[Cafe cuối tuần] 'Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra Đất Nước'

Nhàđầutư
Mấy ngày nay trước một sự kiện đang được sự quan tâm của dư luận, là người làm thơ, lòng tôi cứ ngân lên những câu thơ trong chiến tranh nói về sự hi sinh, hi sinh một cách thầm lặng mà hiên ngang tư thế người anh hùng.
HẢI ĐƯỜNG
09, Tháng 07, 2022 | 07:00

Nhàđầutư
Mấy ngày nay trước một sự kiện đang được sự quan tâm của dư luận, là người làm thơ, lòng tôi cứ ngân lên những câu thơ trong chiến tranh nói về sự hi sinh, hi sinh một cách thầm lặng mà hiên ngang tư thế người anh hùng.

BBBF52FA-2960-4685-A1CF-8AE601F10996

 


Trong trường ca Mặt đường khát vọng, chương Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm có những câu thơ như tạc vào sông núi, lay động mãi tâm hồn người đang sống:

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt, đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Một bài thơ khác - bài Vô danh của nhà thơ Chính Hữu, dành tặng những chiến sĩ hi sinh mà người ở lại chưa biết tên Anh:

Tôi thấy tên anh trong tên đất nước,

Cuộc sống bây giờ chính là khúc hát

Tên anh

Anh đứng dậy, như ngày xưa đứng gác.

Hùng vĩ, tự hào, nghe gọi điểm danh.

Và còn nhiều bài thơ khác. Nhưng liệu tôi có bị trái tim thi sĩ làm mờ đi những  minh triết, những lôgic cần thiết khi xem xét một vấn đề mang tính khoa học nhưng rất nhạy cảm này? Đó là vấn đề khắc lại tên trên bia các liệt sĩ vô danh.

Chuyện là thế này, tại một cuộc làm việc hôm 5/7 với tỉnh Quảng Trị, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo địa phương này cần thực hiện chủ trương đổi trên trên bia mộ liệt sĩ, cụ thể: Tất cả các bia mộ liệt sĩ còn ghi là "vô danh" đều phải khắc lại tên mới là "liệt sĩ chưa xác định được thông tin". Phải làm quyết liệt để năm 2023 phải xong việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ.

Bộ trưởng nói cụ thể hơn: "Năm 2023 phải hoàn thành điều chỉnh thông tin 24.720 mộ liệt sĩ thống nhất theo mẫu tên, cùng một loại đá, làm đẹp, làm dày dặn, chữ khắc sâu".

Đất nước mình trải qua ba cuộc chiến tranh với biết bao hi sinh, mất mát, việc Bộ chủ quản quan tâm công việc hệ trọng, thiêng liêng này là rất cần thiết. Thế nhưng ý kiến chỉ đạo của ông Bộ trưởng nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Người ủng hộ thì dè dặt. Người không tán thành, cho rằng, đây là việc làm vội vàng, thiếu nghiên cứu thấu đáo, nặng về hình thức, gây tốn kém, lãng phí.

Thông thường khi lắng nghe, phân tích các ý kiến trái chiều, người nghe phải bình tĩnh, xem xét những cơ sở  lý luận, thực tiễn, căn cứ khoa học, tình hình thực tế. Hãy lắng nghe sự phản biện chứ không chỉ chú ý nghe ý kiến bên này hay bên kia. Trong một xã hội phát triển, dân trí cao, dân chủ mở rộng, thì đây là những gợi ý tốt, không có gì phải hốt hoảng, tranh luận một cách mất bình tĩnh. Hãy đặt ra nhiều câu hỏi và đi tìm câu trả lời đúng nhất. Biện chứng của phát triển đơn giản vậy thôi.

Suy nghĩ như thế cho nên tôi cùng một ông bạn vốn là nhà nghiên cứu xã hội học mở các loại từ điển ra để "tra". Không khó khăn lắm để tìm ra từ "vô danh". Theo đó, từ điển Hán-Việt và từ điển tiếng Việt hiện đại đều thống nhất một điều: "vô danh" có hai nghĩa cơ bản, nghĩa thứ nhất là "không có tên", hoặc "không biết tên" và nghĩa thứ hai là "không ai biết đến tên tuổi".

Bao nhiêu năm ròng binh đao, máu lửa cho đến ngày đất nước yên hàn đi vào dựng xây, từ "vô danh" vẫn được dùng theo nghĩa thứ hai là chủ yếu. "Danh" thường được hiểu là tiếng tăm, danh tiếng, nổi tiếng.(Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông - Nguyễn Công Trứ). Người viết bài này từ khi còn nhỏ đã được ông ngoại, một nhà Nho, giảng giải: "Hữu thức phi nan nan thức đáo/Vô danh bất hoạn, hoạn danh phù", nghĩa là: Không có tri thức không sợ, chỉ sợ học không đến nơi đến chốn; không có danh không sợ, chỉ sợ cái danh hão, danh suông.

Vậy nên, chữ Danh là lớn, là sang trọng, là vẻ tâm hồn, tri thức của con người, của cộng đồng, của thời đại. Vậy nên giờ đây biết bao thế hệ con cháu trở về thăm viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang… luôn xúc động đến nghẹn ngào trước những hàng bia, những khu mộ "vẫn trong đội hình hàng ngang hàng dọc", với tấm bia trước mộ "Liệt sĩ vô danh". Vô danh nhưng "Tên anh đã thành tên đất nước" (Lê Anh Xuân). Chiến tranh là thế. Có những ngôi mộ vô danh. Lại có những ngôi mộ có danh nhưng không hình hài, xương cốt - những ngôi mộ gió. Ngôi mộ nào cũng để lại niềm xúc động và thương nhớ khôn nguôi của người đang sống, nhắc nhở người sống hãy sống sao cho xứng đáng, đừng xa nhau thêm nữa!

Tôi có hỏi một cán bộ hưu trí, trước đây làm ở Cục Người có công về chuyện thay đổi trên bia liệt sĩ vô danh. Ông buồn phiền: Thật ra Bộ trưởng của chúng tôi chỉ thực hiện theo Nghị định. Việc "đổi tên" đã được nêu trong Nghị định 131/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể, khoản c, điều 152 về quản lý, chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ có quy định trên bia mộ liệt sĩ phải ghi thống nhất họ và tên, ngày sinh… "trường hợp không có thông tin thì trên bia mộ ghi 'Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin".

Lại hỏi mấy vị đại biểu Quốc hội cho rõ ràng. Thì đây là ý kiến mấy vị trao đổi với chúng tôi: Cần phải nói rõ rằng, khi làm luật chúng ta phải luôn chú  ý cả hai vế: Chính sách và Cuộc sống. Hai chữ C đó là hai mặt của một tờ giấy. Có những chủ trương, chính sách trước đây đúng, nay không còn phù hợp, do nhận thức chưa tới, do thực tiễn vận động. Vì vậy mới phải sửa đổi, bổ sung luật, để khắc phục tình trạng "luật trên trời", "luật trong phòng máy lạnh". Mà Luật còn phải sửa đổi, thì có phải sửa đổi Nghị định cũng là điều bình thường. Theo hướng đó, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc thay đổi cách ghi trên bia mộ liệt sĩ cần có sự tham khảo ý kiến các lão thành cách mạng, thân nhân liệt sĩ, lãnh đạo các địa phương. Bia liệt sĩ ghi "Liệt sĩ vô danh" đã tồn tại từ nhiều năm qua. Vậy lý do gì mà phải thay đổi, có cần thiết hay không thì Bộ chủ quản cần giải thích cho rõ, bởi số lượng bia mộ liệt sĩ vô danh trên cả nước không phải ít và việc này phải dùng đến ngân sách nhà nước. Nguồn ngân sách để làm việc đó cần ưu tiên dùng cho nhiều việc cần kíp hơn, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 đang gặp rất nhiều khó khăn.

Vấn đề tưởng đã rõ. Có nên "quyết liệt" thay thế gần 25 nghìn tấm bia liệt sĩ vô danh trước năm 2023 không?

Hỏi chuyện nhiều thân nhân, gia đình liệt sĩ, câu trả lời là: Không! Họ chỉ có một niềm mong mỏi: Mong sớm có được ngân hàng ADN để có thể xác định thân nhân liệt sĩ cho người dưới mộ? Và khi ấy, tên liệt sĩ sẽ được trang trọng khắc ghi vào tấm bia. Và tiếp tục cháy lên, sáng lên cùng tên đất nước.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24900.00 24920.00 25240.00
EUR 26183.00 26288.00 27459.00
GBP 30590.00 30775.00 31725.00
HKD 3138.00 3151.00 3253.00
CHF 26916.00 27024.00 27854.00
JPY 159.28 159.92 167.24
AUD 15962.00 16026.00 16515.00
SGD 18096.00 18169.00 18702.00
THB 665.00 668.00 695.00
CAD 17894.00 17966.00 18490.00
NZD   14679.00 15171.00
KRW   17.38 18.92
DKK   3516.00 3644.00
SEK   2267.00 2354.00
NOK   2263.00 2352.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ