Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cần tư duy mới tạo động lực cho Thủ đô Hà Nội

Nhàđầutư
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Hà Nội cần xác định những trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên và các giải pháp thực hiện với yêu cầu là cần tư duy mới, tầm nhìn mới, mang tính chiến lược hơn để tạo ra các giá trị mới, động lực mới cho Thủ đô.
QUANG TUYỀN
09, Tháng 01, 2024 | 19:50

Nhàđầutư
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Hà Nội cần xác định những trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên và các giải pháp thực hiện với yêu cầu là cần tư duy mới, tầm nhìn mới, mang tính chiến lược hơn để tạo ra các giá trị mới, động lực mới cho Thủ đô.

Ngày 9/1, Bộ KH&ĐT phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các bộ, ngành Trung ương, sở ngành của Hà Nội và các chuyên gia, nhà khoa học đối với hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục; có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, là cực tăng trưởng của đất nước trong những năm qua. Hiện GRDP của Hà Nội chiếm khoảng 14% của cả nước và liên kết giữa Hà Nội với các địa phương ngày càng mạnh mẽ.

bo truong nguyen chi dung

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Hà Nội mới

bên cạnh tiềm năng, lợi thế và thành tựu đã đạt được, trong những năm gần đây vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh/thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Nếu như vào năm 2011, GRDP Hà Nội chiếm 48% GRDP vùng Đồng bằng sông Hồng thì đến năm 2022 chỉ còn chiếm 42,2%.

Tốc độ tăng trưởng GRDP đang có xu hướng thấp dần so với các địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Hồng (cụ thể: Năm 2023 tăng trưởng kinh tế của Thủ đô là ước đạt 6,27%, đứng thứ 9/11 tỉnh/thành phố trong Vùng). Quan trọng hơn, sự phát triển kinh tế của Hà Nội còn dựa nhiều vào đầu tư vốn, chất lượng tăng trưởng còn thấp.

Do đó, việc lập và triển khai quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 phải là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và là cơ hội quý để tạo ra không gian phát triển mới và động lực phát triển mới trong phát triển đất nước, vùng và địa phương.

Thông tin về tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, hiện nay, hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình xin ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định với hệ thống các báo cáo gần 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực và 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã, cùng với những báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch, báo cáo tóm tắt, hệ thống phụ lục, hệ thống sơ đồ, bản đồ được xây dựng trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS).

chu tich ha noi tran sy thanh

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại hội thảo tham vấn ý kiến các bộ, ngành Trung ương, sở ngành của Hà Nội và các chuyên gia, nhà khoa học đối với hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Báo Hà Nội mới

Để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Thủ đô, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội bày tỏ mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các chuyên gia, bộ, ngành tập trung vào 6 nội dung gồm: Kết cấu của báo cáo quy hoạch, bổ sung thêm nội dung về lịch sử hình thành và phát triển Thủ đô; xác định các điểm nghẽn, thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức của Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh mới và mục tiêu trở thành thành phố toàn cầu;

Bảo vệ, khai thác các giá trị của hệ thống sông, hồ, trong đó đặc biệt là sông Hồng, vấn đề hài hoà giữa phòng chống lũ và khai thác các giá trị sông Hồng để phát triển; phân vùng kinh tế - xã hội, phân vùng đô thị, phân vùng liên huyện. Đối với mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô; các giải pháp để huy động nguồn lực phát triển, nhất là các nguồn lực mới, khơi thông nguồn lực đang tồn tại dưới dạng tiềm năng; bảo vệ môi trường và các nội dung của Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

Quy hoạch Thủ đô là quá trình, không phải sản phẩm cuối cùng

Đặt câu hỏi "Yếu tố nào là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho Hà Nội?", ông Christopher Lewis Malone, Giám đốc Điều hành Dalberg khu vực Đông Nam Á nêu quan điểm, kinh tế phát triển không phụ thuộc vào quá nhiều ngành mà tập trung vào số ít ngành với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.

Cũng theo chuyên gia này, dự thảo Báo cáo Quy hoạch Thủ đô nêu ra nhiều khía cạnh giúp thành phố tăng trưởng nhưng nếu không có ý tưởng đột phá thì Hà Nội khó tăng trưởng như kỳ vọng. Trên cơ sở đó, thành phố cần cần tập trung một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, đột phá. Hà Nội cũng cần cân nhắc về lợi thế cạnh tranh với các thành phố khác, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh. Các lĩnh vực về tài chính, công nghiệp và các ngành công nghệ sẽ chính là mũi nhọn để giúp kinh tế Hà Nội phát triển hơn nữa.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, các kịch bản phát triển được đơn vị tư vấn đặt ra thể hiện nhiều tham vọng và chỉ đạt được với điều kiện thành phố áp dụng mô hình phát triển mới, theo hướng xanh, số, tuần hoàn, thông minh và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Thống nhất với đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô khi đưa ra 6 điểm nghẽn với phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội, tuy nhiên, ông cho rằng, Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên cần nhấn mạnh trách nhiệm, vai trò của các bộ, ngành và Chính phủ trong giải quyết các điểm nghẽn này.

Phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề được nêu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Minh Hải bày tỏ sự trân trọng trước các ý kiến góp ý sâu sắc, tâm huyết, có trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học tại về nguồn lực, động lực với các nội dung cụ thể hạ tầng giao thông kết nối; phát triển trục sông Hồng; mô hình 2 thành phố trực thuộc Thủ đô; văn hóa sáng tạo và con người; tài nguyên nhân văn và tài nguyên số…

toan canh1

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, thảo luận cho ý kiến về nhiều vấn đề. Ảnh: Báo Hà Nội mới

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô hoàn thành là công cụ đặc biệt quan trọng để các cấp chính quyền thành phố hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển cho Thủ đô. Thành phố xác định Quy hoạch Thủ đô là quá trình, không phải là sản phẩm cuối cùng. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, thành phố sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch hành động cụ thể theo theo từng phân kỳ thời gian, lựa chọn chiến lược ưu tiên thực hiện.

Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các nội dung của dự thảo quy hoạch đã đáp ứng được yêu cầu theo quy định, quy trình của Luật Quy hoạch, các đề xuất có tính logic, hợp lý; đề nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan lập quy hoạch nghiên cứu tiếp thu, giải trình hợp lý các ý kiến tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các bộ, ngành.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, TP. Hà Nội cần đánh giá được nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, xác định đúng các điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua cũng như làm rõ hơn vai trò, sứ mệnh của Thủ đô với sự phát triển của vùng; xác định những trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên và các giải pháp thực hiện với yêu cầu là cần tư duy mới, tầm nhìn mới, mang tính chiến lược hơn để tạo ra các giá trị mới, động lực mới cho Thủ đô.

Đồng thời, thành phố cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giảm ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; tập trung khai thác không gian ngầm kết hợp với phát triển đường sắt đô thị; đưa ra giải pháp đột phá thu hút nguồn lực để phát triển hệ thống đường sắt đô thị; tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, lấy đó làm động lực tăng trưởng…

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ