Bắt mạch 'điểm nghẽn sắp xếp nhà đất' trong cổ phần hóa DNNN

Tỷ lệ 28,3% và 26,4% là kết quả cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được đưa ra trong hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm.
LÊ TRẦN
15, Tháng 08, 2020 | 11:10

Tỷ lệ 28,3% và 26,4% là kết quả cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được đưa ra trong hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm.

taisancong

Tại năm thành phố lớn, do đất đai đang là chủ đề nóng nên chính quyền địa phương sẽ rất thận trọng khi đưa ra ý kiến của mình. Một lần nữa, việc sắp xếp đất đai bị ách tắc tại đây. Ảnh minh họa: TTXVN

Tỷ lệ 28,3% và 26,4% là kết quả cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được đưa ra trong hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm do Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, chủ trì tại Trụ sở Chính phủ ngày 6/8/2020. 

Lý do được đa số các bộ ngành, địa phương đưa ra cho sự chậm trễ này là khó khăn trong việc phê duyệt phương án sắp xếp, sử dụng đất. Điểm nghẽn đó cụ thể như thế nào? Cơ quan nào chịu trách nhiệm về vấn đề đó?

Trình tự, thủ tục pháp lý phức tạp

Theo quy định tại Nghị định 167/2017 và Thông tư 37/2018 của Bộ Tài chính, việc tổ chức thực hiện sắp xếp lại nhà, đất được thực hiện theo trình tự năm bước.

Cụ thể ở bước 1, DNNN lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với tất cả các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng, gửi cơ quan chủ sở hữu.

Bước 2, cơ quan chủ sở hữu rà soát, lập phương án sắp xếp nhà đất (gửi Bộ Tài chính) để tổ chức kiểm tra hiện trạng. Theo đó, Bộ Tài chính được phân công chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng đối với các cơ sở nhà đất thuộc trung ương quản lý trên địa bàn năm thành phố lớn, gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng. Các cơ quan chủ quản chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng nhà đất của DNNN tại các tỉnh còn lại;

Bước 3, trên cơ sở kết quả kiểm tra hiện trạng, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản gửi xin ý kiến UBND cấp tỉnh nơi có cơ sở nhà đất xin ý kiến.

Bước 4, trên cơ sở ý kiến, UBND tỉnh, cơ quan chủ quản hoàn thiện phương án gửi Bộ Tài chính để phê duyệt theo thẩm quyền (trường hợp có ý kiến khác nhau về phương án thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ).

Bước 5: Bộ Tài chính phê duyệt phương án và cơ quan chủ quản ban hành quyết định giữ lại tiếp tục sử dụng.Như vậy, việc sắp xếp nhà đất phải thực hiện qua ít nhất năm bước, tại bốn cơ quan (DNNN, cơ quan chủ sở hữu, chính quyền địa phương và Bộ Tài chính) với hàng triệu giờ công và các nguồn lực kinh tế khác (chi phí đi lại, lưu trú, công tác phí…).

Nghẽn ở đâu?

Ở bước thứ nhất, công việc về cơ bản không vướng mắc và có thể thực hiện nhanh chóng do đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng tài sản có đủ thông tin, chỉ cần tổng hợp, đề xuất phương án.

Bước thứ hai bắt đầu phát sinh vấn đề khi Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản phải “rải quân” đi khắp các tỉnh, thành phố, đến từng cơ sở nhà đất để kiểm tra hiện trạng, lập biên bản. Với khối lượng hàng ngàn cơ sở nhà đất khắp cả nước tại mỗi doanh nghiệp như đã được báo cáo vừa qua tại VNPT, Vinafood1 và Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam, xem ra, quy định phải kiểm tra hiện trạng từng cơ sở nhà đất đã dẫn đến một khối lượng công việc vô cùng đồ sộ.

Và nguy cơ ách tắc tại bước này là hiện hữu khi nhân lực tại Bộ Tài chính (Cục Quản lý Công sản) là hữu hạn. Nếu muốn đẩy nhanh tiến độ, hẳn toàn bộ nhân lực ngành tài chính phải vào cuộc cùng doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Ở bước 3, việc lấy ý kiến địa phương có thể sẽ thuận lợi ở 58 tỉnh trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, tại năm thành phố lớn đã nêu, do đất đai đang là chủ đề nóng nên chính quyền địa phương hẳn sẽ rất thận trọng khi đưa ra ý kiến của mình. Một lần nữa, việc sắp xếp đất đai bị ách tắc tại đây và đó là điểm nghẽn thứ hai.

Ở bước 4, nếu nhận được sự đồng thuận của địa phương và cơ quan chủ sở hữu, công việc của Bộ Tài chính sẽ khá thuận lợi. Tuy nhiên, nếu phát sinh không đồng thuận giữa các cơ quan, Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đó là điểm nghẽn thứ ba.

Cuối cùng, theo quy định của Nghị định 167, việc sắp xếp nhà đất phải được thực hiện “tổng thể đối với tất cả các cơ sở nhà, đất” (Khoản 3, Điều 4, Nghị định 167). Do đó, dù khi chỉ còn một cơ sở nhà đất chưa được phê duyệt, phương án, nhiệm vụ sắp xếp nhà đất vẫn coi như chưa hoàn thành. Đó là nút thắt cuối cùng và làm cho nhiệm vụ này không thể lượng định được thời điểm kết thúc.

Thêm một thực tế nữa, nhà đất không phải là phạm trù bất biến. Dù trong danh sách cổ phần hóa, doanh nghiệp vẫn phải hoạt động bình thường, họ vẫn phải mua sắm, đầu tư nhà đất để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Vậy nên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể có phát sinh mới các cơ sở nhà đất. Khi đó, quá trình sắp xếp sẽ lại phải bổ sung, hoàn thiện.

Đất đai là nguồn lực đặc biệt quan trọng nhưng cũng là vấn đề nhạy cảm, nhất là trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Rất nhiều các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, cố ý làm trái có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thời gian vừa qua. Vì vậy, cơ chế để kiểm soát, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực này là rất cấp thiết.

Tuy nhiên, việc duy trì một cơ chế nặng về thủ tục hành chính, thiếu chế tài ràng buộc trách nhiệm kiểm tra, phê duyệt và còn thiếu tính khả thi, thực tiễn như Nghị định 167 là vấn đề cần nghiêm túc nghiên cứu lại để hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng nhà đất tại các cơ quan, doanh nghiêp nhà nước.

(Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ