Thường vụ Quốc hội yêu cầu đánh giá kỹ việc luật hoá Nghị quyết 42

Nhàđầutư
Góp ý dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần đánh giá kỹ về tính khả thi, phù hợp, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khi luật hoá Nghị quyết 42.
ĐÌNH VŨ
09, Tháng 05, 2023 | 18:02

Nhàđầutư
Góp ý dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần đánh giá kỹ về tính khả thi, phù hợp, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khi luật hoá Nghị quyết 42.

luat-cac-tctd-sua-doi

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các TCTD (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Chiều 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Các TCTD (sửa đổi), đánh giá về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu (Chương XI), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Chương XI của dự thảo Luật nhằm luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 trên cơ sở phát huy những kết quả tích cực về xử lý nợ xấu đã đạt được trong thời gian thí điểm của Nghị quyết và phù hợp với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 63/2022/QH15, tạo cơ sở pháp lý nhằm xử lý nhanh nợ xấu, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 42 là nghị quyết thí điểm được ban hành trong bối cảnh nợ xấu của các TCTD cao, phức tạp, vì vậy, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42 cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay đã được hoàn thiện rõ ràng, đầy đủ hơn. Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hoá quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế.

Một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật kế thừa một số quy định tại Nghị quyết số 42 như mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; thủ tục thu giữ TSBĐ; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ... nhưng quá trình triển khai Nghị quyết số 42 còn gặp nhiều vướng mắc và hiệu quả chưa cao, đề nghị cần rà soát bảo đảm việc luật hóa Nghị quyết số 42 có tính khả thi, phù hợp, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Về "nợ xấu", Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, dự thảo luật không còn giới hạn thời điểm xác định nợ xấu như tại Nghị quyết số 42 nên cần phải được rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là đối với các khoản nợ xấu được hạch toán trong bảng cân đối kế toán của TCTD nhưng chưa đến mức độ khó thu hồi hoặc cần phải xử lý TSBĐ. Theo Uỷ ban Kinh tế, việc tạo cơ chế ưu tiên xử lý các khoản nợ xấu cho ngân hàng trong trường hợp này có thể phải huy động nguồn lực lớn chưa cần thiết cũng như khiến cho TCTD có thể chủ quan, không ý thức những rủi ro nợ xấu từ chính hành vi vi phạm của TCTD. Do vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, phân loại nợ xấu phù hợp.

Cần có hướng dẫn thêm về định giá các khoản nợ xấu

Báo cáo thẩm tra của Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định về "giá bán phù hợp với giá thị trường" là khó triển khai trong thực tiễn do hiện nay chưa có thị trường mua bán nợ tập trung để xác định giá thị trường của khoản nợ xấu, cần phải có hướng dẫn thêm về việc định giá các khoản nợ xấu.

Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật đã mở rộng khái niệm tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu so với Nghị quyết số 42 (bổ sung thêm Công ty TNHH mua, bán nợ Việt Nam – DATC), do vậy cần tiếp tục rà soát quy định về mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, bảo đảm tính hiệu quả và phù hợp với chức năng của các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Thu giữ tài sản bảo đảm bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và các luật có liên quan

Về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm (Điều 184), Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện có 02 loại ý kiến:

Một là nhất trí với dự thảo Luật, việc quy định thủ tục thu giữ TSBĐ là cần thiết để xử lý được khó khăn, vướng mắc của TCTD trong quá trình xử lý TSBĐ. Việc thúc đẩy quá trình xử lý TSBĐ để thu hồi nợ có tác động tích cực cho nền kinh tế và bảo đảm quyền lợi khách hàng của TCTD, bao gồm cả người gửi tiền. 

Hai là cần thực hiện việc giao TSBĐ theo trình tự, thủ tục thông thường theo quy định của pháp luật (Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ…); không quy định các cơ chế, quy trình đặc thù áp dụng riêng, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng của chính sách pháp luật và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định về quyền thu giữ TSBĐ tại dự thảo Luật cần được làm rõ bản chất, mục tiêu, điều kiện và phạm vi thực hiện quyền thu giữ TSBĐ và vai trò của cơ quan nhà nước tham gia trong việc thu giữ TSBĐ, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và các luật có liên quan.

Về mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát toàn diện chủ thể tại khoản 1, khoản 2 Điều 185 của dự thảo Luật, nhất là chủ thể có yếu tố nước ngoài không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Đất đai, luật khác có liên quan.

Về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án, Thường vụ Quốc hội cho biêt, theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì cơ quan thi hành án dân sự vẫn được quyền kê biên TSBĐ của người phải thi hành án đang bảo đảm tại các TCTD (khoản nợ xấu) để thi hành nghĩa vụ dân sự khác nếu kết quả xác minh TSBĐ có giá trị lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

Tuy nhiên, theo quy định của Điều 186 dự thảo Luật, cơ quan thi hành án dân sự không được kê biên các TSBĐ của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ nợ tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trừ một số trường hợp quy định tại dự thảo Luật. Do vậy, đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo Luật đối với các trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã và đang xử lý TSBĐ.

Ưu tiên thanh toán cho TCTD trước nghĩa vụ án phí

Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 187), nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng việc quy định ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu như tại dự thảo Luật là phù hợp và đã có điều chỉnh so với nội dung của Nghị quyết 42. Theo dự thảo Luật số tiền thu hồi từ việc xử lý TSBĐ sau khi trừ đi chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ được thực hiện theo thứ tự: 1. Các khoản án phí trực tiếp liên quan đến việc xử lý TSBĐ đó, thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính TSBĐ đó gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ; 2. Thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD; 3. Các nghĩa vụ án phí, thuế khác; 4. Nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm.

Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định này sẽ góp phần tạo động lực cho các TCTD thúc đẩy quá trình xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.

Ngoài ra, về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính, Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ quy định về việc “xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án” nêu tại khoản 1 Điều 188 do quy định này còn định tính, trong thực tiễn triển khai Nghị quyết số 42 cũng đã gặp khó khăn, vướng mắc và chưa có hướng dẫn cụ thể.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ