Vàng trong nước lại đắt hơn thế giới 8 triệu đồng/lượng

Đà giảm sâu của giá vàng thế giới tuần này khiến chênh lệch so với giá trong nước bị nới rộng lên trên 8 triệu/lượng, tương đương mức đầu tháng 8 và là vùng cao nhất kể từ đầu năm.
QUANG THẮNG
11, Tháng 09, 2021 | 16:00

Đà giảm sâu của giá vàng thế giới tuần này khiến chênh lệch so với giá trong nước bị nới rộng lên trên 8 triệu/lượng, tương đương mức đầu tháng 8 và là vùng cao nhất kể từ đầu năm.

Thị trường vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch giữa tháng 9 với phiên giảm hơn 7 USD đêm qua (theo giờ Việt Nam), đà giảm phiên gần nhất cũng kéo dài chuỗi phiên giảm giá của kim loại quý suốt một tuần qua.

Cụ thể, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới hiện cố định ở mức 1.786,8 USD/ounce, giảm 7,4 USD so với phiên liền trước và thấp hơn 40,8 USD so với cuối tuần trước. Biến động này tương đương mức giảm ròng 2,2% của kim loại quý tuần này.

Tương tự, giá vàng tương lai giao tháng 12 sau tuần tăng vọt trước đó, đến tuần này cũng chịu xu hướng bán tháo của các nhà đầu tư và giảm xuống dưới vùng 1.800 USD.

NDT - vang

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện ở mức hơn 8 triệu đồng/lượng. Ảnh: Chí Hùng.

Vì sao vàng thế giới suy yếu?

Tuần này, giá vàng giao ngay khởi đầu với phiên giảm mạnh khi lao dốc một mạch từ mức 1.827,6 USD/ounce cuối tuần trước xuống đóng cửa ở 1.797,6 USD vào cuối ngày thứ 2.

Trong những phiên sau đó, giá vàng chủ yếu giữ xu hướng giảm và đi ngang rồi kết tuần ở mức 1.786,8 USD hiện tại. Đây cũng là vùng thấp nhất mà kim loại quý được giao dịch trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Theo ông Gary Wagner, chuyên gia phân tích giá vàng của Kitco, có 3 nguyên nhân chính gây áp lực giảm với giá vàng tuần này, bao gồm lãi suất trái phiếu Mỹ, sức mạnh đồng USD và tín hiệu từ Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Cụ thể, trong 3 ngày giao dịch gần nhất, chỉ số USD-Index đo sức mạnh đồng bạc xanh đã ghi nhận xu hướng tăng trở lại. Dù chưa trở lại mức đỉnh vào giữa tháng 8 nhưng chỉ số này hiện đã cố định ở mức 92,64 điểm, cao hơn 0,6% so với cuối tuần trước.

ndt - gia vang tuan nay

Diễn biến giá vàng thế giới tuần này. Nguồn: Tradingview.

Như vậy, việc đồng USD tăng giá đã tác động giảm khoảng 11 USD vào giá vàng tuần này, gần 30 USD giảm còn lại đến từ việc các nhà đầu tư đặt giá mua - bán thấp hơn.

Xu hướng bán tháo của các nhà đầu tư có nguyên nhân từ lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Hiện cố định ở mức 1,341% với trái phiếu kỳ hạn 10 năm, tăng 0,041% trong ngày.

Cuối cùng, tác động lớn nhất khiến giá vàng giảm tuần này là thông tin liên quan cuộc họp sắp tới của Ủy ban Thị Trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan thuộc FED - dự kiến diễn ra ngày 21/9. Trong đó, tại cuộc họp này, FED dự kiến bàn luận về việc giảm mua trái phiếu trong tháng 11.

Chính 3 yếu tố kể trên là nguyên nhân dẫn tới tuần giảm gần 41 USD của vàng thế giới, trong khi hầu hết chuyên gia và nhà đầu tư trước đó đều kỳ vọng vào tuần tăng giá trở lại vùng 1.850 USD của vàng.

Vàng trong nước giữ giá

Cùng chịu xu hướng giảm tuần này, tuy nhiên mức giảm của vàng trong nước lại thấp hơn nhiều so với thế giới.

Cụ thể, giá vàng miếng trong nước khởi đầu tuần này với phiên giao dịch không nhiều biến động so với cuối tuần trước khi Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 56,75 - 57,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Dù chịu xu hướng giảm trong hầu hết phiên giao dịch tuần này nhưng đến hôm nay (11/9), giá vàng miếng tại SJC chỉ giảm 150.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước, hiện mua vào ở mức 56,6 triệu/lượng và bán ra ở 57,3 triệu/lượng.

DIEN_BIEN_GIA_VANG_GAN_DAY

 

Như vậy, giá vàng miếng SJC tuần này chỉ giảm khoảng 0,26%, chỉ tương đương 1/9 mức giảm của vàng thế giới.

Tại Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), do thanh khoản vàng miếng gần như bằng 0, giá vàng tại đây vẫn cố định ở mức 56,8 - 57,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) trong hầu hết tuần này.

Tuy nhiên, so với một tháng trước, giá vàng miếng tại PNJ vẫn tăng hơn nửa triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn do PNJ chế tác vẫn có thanh khoản giao dịch qua kênh online nên cũng chịu xu hướng giảm tuần này, hiện được mua vào ở mức 50,6 triệu/lượng và bán ra ở 52,7 triệu, thấp hơn 400.000 đồng so với cuối tuần trước.

Tương tự, giá vàng miếng tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện cũng cố định ở mức 56,6 - 57,75 triệu đồng/lượng, không thay đổi trong tuần này do thanh khoản thấp. Trong khi giá vàng nhẫn do doanh nghiệp chế tác chịu xu hướng giảm nhẹ.

Việc giá vàng miếng trong nước giảm thấp hơn nhiều so với thế giới đã khiến chênh lệch giữa 2 thị trường bị nới rộng lên hơn 8 triệu đồng/lượng, tùy doanh nghiệp so sánh.

Trong đó, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện vào khoảng 49,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn 8 triệu so với giá bán ra của SJC và 8,45 triệu nếu so với DOJI. Đây là mức chênh lệch tương đương đầu tháng 8 và là vùng chênh lệch cao nhất kể từ đầu năm.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc người mua vàng trong nước thời điểm này đang phải trả mức giá đắt hơn 16% để sở hữu cùng một lượng vàng như thế giới.

(Theo Zing)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ