Thuế giá trị gia tăng phân bón ở mức 5% có hợp lý?

Nhàđầutư
Xét đề nghị của Bộ Tài chính, trên cơ sở kết quả biểu quyết của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết nghị thông qua hồ sơ trình Quốc hội về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón.
PHƯƠNG LINH
01, Tháng 11, 2020 | 07:50

Nhàđầutư
Xét đề nghị của Bộ Tài chính, trên cơ sở kết quả biểu quyết của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết nghị thông qua hồ sơ trình Quốc hội về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón.

Đề xuất sửa Luật thuế 71 được ủng hộ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết số 159/NQ-CP về việc thông qua Dự án Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón.

Theo đó, xét đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 192/Ttr-BTC ngày 22/10/2020, trên cơ sở kết quả biểu quyết của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết nghị thông qua hồ sơ trình Quốc hội về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón theo đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình số 192. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo.

Trước đó, theo tờ trình số 182/TTr-BTC của Bộ Tài chính, thì trước ngày 1/1/2015, phân bón thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với thuế suất 5%. Để góp phần hỗ trợ tối đa cho nông dân và để giảm giá bán phân bón (phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu đều không có thuế GTGT trong giá bán), Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Với quy định này, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định). Số thuế GTGT đầu vào này được tính vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

San pham Dam Phu My cua PVFCCo (2)

Việc Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế giá trị giá tăng phân bón là 5% nhận được sự đồng thuận của các Bộ, ngành, Hiệp hội liên quan

Phúc đáp văn bản số 12375/BTC-CST ngày 8/10/2020 của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến vào đề nghị xây dựng Nghị quyết về chính sách thuế GTGT, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với các nội dung đề xuất sửa đổi quy định về thuế GTGT theo hướng 5% đối với phân bón tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế GTGT.

Cùng với Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân Việt Nam ngày 13/10 có công văn số 2187 - CV/HNDTW gửi Bộ Tài chính về ý kiến đề nghị xây dựng Nghị quyết về chính sách thuế GTGT với mặt hàng phân bón.

Theo đó, Hội Nông dân Việt Nam nhất trí với nội dung Tờ trình về Dự án Nghị quyết về chính sách thuế GTGT 5% để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón Bộ Tài chính gửi Chính phủ và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế GTGT trong tình hình hiện nay.

Bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% được thông qua giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giảm bớt khó khăn cho các đơn vị trong ngành sản xuất phân bón trong nước.

Tuy nhiên, theo bà Thơm, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần tăng cường quản trị, rà soát tiết giảm chi phí để giảm giá thành, hạ giá bán sản phẩm, chia sẻ lợi ích với người nông dân trên cơ sở các bên cùng có lợi, qua đó, tiếp tục góp phần bình ổn thị trường phân bón nội địa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, giảm lượng phân bón nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường trong nước.

Về phía Bộ Tư pháp, ngày 22/10/2020, Bộ này đã có báo cáo thẩm định số 221/BCTĐ-BTP về dự thảo Nghị quyết.

Bộ Tư pháp về cơ bản đồng tình với dự thảo Nghị quyết Bộ Tài chính xây dựng, cụ thể: Bộ Tư pháp nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo Nghị quyết, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản.

Bộ Tư pháp cũng nhất trí với với nội dung đề xuất chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng áp dụng mức thuế suất 5% để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước.

Về hình thức văn bản, Bộ Tư pháp có ý kiến, do mặt hàng phân bón đã được quy định tại Luật Thuế GTGT nên khi thay đổi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng này cần cân nhắc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT và đề nghị Bộ Tài chính giải trình rõ về việc ban hành dưới hình thức Nghị quyết.

Thuế giá trị gia tăng 5% không làm giá phân bón tăng

Theo báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất GTGT 5% sẽ có nhiều tác động tích cực và toàn diện với nhiều đối tượng, trả lại sự công bằng cho sản xuất phân bón trong nước và giá phân bón sẽ giảm. Bà con nông dân cả nước được hưởng lợi trong dài hạn khi giá cả phân bón ổn định, có nhiều loại phân bón thế hệ mới tốt hơn.

Cụ thể, đối với ngân sách Nhà nước, theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan tổng kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT năm 2019 là khoảng 23.400 tỷ đồng, nếu tính thuế GTGT thuế suất 5% khâu nhập khẩu số thu ngân sách Nhà nước về thuế GTGT phải nộp khâu nhập khẩu sẽ tăng là 1.170 tỷ đồng.

Theo phân tích của các chuyên gia tài chính thuộc Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc thay đổi thuế GTGT từ không chịu thuế sang mức thuế 5% chủ yếu là câu chuyện liên quan tới hạch toán chi phí và giá thành sản phẩm.

Đối với khâu sản xuất trong nước, theo số liệu tính toán sơ bộ của cơ quan thuế và báo cáo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất phân bón không được khấu trừ và phải tính vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong giai đoạn 2016 - 2019 trung bình mỗi năm khoảng 1.200 tỷ đồng.

Nếu Quốc hội ban hành Nghị quyết áp dụng thuế suất GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón, thuế GTGT đầu vào doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ tương ứng với số thuế GTGT đầu ra phải nộp khoảng 950 tỷ đồng, số thuế được khấu trừ này doanh nghiệp không phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh nên phân bón trong nước giảm được giá thành sản xuất tương đương với 5% trên giá bán.

Từ đó, giá phân bón sản xuất trong nước có thêm điều kiện giảm giá thành để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, từ đó có thêm cơ hội để hạ giá bán phân bón so với phân bón nhập khẩu theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, việc áp 5% thuế là phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Luật thuế GTGT. Theo đó, Luật thuế GTGT đang có 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Mức thuế 0% áp dụng với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế.

Trong đó, mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và hàng hóa, dịch vụ là đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ thông thường khác.

Đa số tại các quốc gia trên thế giới, phân bón đều thuộc diện chịu thuế GTGT, cá biệt có khu vực thuế suất GTGT cho phân bón lên đến 20%.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24900.00 24980.00 25300.00
EUR 26270.00 26376.00 27549.00
GBP 30688.00 30873.00 31825.00
HKD 3146.00 3159.00 3261.00
CHF 27021.00 27130.00 27964.00
JPY 159.49 160.13 167.45
AUD 15993.00 16057.00 16546.00
SGD 18139.00 18212.00 18746.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 17952.00 18024.00 18549.00
NZD   14681.00 15172.00
KRW   17.42 18.97
DKK   3528.00 3656.00
SEK   2270.00 2357.00
NOK   2259.00 2348.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ