Doanh nghiệp du lịch TP.HCM 'ngấm đòn' đại dịch

Nhàđầutư
Chưa kịp hồi phục sau ảnh hưởng từ những đợt dịch COVID-19 trước thì bước sang năm 2021, doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM lại phải đối mặt thêm 2 đợt dịch liên tiếp khiến 'khó lại chồng khó'. Trong khi đó, doanh nghiệp du lịch vẫn chưa thể tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
LÝ TUẤN
27, Tháng 06, 2021 | 07:11

Nhàđầutư
Chưa kịp hồi phục sau ảnh hưởng từ những đợt dịch COVID-19 trước thì bước sang năm 2021, doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM lại phải đối mặt thêm 2 đợt dịch liên tiếp khiến 'khó lại chồng khó'. Trong khi đó, doanh nghiệp du lịch vẫn chưa thể tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

90% doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động

Tính từ thời điểm đầu năm 2020 đến nay, từ số liệu thống kê của Sở Du lịch TP.HCM cho thấy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound (du lịch nội địa) đã tạm ngưng hoạt động.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/5/2021 đã có 171 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó, có 152 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 19 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa.

Hiện, chỉ một số ít doanh nghiệp du lịch còn hoạt động nhưng chủ yếu là xử lý công nợ với đối tác, khách hàng. Nhiều doanh nghiệp có vốn tư nhân đã cắt giảm nhân sự chỉ bố trí người trực tại công ty, trong khi đó, doanh nghiệp vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng, một số khác dựa trên nguồn vốn dự phòng còn lại để hoạt động.

20190430_094913

Khách du lịch trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Ảnh: Lý Tuấn

Có thể thấy, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế và đặc biệt là đối với ngành du lịch cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Trong năm 2021, ngành du lịch đã phải đối mặt với 2 đợt dịch liên tiếp, khi những đợt dịch trước tác động chưa kịp hồi phục thì bước sang năm 2021 'khó lại chồng khó'.

Chia sẻ với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng Giám đốc công ty Viettourist, cho biết, Viettourist là một trong những đơn vị có thế mạnh về khách lẻ ghép đoàn chuyên tổ chức các tour đưa khách Việt du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát từ thời điểm tháng 3/2020 đến nay khiến công ty cũng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng. Khi những tour du lịch nước ngoài bị gần như bị 'đóng băng', dù đã phải chuyển hướng sang các tour nội địa, nhưng với hai đợt dịch liên tiếp, mọi hoạt động của công ty cũng buộc phải dừng lại để phòng chống dịch.

Theo ông Hiệp, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng ngành du lịch sẽ được khôi phục trở lại trong năm 2021, khi dịch bệnh trước đó cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, thực tế dịch bệnh khiến tình hình ngày càng nghiêm trọng. Do các hoạt động kinh doanh du lịch bị hạn chế do dịch COVID-19, số lượng nhân sự của công ty cũng đã giảm từ 200 xuống còn 30 người, một số mặt bằng thuê cũng được trả lại, mọi tour du lịch phải tạm ngừng…

"Để duy trì hoạt động trong giai đoạn hiện nay, Viettourist đang tập trung lên kế hoạch, chuẩn bị những kịch bản mới, tiến hành các hoạt động PR, quảng cáo, phát triển các dịch vụ chăm sóc khách hàng thông qua các trang web điện tử, trang fanpage, … đồng thời, công ty cũng cho nâng cấp hệ thống, áp dụng các công nghệ hiện để phục vụ các tour du lịch được tốt hơn ngay sau khi dịch được kiểm soát", Tổng Giám đốc công ty Viettourist cho biết.

Ngoài ra, công ty cũng phố hợp với một số đơn vị như công ty bảo hiểm công nghệ, nhà hàng Như Tâm và các mạnh thường quân vận động được 2.500 phần quà để hỗ trợ những người dân có cuộc sống khó khăn trên địa bàn quận 4 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần này.

Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế mới đến TP.HCM là 0 lượt; lượng khách du lịch nội địa ước đạt 7.190.000 lượt khách, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 11.4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng thu từ khách du lịch: ước đạt 35.581 tỷ đồng giảm 37% so với 5 tháng đầu năm 2019 và tăng 23.3% so với 5 tháng đầu năm 2020.

Khi nhắc đến những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch, lãnh đạo Viettourist tỏ ra không kỳ vọng nhiều. Ông cho rằng, những chính sách này về chủ trương của nhà nước, chính quyền là rất đúng đắn, tuy nhiên việc áp dụng vào thực tế lại chưa được như kỳ vọng, nhiều doanh nghiệp đến nay sau 4 đợt dịch vẫn chưa thể tiếp cận được.

"Việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp trong ngành du lịch còn gặp nhiều khó khăn, nhiều công ty do không có tài sản thế chấp nên họ rất khó tiếp cận các gói vay tín chấp của ngân hàng. Trong khi du lịch được đánh giá là ngành rủi ro cao, không có khả năng trả nợ do không có nguồn thu, chưa kể phải tốn chi phí hoạt động cao như quảng cáo, thuê mặt bằng, trả lương nhân viên…", ông Hiệp nói.

Công ty du lịch Vietravel (Vietravel Holdings) là một trong những tập đoàn lớn tại Việt Nam trong lĩnh vực du lịch, lữ hành nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Vietravel cũng đang lâm vào tình cảnh khó khăn khi mọi hoạt động của công ty đã phải ngừng lại. Số lượng cán bộ nhân viên của công ty trước đây từ 1.700 người giờ chỉ duy trì khoảng 50 người.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, cho biết, đây là điều chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch đối với một doanh nghiệp lữ hành lớn như Vietravel khi phải tạm dừng hoạt động không chỉ ở TP.HCM mà toàn bộ công ty lữ hành trên cả nước.

Theo ông Kỳ, không chỉ Vietravel, mà tất cả công ty lữ hành khác, áp lực lớn nhất hiện nay là phải giữ chân được người lao động. Bởi, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp lữ hành là chất xám của người lao động. Nhưng vì phải ngừng hoạt động dẫn đến không có doanh thu nên không có tiền để trả lương, thậm chí nếu có cũng chỉ có thể trả mức lương cơ bản, không đủ để giữ chân nhân sự.

"Ngành du lịch liên tiếp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn, trong khi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, từng chiếm 11% GRDP của TP.HCM. Vì vậy, ngành du lịch TP.HCM rất cần được chính quyền địa phương, nhà nước quan tâm, hỗ trợ", đại diện Vietravel Holdings nói.

Đề xuất giảm thuế, giãn nợ, giảm tiền thuê đất

Theo nhiều lãnh đạo công ty du lịch tại TP.HCM, việc tạo những cơ chế đặc thù, ưu đãi giúp doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trước mắt, khôi phục hoạt động là điều cấp thiết.

Trao đổi với Nhadautu.vn, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, để phục hồi hoạt động du lịch trong năm 2021, cũng như tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển du lịch TP.HCM  theo đúng định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới, Sở đã đề xuất UBND thành phố trình Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành xem du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của dịch bệnh COVID-19 để bổ sung một số chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch.

Cụ thể, Sở Du lịch đã đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, kích cầu du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động, cũng như kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch TP.HCM cũng đề xuất nên kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà không tính lãi phạt chậm nộp. Đồng thời, xem xét điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 theo hướng giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ bằng 60% lên đến 80% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm tự nguyện.

Ngoài ra, Sở Du lịch còn đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp để giúp tạo dòng tiền vào cho doanh nghiệp duy trì hoạt động và có nguồn tiền làm vốn lưu động.

“Về phía TP.HCM, Sở đã đề xuất UBND TP.HCM xem xét trình HĐND chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TP.HCM thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho doanh nghiệp du lịch (không phân biệt doanh nghiệp lớn, nhỏ) gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để trả lương cho người lao động”, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho hay.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, thành phố hiện có 5.002 doanh nghiệp du lịch đang hoạt động với khoảng 31.500 lao động.

Với gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động của UBND TP.HCM cho các doanh nghiệp du lịch đang hoạt động, số tiền dự kiến hỗ trợ gần 209 đồng. Thời gian thực hiện là 3 tháng.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM cũng cho biết thêm, Sở đã đề nghị UBND TP.HCM triển khai ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 cho lực lượng lao động trong ngành du lịch, nhằm thúc đẩy nâng tỷ lệ tiêm phòng cho nhân dân trên địa bàn thành phố để sớm mở cửa ngành du lịch.

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng Giám đốc công ty Viettourist, cho rằng, sau khi dịch được kiểm soát, để hoạt động trở lại, phần lớn doanh nghiệp du lịch sẽ gặp khó khăn về vốn khi phải chi một số tiền lớn để quảng cáo, thuê mặt bằng,… do đó, rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền nhà nước, đặc biệt là áp dụng một số chính sách như giảm thuế VAT, giảm thời gian nộp thuế, cũng như có những gói hỗ trợ vay vốn giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Còn theo Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings Nguyễn Quốc Kỳ, lãnh đạo TP.HCM cần quan tâm về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm khác trong thời gian dịch bệnh, cũng như cần những cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch có thể dễ dàng tiếp nhận nguồn vốn ngân hàng.

“Nhà nước cần xem xét miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021, giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% để kích thích thị trường. Số thuế còn lại (5%) cho doanh nghiệp được vay để phục hồi kinh doanh không lấy lãi trong ít nhất 12 tháng tính từ đầu năm 2022", ông Kỳ đề xuất.

Ông cũng đặt câu hỏi: Tại sao chỉ cơ sở lưu trú là được dùng điện theo giá hỗ trợ, còn doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, dịch vụ trong ngành du lịch lại không được? Theo ông, cần có sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp vì các doanh nghiệp trong ngành du lịch đều chịu thiệt hại như nhau.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ