Nhà máy đường lớn nhất miền Tây tạm dừng sản xuất vì người dân từ chối bán mía

Nhàđầutư
Đây là thông tin được Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam trả lời phóng viên Nhadautu.vn về nguyên nhân nhà máy sản xuất đường lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) Phụng Hiệp tạm dừng sản xuất mới đây.
THIÊN KỲ
27, Tháng 10, 2023 | 14:53

Nhàđầutư
Đây là thông tin được Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam trả lời phóng viên Nhadautu.vn về nguyên nhân nhà máy sản xuất đường lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) Phụng Hiệp tạm dừng sản xuất mới đây.

mia-an-hoa-1508

Ngành mía đường miền Tây ngày càng sa sút. Ảnh: An Hòa

Casuco liên tục báo lỗ, tạm dừng sản xuất nhà máy đường

Ngày 19/10, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) ra nghị quyết Nghị quyết đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thống nhất phương án dừng sản xuất niên vụ 2023-2024 của nhà máy đường Phụng Hiệp.

Thông tin này được xác thực tại văn bản số 31/NQ-CASUCO/2023 về Nghị quyết ĐHĐCĐ Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ được ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Casuco ký cùng ngày.

Theo đó, bên cạnh tạm dừng sản xuất nhà máy đường Phụng Hiệp, Casuco sẽ thực hiện giải quyết lao động theo quy định và các tồn tại có liên quan.

Theo báo cáo của Casuco niên vụ 2022-2023 vừa qua Nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ ép được 14.516 tấn mía (kế hoạch ban đầu là 80.000 tấn), với kết quả hoạt động lỗ trên 21,3 tỉ đồng (kế hoạch ban đầu là lãi 2,02 tỉ đồng).

Trước đó, Casuco đã đưa ra hai phương án sản xuất cho Nhà máy đường Phụng Hiệp trong niên vụ 2023-2024.

Cụ thể phương án 1 là tiếp tục chạy nhà máy với điều kiện giá thu mua mía tối thiểu bằng giá mía chục (tối thiểu 2.200 đồng/kg ở thời điểm xây dựng phương án); sản lượng thu mua đảm bảo công suất dao động từ 2.300-2.500 tấn/ngày.

Phương án 2 là tạm dừng sản xuất Nhà máy đường Phụng Hiệp niên vụ 2023-2024. Tổng chi phí hạch toán khi tạm dừng sản xuất là hơn 26,5 tỷ đồng, gồm các chi phí về khấu hao nhà máy, giải quyết nhân sự nghỉ việc, bảo dưỡng, bảo vệ.

Trả lời Nhadautu.vn về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết: "Theo thông tin từ Casuco, trong vụ 2023-2024 sắp đến nhà máy chỉ có thể hoạt động đủ công suất nếu giá thu mua mía tối thiểu bằng giá mía chục - tương ứng tối thiểu 2.200 đồng/kg. Điều đó có nghĩa là người nông dân đã có đầu ra tiêu thụ với giá tốt hơn. Còn với nhà máy, với giá mua mía như vậy sẽ dẫn đến giá thành đường từ mía sẽ cao hơn giá đường trên thị trường, như vậy là không hiệu quả".

Như vậy theo ông Lộc việc tạm dừng nhà máy Phụng Hiệp không ảnh hưởng gì đến nông dân và là quyết định rất khó khăn đối với Casuco.

Người đứng đầu VSSA nhận định việc tạm dừng sản xuất nhà máy Phụng Hiệp là phương án hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay. Bởi đối với ngành đường việc tạm dừng nhà máy Phụng Hiệp cũng không ảnh hưởng lớn đến sản lượng chung, vì năm ngoái nhà máy cũng chỉ ép được 14.000 tấn mía (chiếm 0,14% sản lượng ngành).

Việc tạm dừng hoạt động nhà máy của Casuco là hợp lý trong hoàn cảnh công ty, và cũng phù hợp với Chỉ thị số 28 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường trong tình hình mới khi chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém theo quy luật kinh tế thị trường.

Trao đổi thêm với phóng viên về nguyên nhân khiến Casuco cho tạm dừng nhà máy sản xuất đường lớn nhất miền Tây, ông Lộc cho hay, trong niên vụ sản xuất 2022-2023, giá thu mua của Casuco từ 1.380-1.420 đồng/kg (thuộc loại cao nhất trong nước – người trồng mía đã có lãi), tuy nhiên người dân đã từ chối bán mía cho nhà máy, thay vào đó họ bán mía nước (mía chục) với giá 2.200-3.200 đồng/kg hoặc bán cho các lò thủ công 1.600-1.700 đồng/kg; bán đi Long An, Tây Ninh tiêu thụ có giá hơn 1.400-1.470 đồng/kg.

Mặc dù người dân trồng mía đã nhận đầu tư từ công ty nhưng đến thời điểm thu hoạch mía, bà con nông dân lại phá vỡ hợp đồng, không giao mía cho Casuco như đã cam kết.

"Đây là nguyên nhân từ người nông dân khi họ đã phá vỡ hợp đồng và chọn các đầu ra không ổn định nhưng có giá cao hơn thay vì đầu ra ổn định (hợp đồng đầu tư/bao tiêu với nhà máy) nhưng có giá thấp hơn", người đứng đầu VSSA chỉ rõ.

Phía Casuco cũng cho biết, sẽ bám sát diễn biến thị trường mía chục, mía đi Long An, Tây Ninh để xây dựng kế hoạch phục hồi vùng nguyên liệu cho các vụ kế tiếp, khi đủ điều kiện sẽ tiến hành đưa Nhà máy đường Phụng Hiệp sản xuất trở lại. 

Diện tích trồng mía phía Nam sụt giảm

Như Nhadautu.vn đưa tin trước đây, giá thành sản xuất mía nguyên liệu cao hơn giá bán, khiến cho hàng ngàn nông hộ trồng mía ở tỉnh Hậu Giang phải bỏ mía chuyển sang cây trồng khác.

Thiếu nguyên liệu để sản xuất đã làm nhiều nhà máy đường ở miền Tây đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vĩnh viễn.

Để giúp nông dân chủ động trong sản xuất mía, Casuco đã công bố chính sách đầu tư sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu trong 3 vụ liên tiếp, kéo dài từ năm 2023 đến năm 2026.

Theo đó, khi hộ dân trồng mía có nhu cầu sẽ được công ty đầu tư bằng tiền hoặc vật tư để cải tạo đất, giống mía và mua phân bón và thế chấp bằng sản lượng mía giao cho nhà máy.

Giá trị đầu tư quy đổi bằng tiền cho mía trồng lại không quá 37 triệu đồng/ha và trồng lưu gốc 25 triệu đồng/ha.

Đến vụ, công ty sẽ thu mua toàn bộ sản lượng mía theo hợp đồng đã ký với giá bảo hiểm 1.000 đồng/kg mía sạch 10CSS tại ruộng.

Nếu giá mía thị trường cao hơn giá bảo hiểm, Casuco sẽ điều chỉnh giá thu mua theo giá thị trường.

Báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, địa phương được cho là thủ phủ đường ở ĐBSCL cho thấy, vụ mía 2022-2023 địa phương xuống giống được 3.286ha, giảm 14,48% so với cùng kỳ, phân bổ tập trung ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Đến hết tháng 9/2023, đã thu hoạch được 1.414ha, (chủ yếu bán mía nước), giảm 9,3% so với cùng kỳ.

Trong niên vụ 2022-2023 này, nông dân tỉnh Hậu Giang sản xuất hơn 3.200ha mía (giảm hơn 642ha so với niên vụ 2021 – 2022). Còn ở các tỉnh như Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Bến Tre…, nông dân cũng ùn ùn phá bỏ đồng mía.

Tại huyện Cù Lao Dung, một thời được xem là “thủ phủ” mía của tỉnh Sóc Trăng với diện tích khoảng 8.000ha thì đến năm 2022 chỉ còn 2.700ha mía.

ĐBSCL từ chỗ có 90.000ha trồng mía, nay giảm xuống chỉ còn khoảng 15.000 – 16.000ha. Diện tích mía tập trung ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và một phần ở Cà Mau. Trước đây có 10 nhà máy đường hoạt động, đến 2022, ĐBSCL chỉ còn 3 nhà máy ở Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh hoạt động.

Các tỉnh ÐBSCL từng là vùng mía trọng điểm của cả nước với khoảng 100.000ha, nhưng mấy năm nay, diện tích giảm mạnh xuống còn khoảng 20.000ha và nguy cơ tiếp tục giảm.

Đây không chỉ là khó khăn riêng của ĐBSCL khi diện tích trồng mía của cả nước cũng giảm mạnh gần 200.000ha trong niên vụ trước xuống chỉ còn hơn 120.000ha trong niên vụ này

Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường cho biết, hiện một số khu vực đã có sự suy giảm về sản xuất kinh doanh mía đường là miền Đông Nam bộ và ĐBSCL.

"Cộng hai khu vực này đã giảm từ 22% vụ 2018-2019 xuống còn 11% vụ 2022-2023. Riêng khu vực ĐBSCL vụ 2022-2023 còn 3 nhà máy hoạt động nhưng chỉ còn chiếm 2% sản lượng toàn ngành", ông Lộc cho hay.

Tuy nhiên người đứng đầu ngành mía đường cũng chia sẻ một thông tin lạc quan rằng, hiện có sự tăng trưởng khu vực khác để thay thế và bù đắp cho 2 khu vực vừa nêu.

Cụ thể khu vực miền Trung – Tây Nguyên với lợi thế cạnh tranh về cả nông nghiệp và công nghiệp đã có sự tăng trưởng từ 49% vụ 2018-2019 lên đến 63% vụ 2022-2023 biến khu vực này đã trở thành trung tâm sản xuất mía đường lớn nhất của cả nước.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ