Kỳ vọng gì khi các bộ chỉ số mới ra đời?

Bên cạnh điểm tích cực là có thể thu hút thêm vốn ngoại vào các cổ phiếu hết room thì việc ra đời bộ chỉ số mới cũng gây lo ngại dòng tiền sẽ ngày càng tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn.
ĐĂNG LINH
25, Tháng 11, 2019 | 07:09

Bên cạnh điểm tích cực là có thể thu hút thêm vốn ngoại vào các cổ phiếu hết room thì việc ra đời bộ chỉ số mới cũng gây lo ngại dòng tiền sẽ ngày càng tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn.

e4669_ck_chi_so_1

Sự ra đời các bộ chỉ số mới  được đánh giá là tiền đề cho sự ra đời của các quỹ ETF, qua đó giải quyết bài toán tại các doanh nghiệp đã hết room ngoại. Ảnh: Đầu tư

Ra mắt hai bộ chỉ số mới

Một trong những thông tin đáng chú ý nhất đối với thị trường chứng khoán tuần qua là việc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) ra thông báo chi tiết thành phần bộ chỉ số Vietnam Diamond Index (VN Diamond) và Vietnam Financial Select Sector Index (VNFin Select, bao gồm các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm). Theo đó, bộ chỉ số VN Diamond sẽ có 14 cổ phiếu góp mặt, còn bộ chỉ số VNFin Select sẽ có sự góp mặt của 17 cổ phiếu.

Theo quy tắc được HOSE ban hành trước đó, VN Diamond sẽ có cổ phiếu thành phần là 10-20 cổ phiếu. Tính ưu tiên được xem xét theo FOL (tỷ lệ sở hữu của nước ngoài - room) cao nhất, tiếp đến là giá trị vốn hóa mà nước ngoài có thể mua thấp nhất và giá trị giao dịch bình quân lớn nhất. Các cổ phiếu trong rổ VN Diamond phải đáp ứng lần lượt các điều kiện như vốn hóa trên 2.000 tỉ đồng với các cổ phiếu thuộc VNAllshare và trên 5.000 tỉ đồng với các cổ phiếu còn lại, giá trị vốn hóa mà nước ngoài còn có thể mua tối đa 500 tỉ đồng, giá trị giao dịch khớp lệnh tối thiểu 15 tỉ đồng, FOL tối thiểu 95%...

Bộ chỉ số VN Diamond đã chính thức được công bố với 14 cổ phiếu thành phần, trong đó có tới năm cổ phiếu ngân hàng góp mặt. FPT và MWG là hai cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 15%, xếp tiếp theo là bộ đôi ngân hàng TCB, VPB với tỷ trọng 11,8%. Trong khi đó, CTD là cổ phiếu có tỷ trọng thấp nhất trong rổ VN Diamond với 1,5%.

Sự mất cân đối thanh khoản sẽ tạo sức ép lên mục tiêu duy trì sự phát triển ổn định và bền vững cho thị trường. Khi thanh khoản mất cân đối, mức định giá cổ phiếu cũng như thị trường chung sẽ ít nhiều lệch đi, theo đó dòng vốn đầu tư sẽ có lý do để e ngại hơn nếu muốn đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với VNFin Select, rổ chỉ số chuyên về ngành tài chính này có 17 cổ phiếu góp mặt, bao gồm 10 cổ phiếu ngân hàng (BID, CTG, EIB, HDB, MBB, STB, TCB, TPB, VCB, VPB), hai cổ phiếu bảo hiểm (BMI, BVH), năm cổ phiếu công ty chứng khoán (HCM, SSI, VCI, VND, TVB). Trong đó, sự góp mặt của Chứng khoán Trí Việt (TVB) có phần khá bất ngờ bởi đây là công ty chứng khoán có thị phần cũng như quy mô không lớn trên thị trường. Trong rổ VNFin Select, TVB là cổ phiếu có tỷ trọng thấp nhất với chỉ 0,1%. Không nằm ngoài dự báo trước đó, TCB và VPB là hai cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ VNFin Select với 15%. Xếp tiếp theo là MBB với tỷ trọng 13,5%. Nhóm bảo hiểm chiếm tỷ trọng không quá lớn khi BVH chiếm 2,2% trong khi BMI tỷ trọng chỉ là 0,3%. Với ngành chứng khoán, SSI chiếm tỷ trọng lớn nhất với 2,8%, trong khi HCM xếp ngay sau với tỷ trọng 1,3%.

Về các đợt tái cơ cấu trong năm, HOSE sẽ công bố thông tin cập nhật khối lượng cổ phiếu lưu hành, tỷ lệ free-float (tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với tổng cổ phiếu đang lưu hành), giới hạn tỷ trọng vốn hóa và trọng số điều chỉnh thanh khoản của cổ phiếu thành phần vào thứ Hai lần thứ ba của các tháng 1, 4, 7 và 10 hàng năm. Các thay đổi có hiệu lực áp dụng từ ngày thứ Hai đầu tiên của các tháng tiếp theo. Thời điểm xem xét dữ liệu của HOSE là ngày kết thúc cuối tháng của mỗi quí (cuối tháng 3, 6, 9 và 12 hàng năm).

Kỳ vọng vào dòng vốn ngoại

Sự ra đời các bộ chỉ số mới này được đánh giá là tiền đề cho sự ra đời của các quỹ ETF, qua đó giải quyết bài toán tại các doanh nghiệp đã hết room ngoại. Theo thủ tục quy định, để chính thức đi vào hoạt động, các quỹ ETF đầu tư vào các chỉ số này cần phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, với thời hạn là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ từ công ty quản lý quỹ.

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) hiện cung cấp dịch vụ cho 33 quỹ; trong đó có 28 quỹ mở, hai quỹ ETF và ba quỹ đóng. Tổng giá trị tài sản ròng của 28 quỹ mở đạt 21.120 tỉ đồng. Ngoài ra, VSD mới ký hợp đồng nguyên tắc về cung cấp dịch vụ quản trị quỹ hưu trí cá nhân với bốn công ty quản lý quỹ. Hiện có hai công ty quản lý quỹ nội đang vận hành hai quỹ ETF là VFM và SSIAM. Trong đó, VFM vận hành quỹ VFMVN30 dựa trên chỉ số VN30 còn SSIAM vận hành quỹ SSIAM VNX50 dựa trên chỉ số VNX50. Trong số các bộ chỉ số mới được ra mắt, VN Diamond được kỳ vọng nhất vì có khả năng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các cổ phiếu đã kín room ngoại.

Mặc dù điểm tích cực là có thể thu hút thêm dòng vốn ngoại vào các cổ phiếu hết room nhưng việc ra đời bộ chỉ số mới cũng mang đến lo ngại dòng tiền sẽ ngày càng tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn mà “bỏ quên” các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Thống kê số liệu giao dịch trên HOSE cho thấy, chỉ với 30 cổ phiếu trong danh mục, nhóm cổ phiếu VN30 hiện đang chiếm trên dưới 60% giá trị giao dịch khớp lệnh của toàn sàn HSX. Nếu tính thêm giao dịch tại một số cổ phiếu vốn hóa lớn nhưng chưa thuộc VN30 như POW, HVN, PLX, SXG, HCM, PHR, PVD, GEX... thì 40 cổ phiếu có thanh khoản cao nhất đã chiếm 80,1% giá trị khớp lệnh toàn sàn HSX. Như vậy, chỉ 10% số cổ phiếu niêm yết trên sàn HSX đã chiếm 80% thanh khoản, đồng nghĩa với 90% số cổ phiếu còn lại (336 mã) phải “chia nhau” chưa đầy 20% giá trị giao dịch.

Trong bối cảnh thanh khoản có xu hướng tích tụ tại các cổ phiếu lớn, cổ phiếu của những doanh nghiệp vừa và nhỏ đã và đang ngày càng khó tạo ra sức hút đối với dòng tiền. Với cơ quan quản lý, sự mất cân đối thanh khoản sẽ tạo sức ép lên mục tiêu duy trì sự phát triển ổn định và bền vững cho thị trường. Khi thanh khoản mất cân đối, mức định giá cổ phiếu cũng như thị trường chung sẽ ít nhiều lệch đi, theo đó dòng vốn đầu tư sẽ có lý do để e ngại hơn nếu muốn đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

(Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25455.00
EUR 26817.00 26925.00 28131.00
GBP 31233.00 31422.00 32408.00
HKD 3182.00 3195.00 3301.00
CHF 27483.00 27593.00 28463.00
JPY 160.99 161.64 169.14
AUD 16546.00 16612.00 17123.00
SGD 18454.00 18528.00 19086.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18239.00 18312.00 18860.00
NZD   15039.00 15548.00
KRW   17.91 19.60
DKK   3601.00 3736.00
SEK   2307.00 2397.00
NOK   2302.00 2394.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ