Ẩn số TTCK Việt Nam trong quí 2

Các nhịp điều chỉnh của VN-Index có thể xuất hiện ở một vài thời điểm trong quí 2-2018, tuy nhiên khả năng xuất hiện nhịp lao dốc kéo dài và diễn ra trên diện rộng sẽ khó xảy ra.
LINH TRANG
20, Tháng 04, 2018 | 16:31

Các nhịp điều chỉnh của VN-Index có thể xuất hiện ở một vài thời điểm trong quí 2-2018, tuy nhiên khả năng xuất hiện nhịp lao dốc kéo dài và diễn ra trên diện rộng sẽ khó xảy ra.

ndtan_so_ttck

Biến động khó lường của TTCK thế giới sẽ là rủi ro không nhỏ đối với VN-Index. Ảnh: THÀNH HOA 

Quí 1: VN-Index tăng mạnh về điểm số

Trong quí 1 vừa qua, chỉ số VN-Index đã tăng 19,3% về điểm số - đưa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trở thành nước có mức tăng mạnh nhất thế giới trong quí 1.

Xét về diễn biến các nhóm ngành, có thể thấy đa số các ngành tăng trưởng mạnh nhất đều có vốn hóa lớn. Trong đó, tăng trưởng nổi bật nhất thuộc về ngành ngân hàng (+40,4%) với diễn biến tăng đồng đều ở tất cả các mã nhờ kết quả kinh doanh năm 2017 cũng như triển vọng năm 2018 tích cực. Nhóm ngành tăng trưởng mạnh thứ hai là ngành bất động sản dân cư (+39,9%) với diễn biến tăng mạnh tập trung ở các mã VIC, KDH, DXG... trong khi các mã vốn hóa vừa và nhỏ có diễn biến phân hóa. Ngành bảo hiểm có mức tăng mạnh thứ ba (+35,2%) chủ yếu nhờ mức tăng đột biến ở mã vốn hóa đầu ngành là BVH. Ở chiều ngược lại, các ngành giảm điểm sâu nhất gồm có lâm sản và chế biến gỗ (-16,1%); thiết bị và dịch vụ dầu khí (-14,7%) và nhựa (-13,1%).

Khối ngoại tiếp tục mua ròng trong quí 1 với giá trị duy trì ở mức cao. Cụ thể, trên sàn HOSE, khối ngoại mua vào 71.200 tỉ đồng và bán ra 61.600 tỉ đồng, qua đó giá trị mua ròng đạt hơn 9.600 tỉ đồng. Đáng chú ý là sau khi mua ròng trong bốn tháng liền trước, khối này đã bán ròng nhẹ trong tháng 3 với giá trị gần 12 tỉ đồng, nguyên nhân đến từ việc các quỹ chỉ số bị rút vốn mạnh trong tháng 3 trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài lo ngại rủi ro gia tăng sau các nhịp điều chỉnh mạnh của TTCK Mỹ. Các mã được khối ngoại mua ròng mạnh tập trung ở ngành tài chính và bất động sản. Trong khi đó, các ngành bị bán ròng gồm: nguyên vật liệu (-1.600 tỉ đồng), công nghiệp (-850 tỉ đồng), dược phẩm và y tế (-418 tỉ đồng)... Đáng chú ý khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hai mã đầu ngành vốn hóa lớn là HPG (-2.000 tỉ đồng) và VNM (-1.500 tỉ đồng) trong quí 1 sau khi đã mua ròng mạnh hai mã này trong năm 2017.

Rủi ro lớn nhất đối với thị trường ở thời điểm hiện tại là việc tăng trưởng lợi nhuận có thể sẽ chậm lại dẫn đến không đáp ứng được kỳ vọng của

thị trường.

Các yếu tố ảnh hưởng tới VN-Index

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, có một số yếu tố chính có thể ảnh hưởng tới diễn biến TTCK trong thời gian sắp tới.

Ở góc độ tiêu cực, biến động khó lường của TTCK thế giới sẽ là rủi ro không nhỏ đối với VN-Index. TTCK Mỹ, vốn có sự ảnh hưởng lớn đến TTCK toàn cầu, có diễn biến tương đối thuận lợi trong hai năm trở lại đây với xu hướng tăng là chủ đạo. Mặc dù vậy, ngay trong quí đầu tiên của năm 2018, TTCK Mỹ đã trải qua nhịp điều chỉnh khá mạnh với nguyên nhân chính đến từ những động thái, chính sách có tính chất “bất thường và khó dự đoán” của chính quyền Tổng thống Donald Trump, tiêu biểu là chính sách chống toàn cầu hóa, bảo hộ thương mại... Ngoài ra, việc nền kinh tế Mỹ khởi sắc, lạm phát có dấu hiệu nhích lên khiến thị trường dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay hơn trong việc nâng lãi suất cũng là yếu tố góp phần khiến tâm lý nhà đầu tư lo ngại. Năm 2018 là năm thứ hai trong nhiệm kỳ bốn năm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, do đó các chính sách của ông Trump nhiều khả năng sẽ mang tính chất “bất thường và khó dự đoán” hơn so với năm 2017. Qua đó, TTCK Mỹ nói riêng và TTCK toàn cầu nói chung được dự báo sẽ không còn yên bình như trong gần hai năm trở lại đây, các nhịp tăng/giảm mạnh sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và TTCK Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài tầm ảnh hưởng.

Ở góc độ tích cực, lộ trình lên sàn niêm yết của một số doanh nghiệp vốn hóa lớn dự kiến sẽ mang lại luồng gió mới đi kèm hiệu ứng tích cực cho VN-Index. Trong quí 2, dự kiến TPBank, FPT Retail, Vinhomes, Techcombank, Hải Phát Invest, VEAM... sẽ lên sàn niêm yết, trong đó FPT Retail và Vinhomes đã nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE, trong khi TPBank đã được HoSE chấp thuận. Đối với ngân hàng Techcombank, tuy chưa có lộ trình cụ thể, tuy nhiên kế hoạch niêm yết đã được cổ đông thông qua trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông gần đây và ngân hàng cũng xác định năm 2018 là thời điểm phù hợp để niêm yết cổ phiếu, kỳ vọng sớm nhất có thể diễn ra vào thời điểm cuối quí 2... Đây đều là những doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn, nền tảng cơ bản vững chắc, thu hút được nhiều sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài và sẽ tạo được các hiệu ứng tích cực lên thị trường trong thời gian đầu mới lên sàn.

Tiếp đến, lộ trình triển khai sản phẩm chứng quyền có bảo đảm được kỳ vọng sẽ tạo cú huých cho thị trường cơ sở. Sản phẩm này dự kiến sẽ được triển khai vào tháng 5 tới đây với sự tham gia ban đầu của năm công ty chứng khoán với 23 mã cổ phiếu đủ tiêu chuẩn làm tài sản cơ sở. Như vậy là sau khi hợp đồng tương lai chỉ số được chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 8-2017, trong thời gian tới, nhà đầu tư có thể sẽ sớm được trải nghiệm sản phẩm mới với sự ưu việt về tính đòn bẩy, tính phòng ngừa rủi ro và sự đa dạng hóa công cụ đầu tư. Ngoài ra, chứng quyền có bảo đảm còn là công cụ giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể gián tiếp đầu tư vào nhóm cổ phiếu hiện đang bị kín room ngoại. 

Với P/E (hệ số giá/lợi nhuận của một cổ phiếu) hiện ở mức 21 lần - mức khá cao nếu so với các nước lân cận trong khu vực như Thái Lan (17,8), Pakistan (12,4), Philippines (20,8) và Indonesia (21,6), TTCK Việt Nam đang được đặt nhiều kỳ vọng trong việc tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai, trong bối cảnh các điều kiện vĩ mô đang diễn biến thuận lợi. Rủi ro lớn nhất đối với thị trường ở thời điểm hiện tại là việc tăng trưởng lợi nhuận có thể sẽ chậm lại dẫn đến không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường. Các nhịp điều chỉnh của thị trường có thể xuất hiện ở một vài thời điểm trong quí 2, tuy nhiên khả năng xuất hiện nhịp lao dốc kéo dài và diễn ra trên diện rộng sẽ khó xảy ra, trừ khi thị trường chịu tác động mạnh bởi các yếu tố bên ngoài, trong đó có thể kể đến yếu tố như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay việc Fed mạnh tay hơn trong việc nâng lãi suất. 

(Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ