Xuất khẩu thủy sản đã có tín hiệu khởi sắc

Nhàđầutư
Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đối mặt với khó khăn khi giá xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ giảm. Bước sang tháng 3, tình hình đã có nhiều cải thiện khi doanh nghiệp đã có đơn hàng mới, thị trường đã có tín hiệu khởi sắc.
AN HÒA
28, Tháng 03, 2023 | 11:20

Nhàđầutư
Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đối mặt với khó khăn khi giá xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ giảm. Bước sang tháng 3, tình hình đã có nhiều cải thiện khi doanh nghiệp đã có đơn hàng mới, thị trường đã có tín hiệu khởi sắc.

che bien Hung Ca-An Hoa

Trong tháng 3/2023, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu có đơn hàng mới. Ảnh An Hòa

Thị trường hồi phục

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ diễn ra tại TP. Boston (Hoa Kỳ) vào 12-14/3 vừa qua, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã tìm được nhiều đơn hàng xuất khẩu mới. Điều này cho thấy xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu có tín hiệu khởi sắc.  

Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc nhận định, Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch chiếm khoảng 20%. Mỹ cũng là thị trường số 1 về nhập khẩu tôm, cá tra, cá ngừ của Việt Nam, do vậy tín hiệu thị trường này tốt lên sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu của Việt Nam.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cafatex cho biết, trong những ngày qua, doanh nghiệp đã ký được một số đơn hàng mới xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Đông, Nhật.

"Tuy nhiên, tình hình chung vẫn còn khó khăn khi Cục Dự trữ Liên ban Hoa Kỳ (FED), tăng lãi suất, lạm phát cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức mua hàng giảm, tồn kho cao, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thương nhân Hoa Kỳ giảm mạnh so với cùng kỳ, trong khi đây là thị trường rất quan trọng trong xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam.  

Ngoài ra, sản phẩm tôm tươi xuất khẩu của Việt Nam đang có giá bán cao hơn tôm của Ecudor, Ấn Độ nên rất khó cạnh tranh, những đơn hàng mà Công ty vừa ký kết hầu hết là xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng-đây là sản phẩm đang có thế mạnh của ngành tôm Việt Nam", ông Kịch cho hay.

Theo VASEP 2 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt 1,1 tỷ USD - giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, cũng theo VASEP thị trường xuất khẩu thủy sản đã có tín hiệu tốt lên khi tháng 2/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản bất ngờ tăng trở lại.

Cụ thể, nếu như trong tháng 1/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 600 triệu USD, thì trong tháng 2 đã phục hồi phục nhẹ, với kim ngạch đạt 662 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Nửa đầu tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tiếp tục có chiều hướng khởi sắc với kim ngạch đạt gần 340 triệu USD. Sự phục hồi từ thị trường Trung Quốc đã có kết quả rõ ràng. Bên cạnh đó, ngành thủy sản của Việt Nam vẫn có sự lạc quan tại các thị trường có nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2023 như khu vực châu Á, Trung Đông…

tom st

Sản lượng nguyên liệu thủy sản trong 3 tháng đầu năm không tăng nhưng giá bán giảm, gây khó khăn cho người nuôi. Ảnh An Hòa

Khó khăn vẫn còn

Theo nhận định của VASEP do lạm phát ở một số thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam: nhu cầu nhập khẩu, giá bán giảm mạnh do bị cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, chi phí đầu vào cho sản xuất của chuỗi ngành hàng lại tăng cao, đây là những khó khăn mà người thủy sản, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đang phải đối mặt.

Phân tích cụ thể hơn về bức tranh của ngành thủy sản, vị đại diện VASEP cho biết: Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy trong tháng 1/2023, giá tôm nhập khẩu nước này chỉ còn 8,5 USD/kg, giảm 10%; giá cá tra phi-lê đông lạnh còn 3,14 USD/kg, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng trong thời gian này, Mỹ nhập khẩu 3.899 tấn tôm Việt Nam, giảm 40%, trong khi nhập từ Ecuador lại tăng đến 26%. Thị phần tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ trong tháng 1 bị thu hẹp từ 8% xuống 6%.

Về thức ăn nuôi thủy sản, chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng 80% giá thành. Hiện nay, giá thức ăn thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao.

Nguyên nhân chính làm cho giá thức ăn thủy sản tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; chính sách thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chưa hợp lý.

Đơn cử như đậu tương là mặt hàng nguyên liệu chính, chiếm 80-90% giá thành thức ăn nuôi thủy sản và thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, mặt hàng này đang có giá nhập khẩu cao và không được hưởng cơ chế giảm thuế nhập khẩu như lúa mì và ngô, theo như Nghị định 101/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ.

Do vậy, ngày 15/3 vừa qua, VASEP đã gửi công văn số 24/CV-VASEP tới Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT, kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%, giúp các doanh nghiệp trong ngành mạnh dạn đầu tư sản xuất, tiếp tục củng cố vị thế của Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cafatex, hiện nay sản lượng tôm, cá nguyên liệu không tăng so với cùng kỳ nhưng giá bán giảm, nguyên nhân là do xuất khẩu vẫn còn khó khăn, doanh nghiệp giảm mua nguyên liệu.

"Nếu tình hình không sớm được cải thiện thì sẽ dẫn đến tình trạng người nuôi "treo ao" vì thua lỗ, đến khi doanh nghiệp chế biến cần huy động sản lượng nguyên liệu lớn thì sẽ không có đủ để phục vụ chế biến, xuất khẩu. Đây là bài toán khó đang đặt ra cho ngành thủy sản, để giải quyết bài toán này cần sự "hà hơi, tiếp sức" từ phía các cơ quan quản lý và sự nỗ lực của cả chuỗi ngành hàng", ông Kịch đề xuất.

Theo ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ, ngành nuôi, chế biến thủy sản xuất khẩu đang đối mặt với khó khăn khi tỷ suất lợi nhuận của chuỗi ngành hàng sụt giảm mạnh.

"Hiện nay giá cá tra nguyên liệu đã vượt qua mốc 30.000 đồng/kg. Với giá bán như vậy ở thời điểm một năm trước thì người nuôi đạt lợi nhuận 20-30%, nhưng hiện nay, bán cá với giá này thì người nuôi có lợi nhuận rất thấp, thậm chí không có lãi nếu kỹ thuật nuôi không tốt, tiêu tốn nhiều thức ăn.

Về phía doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng gặp phải khó khăn khi mua nguyên liệu giá cao nhưng bán sản phẩm với giá thấp. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do thị trường xuất khẩu bị cạnh tranh gay gắt, chi phí vật tư đầu vào tăng cao khó kiểm soát, nhất là giá thức ăn, thuốc thủy sản; cùng với đó là chi phí logistics, chi phí tài chính tăng", ông Đức phân tích.

Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu cơ bản giữ ổn định diện tích nuôi trồng 1,3 triệu ha. Ngành tiếp tục điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu.

Mục tiêu, năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,74 triệu tấn, bằng 96,7% so với năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD, giảm 1 tỷ USD sơ với năm 2022.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ