu việc làm và thu nhập cho người dân Việt Nam, mà nay suy thoái nghiêm trọng.

Theo bà Khanh, làn sóng dịch thứ 4 trong năm 2021, du lịch cũng như một số ngành kinh tế khác gần như “tê liệt” hoàn toàn. Ngay cả khi dịch được kiểm soát tốt trong những ngày gần đây, mặc dù một số ngành khác đã bắt đầu quay trở lại thì du lịch vẫn phải chịu cảnh “chốt cửa” vì nhiều yếu tố khác biệt trong “tư tưởng” chống dịch.

“Khi Nghị quyết 128 được ban hành, chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần chỉ đạo kịp thời của Chính phủ nhằm ‘triệt tiêu’ sự khác biệt giữa các địa phương, mọi thứ được kỳ vọng sẽ được ‘phá rào’ và liền lạc hơn nhiều, tạo tiền đề cho việc phục hồi kinh tế”, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel nói.

1f0fff5a6dffa4a1fdee

Doanh nghiệp du lịch mong muốn có những chính sách cụ thể và dễ tiếp cận nhằm giúp doanh nghiệp tạo được "đề kháng" để bật mạnh trở lại.

Đặc biệt, để phục hồi và thích ứng theo trạng thái bình thường mới sống chung với dịch COVID-19, lãnh đạo Vietravel đề xuất, nên ứng dụng công nghệ vào việc quản lý tiêm chủng, xét nghiệm và khai báo y tế của người dân trên một ứng dụng duy nhất ở cấp Trung Ương, tạo điều kiện cho người dân được đi lại và làm việc thuận tiện hơn nhưng cũng đảm bảo được công tác phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới. Từ đó, có thể tự tin sống chung với dịch và mở cửa lại thị trường du lịch nội địa, tránh tình trạng mở rồi lại đóng như các đợt dịch vừa qua.

Bên cạnh đó, dựa trên thông tin tiêm chủng chung quốc gia, việc quản lý dễ dàng hơn sẽ là điều kiện cho việc thực hiện các giải pháp như “bong bóng du lịch” nội địa giữa vùng xanh đến địa điểm xanh cho người dân đã hoàn thành 2 mũi tiêm hoặc F0 đã khỏi bệnh.

“Từ đó, doanh nghiệp cũng sẽ tự tin đưa ra các sản phẩm và chương trình kích cầu để phục hồi lại ngành du lịch, tạo thêm công ăn việc làm cũng như đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế nói chung”, bà Khanh nói.

Cũng theo bà Khanh, từ cơ sở dữ liệu sức khoẻ quốc gia và một ứng dụng chung toàn quốc, nên tính toán đến việc thiết lập hộ chiếu vaccine của Việt Nam và tiến tới việc công nhận hộ chiếu vaccine với các quốc gia khác theo bộ tiêu chí an toàn chung. Tạo tiền đề cho việc di chuyển thuận lợi hơn giữa Việt Nam và các quốc gia,từ đó thúc đẩy việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam cũng như khách Việt Nam đi nước ngoài, góp phần vào việc hồi phục lại ngành du lịch và đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế.

 
Chúng ta cần nhanh chân hơn sau bài học về vaccine, để tránh chậm chân trong việc mở cửa lại so với các quốc gia khác trong khu vực.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel

“Hiện nay, tỷ lệ tiếp cận được nguồn vay doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn có những chính sách cụ thể và dễ tiếp cận hơn như gói vay trả lương cho người lao động, các khoản vay ưu đãi mà chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp có lịch sử đóng góp ngân sách tốt, nhằm giúp doanh nghiệp tạo được ‘đề kháng’ để bật mạnh trở lại và cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài, tránh tình trạng thua ngay trên sân nhà sau dịch”, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel đề xuất.

Trước đó, tại cuộc tại Hội nghị triển khai kế hoạch phục hồi du lịch TP.HCM trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID- 19 giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022, diễn ra ngày 16/10, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đã đưa ra lộ trình phục hồi du lịch TP.HCM, được xác định qua 3 giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn 1, trong tháng 10/2021, chủ yếu mở du lịch nội vùng và thí điểm du lịch liên tỉnh để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Khách du lịch có thể tự đi du lịch, tự thiết kế chuyến đi của mình đến các điểm thăm quan trên địa bàn TP.HCM hoặc tổ chức theo đoàn qua các công ty. Giai đoạn này các cơ sở lưu trú và điểm thăm quan được hoạt động với công suất tối đa 50%.

Giai đoạn 2, từ ngày 1/11 - 31/12/2021, đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh. Theo đó, mời khách đến các điểm thăm quan trên địa bàn TP.HCM theo hình thức tổ chức hoặc hình thức khách đoàn qua các công ty tổ chức.

Các chuyến đi liên tỉnh hoặc đón khách từ các tỉnh đến TP.HCM trong giai đoạn này phải thống nhất về lộ trình giao thông. Do đó, theo các tuyến này khách du lịch sẽ đi theo đoàn thông qua các công ty lữ hành tổ chức.

Cơ sở lưu trú, điểm thăm quan hoạt động công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ như ăn uống tại chỗ, spa... phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh của thành phố.

Trong giai đoạn này, Sở Du lịch TP.HCM thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong đó đưa vào sử dụng bản đồ du lịch thực tế ảo 3D, 360 độ. Dự kiến tháng 11, sau khi hoàn thành cập nhật những điểm đến trên địa bàn TP.HCM, thông qua hình ảnh 3D du khách có thể thăm quan ảo và mua sắm trực tuyến.

Ngoài ra, đơn vị cũng tổ chức “Ngày hội du lịch TP.HCM” theo hình thức trực tuyến. Đây là lần đầu tiên sàn giao dịch trực tuyến ảo giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ được giới thiệu đến du khách. Ngành du lịch đẩy mạnh chương trình kích cầu lễ Giáng sinh, Tết dương lịch và năm mới.

Cuối cùng ở giai đoạn 3, trong năm 2022 sẽ khôi phục tất cả các loại hình du lịch và sản phẩm du lịch trên địa bàn TP.HCM, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi. Đồng thời, đón khách quốc tế đến TP.HCM, đưa khách quốc tế đến các tuyến liên tỉnh.

Trong giai đoạn này, Sở Du lịch TP.HCM sẽ triển khai các giải pháp trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện, nâng chất sản phẩm du lịch theo hướng mỗi địa bàn có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, kết nối lại thị trường trong và ngoài nước theo hình thức trực tuyến và trực tiếp để xúc tiến, chào bán các sản phẩm du lịch.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ