Những thay đổi quan trọng về đầu tư vốn nhà nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 32) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 91) về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
PHAN MINH NGỌC
18, Tháng 05, 2018 | 07:21

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 32) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 91) về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

c4882_nhung_thay_doi_quan_trong_ve_dau_tu_von_nha_nuoc

 Phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên đã loại bỏ hàng loạt lĩnh vực như bán buôn xăng dầu, phân phối điện, chiếu sáng đô thị... Ảnh: THÀNH HOA

Những nới lỏng, mở rộng

So với Nghị định 91, Nghị định 32 có nhiều điểm nới lỏng, mở rộng đáng chú ý. Thứ nhất, điều 4 được bổ sung khoản 7, theo đó, chủ sở hữu đối với vốn nhà nước hoặc vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc DNNN có vốn đầu tư chuyển nhượng.

Như vậy, theo Nghị định 32 thì chủ sở hữu vốn đầu tư, chuyển nhượng (ra ngoài doanh nghiệp) cũng có thể là DNNN mà không nhất thiết phải là cơ quan đại diện chủ sở hữu (của DNNN). Điều này có ý nghĩa ở khía cạnh nó cho phép DNNN trực tiếp ra quyết định liên quan đến vốn đầu tư, chuyển nhượng (trong một số trường hợp) mà không cần phải trình và xin phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Quy trình như vậy sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, thủ tục, nâng hiệu quả đầu tư, chuyển nhượng vốn. 

Thứ hai, ngoài các lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa kinh tế, xã hội, Chính phủ xem ra vẫn muốn tăng cường sự hiện diện của DNNN trong các lĩnh vực có khả năng sinh lợi cao. Cụ thể, điều 5 về phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập DNNN được bổ sung thêm một số lĩnh vực, đáng chú ý trong đó là lĩnh vực sản xuất các vật phẩm lưu niệm bằng vàng. Khoản 2 điều 12 về phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được bổ sung một số lĩnh vực “màu mỡ” như dịch vụ khai thác khu bay. 

Thứ ba, thay vì bị cấm hoàn toàn trong việc góp vốn hoặc đầu tư vào bất động sản như trong Nghị định 91, Nghị định 32 cho phép những việc này, với điều kiện DNNN không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư. 

Những hạn chế, thắt chặt 

Ngược lại, Nghị định 32 có một số hạn chế, thắt chặt hơn so với Nghị định 91. Thứ nhất, điều 5 Nghị định 32 về phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập DNNN đã loại bỏ lĩnh vực nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng, vốn là lĩnh vực khá tai tiếng trong thời gian qua, là tấm bình phong để khai thác cát trái phép. 

Thứ hai, khoản 2 điều 12 về phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đã loại bỏ hàng loạt lĩnh vực có trong Nghị định 91, gồm khai thác cảng biển; cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông; khai thác khoáng sản (chỉ giữ lại “khai thác khoáng sản quy mô lớn”); chế biến dầu mỏ, khí tự nhiên; sản xuất thuốc lá điếu; bán buôn thuốc phòng, chữa bệnh; bán buôn lương thực; bán buôn xăng dầu; phân phối điện; thoát nước đô thị; vệ sinh môi trường; chiếu sáng đô thị; khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch đô thị; điều tra cơ bản về địa chất, khí tượng; khảo sát, thăm dò, điều tra về tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các loại tài nguyên thiên nhiên; sản xuất, lưu giữ giống gốc cây trồng vật nuôi và tinh đông; sản xuất vaccin sinh phẩm y tế, vaccin thú y; và sản xuất hóa chất cơ bản, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. 

Như vậy, có thể thấy Chính phủ đã xác định rõ những lĩnh vực mà Nhà nước không cần phải duy trì sự hiện diện thông qua nắm giữ cổ phần trong các doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực này, và là những lĩnh vực mà khu vực tư nhân hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt, dù trước đây sự tham gia của DNNN được xác định là thiết yếu, có ý nghĩa kinh tế, xã hội. Tất nhiên, vẫn có loại trừ như ở phần “Những nới lỏng, mở rộng” đã nêu ở trên. 

Thứ ba, về chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài DNNN, vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, Nghị định 32 quy định chi tiết, chặt chẽ hơn nhiều so với Nghị định 91 nhằm đảm bảo việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của DNNN hoặc vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có mục đích đúng đắn, hợp lý, và giá chuyển nhượng ở mức tốt nhất có thể, tránh thất thoát vốn. 

Một trong những điểm khác biệt nổi bật là những quy định liên quan đến tài sản là đất đai. Theo đó, trong việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn, DNNN phải thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn của DNNN đầu tư ra ngoài (hoặc vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên), bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hàng năm).

Đồng thời, khi chuyển nhượng vốn của DNNN đầu tư tại doanh nghiệp khác, DNNN phải rà soát hồ sơ bàn giao doanh nghiệp từ DNNN sang doanh nghiệp khác, gồm có báo cáo về sử dụng đất của doanh nghiệp, và thực tế sử dụng đất của doanh nghiệp khác có vốn góp của DNNN làm cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất khi tính vào giá khởi điểm chuyển nhượng vốn. 

Những quy định trên sẽ tránh được trường hợp các DNNN nắm giữ quyền sử dụng đất, kể cả đất thuê, đặc biệt những mảnh “đất vàng”, cố tình bỏ qua hoặc “quên” không tính đến những lợi thế và giá trị mà chúng mang lại cho ai nắm quyền sử dụng chúng vào trong giá trị phần vốn chuyển nhượng của DNNN hoặc vốn nhà nước. Nó cũng tránh được tình trạng vì những mảnh đất thuê có giá trị được để ngoài sổ sách nên các doanh nghiệp (ngoài ngành) mua phần vốn chuyển nhượng từ DNNN hoặc vốn nhà nước tìm cách mua rẻ DNNN để chuyển đổi công năng thành, ví dụ, bất động sản thương mại cho thuê, bán.

Thứ tư, về chuyện quyền, trách nhiệm, tiền lương, thù lao của người đại diện phần vốn nhà nước, Nghị định 91 chỉ quy định là căn cứ theo điều 48, điều 50 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Nghị định 32 chi tiết hóa những quy định này, kèm với mốc thời gian cụ thể (cho việc báo cáo định kỳ) 

Ngoài ra, Nghị định 32 cũng quy định rất chi tiết (hơn nhiều so với Nghị định 91) về phương thức thực hiện chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của DNNN hoặc vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, đặc biệt là đấu giá theo lô - điều gần như vắng bóng trong Nghị định 91. 

Tóm lại, ngoài một số thay đổi không đáng kể theo hướng nới lỏng, mở rộng hơn, Nghị định 32 đã quy định chặt chẽ, chi tiết và lấp được nhiều lỗ hổng so với Nghị định 91 trước đây, nhất là việc xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn nhà nước liên quan đến đất đai. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, giảm thiểu thất thoát, mất vốn nhà nước trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa.

Theo TBKTSG

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ