Mở rộng khoán, lượng xe công bắt đầu giảm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ khi thực hiện khoán xe công, số lượng xe công đã bắt đầu giảm, cùng với đó là giảm được số lượng nhân viên lái xe, kết quả là giảm được chi phí vận hành, sử dụng xe...
LAN LINH
08, Tháng 06, 2018 | 06:38

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ khi thực hiện khoán xe công, số lượng xe công đã bắt đầu giảm, cùng với đó là giảm được số lượng nhân viên lái xe, kết quả là giảm được chi phí vận hành, sử dụng xe...

Một trong những biện pháp kiểm soát chi ngân sách là khoán xe công. Cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công được quy định từ năm 2007 theo cơ chế tự nguyện nên thực tế trong giai đoạn này còn ít chức danh đăng ký áp dụng, một số bộ, ngành, địa phương đã thực hiện hoặc đang trong quá trình xây dựng phương án để thực hiện nhưng còn mang tính thăm dò, thí điểm. Giai đoạn này, cơ chế khoán xe công cơ bản chưa được thực hiện, cả nước chỉ có một vài trường hợp đăng ký khoán tự nguyện. 

xe-cong

 Có khá nhiều bộ, ngành, địa phương đã và đang từng bước thực hiện phương án khoán kinh phí sử dụng xe công

Đến năm 2015, Thủ tướng có Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg tiếp tục quy định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô theo phương thức tự nguyện nhưng đã làm rõ hơn cách xác định mức khoán kinh phí theo hướng dễ thực hiện, đảm bảo phương tiện cho đối tượng nhận khoán. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án khoán xe, và có khá nhiều bộ, ngành, địa phương đã và đang từng bước thực hiện phương án khoán kinh phí sử dụng xe công. 

Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng... là những nơi đã thực hiện khoán xe công. Trong đó, có một số bộ, địa phương áp dụng khoán mở rộng cho nhiều đối tượng như Bộ Tài chính, UBND TP.HCM, Hà Nội…

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2017 được Chính phủ cập nhật vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội, từ khi thực hiện khoán xe công, số lượng xe công đã bắt đầu giảm, cùng với đó là giảm được số lượng nhân viên lái xe, kết quả là giảm được chi phí vận hành, sử dụng xe. Hiện nay, cả nước có hơn 39.400 xe công, chiếm tới 2,21% tổng giá trị tài sản nhà nước. 

Trong năm 2017, số lượng xe công tăng do mua mới và tiếp nhận là 6.604 xe, trong khi số xe giảm do thanh lý, điều chuyển, tiêu hủy là 2.370 xe. Theo tính toán dựa trên số kinh phí khoán xe 6 tháng đầu năm 2017 so với 6 tháng đầu năm 2016, số tiền tiết kiệm được gần 1,8 tỷ đồng (trung bình mỗi xe tiết kiệm được gần 7 triệu đồng so với khi chưa khoán). 

Bộ Tài chính bắt đầu áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày đối với các chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các doanh nghiệp có tiêu chuẩn xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc từ ngày 1/10/2016; tiếp đến mở rộng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung khi đi công tác (bao gồm cả đi họp) trên địa bàn đóng trụ sở làm việc đối với cán bộ cấp vụ, cục (kể cả các cục thuộc hệ thống ngành dọc ở địa phương) từ ngày 1/5/2017. 

Hà Nội đã thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công từ ngày 20/2/2017 tại 8 cơ quan, đơn vị, có 52 đồng chí thuộc đối tượng thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công, tổng chi phí tiết kiệm so với chi phí thực tế sử dụng cùng kỳ là 1.771 triệu đồng, trung bình một xe tiết kiệm 6,7 triệu đồng/xe/tháng.

TP. Hồ Chí Minh mới khoán xe đưa đón từ nơi làm việc đến nơi công tác. Theo tính toán của thành phố, việc khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng/tháng, tương đương 1,2 tỷ đồng/năm (cho 5 đơn vị thực hiện thí điểm) nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng đủ số km thực tế sử dụng và nhu cầu. 

Bộ Tài chính cho biết, các công việc, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và các chức danh thực hiện khoán được thực hiện bình thường, không bị ảnh hưởng khi áp dụng khoán và đã tạo hiệu ứng tích cực từ nhân dân và truyền thông. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo mở rộng hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô.

Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành hồi đầu năm, sẽ khoán bắt buộc đối với một số chức danh. Kinh phí khoán được thanh toán cho người nhận khoán cùng với việc chi trả tiền lương hàng tháng. Riêng kinh phí khoán trong trường hợp đi công tác được thanh toán cùng với việc thanh toán công tác phí. 

Sau khi tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ bản dự thảo nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, quy định rõ hơn các nội dung về khoán kinh phí sử dụng như đối tượng, công đoạn, hình thức, mức khoán và đơn giá khoán. Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn hình thức khoán để phù hợp với điều kiện thực tế của bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Theo Thời báo Ngân hàng

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25175.00 25177.00 25477.00
EUR 26671.00 26778.00 27961.00
GBP 31007.00 31194.00 32152.00
HKD 3181.00 3194.00 3297.00
CHF 27267.00 27377.00 28214.00
JPY 159.70 160.34 167.58
AUD 16215.00 16280.00 16773.00
SGD 18322.00 18396.00 18933.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18215.00 18288.00 18819.00
NZD   14847.00 15342.00
KRW   17.67 19.30
DKK   3582.00 3713.00
SEK   2293.00 2380.00
NOK   2270.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ