120 tấn đường phơi nắng tại Quảng Nam: liệu có mọc thêm một “đỉnh cao vô cảm" thứ hai?

Nhàđầutư
Một doanh nghiệp đang điêu đứng vì 120 tấn đường mía nhập khẩu từ Lào về Việt Nam theo Hiệp định thương mại song phương Việt – Lào đang bị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà “ách lại”, phơi nắng ngoài trời gần một tháng nay.
TRƯƠNG TAM
21, Tháng 05, 2017 | 07:17

Nhàđầutư
Một doanh nghiệp đang điêu đứng vì 120 tấn đường mía nhập khẩu từ Lào về Việt Nam theo Hiệp định thương mại song phương Việt – Lào đang bị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà “ách lại”, phơi nắng ngoài trời gần một tháng nay.

Sự việc xẩy ra ngay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại doanh nghiệp 2017 và gợi nhớ tới câu chuyện 20.000 viên thuốc điều trị ung thư máu phải tiêu huỷ vì quá hạn do vướng mắc thủ tục cấp phép lưu hành mà ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gọi là "đỉnh cao vô cảm".

ANH 1

Ông Ngô Hữu Lộc đang rất lo lắng cho 120 tấn đường mía (đường vàng) được Cty Hoàng Nam Giang nhập khẩu từ Lào về hiện đang bị “giam lỏng” phơi ngoài nắng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà đã 27 ngày. 

120 tấn đường đi lòng vòng

Công ty TNHH Thương mại Hoàng Nam Giang có trụ sở tại thôn Đắc Ôốc, xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vừa có đơn kêu cứu đến Bộ Tài chính.

Theo đó, doanh nghiệp (DN) căn cứ theo Hiệp định thương mại song phương Việt – Lào ký kết ngày 3/3/2015 và Nghị định 124/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định thương mại song phương Việt – Lào thể thực hiện nhập khẩu mặt hàng đường mía.

Theo quy định về “Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ CHDCND Lào theo Hiệp định thương mại Việt-Lào” kèm Phụ lục I Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ CHDCND Lào được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất nhập khẩu ATIGA (thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN) khi nhập khẩu vào Việt Nam thì mặt hàng đường mía có xuất xứ từ Lào khi nhập khẩu về Việt Nam không nằm trong hạn ngạch thuế quan, với thuế suất nhập khẩu là 2.5%.

Do đó, ngày 31/3/2017, Cty Hoàng Nam Giang đã ký hợp đồng kinh tế mua 2.000 tấn đường mía với Cty Mitra Lao. Tổng số tiền 1 triệu USD.

Theo hợp đồng đã ký kết, ngày 15/4/2017, Cty Hoàng Nam Giang đã nhập 120 tấn đường từ tỉnh Savannakhet (Lào) vận chuyển về đến Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Tại đây, DN đã mở tờ khai hải quan với thuế suất nhập khẩu 2.5%. Ngày 17/4/2017, DN đã nộp thuế suất nhập khẩu 103,578,000 đồng, trong đó thuế nhập khẩu qua biên giới đất liền 33,960,000 đồng và 69,618,000 đồng GTGT.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo cho rằng 120 tấn đường mà Cty Hoàng Nam Giang nhập khẩu từ Lào về Việt Nam theo Hiệp định thương mại song phương Việt - Lào là mặt hàng “nằm trong hạn ngạch” phải chịu thuế suất nhập khẩu là 80%, chứ không phải mặt hàng “không nằm trong hạn ngạch” được hưởng thuế suất nhập khẩu là 2.5%.

Không chấp nhận bị áp thuế suất nhập khẩu lên đến 80% cho mặt hàng đường là 120 tấn nên ngày 21/4, Cty Hoàng Nam Giang đã liên hệ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà (đóng tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) xin mở tờ khai hải quan tại đây để nhập 120 tấn đường đang bị ách tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo về với thuế suất nhập khẩu 2.5%.

Tờ khai bổ sung hàng hóa nhập khẩu của Cty Hoàng Nam Giang số 101368983924 đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà thực hiện cho DN chuyển 120 tấn đường đang nằm tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo về để thông quan theo quy định. Nội dung của tờ khai hải quan đồng ý chuyển cửa khẩu từ Lao Bảo về Kỳ Hà thể hiện rõ: “Đề nghị DN đưa hàng về địa điểm kiểm tra tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Kỳ Hà để kiểm tra thực tế hàng hóa”.

Đến ngày 24/4, Cty Hoàng Nam Giang đã vận chuyển 120 tấn đường từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo về đến Chi cục Hải quan cửa khẩu Kỳ Hà.

Tuy nhiên, bất ngờ lúc này Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà lại cho rằng 120 tấn đường của Cty Hoàng Nam Giang nhập khẩu từ Lào về “nằm trong hạn ngạch” phải chịu thuế suất nhập khẩu là 80%. Với mức thuế suất nhập khẩu này DN phải nộp hơn 1 tỷ đồng mới được thông quan lô hàng trên.

DN chết vì “nhiều cách hiểu khác nhau”

Chính cách giải quyết “tiền hậu bất nhất” của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà đã làm cho DN gặp rất nhiều khó khăn và nguy cơ bị phía đối tác đền bù hợp đồng do chậm trễ giao hàng là khó tránh khỏi.

ANH 3

Doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì hàng hoá bị ách tắc 

Ngày 26/4/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà làm việc với Cty Hoàng Nam Giang. Tại cuộc làm việc, Hải quan cảng Kỳ Hà cho rằng, đang có nhiều cách hiểu khác nhau về chính sách thuế khi áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật, gồm: Hiệp định thương mại song phương Việt-Lào; Nghị định 124/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016; Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016; Thông tư 04/2014/TT-BCT ngày 27/1/2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

Do đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà đã báo cáo sự việc lên Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam xem xét giải quyết về trường hợp nhập khẩu mặt hàng đường từ Lào của Cty Hoàng Nam Giang.

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà còn yêu cầu Cty Hoàng Nam Giang trong khi chờ hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết của cơ quan Hải quan cấp trên thì doanh nghiệp phải khai sửa đổi bổ sung mặt hàng trên với thuế suất 80% (thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan) thì mới cho thông quan lô hàng 120 tấn đường đang phơi nắng ngoài trời.

Cty Hoàng Nam Giang không đồng ý với cách giải quyết “tiền hậu bất nhất” của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà và khẳng định DN đã áp dụng đúng theo Hiệp định thương mại song phương Việt - Lào và Nghị định 124 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Hiệp định này.

Ông Ngô Hữu Lộc – Giám đốc Cty Hoàng Nam Giang cho biết: Cty nhập 120 tấn đường từ Lào về Việt Nam qua Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo, tại đây DN đã mở tờ khai thuế suất nhập khẩu là 2.5% và đã nộp tiền thuế đầy đủ. Nhưng Hải quan cửa khẩu Lao Bảo cũng chần chừ không thông quan vì nói rằng đây là mặt hàng nằm trong hạn ngạch phải chịu thuế suất nhập khẩu 80%. Cty không đồng ý và phải chạy về Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà xin mở tờ khai để nhập 120 tấn đường và được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà chấp thuận với nội dung đề nghị DN đưa hàng về địa điểm kiểm tra tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Kỳ Hà để kiểm tra thực tế hàng hóa.

Đang lo lắng cho 120 tấn đường bị phơi giữa trời tại Cảng Kỳ Hà, ông Lộc càng bức xúc: Nếu ngay từ ban đầu khi Cty đến liên hệ làm việc với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà để mở tờ khai nhập 120 tấn đường về đây với thuế suất nhập khẩu 2.5%, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà trả lời rõ, thẳng với Cty là mặt hàng đường nhập từ Lào về phải chịu thuế suất nhập khẩu 80% thì Cty còn biết không mở tờ khai nhập khẩu và không vận chuyển 120 tấn đường từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo về đây, khỏi tốn thời gian, lâm cảnh bi đát thế này.

“Từ ban đầu, nếu Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà trả lời thẳng thì Cty đã chấp nhận chịu lỗ trả hàng lại cho đối tác phía Lào. Bây giờ, chỉ do “cách hiểu khác nhau về các văn bản” mà 120 tấn đường của Cty bị phơi ngoài nắng, ngoài mưa gần 1 tháng nay, đã có hiện tượng bốc mùi, chảy nước” – ông Lộc chản nản.

Hải quan tỉnh Quảng Nam cũng lúng túng

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Thành Khang – Quyền Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam cho biết, trong quá trình thực hiện thủ tục nhập khẩu mặt hàng đường của Cty Hoàng Nam Giang, Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam phát sinh vướng mắc về chính sách thuế đối với mặt hàng đường thô (nhóm 1701) nhập khẩu.

ANH 6

Bản gốc xuất xứ hàng hóa C/O form S về mặt hàng đường nhập khẩu từ Lào về Việt Nam của Cty Hoàng Nam Giang. 

Căn cứ quy định Nghị định 187 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài thì mặt hàng đường thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, áp dụng chế độ hạn ngạch thuế quan thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Công Thương chưa có công bố danh sách DN được cấp hạn ngạch thuế quan năm 2017. Căn cứ Thông tư 04 của Bộ Công Thương thì các mặt hàng thuộc danh mục áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu không có giấy phép của Bộ Công Thương được áp dụng mức thuế ngoài hạn ngạch thuế quan.

Tuy nhiên, ông Khang cũng thừa nhận là theo quy định tại Nghị định 124 của Chính phủ về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định thương mại song phương Việt-Lào thì mặt hàng đường được hưởng ưu đãi giảm 50% mức thuế suất nhập khẩu theo biểu thuế ưu đãi đặt biệt ATIGA (2.5%). Nghị định chưa quy định rõ mức thuế này áp dụng trong hạn ngạch hay ngoài hạn ngạch thuế quan!

Trước tình hình trên, vào các ngày 26 và 28/4, Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam đã có hai văn bản gửi lên Tổng cục Hải quan và Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính để xin ý kiến chỉ đạo về việc áp dụng thuế suất đối với mặt hàng đường nhập khẩu từ Lào về Việt Nam của Cty Hoàng Nam Giang.

Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có động tĩnh gì từ Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính nên 120 tấn đường của Cty Hoàng Nam Giang “đang bị giam lỏng” phơi ngoài nắng tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà, từ ngày 24/4 đến ngày 21/5/2017 đã 27 ngày.

Ông Ngô Hữu Lộc cho biết, Cty đã xuất trình bản gốc C/O form S để được hưởng thuế suất ưu đãi theo quy định của Hiệp định thương mại song phương Việt –Lào và Nghị định 124 của Chính phủ. “Chất lượng hàng hoá mỗi ngày một bị ảnh hưởng trong khi chúng tôi phải trả chi phí lưu bãi rất cao, chưa kể chi phí phạt hợp đồng do chậm trễ giao hàng cho đối tác” – “khổ chủ” than thở.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ