Vận tải qua biển Đỏ gặp khó, doanh nghiệp Việt ứng phó ra sao?

Nhàđầutư
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang tìm cách ứng phó tạm thời, cầm cự trước "cơn bão" giá cước vận tải biển tăng cao thời gian qua.
ĐĂNG KIỆT - TRỌNG HIẾU - QUANG TUYỀN
22, Tháng 01, 2024 | 10:21

Nhàđầutư
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang tìm cách ứng phó tạm thời, cầm cự trước "cơn bão" giá cước vận tải biển tăng cao thời gian qua.

Cước phí vận tải tăng cao

Thời gian gần đây, dư luận trong nước và quốc tế đang xôn xao bởi những nguy cơ kéo theo khi căng thẳng Biển Đỏ kéo dài. Trong đó, đáng chú ý là giá cước vận tải biển neo cao.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 18 công ty vận tải biển quốc tế đã phải thay đổi tuyến đường của mình, bao gồm một số tập đoàn lớn như Maersk, MSC và COSCO của Trung Quốc. Số lượng container được vận chuyển quả Biển Đỏ trong thời điểm này cũng đã giảm 65% so với ước lượng trước đó.

Trả lời Nhadautu.vn về tình hình giá cước vận tải biển tăng cao suốt thời gian qua, ông N.Q.T, chuyên viên xuất nhập khẩu của một công ty logistics trên địa bàn TP.HCM cho biết, ảnh hưởng của căng thẳng biển đỏ gây áp lực lớn lên ngành logistics.

Tau cho hang

Căng thẳng biển Đỏ làm cước vận tải biển tăng cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh: Getty Images

"Hiểu một cách đơn giản, hàng hoá xuất đi châu Âu, châu Mỹ đều qua kênh đào Suez, lộ trình vận tải đường biển mất tầm 40 ngày. Hiện tại, khu vực này đang căng thẳng nên việc di chuyển sẽ phải đi đường vòng, mất khoảng 60 ngày cho một chiều. Thời gian tăng lên gấp rưỡi, khiến chi phí đội lên cao, ước tính khoảng 1.000 - 3.000 USD cho mỗi container hàng hoá", vị này cho biết.

Theo vị này, lịch trình giao hàng kéo dài sẽ khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu chịu thiệt hại, gây xáo trộn, thậm chí ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hoá đến các khu vực khác trên thế giới như châu Á, châu Phi.

Các ngành hàng xuất khẩu chính vào EU và Hoa Kỳ như dệt may, da giày, đồ gỗ, đồ điện tử của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Tuy nhiên, hiện tại nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đang làm theo hình thức FOB (Free on Board - PV) nên ảnh hưởng chưa quá lớn.

"Hiện tại, nhu cầu vận chuyển hàng hoá thiết yếu là chính và giải quyết những đơn hàng tồn trước đó. Đơn hàng mới vẫn có, các doanh nghiệp nào có đơn thì hàng vẫn đi đều thôi, không ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng về lâu dài, khoảng quý II trở đi, nếu tình trạng không được giải quyết thì nguy cơ đứt gãy đơn hàng là có, khi cước phí tăng cao, các thị trường lớn buộc phải tính toán đến bài toán giá cả. Riêng ngành logistics, không ảnh hưởng quá nhiều", ông T. nói.

Doanh nghiệp tìm cách ứng phó

Tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá đang tìm cách thích ứng với những diễn biến mới liên quan giá cước vận tải hàng hoá.

Trả lời Nhadautu.vn, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T - doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây, cho biết, giải pháp tình thế được đưa ra là đàm phán với khách hàng vận chuyển bằng đường hàng không cước phí cao hoặc xin dời ngày giao hàng.

"Nói chung, đây chỉ là giải pháp tức thời để đối phó với sự cố xảy ra bất ngờ, làm đảo lộn kế hoạch. Việc thời gian vận chuyển tăng từ 28 ngày lên 45 ngày nằm ngoài tính toán của chúng tôi. Vì vậy, với một số lô hàng, chúng tôi bắt buộc phải vận chuyển một phần qua đường hàng không để đảm bảo kịp đơn hàng. Ngoài ra, thời gian vận chuyển tăng cũng khiến cho việc bảo quản không được đảm bảo. Ví dụ các loại trái cây như nhãn, thanh long, xoài tượng da xanh là những sản phẩm sử dụng công nghệ bảo quản dưới 45 ngày, nếu muốn đảm bảo chất lượng khi đến tay khách hàng thì buộc phải vận chuyển qua đường hàng không", ông Tùng nhận định.

Về phương án vận chuyển qua đường sắt, ông Tùng cho biết, sẽ cân nhắc thêm vì có thể sẽ tiết kiệm hơn so với vận chuyển đường hàng không.

"Do sự cố bất chợt nên chúng tôi chưa kịp chuẩn bị, tìm hiểu tất cả các phương án khác nhau. Đến thời điểm hiện tại, sự cố này cũng chưa tác động quá nhiều đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi, chủ yếu chỉ ảnh hưởng các đơn hàng sang bờ đông của Mỹ, chiếm khoảng 10% tổng số đơn hàng. Tuy nhiên, nếu sự cố còn tiếp diễn hoặc gặp phải một sự cố tương tự, chắc chắn chúng tôi phải nghiên cứu để tìm ra các phương án tối ưu hơn", ông Tùng nói thêm.

Còn ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta nhận định, trong bối cảnh này gần như các doanh nghiệp chưa có biện pháp ứng phó kịp thời, vẫn còn khá bất ngờ và thụ động.

"Tuy nhiên, may mắn là giai đoạn này không phải giai đoạn doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam có nhiều đơn hàng sang châu Âu hay Mỹ. Để giảm áp lực, chúng tôi coi khó khăn là "bạn đồng hành", đồng thời luôn thu thập thông tin, đánh giá tình hình, chuẩn bị giải pháp ứng xử kịp thời để giảm thiểu rủi ro, khó khăn từng bước", ông Lực nói.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, về tác động ngay đến các doanh nghiệp trong ngành chưa có, bởi các doanh nghiệp dệt may, cũng như các doanh nghiệp da giày, phần lớn làm hàng FOB. Các doanh nghiệp đang theo dõi tình hình để có thỏa thuận đơn hàng mới cho các quý tiếp theo, nhưng nếu tình trạng kéo dài sau quý I, ảnh hưởng đến đơn hàng là có.

Mới đây, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng hải bảo đảm hệ thống cảng biển thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời nghiên cứu, triển khai ngay các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết đã giao các cảng vụ hàng hải Hải Phòng, TP.HCM, Vũng Tàu phối hợp với các chi cục hàng hải làm việc với các hãng tàu có tuyến dịch vụ đi châu Âu, châu Mỹ.

Mục đích làm việc để đánh giá biến động tăng giá vận chuyển, tình hình vận tải, khả năng cung cấp nguồn cung tàu ra thị trường; đồng thời thực hiện kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá dịch vụ vận chuyển và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container theo đúng quy định.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ