Vinasun liệu có tiếp tục bán bưởi?

Các dữ liệu tài chính cho thấy, hiệu quả kinh doanh của Vinasun trong những năm gần đây ngày càng giảm sút.
QUANG HUY
04, Tháng 05, 2017 | 10:07

Các dữ liệu tài chính cho thấy, hiệu quả kinh doanh của Vinasun trong những năm gần đây ngày càng giảm sút.

Vinasun

Chi phí nhân công của Vinasun đã tăng mạnh kể từ khi có sự xuất hiện của Grab và Uber

Biên lợi nhuận gộp của Vinasun đã giảm từ mức 15,2% trong năm 2015 xuống còn 14,3% trong năm 2016 và dự báo sẽ giảm tiếp xuống mức 12,8% trong năm 2017, Bộ phận Phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Việt nam Thịnh Vượng (VPBS) nhận định.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2016 của Vinasun (mã VNS), doanh thu thuần hợp nhất của công ty đạt 4.519,5 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm trước đó nhưng lợi nhuận sau thuế lại chỉ đạt 312,3 tỷ đồng, giảm 5,3% so với năm 2015.

Sang quý 1/2016, doanh thu thuần của công ty giảm 4% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 1.093 tỷ đồng, trong đó doanh thu dịch vụ vận tải taxi đạt 1.009 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia phân tích của VPBS, trong cơ cấu chi phí của Vinasun, chi phí nhân công chiếm tỷ trọng lớn nhất. Chi phí này đã tăng mạnh kể từ khi có sự xuất hiện của Grab và Uber tại thị trường taxi TP.HCM. Cụ thể, tỷ trọng của chi phí nhân công hiện đã tăng lên mức 56,7% từ mức 49,3% của năm 2014.

Thêm vào đó, tỷ lệ chi phí hoạt động/doanh thu cũng tăng từ mức 7,1% trong năm 2015 lên mức 7,7% vào năm 2016. Chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay dài hạn để đầu tư thay mới đội xe, cũng tăng 14,5% so với năm 2015 và đứng ở mức 81,3 tỷ đồng vào cuối năm ngoái.

Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Vinasun đã tăng từ mức 62,4% lên mức 75,3% trong năm 2016. 

Tất cả những yếu tố trên đã làm chi phí giá vốn của Vinasun trong năm 2016 tăng 7,4% so với năm 2015, dẫn tới kết quả kinh doanh kém khả quan của hãng taxi hiện đang thống lĩnh thị trường vận tải taxi ở khu vực TP.HCM này.

Tính tới thời điểm 31/12/2016, tiền và các khoản tương đương tiền của Vinasun giảm khoảng 38,4% theo năm, xuống còn 164,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do Vinasun đẩy mạnh việc đầu tư thay mới đội xe và phát triển đội xe V-car, khiến cho dòng tiền chi mua sắm tài sản cố định trong năm 2016 tăng gần 36% so với năm trước đó, lên mức 1.073,7 tỷ đồng.

Do tăng vay nợ để đầu tư nên tổng dư nợ của Vinasun tính tới cuối năm 2016 tăng khoảng 30,7% so với năm 2015, lên mức 1.171,6 tỷ đồng. Do đó tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của công ty đã tăng từ mức 62,4% lên mức 75,3% trong năm 2016.

Trong năm 2017, VPBS dự báo doanh thu thuần hợp nhất của Vinasun đạt xấp xỉ 4.650 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ vận chuyển hành khách đóng góp 4.483,6 tỷ đồng, tăng 3% theo năm.

Mức tăng khiêm tốn này được VPBS giải thích là do hai đối thủ chính của Vinasun là Grab và Uber vẫn tiếp tục phát triển mà chưa có sự kiểm soát hiệu quả của chính quyền TP.HCM. Theo số liệu từ Sở GTVT TP.HCM, kể từ khi thực hiện thí điểm cơ chế xe hợp đồng điện tử, chỉ riêng tại thành phố này số lượng đầu xe Uber và Grab đã tăng hơn 22.000 chiếc.

Được biết, hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã tạm thời dừng cấp mới số lượng xe hợp đồng điện tử theo phương án thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa.  

VPBS cũng nhận định, giá cước dịch vụ xe taxi của Vinasun vẫn khá cao, cao hơn khoảng 15-20% so với giá cước của Uber và Grab trên cùng một quãng đường vận chuyển. Thêm vào đó, hiệu quả kinh doanh của dịch vụ cao cấp V-Car vẫn chưa kiểm chứng được, trong khi giá cước lại cao hơn giá taxi truyền thống (mức giá cao nhất của dịch vụ V-Car có thể lên đến 30.000 đồng/km cho xe Lexus).

Đáng chú ý là Uber và Grab cũng đang đa dạng hóa loại hình dịch vụ của mình bằng cách tấn công sang phân khúc khách hàng doanh nghiệp vốn là thế mạnh của Vinasun. Bên cạnh đó, Grab cũng đang liên kết với các hãng xe taxi truyền thống khác như Mai Linh, Đầm Sen Waterpark Taxi thông qua ứng dụng của mình để mở rộng mạng lưới và đội xe.

Các chuyên gia phân tích của VPBS nhận định rằng, chi phí nhân công và chi phí nhiên liệu là nhân tố chính trong cơ cấu chi phí của Vinasun. Do vậy, nhà đầu tư nên chú ý vào hai loại rủi ro chủ yếu khi đầu tư vào cổ phiếu VNS của Vinasun, đó là rủi ro về biến động của giá dầu thô và rủi ro về cạnh tranh.

Hiện chi phí nhiên liệu chiếm trên 20% trong cơ cấu chi phí của Vinasun (năm 2016 tỷ lệ này là 24,1%). Với việc Việt Nam vẫn phải nhập khẩu xăng dầu thế giới (khoảng 70% nhu cầu trong nước), giá dầu thô thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp giá xăng trong nước, từ đó ảnh hưởng tới chi phí nhiên liệu của Vinasun.

Về rủi ro cạnh tranh, VPBS cho rằng, hiện tại Uber và Grab là hai đối thủ cạnh tranh rất lớn của Vinasun nhưng tại thời điểm hiện tại, chính sách quản lý đội xe hợp đồng điện tử cũng như khung mức thuế hợp lý áp dụng cho đối tượng này đang được Chính phủ xây dựng nên cả Uber và Grab vẫn đang được hưởng lợi hơn nhiều so với Vinasun và các hãng taxi truyền thống khác.

Với sự ép nói trên từ Uber và Grab, có lẽ các tài xế của Vinasun sẽ vẫn phải tiếp tục bán bưởi nhằm tìm kiếm thêm thu nhập./.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ