Ngay trước ngày Black Friday, thương hiệu Dolce & Gabbana biến mất khỏi các trang web bán lẻ ở Trung Quốc

Cơn thịnh nộ của người tiêu dùng Trung Quốc bùng phát khi nhà thời trang của Ý phát đoạn quảng cáo trong đó có hình ảnh một phụ nữ Trung Quốc đang cố gắng ăn mì spaghetti bằng đũa.
CHÍ THÀNH
23, Tháng 11, 2018 | 10:07

Cơn thịnh nộ của người tiêu dùng Trung Quốc bùng phát khi nhà thời trang của Ý phát đoạn quảng cáo trong đó có hình ảnh một phụ nữ Trung Quốc đang cố gắng ăn mì spaghetti bằng đũa.

Các trang web thương mại điện tử của Trung Quốc đã loại bỏ các sản phẩm của Dolce & Gabbana trong bối cảnh một cuộc phản ứng ngày một gia tăng trước một chiến dịch quảng cáo của nhãn hiệu thời trang này bị những người nổi tiếng và mạng xã hội ở Trung Quốc coi là phân biệt chủng tộc. 

Dolce Gabbana

Trước phản ứng của người tiêu dùng Trung Quốc, Dolce & Gabbana đã buộc phải dừng các show diễn thời trang tại Thượng Hải. Ảnh Aly Song/Reuters

Những hình ảnh quảng cáo về một phụ nữ Trung Quốc đang dùng đũa vật lộn để ăn mì ống và pizza đã tạo ra một làn sóng chỉ trích từ người tiêu dùng, buộc hãng thời trang của Ý này phải dừng các buổi trình diễn thời trang dự kiến tổ chức ở Thượng Hải.

Sai lầm này, kết hợp với những hình ảnh rò rỉ trên mạng về các cuộc đối thoại riêng tư trên Instagram trong đó nhà thiết kế Stefano Gabbana xuất hiện và có những ám chỉ xúc phạm tới Trung Quốc, đồng thời sử dụng các biểu tượng cảm xúc mặt cười để chế nhạo quốc gia này.

Hãng thời trang cho biết tài khoản của Gabbana đã bị tin tặc chiếm quyền kiểm soát.

Giữa tâm điểm của các cuộc kêu gọi tẩy chay, cơn thịnh nộ này đang đe dọa trở thành trở ngại lớn cho một trong những thương hiệu thời trang lớn nhất của Ý tại thị trường cực kỳ quan trọng này, nơi các đối thủ cạnh tranh như Louis Vuitton và Gucci đang phát triển mạnh mạng lưới bán hàng.

Khách hàng Trung Quốc đang chiếm hơn 1/3 chi tiêu cho các sản phẩm cao cấp trên toàn thế giới và có xu hướng mua hàng ngay tại thị trường nội địa thay vì đi ra nước ngoài mua hàng như trước kia.

Kaola, một nền tảng bán hàng trực tuyến thuộc công ty NetEase của Trung Quốc xác nhận đã loại bỏ các sản phẩm của Dolce & Gabbana trong khi nhà bán lẻ thời trang cao cấp Secoo cho biết họ đã xóa tên thương hiệu thời trang này của Ý trong danh sách các nhà cung cấp từ tối hôm thứ Tư vừa rồi.

Trên Yoox Net-a-Porter, một nhà bán lẻ cao cấp hàng đầu thuộc sở hữu của Cartier, các nhãn hiệu thời trang của Dolce & Gabbana cũng đã biến mất trên các nền tảng của trang bán lẻ này trong biên giới của Trung Quốc.

Hãng tin Reuters cho biết khi kiểm tra trên các trang bán hàng gắn với thương hiệu thời trang Dolce & Gabbana, liên kết với các trang thương mại điện tử thuộc Alibaba Group Holding và JD.com, các lệnh tìm kiếm đều trả về kết quả là con số 0.

Cả Alibaba và JD.com đều không bình luận gì về việc này, và chính cả Dolce & Gabbana cũng chưa ra ý kiến gì về việc các trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc rút nhãn hiệu này ra khỏi hệ thống của họ.

Trong một động thái mới nhất, hãng thời trang Dolce & Gabbana đã đưa ra lời xin lỗi: "Chúng tôi không có ý gì, ngoài sự tôn trọng Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc".

Những người nổi tiếng, trong đó có ngôi sao điện ảnh Trung Quốc Chương Tử Di đã chỉ trích thương hiệu thời trang này của Ý trong khi ca sĩ Vương Tuấn Khải cho biết đã chấm dứt thỏa thuận làm đại sứ thương hiệu của mình với Dolce & Gabbana.

Trên tài khoản Weibo của Đoàn Thanh niên Trung Quốc thì viết: "Chúng tôi hoan nghênh các công ty nước ngoài đầu tư và phát triển cùng Trung Quốc, nhưng các công ty làm việc tại Trung Quốc nên tôn trọng Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc".

Đây không phải là sai lầm đầu tiên của Dolce & Gabbana tại Trung Quốc. Năm ngoái, một loạt các quảng cáo khác cũng từng bị 'ném đá' trên các mạng xã hội tại nước này khi nhắc đến các hình ảnh mặt trái trong lối sống của người Trung Quốc.

(Theo The Guardian/Reuters)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ