Ồ ạt cho vay, nhiều ngân hàng sắp đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng sau nửa năm

Thông thường dòng chảy của tín dụng thường dồn vào những tháng cuối năm, nhưng ngay trong nửa đầu năm 2017 nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng tới 2 con số, thậm chí sắp vượt chỉ tiêu của cả năm.
CẨM TÚ
08, Tháng 08, 2017 | 09:58

Thông thường dòng chảy của tín dụng thường dồn vào những tháng cuối năm, nhưng ngay trong nửa đầu năm 2017 nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng tới 2 con số, thậm chí sắp vượt chỉ tiêu của cả năm.

HDBank

 Chỉ sau nửa đầu năm nay tăng trưởng tín dụng của HDBank đã đạt mức 18%

Năm 2017 có lẽ là một trong những năm “bất thường” trong nhiều năm gần đây khi tín dụng được rải đều và tăng trưởng mạnh ngay từ đầu năm. Tính đến cuối quý II, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã đạt 9,06% và là mức cao nhất trong 6 năm gần đây. Trong khi những năm trước đây, nửa đầu năm thường chỉ hoàn thành từ 30 – 40% kế hoạch thì trong 6 tháng đầu năm 2017, hệ thống ngân hàng đã đi được quá nửa chặng đường.

Kết quả này cũng tương đồng với tình hình hoạt động của nhiều ngân hàng sau 6 tháng đầu năm. Theo thống kê của NDH, 11/15 ngân hàng đã công bố số liệu bảng cân đối kế toán trong nửa đầu năm có mức tăng trưởng tín dụng từ 10% trở lên và một phần ba trong số đó tăng trưởng trên 15%. Trong khi hầu hết những ngân hàng này đều đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ từ 16 – 20%.

Đứng đầu trong danh sách này là HDBank. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, ban lãnh đạo ngân hàng này đề xuất kế hoạch hoạt động trong năm nay với tăng trưởng tín dụng chỉ ở ngưỡng 20%. Tuy nhiên chỉ sau nửa đầu năm chỉ số này của HDBank đã đạt gần 18%, tương đương 90% kế hoạch.

Động lực thúc đẩy cho tăng trưởng của ngân hàng này chủ yếu đến từ việc đẩy mạnh các khoản tín dụng ngắn hạn. Tính đến cuối tháng 6, dư nợ ngắn hạn của HDBank đạt hơn 50.000 tỷ đồng, chiếm 51,6% tổng dư nợ và tăng 47% so với cuối năm 2016. Ở chiều ngược lại, dư nợ trung hạn của ngân hàng giảm gần 10%, còn dư nợ dài hạn chỉ tăng 8,2%.

Điều này cũng không phải không có căn cứ khi trên thị trường tài chính tiêu dùng, HD Saison – công ty con của HDBank là một trong những đơn vị giữ thị phần chính, cạnh tranh cùng FE Credit và Home Credit. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng từ đầu năm của ngân hàng này cũng đặt mục tiêu cho HD Saison tăng trưởng 20% còn bản thân HDBank ngân hàng mẹ chỉ tăng trưởng tín dụng 16%.

Điều đặc biệt là tín dụng của HDBank chỉ mới tăng mạnh trong 3 tháng trước khi công bố BCTC bán niên, bởi theo báo cáo trước đó của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, ngân hàng này không hề có mặt trong top 5 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong quý I/2017.

Cùng thuộc nhóm có quy mô trên 100.000 tỷ đồng như HDBank, VIB cũng lọt top 3 về tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nửa đầu năm với hơn 15%. Tuy nhiên, khác với HDBank, tín dụng của VIB lại chủ yếu nằm ở phân khúc dài hạn với tăng trưởng 37%, trong khi tín dụng ngắn hạn của ngân hàng này thậm chí còn giảm hơn 4% so với đầu năm.

Trong cơ cấu tín dụng của VIB, đáng chú ý là dù mở rộng dư nợ dài hạn, nhóm khách hàng tăng trưởng chính trong nửa đầu năm 2017 lại chủ yếu là nhóm khách hàng cá nhân – tăng 31,6% so với cuối năm 2016.

Ở nhóm ngân hàng có tổng tài sản lớn từ 200.000 tỷ – 300.000 tỷ đồng, MBB, VPBank, ACB hay SHB đều là những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 10%.

MBB đã gần hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2017 khi đạt 15% so với mục tiêu đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên là 16%. Tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng của ngân hàng này đạt gần 170.400 tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng của MBB chủ yếu là do tín dụng ngắn hạn (tăng hơn 19%), trong đó phân khúc khách hàng chia đều cho 2 nhóm chính là cho vay hộ kinh doanh, cá nhân và nhóm các công ty cổ phần ngoài nhà nước – dư nợ mỗi nhóm tăng thêm khoảng 7.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Mặc dù thuộc nhóm ngân hàng có quy mô thấp nhất hệ thống, Kiên Long Bank cũng lọt danh sách ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 16%. Là một trong những ngân hàng đi lên từ ngân hàng nông thôn nhưng Kiên Long vẫn hoạt động khá ổn định với thị trường hẹp tại các tỉnh Tây Nam Bộ. Đến cuối tháng 6, tổng tài sản của ngân hàng này mới chỉ đạt hơn 34.500 tỷ đồng.

NDH 3

 

Sẽ không công bằng nếu so sánh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng giữa những ngân hàng có quy mô tổng tài sản từ 800.000 đến hơn 1 triệu tỷ đồng với những ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, nhưng thực tế cả VietinBank, BIDV và Vietcombank – 3 trụ cột của nhóm ngân hàng cổ phần đều góp mặt trong danh sách tăng trưởng tín dụng “tiêu biểu” trong nửa đầu năm.

Đáng nói đến nhất là Vietcombank, ngân hàng này từng đưa ra một viễn cảnh không mấy tích cực khi nhận định tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2017 sẽ thấp hơn chỉ tiêu NHNN giao cho – chỉ đạt từ 14 - 15%. Nhưng thực tế, tín dụng Vietcombank đã tăng trưởng 13% sau nửa đầu năm.

Cho vay khách hàng của Vietcombank đến cuối tháng 6 đạt hơn 513.500 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng chia đều cho phân khúc ngắn hạn (tăng 15,5%) và cho vay dài hạn (tăng 13,7%).

Thuộc nhóm “chiếu dưới”, NCB, Eximbank và Maritime Bank chỉ đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 3-9%.

Còn Techcombank không những không tăng trưởng mà dư nợ của ngân hàng này còn giảm 8% so với đầu năm. Trong đó, giảm mạnh nhất tại phân khúc dư nợ trung hạn, khoản mục này giảm gần 10.000 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương gần 16%. Dư nợ ngắn hạn giảm nhẹ từ 35.884 tỷ xuống 32.455 tỷ, trong khi dư nợ dài hạn vẫn tăng hơn 2.500 tỷ đồng.

Nhịp độ còn được giữ vững vào cuối năm?

Dù đã tăng khá mạnh và đột biến trong nửa đầu năm, nhưng vẫn còn những yếu tố giúp dư địa tăng trưởng tín dụng tiếp tục đi lên.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017, Thủ tướng đã đưa ra mục tiêu mới cho NHNN với yêu cầu nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trong năm nay.

Việc nâng mục tiêu này có thể giúp dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế tăng thêm 1,1 triệu tỷ đồng trong năm nay, so với 990.000 tỷ nếu tăng trưởng tín dụng 18%. Tổng dư nợ của toàn nền kinh tế đến cuối năm 2017 theo mục tiêu mới ước tính sẽ lên 6,6 triệu tỷ đồng.

Đây có thể là tiền đề để NHNN dễ dàng cấp thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với những ngân hàng sắp hết “room” sau nửa đầu năm 2017.

Theo đánh giá của CTCK TP.HCM (HSC), tín dụng tại thời điểm cuối tháng 6 đã tăng khoảng 9% so với đầu năm nên tín dụng 6 tháng cuối năm tăng tốc nhẹ cũng có thể đạt được mục tiêu mới được Thủ tướng đưa ra. Theo đó, nếu NHNN cho phép các NHTM đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu 20%, ước tính lãi trước thuế 7 ngân hàng niêm yết có thể tăng 32% trong điều kiện giữ nguyên lãi suất.

Thực tế nhiều ngân hàng cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng ngay từ đầu năm, gồm kế hoạch kinh doanh với tăng trưởng định mức và một kế hoạch nếu NHNN đồng ý tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Đơn cử như VIB, ngân hàng này đã đặt ra 2 phương án về tăng trưởng tín dụng trong năm 2017, tùy theo sự cho phép của NHNN. Với phương án tăng trưởng tín dụng 16% ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 702 tỷ đồng nhưng trong trường hợp được NHNN chấp thuận cho nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên 32%, lợi nhuận ước tính của ngân hàng sẽ đạt 750 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng là yếu tố thuận lợi để nhiều ngân hàng mạnh dạn đề xuất “nới room” về tín dụng. Kênh tín dụng tiêu dùng nở rộ, sự thăng hoa của thị trường chứng khoán hay hoạt động đầu tư vào bất động sản đang trở lại có thể giúp dòng tiền có nhiều lựa chọn hơn và nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng lên.

(Theo NDH)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ