Những khó khăn, vướng mắc phổ biến khi thu hồi nợ dưới chuẩn ngân hàng

Nhàđầutư
Đối với những món nợ có giá trị không lớn, khởi kiện đòi nợ tại tòa án hay yêu cầu xử lý hình sự về hành vi chiếm đoạt khi có đủ yếu tố không phải là những lựa chọn mà đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý tư vấn cho chủ nợ áp dụng.
PHẠM VĂN PHẤT
26, Tháng 04, 2023 | 09:30

Nhàđầutư
Đối với những món nợ có giá trị không lớn, khởi kiện đòi nợ tại tòa án hay yêu cầu xử lý hình sự về hành vi chiếm đoạt khi có đủ yếu tố không phải là những lựa chọn mà đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý tư vấn cho chủ nợ áp dụng.

Tại cuộc tọa đàm "Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam", do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 25/4, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và một số doanh nghiệp tài chính tiêu dùng phản ánh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thu hồi nợ. Tỷ lệ khách vay "không trả nợ" ngày càng cao; trong khi đó, chế tài với nhóm khách hàng này chưa có và một số chế tài hiện hữu khó áp dụng trong thực tiễn. Thảo luận tại toạ đàm, các chuyên gia pháp lý đưa ra nhiều góc nhìn cũng như phân tích về các chế tài thu hồi nợ hiện nay. Tạp chí Nhà đầu tư trân trọng giới thiệu bài tham luận của Luật sư Phạm Văn Phất- Trưởng Văn phòng luật An Phát Phạm.

Thu hồi nợ là một trong những khâu mấu chốt của hoạt động cho vay nói chung và hoạt động cho vay dưới chuẩn nói riêng. Chỉ cần gặp một đối tác đang gặp khó khăn về tài chính hoặc cố tình muốn chiếm dụng vốn (thậm chí là cố tình chiếm đoạt) là chủ nợ khó tránh được việc phải tìm mọi cách để thu hồi được công nợ. Mà số lượng các cá nhân, tổ chức đang gặp khó khăn về tài chính hoặc cố tình muốn chiếm dụng vốn có vẻ ngày một đông đảo, có mặt ở khắp nơi khiến cho nhu cầu thu hồi nợ càng trở nên phổ biến. Do đó, muốn phát triển lành mạnh thị trường cho vay dưới chuẩn thì không thể không nhắc đến các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động thu hồi nợ.

Các phương pháp thu hồi nợ hợp pháp là khởi kiện tại tòa án hoặc tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, đó có phải là lựa chọn tốt để đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý tư vấn cho khách hàng là chủ nợ áp dụng hay không thì chúng ta cần cân nhắc đến các khó khăn, vướng mắc phổ biến của các phương pháp này.

Khó khăn, vướng mắc pháp lý trong hoạt động khởi kiện thu hồi nợ

Từ kinh nghiệm thực tiễn của người hành nghề luật sư, chúng tôi xin được liệt kê vắn tắt các khó khăn khi chủ nợ khởi kiện tại tòa án để đòi một món nợ, ngay cả khi đang có sự hỗ trợ pháp lý của luật sư.

Cụ thể, khó khăn khi nộp đơn khởi kiện: Một số tòa án tự hạn chế quyền khởi kiện của cá nhân, tổ chức thông qua việc chỉ nhận đơn khởi kiện một số ngày hoặc buổi trong tuần. Chủ nợ đến tòa vào các ngày hoặc buổi khác sẽ bị từ chối nhận đơn.

Sau khi nhận đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, nhiều trường hợp vẫn bị tòa án yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện thông qua việc yêu cầu cung cấp thêm các tài liệu, chứng cứ khác mà pháp luật chưa đòi hỏi bắt buộc phải có khi nộp đơn khởi kiện. Có tòa án còn trả lại đơn khởi kiện một cách trái pháp luật nhằm mục đích trì hoãn việc thụ lý, giải quyết. Đặc biệt là giai đoạn từ tháng 8 đến hết tháng 9 hàng năm, là thời điểm lấy số liệu thống kê báo cáo kết quả giải quyết các loại án của ngành tòa án.

Sau khi tòa án nhận đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo nhưng nhiều tháng sau vẫn chưa tiến hành thụ lý, giải quyết trong khi theo quy định của pháp luật thì nhiều nhất là 8 ngày sau khi nhận đơn tòa án phải ban hành quyết định xử lý đơn. Đương sự có đơn khiếu nại gửi đến tòa án, viện kiểm sát cùng cấp hoặc tòa án trên một cấp thì đơn khiếu nại cũng không được trả lời.

Nhiều thẩm phán còn yêu cầu người khởi kiện cung cấp xác nhận của công an về địa chỉ của bị đơn thì mới thụ lý đơn khởi kiện.

Nhiều trường hợp, sau gần 1 năm kể từ ngày nhận đơn khởi kiện với nhiều lần gửi đơn khiếu nại, tòa án mới tiến hành thụ lý và để hợp thức hóa việc kéo dài đó, cán bộ tòa án tìm cách yêu cầu người khởi kiện ký lại đơn khởi kiện mới với ngày tháng gần với ngày thụ lý.

Nhiều chủ nợ đi khởi kiện đòi món nợ có giá trị nhỏ khi gặp phải một hoặc các khó khăn nêu trên thì thường có xu hướng từ bỏ việc theo đuổi vụ kiện.

Thời gian giải quyết tại tòa án kéo dài mà không bị kiểm soát: Sau khi tòa án đã thụ lý vụ án thì có thể nhiều tháng sau đó không có một hoạt động tố tụng nào được thẩm phán tiến hành, dẫn đến thời hạn giải quyết vụ án kéo dài.

Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành có một phần (phần thứ 4) quy định về thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn (thời hạn giải quyết ở cấp sơ thẩm không quá 1 tháng 10 ngày). Tuy nhiên, trên thực tế thủ tục rút gọn hầu như chưa được tòa án nào áp dụng. Thủ tục giải quyết việc dân sự cũng có thời hạn giải quyết gần giống với thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, tuy nhiên trên thực tế chúng tôi đã chứng kiến sau hơn hai năm và qua 12 lần mở phiên họp mà có tòa án vẫn chưa giải quyết xong một yêu cầu dân sự.

Sau khi thời gian giải quyết vụ án đã bị kéo dài, nhiều thẩm phán căn cứ vào các lý do không liên quan, không hợp pháp để ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án nhằm hợp thức hóa việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Đương sự có đơn khiếu nại gửi đến tòa án, viện kiểm sát cùng cấp hoặc tòa án trên một cấp thì đơn khiếu nại cũng không được trả lời, hoặc trả lời không chấp nhận khiếu nại.

Sau khi tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử thì nhiều thẩm phán lại tiếp tục cho hoãn phiên tòa nhiều lần, với nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu là hoãn theo đề nghị của bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đương sự có đơn khiếu nại gửi đến tòa án, viện kiểm sát cùng cấp thì đa phần cũng sẽ nhận về kết cục là đơn khiếu nại không được trả lời, hoặc trả lời không chấp nhận khiếu nại.

Sau phiên tòa sơ thẩm thì thông thường đương sự cũng không nhận được bản án trong thời hạn luật định. Nhiều đương sự phải nhiều lần đến tận tòa yêu cầu mới nhận được bản án.

Đối với các vụ án đòi nợ, sau khi có bản án sơ thẩm thì hầu như 100% bán án sẽ bị kháng cáo. Bị đơn (con nợ) kháng cáo không hẳn vì họ nghĩ tòa án xét xử không đúng, mà họ kháng cáo nhằm mục đích kéo dài thời gian giải quyết vụ án để giãn thời gian trả nợ.

Tương tự, thời gian giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm cũng thường bị kéo dài mà không có căn cứ pháp luật. Có trường hợp kéo dài đến cả năm, trong khi thời hạn pháp luật quy định chỉ có 2 tháng.

Giữa giai đoạn xét xử sơ thẩm và giai đoạn xét xử phúc thẩm, thời gian tòa sơ thẩm gửi hồ sơ đến tòa phúc thẩm cũng là một điểm mù trong tố tụng. Cá biệt, có trường hợp sau 6 tháng kể từ ngày cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về cho tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại, vẫn chưa thấy tòa án cấp sơ thẩm thông báo thụ lý sơ thẩm lại, luật sư của nguyên đơn nhiều lần đến cả tòa phúc thẩm và tòa sơ thẩm hỏi về hồ sơ của vụ án thì tòa nào cũng trả lời là không giữ hồ sơ vụ án, tòa phúc thẩm thì đã gửi đi, còn tòa sơ thẩm thì chưa nhận được. Sau nhiều lần kiểm tra, lần tìm theo đường bưu điện, luật sư mới phát hiện là tòa sơ thẩm đã nhận được hồ sơ nhưng cán bộ văn thư lại đưa hồ sơ vào lưu trữ do nhầm lẫn.

Với các khó khăn, vướng mắc pháp lý nêu trên thì có thể thấy rằng, với những món nợ nhỏ, không đủ kinh phí để thuê luật sư hỗ trợ trong quá trình khởi kiện tại tòa, chủ nợ thường có tư tưởng buông xuôi, chịu mất món nợ hoặc lựa chọn phương thức thu hồi nợ không chính thức khác. Thực tế này lại trở thành nguyên nhân chính để các con nợ tiếp tục chây ì việc trả nợ. Vòng luẩn quẩn này nếu không được tháo gỡ, sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ, mới khởi nghiệp, làm ăn chân chính lâm vào cảnh phá sản vì bị nhiều đối tác chiếm dụng vốn, không còn vốn hoặc động lực để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

Khó khăn, vướng mắc ở giai đoạn thi hành án: Cán bộ thi hành án thường có tâm lý không mặn mà với các khoản phải thi hành án nhỏ.

Thời gian giải quyết tại tòa án kéo dài, khiến cho nhiều "con nợ" có khả năng trả nợ đã chuyển thành "không có điều kiện thi hành án". Thời gian giải quyết tại tòa án kéo dài, khiến cho giá trị món nợ vốn đã nhỏ, đến khi được thi hành án lại càng nhỏ hơn, mất giá trị do trượt giá.

341528297_757401616051437_3367889507781852766_n-1033

Luật sư Phạm Văn Phất thảo luận tại cuộc toạ đàm do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức. Ảnh: Trọng Hiếu

Khó khăn, vướng mắc pháp lý khi tố cáo con nợ chiếm đoạt tài sản

Dấu hiệu vi phạm hành sự của con nợ

Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 35 Điều 1 của Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018, thì người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4 triệu đồng trở lên hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Thứ nhất là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

Thứ hai là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Như vậy, không khó để thấy rằng, trường hợp các khách hàng có khoản vay tiêu dùng từ 4 triệu đồng trở lên (tức nhận được tài sản của chủ nợ bằng hình thức hợp đồng) nếu đến thời hạn trả nợ mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả là có dấu hiệu của hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trên thực tế, chủ nợ thường không thực sự muốn con nợ phải chịu trách nhiệm hình sự vì một món nợ dù nhỏ hay lớn vì họ nghĩ rằng nếu con nợ phải chịu hình phạt tù, cơ hội thu hồi món nợ của họ càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, các chủ nợ đều có tâm lý muốn tạo áp lực để con nợ nhanh chóng thanh toán món nợ thông qua việc tố giác hoặc báo tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm của con nợ.

Khó khăn khi tố cáo tội phạm chiếm đoạt tài sản

Các đơn tố giác, tin báo về tội phạm mà chủ nợ gửi cơ quan điều tra tố cáo hành vi có dấu hiệu phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" của người vay thì hoặc là không được phản hồi, hoặc là được phản hồi với nội dung "vụ việc không có dấu hiệu hình sự" và hướng dẫn người gửi đơn yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng vay.

Trường hợp đơn tố giác, tin báo về tội phạm được phản hồi thì cũng hiếm khi được trả lời trong thời hạn luật định (20 ngày hoặc 2 tháng đối với vụ việc có tính chất phức tạp - Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự). Người gửi đơn cũng không có cách thức hợp pháp nào để theo dõi hay kiểm soát quá trình xử lý đơn.

Có những trường hợp sau khi nhận được đơn tố giác, tin báo về tội phạm, cơ quan điều tra không phản hồi với nội dung "vụ việc không có dấu hiệu hình sự" nhưng cũng không ra quyết định khởi tố vụ án mà lại ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết đơn, thậm chí nhiều lần tạm đình chỉ với các lý do khác nhau.

Từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực đến nay, chưa rõ cơ quan điều tra đã khởi tố bị can nào về hành vi không trả tiền vay đến hạn, mặc dù có điều kiện, khả năng trả nợ hay chưa?

Tóm lại, đối với những món nợ có giá trị không lớn, khởi kiện đòi nợ tại tòa án hay yêu cầu xử lý hình sự về hành vi chiếm đoạt khi có đủ yếu tố không phải là những lựa chọn mà đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý tư vấn cho chủ nợ áp dụng. Muốn thu hồi những khoản nợ này, bên cho vay cần phải tìm ra giải pháp khác thay thế. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ